Friday, May 6, 2011

TRẠI LLĐB KHÂM ĐỨC

TRẠI LLĐB KHÂM ĐỨC
12/5/1968
Lời nói đầu: rất ít tài liệu viết về câu chuyện xẩy ra ngày 12 tháng 5 năm 1968. Đó là một câu chuyện rất can đảm trong trận chiến tranh Việt Nam, thực ra trong tất cả các trận chiến tranh. Trong ngày hôm đó, một số quân nhân thuộc Không Lực Hoa Kỳ lái vận tải cơ C-130, phi công trực thăng cùng với phi hành đoàn Lục Quân, TQLC đã quên mạng sống của mình để lo di tản đơn vị phòng thủ Dân Sự Chiến Đấu trại Lực Lượng Đặc Biệt Khâm Đức. Một tiền đồn biễn phòng trong miền nam Việt Nam gần biên giới Lào-Việt.

KHÂM ĐỨC NAM VIỆT NAM
        Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đến Khâm Đức năm 1963. Đây là một khu vực hẻo lánh gần như không có dân cư, thuộc miền viễn tây trong một vùng lãnh thổ mà sau này là quân đoàn I, vùng I chiến thuật VNCH. Cả khu vực chỉ có một ngôi làng nhỏ, nằm lặng lẽ trong thung lũng, xung quanh có những ngọn đồi cao hơn 2000 bộ (feet) bao bọc.
        Chỉ cách biên giới Lào-Việt vài dặm, trại LLĐB Khâm Đức là một điạ điểm rất tốt để đưa những toán biệt kích, viễn thám xâm nhập vào đất Lào. Khi chiến tranh lan rộng, gia tăng cường độ, trại LLĐB Khâm Đức có thêm nhiệm vụ, huấn luyện các đại đội Dân Sự Chiến Đấu. Các đại đội DSCĐ này được tuyển mộ từ các sắc dân thiểu số trong miền nam và đưa lên Khâm Đức huấn luyện, sau đó đưa ra các trại LLĐB biên phòng.
        Trại LLĐB Khâm Đức được thiết lập chỉ cách ngôi làng một quãng ngắn, để cho các dân sự chiến đấu được sống gần gia đình. Trong vòng 5 năm trước ngày định mệnh “Ngày Lễ Của Mẹ” (Mother’s Day, 12 tháng 5), hàng tấn dụng cụ, vật liệu, đồ tiếp tế được phi cơ vận tải C-130, C-123 thuộc Không Lực Hoa Kỳ đưa vào trại thường xuyên. Để cho phi cơ vận tải lên xuống dễ dàng, một phi đạo dài 6000 bộ (feet) được xây dựng, nằm trong thung lũng giữa trại LLĐB và ngôi làng Thượng.
        Trận tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, làm cho trại LLĐB Khâm Đức tăng lên độ quan trọng chiến thuật. Trong hai ngày 6 và 7 tháng Hai năm 1968, trại LLĐB Lang Vei rơi vào tay quân đội Bắc Việt. Cũng trong cùng thời gian, 5000 TQLC/HK và một tiểu đoàn BĐQ/VN (TĐ37/BĐQ) nằm trấn giữ căn cứ Khe Sanh 77 ngày, chống lại 20000 quân Bắc Việt bao vây căn cứ. Căn cứ Khe Sanh chỉ cách trại LLĐB Khâm Đức chừng 100 dặm về hướng bắc. Đến cuối tháng Tư 1968, trại LLĐB Khâm Đức là tiền đồn biên phòng cuối cùng còn sót lại ngoài quân đoàn I và vị trí chiến lược của căn cứ đã được cả hai phiá (Đồng Minh/CS) để ý.
