TÂN PHÚ (A-23) HIỆP HÒA (A-21)
Trại Lực Lượng Đặc Biệt Tân Phú do toán A-23 gồm 12 quân nhân Mũ Xanh thuộc liên đoàn 5 LLĐB/HK xây dựng và làm cố vấn cho một toán A LLĐB Việt Nam. Trại LLĐB này được xây dựng năm 1963 trên một trại lính cũ do người Pháp để lại, trong tỉnh An Xuyên, dưới vùng 4 chiến thuật. Toán A-23 LLĐB dưới quyền chỉ huy của đại úy Humberto “Rocky” R. Versace, toán phó là trung úy Jame N. Rowe, một sĩ quan chuyên nghiệp tốt nghiệp trường võ bị West Point Hoa Kỳ.
Vì là một trong những trại LLĐB được thành lập sớm trên đồng bằng Cửu Long, các quân nhân Mũ Xanh Hoa Kỳ, Việt Nam, cùng với lực lượng Dân Sự Chiến Đấu, do họ tuyển mộ, huấn luyện, trang bị phải chiến đấu hàng ngày để sống còn, trong khoảng thời gian từ giữa tháng Bẩy cho đến tháng Mười Hai năm 1963. Khu vực trách nhiệm của trại LLĐB Tân Phú nằm trong vùng kiểm soát của địch, và chịu áp lực rất nặng nề.
Trong lịch sử của trại LLĐB Tân Phú, có ghi lại một biến cố “chấn động” trong binh chủng LLĐB Hoa Kỳ và Việt Nam. Đó là trận phục kích của một tiểu đoàn “Chủ Lực Miền” VC xẩy ra ngày 29 tháng Mười năm 1963.
Dựa theo tin tình báo cho biết, một đơn vị địch không rõ quân số đang hiện diện gần khu vực Le Coeur, ban chỉ huy trại LLĐB Tân Phú vội vã tổ chức một cuộc hành quân “Búa Đe”. Theo kế hoạch hành quân, một đại đội DSCĐ sẽ lùa địch quân đến vị trí một đại đội DSCĐ khác đang nằm phục kích và chờ đợi. Không ngờ VC cũng có một kế hoạch phục kích đơn vị xuất phát từ trại LLĐB Tân Phú. Họ tổ chức, bố trí sẵn những ổ súng đại liên, súng cối để tiêu diệt đơn vị DSCĐ của trại. Ngoài ra, địch quân còn tìm cách phá sóng truyền tin, để đơn vị bị phục kích không thể gọi súng cối từ trong trại LLĐB, cũng như đơn vị Pháo Binh 155 ly trong căn cứ Thới Bình yểm trợ. Không liên lạc được, nên Không Quân cũng không vào yểm trợ cho quân bạn đang bị vây khốn.
Trong một quyển sách viết về trận phục kích này, tác giả Leigh Wade nói rằng, đơn vị DSCĐ bị giết khoảng 60 người, một con số tương tự DSCĐ bị thương. Những DSCĐ bị địch bắt, bị trói tay, nằm xấp thành hàng dài và bị bắn vào đầu.
Trong số quân nhân Mũ Xanh Hoa Kỳ bị bắt sống gồm có: đại úy Humberto “Rocky” R. Versace trưởng toán A-23 LLĐB, trung úy