        Sau khi trận bao vây căn cứ Khe Sanh chấm dứt, quân đội Bắc Việt di chuyển về hướng nam... Khâm Đức. Họ đưa quân lên chiếm những ngọn đồi bao quanh trại LLĐB Khâm Đức và phi đạo trong thung lũng, và đến hết tuần lễ đầu trong tháng Năm, quân đội Bắc Việt đã sẵn sàng để tấn công. Trung đoàn 1, sư đoàn 2 Bắc Việt được trang bị đầy đủ vũ khí, tiếp liệu và quân số đã trên chân quân phòng thủ trại LLĐB. Các cấp chỉ huy quân đội Đồng Minh đã có thể nhìn thấy trước mắt một trận Lang Vei thứ hai sắp xẩy ra.
        Bộ tư lệnh Quân Viện (MACV) tức tốc ra lệnh đưa thêm quân lên tăng cường trại LLĐB Khâm Đức. Trước khi viện binh ra đến nơi, quân đội Bắc Việt đã bắt đầu tấn công vào sáng sớm hôm thứ Sáu ngày 10 tháng Năm 1968.
        Những quả đạn súng cối rơi xuống các tiền đồn nằm bên ngoài căn cứ trước 3 giờ sáng. Sau đó bộ binh Bắc Việt tấn công với sự yểm trợ của súng đại liên và đại bác không dật 57, 75 ly. Từ trên các cao điểm, họ bắn đại bác không dật rất chính xác vào các vị trí phòng thủ của quân đội Hoa Kỳ và VNCH. Bốn mươi lăm phút sau, địch quân mở mũi tấn công thứ hai vào một tiền đồn cấp đại đội phòng thủ vững chắc trên ngọn núi Ngok Tavak.
        Ngok Tavak nằm cách trại LLĐB Khâm Đức khoảng năm dặm, nơi dòng sông xuôi về hướng nam. Tiền đồn này được một đại đội 113 dân sự chiến đấu bảo vệ, cùng với 8 cố vấn LLĐB, 3 cố vấn Úc Đại Lợi (Australia). Trong căn cứ còn có một trung đội pháo binh TQLC/HK, với 33 quân nhân thuộc pháo đội D, tiểu đoàn 2, trung đoàn 12 TQLC/HK.
        Ngày hôm trước, Ngok Tavak nhận thêm một trung đội dân sự chiến đấu đến từ Khâm Đức. Trung đội này được trao cho nhiệm vụ trấn giữ phòng tuyến bên ngoài tiền đồn. Trung đội này đã bị địch quân gài nội tuyến, nên khi quân đội Bắc Việt mở trận tấn công, mấy tên nội tuyến chạy vào bên trong nơi tuyến phòng thủ TQLC/HK có hai khẩu đại bác, ném lựu đạn vào.
        Đến 5 giờ sáng, tiền đồn Ngok Tavak, rải rác những xác chết và những người bị thương Việt, Mỹ. Địch quân tấn công vào tuyến phòng thủ hướng đông, trực thăng võ trang được gọi lên oanh kích sát ngay tuyến phòng thủ bên trong, mặc dầu rải rác trong đó có xác hoặc người binh sĩ bị thương thuộc quân bạn. Đó là cách duy nhất để cứu những người còn sống sót.
        Khi trời sáng, cố vấn Úc Đại Lợi (LLĐB/SAS Úc) chỉ huy dân sự chiến đấu, phản công, đẩy lui địch quân ra khỏi tuyến phòng thủ để TQLC/HK phá hủy hai khẩu đại bác. Tiếp theo là đoàn trực thăng Hoa Kỳ đổ xuống tiền đồn thêm 45 dân sự chiến đấu đến tiếp viện và di tản những người bị thương nặng. Trong lúc đổ quân, một trực thăng trúng đạn nơi thùng xăng phải đáp khẩn cấp, một chiếc khác bị hỏa tiễn điạ-không bắn rơi, nổ tung như quả cầu lửa. Khi chiếc trực thăng cuối cùng rời tiền đồn Ngok Tavak, hai quân nhân LLĐB/VN một Hoa Kỳ bám theo càng trực thăng, tất cả đều bị rơi xuống, chết trong rừng.
        Bị đẩy lùi ra những triền núi xung quanh Ngok Tavak, quân đội Bắc Việt tiếp tục pháo kích súng cối vào căn cứ. Ngok Tavak gửi công điện, yêu cầu được rút lui, nhưng không được chấp thuận. Họ được lệnh nằm chờ thêm quân lên tiếp viện.
           Trong phi trường Tân Sơn Nhất, trung sĩ Không Quân Mort Freedman sau khi gác điện thoại, lên tiếng gọi người bạn thật to “Nhanh lên Jim. Mình có nhiệm vụ”. Trung sĩ Jim Lundie cùng với Freedman lên chiếc xe Jeep đặc biệt của họ chạy lại một phi cơ C-130 đang đậu trong phi trường. Chiếc xe Jeep, cũng đi theo họ, đằng sau xe là máy móc truyền tin trị giá 60000 đô la, đó cũng là vũ khí của hai quân nhân Hoa Kỳ.
        Hai trung sĩ Freedman và Lundie là “chuyên viên hành quân”, điều hành không trợ. Họ được huấn luyện đặc biệt như LLĐB nên được phép đội mũ beret xanh, mặc dầu cả hai thuộc quân chủng Không Quân. Cùng đi với họ là thiếu tá John Gallagher, phi công C-130, ba người cùng chiếc xe Jeep lên một chiếc máy bay C-130 đợi sẵn theo lệnh của MACV, đưa họ đến trại LLĐB Khâm Đức để điều động cuộc di tản.
        Nhiệm vụ của ba người là “điều không”, xắp xếp những chuyến C-130 đem đến trại vũ khí nặng, đạn dược, đồ tiếp vận, và một tiểu đoàn thuộc lữ đoàn Bộ Binh Nhẹ 196, thuộc sư đoàn Americal, từ căn cứ Chu Lai lên tăng viện. (sư đoàn Americal là thủ phạm trong vụ Mỹ Lai).
        Trong khi đó tiền đồn Ngok Tavak đã hết sức chịu đựng các đợt tấn công, pháo kích của địch. Đạn dược cũng đã gần cạn, cùng với các đồ tiếp liệu. Tinh thần quân phòng vệ đã xuống, ít người tin tưởng nơi viện binh. Đến trưa, binh sĩ phòng thủ tiền đồn Ngok Tavak, gom súng ống, cùng với tất cả đồ trang bị tiếp liệu không đem theo được, ra đốt. Họ xử dụng ống phóng hỏa tiễn M-72 bắn cháy chiếc trực thăng lâm nạn để khỏi lọt vào tay địch quân. 
        Cuộc rút lui trong vội vã, dưới hỏa lực của địch buộc lòng các quân nhân Hoa Kỳ phải bỏ lại xác chết đồng đội. Trong đó có y tá Thomas Perry, người vừa mới đến buổi sáng hôm đó để chăm sóc thương binh. TQLC/HK lập một toán gồm 11 binh sĩ đi tìm thi hài của đồng đội (Perry). Trong khi đó LLĐB Việt-Mỹ, Úc phân tán ra từng toán nhỏ len lỏi, thoát qua được vòng vây của lính Bắc Việt. Năm tiếng đồng hồ sau khi quân đội Bắc Việt tràn ngập Ngok Tavak, hầu hết các quân nhân LLĐB được trực thăng cấp cứu đi tìm, cứu thoát, kéo lên từ trong rừng sâu. Mười một binh sĩ TQLC Hoa Kỳ cùng với y tá Thomas Perry, không một ai trở về, họ bị coi như mất tích cho đến ngày nay.
        Khi chiếc C-130 cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất, chở theo toán “điều không” đến không phận trại LLĐB Khâm Đức, ba quân nhân thuộc Không Lực Hoa Kỳ cảm thấy thích thú. Họ đã từng đến Khâm Đức trước đó và cho rằng khung cảnh đồi núi trong khu vực thật hùng vĩ... thật yên bình. Phi đạo Khâm Đức cũng thuộc loại tốt nhất, được công binh Hoa Kỳ xây thật chắc chắn. Cả ba người vẫn cứ tưởng rằng đến Khâm Đức để xắp xếp, điều động mấy chiếc phi cơ vận tải đem đồ tiếp tế đến cho trại LLĐB... Như một chuyến đi dạo trong công viên.
        Giấc mơ của ba người biến mất khi chiếc C-130 đáp xuống. Phi đạo Khâm Đức không còn tốt như xưa nữa, cả ba người lo đem đồ nghề xuống gấp rút, xe Jeep cùng với một phòng nhỏ (trailer) để họ làm việc, dưới tiếng đạn pháo kích của địch. Chưa đầy một phút sau, một viên đạn súng cối nổ tung, làm hư hại cái trailer của họ. Cả ba người nhẩy vội lên chiếc xe Jeep, chạy đến gần một giao thông hào phòng thủ. Địch quân vẫn pháo kích, Lundie và Freedman dựng cột antena lên để liên lạc với các phi cơ vận tải C-130 đang trên đường đến.
        Trung sĩ Lundie chạy trở lại cái trailer đã bị hư hại lấy bình điện để chạy máy truyền tin. Trong lúc hối hả, tháo rỡ bình điện, Lundie bị gẫy tay, được một y tá LLĐB băng bó và khuyên anh ta nên đón chuyến C-130 sắp đến về Cam Ranh nhưng Lundie từ chối, ở lại với bạn.
        Rồi các chiếc vận tải cơ C-130 đến đổ xuống Khâm Đức một tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 196 Bộ Binh Nhẹ cùng với súng đạn, đồ tiếp vận của họ. Tiểu đoàn Bộ Binh Hoa Kỳ vào vị trí phòng thủ xung quanh phi đạo, những cao điêm trong khu vực Khâm Đức ngay tức khắc. Toán “điều không” đã hoàn thành nhiệm vụ, hướng dẫn tất cả mười một chuyến C-130 đáp xuống phi đạo Khâm Đức, dưới tiếng đạn pháo kích của địch.
        Đêm hôm đó (11 tháng Năm 1968), các tiền đồn bên ngoài trại LLĐB Khâm Đức đều báo cáo quân đội Bắc Việt đưa một đơn vị cấp lớn vào bao vây căn cứ. Các tiền đồn này sau đó mất liên lạc và đến sáng hôm sau, lệnh di tản được ban hành.

DI TẢN TRẠI LLĐB KHÂM ĐỨC
        Từ mấy năm qua, trại LLĐB Khâm Đức là một căn cứ thâu thập tin tức tình báo về các cuộc chuyển quân của quân đội Bắc Việt trên hệ thống đường mòn HCM. Đơn vị Nghiên Cứu Quan Sát (SOG – NKT) cũng xử dụng trại LLĐB này làm căn cứ hành quân tiền phương (FOB) cho những toán biệt kích xâm nhập vào đất Lào, dò thám, đánh phá các binh trạm, cơ sở hậu cần của địch. Trong mùa Xuân năm 1968, quân đội Bắc Việt đã quyết định thanh toán trại LLĐB biên phòng này. Vào đầu tháng Năm, tình báo quân lực Đồng Minh được biết quân đội Bắc Việt đã đưa vào khu vực núi non xung quanh căn cứ nhiều đơn vị cấp lớn.
        Ngày 10 tháng Năm, trại LLĐB Khâm Đức được quân của lữ đoàn 196 Bộ Binh Nhẹ, không vận từ căn cứ Chu Lai lên tăng cường. Ngày hôm sau, một tiền đồn trên núi Ngok Tavak bị tấn công. Đến buổi tối, đại tướng Westmoreland cho rằng trại LLĐB Khân Đức không đủ sức chống lại trước áp lực của địch quân và không muốn căn cứ bị tràn ngập nên ra lệnh di tản khỏi căn cứ bắt đầu từ buổi sáng ngày hôm sau.
        Trong kế hoạch, cuộc di tản sẽ xử dụng trực thăng, nhưng khi đoàn trực thăng vừa đến trại, tiếng súng địch nổ khắp nơi, bắn rơi một trực thăng, chương trình di tản phải tạm ngưng. Trong vòng vài tiếng đồng kế tiếp, binh sĩ dân sự chiến đấu trong trại hoang mang, sẽ được di tản, hoặc không. Buổi sáng hôm đó, một vận tải cơ C-130 thuộc phi đoàn 21 Không Vận Chiến Thuật do trung tá Darel D. Cole cùng với phi hành đoàn bay lên trại LLĐB Khâm Đức, tiếp tế một kiện hàng lớn, dường như ông ta cùng với phi hành đoàn, căn cứ đang chuẩn bị di tản. Chiếc máy bay vừa ngừng trên phi đạo, một đám thường dân Việt Nam đổ xô lên máy bay làm nhân viên phi hành không rỡ kiện hàng được. Tiếp theo, súng địch nổ dòn và chiếc máy bay trúng đạn nhiều chỗ, một bánh bị trúng đạn xẹp, làm chiếc phi cơ không cất cánh được, phải lết vào chỗ đậu.
        Những người Việt Nam vội chạy ra khỏi phi cơ, nhẩy xuống hào tránh đạn. Phi hành đoàn chiếc phi cơ C-130 cố gắng dùng lưỡi lê, dao găm cắt bỏ chiếc bánh bị trúng đạn xẹp. Trong khi đó một phi cơ vận tải C-123 do thiếu tá Ray D. Shelton lái, đáp xuống đón một nhóm người Việt Nam cùng với binh sĩ Công Binh Hoa Kỳ, rồi vội vàng cất cánh. Phi hành đoàn chiếc C-130 sau khi cắt bỏ được chiếc bánh bị hư, đón được những quân nhân thuộc Không Lực Hoa Kỳ còn lại trong trại, lái chiếc máy bay trúng đạn bay về Cam Ranh. Một nhóm 3 quân nhân Hoa Kỳ khác thuộc toán điều hành không vận, được một chiếc C-130 khác đến đón.
        Trận đánh sơ khởi buổi sáng hôm đó, chỉ xẩy ra xung quanh phi đạo trại LLĐB Khâm Đức. Đã có vài phi cơ, trực thăng bị hỏa lực phòng không của địch bắn rơi, trong đó có máy bay quan sát O-2, viên phi công đáp chiếc máy bay trúng đạn đáp xuống phi đạo an toàn. Qua buổi chiều tướng Westmoreland thông báo cho Đệ Thất Không Lực Hoa Kỳ bắt đầu cuộc di tản bằng vận tải cơ cỡ lớn C-130.
        Chiếc C-130 đầu tiên đáp xuống trại LLĐB để di tản dân sự chiến đấu do thiếu tá Bernard Bucher thuộc phi đoàn 774 Không Vận Chiến Thuật. Thiếu tá Bucher đem được lên phi cơ hơn 200 người Việt Nam vội vã cất cánh bay lên. Chiếc C-130B bị trúng đạn từ hai khẩu đại liên 50 bắn lên, lảo đảo rơi xuống một khoảng vườn, nổ tung. Chiếc AC-130E do trung tá Bill Boyd đáp xuống tiếp theo. Khi cất cánh ông ta chọn chiều ngược lại và bay thoát. Chiếc AC-130 thứ ba đáp xuống, cũng thuộc phi đoàn 21 Không Vận Chiến Thuật do trung tá John Delmore lái. Chiếc này khi đáp xuống đã trúng đạn đại liên, bay mất phần trên (mái, nóc) của buồng lái, hư hại bộ phận điều khiển động cơ máy bay. Trung tá Delmore, cố gắng lái chiếc máy bay bất kiển dụng đáp xuống phi đạo, rồi tách ra ngoài để khỏi làm trở ngại các phi cơ khác lên xuống phi đạo.
        Các phi tuần phản lực được điều động lên đánh xung quanh phi đạo, để cuộc di tản được tiếp tục. Kết qủa chiếc thứ tư đáp xuống, đón người và cất cánh an toàn. Ba chiếc xuống tiếp theo cũng thành công, bay về an toàn.
        Trong khi các vận tải cơ C-130 lên xuống di tản thường dân, dân sự chiến đấu ra khỏi trại LLĐB Khâm Đức, các trực thăng Lục Quân và TQLC Hoa Kỳ lợi dụng địch chỉ lo bắn các phi cơ vận tải, đã vào “bốc” những quân nhân Hoa Kỳ cùng quân binh chủng với họ. Chỉ trong vòng ít phút, khoảng 500 người đã được di tản. Khi chiếc C-130 cuối cùng đem theo toán LLĐB/HK cố vấn của trại LLĐB, một chiếc khác đem vào căn cứ toán điều hành di tản, gồm ba quân nhân mà trước đã được đem đi.
        Cuối cùng LLĐB/HK báo cáo, trại LLĐB đã được di tản với số tổn thất hai vận tải cơ C-130, năm phi cơ khác bao gồm trực thăng, phi cơ thám thính, tất cả bẩy chiếc bị bắn rơi, phải bỏ lại. Tuy nhiên, chuyện sắp tới sẽ là điều đáng ghi nhớ nhất trong cuộc di tản trại LLĐB Khâm Đức.
        Chiếc C-130 thứ tám đưa ba quân nhân Hoa Kỳ đáp xuống trại LLĐB, để làm nhiệm vụ điều hành cuộc di tản. Đó là thiếu tá John Gallagher, một phi công lái C-130 trong phi đoàn 463 Không Vận Chiến Thuật, và hai trung sĩ Mort Freedman, James Lundie. Cả ba người chạy thật nhanh ra khỏi phi cơ vào trong trại LLĐB. Trung tá Jay Van Cleef lái chiếc C-130 đưa họ vào chờ vài phút vẫn không thấy ai trở ra, ông ta cất cánh bay về căn cứ không quân.
        Trong khi đang lấy cao độ, trung tá Van Cleef nghe trên hệ thống vô tuyến rằng, trại LLĐB đã hoàn tất việc di tản. Ông ta trả lời “Không đúng”, vì còn ba quân nhân Hoa Kỳ trong căn cứ. Sau này, ba quân nhân Hoa Kỳ trở về khai rằng, tiếp theo đó là một chuỗi im lặng vô tuyến.
        Chiếc phi cơ kế tiếp, theo thứ tự sẽ bay vào trại LLĐB Khâm Đức là một chiếc C-123 do trung tá Alfred Jeanotte. Ông ta đáp xuống, rồi lại cất cánh vì không thấy có người chạy ra trên phi đạo. Phi hành đoàn trên máy bay, nhìn thấy ba quân nhân Hoa Kỳ đang ẩn nấp dưới một chiến hào, nhưng phi cơ thiếu nhiên liệu nên không thể đáp xuống trại LLĐB lần nữa. Cứu ba quân nhân Hoa Kỳ này là do công của chiếc C-123 kế tiếp, do trung tá Joe M. Jackson lái, phi công phụ là thiếu tá Jesse Campbell, một phi công trong phi đoàn Cảm Tử (Air Commando) 315. Với chiến tích này, trung tá Jackson được ân thưởng huy chương Danh Dự.
        Trung tá Jackson không phải là người duy nhất được thưởng huy chương trong cuộc di tản trại LLĐB Khâm Đức. Thiếu tá Bucher (tử trận, phi cơ rớt nổ tung) được huy chương của Không Lực vì lòng quả cảm của ông ta. Ngoài ra còn nhiều phi công khác thuộc Không Lực Hoa Kỳ được thưởng huy chương Anh Dũng Bội Tinh. Cuộc di tản trại LLĐB Khâm Đức là một ngày chứng tỏ sự hy sinh, lòng can đảm của các phi công Hoa Kỳ.
        Trong khi tất cả báo cáo đều tập trung vào chuyến bay C-123 cuối cùng, đem về được ba quân nhân Hoa Kỳ, và cuộc di tản đã hoàn tất tốt đẹp. Trên thực tế, chỉ độ một nửa (500) trong số 1000 quân nhân, dân sự chiến đấu trong trại LLĐB được các phi cơ vận tải Hoa Kỳ di tản. Số kẹt lại đã phải phân tán ra thành nhiều toán nhỏ, lẩn tránh trong rừng, thoát ra khỏi vòng vây của quân đội Bắc Việt. Trong số đó, chỉ một số ít người may mắn được trực thăng tìm thấy “bốc” đem về (tạm thời trong một căn cứ thuộc LLĐB).
        Ngoài ra, còn một số binh sĩ thuộc lữ đoàn 196 Bộ Binh Nhẹ đang nằm bảo vệ các cao điểm xung quanh căn cứ cũng bị kẹt lại cùng với LLĐB/VN và dân sự chiến đấu. Khoảng mười hai quân nhân Hoa Kỳ thuộc lữ đoàn này sống sót, được trực thăng cứu thoát khi lẩn trốn trong rừng. Một số tử trận và một người bị bắt. Binh sĩ bị địch bắt, đưa ra ngoài bắc và được trả tự do năm 1973 trong đợt trao trả tù binh “Home Coming”.
        Tổn thất trong cuộc di tản trại LLĐB Khâm Đức ngày 12 tháng Năm 1968: 259 thường dân chết (người Thượng), thêm khoảng hơn 100 người chết trong chiếc phi cơ C-130 bị rơi, 25 quân nhân Hoa Kỳ tử trận, LLĐB/VN không thấy nói tới, 2 trực thăng CH-47 Chinook (AC-475, 469), 2 trực thăng CH-46 của TQLC/HK, 2 vận tải cơ C-130 của Không Quân, 1 trực thăng UH-1 Lục Quân, và 1 máy bay quan sát O-2.
Chú thích: Toán A-105 LLĐB/HK nhận bàn giao trại LLĐB Khâm Đức từ liên đoàn 7 LLĐB/HK. Trại LLĐB Khâm Đức nằm trong quận Hiệp Đức, tỉnh Quảng Tín. Trước khi liên đoàn 5 LLĐB Hoa Kỳ qua tham chiến tại Việt Nam, một toán A LLĐB thuộc liên đoàn 1 LLĐB/HK đến lập căn cứ nơi một đồn binh cũ của người Pháp để lại, cũng trong khu vực. Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (MACV-SOG, NKT/TTM) đến Khâm Đức lập một căn cứ hành quân tiền phương (FOB) cho các toán biệt kích SOG/Lôi Hổ xâm nhập vào khu vực miền nam nước Lào, vì trại LLĐB Khâm Đức gần biên giới Lào-Việt. Sau đó, đơn vị MACV-SOG dời căn cứ hành quân tiền phương đi Hớn Quản (B-33) ngày 25 tháng Sáu năm 1965. Một toán A trong chương trình Gamma (B-57, tuyển mộ điệp viên nằm vùng) đến trại LLĐB Khâm Đức làm việc trong khoảng giữa năm 1967. Trại LLĐB Khâm Đức còn có một căn cứ hành quân tiền phương trên núi Ngok Tavak, căn cứ này bị địch tràn ngập một ngày trước khi căn cứ chính di tản ngày 12 tháng Năm 1968. Trại LLĐB di chuyển đến Nông Sơn ngày 1 tháng Sáu năm 1968. Đến ngày 31 tháng Mười năm 1970, trại LLĐB Nông Sơn chuyển giao cho Biệt Động Quân và trở thành tiểu đoàn 78 BĐQ Biên Phòng.
Dallas, TX.
vđh

1 comment:

  1. 2/1967 một toán 8sq+10hsq do đ/u Biền ,tr/u Tống h Huấn hương dẩn vô KH/Đức huấn luyện,thời gian
    hơn 1 tháng,trong lúc huấn luyện tai nạn mìn bẩy làm 1 huấn luyên viên chết,tên ông ta là CONROY
    sau nầy lấy làm tên trại.ghi lai để hồi tưởng 1địa danh hẻo lánh,ít người biết tới và dể cảm ơn nhửng ngươi trai can đảm hào hùng,hảnh diện quyết thỏa chí tang bồng của người trai thời loạn.
    xứng đáng là lính biệt kích VIỆT NAM CỘNG HÒA . Ôi thời oanh liệt nay còn đâu.

    ReplyDelete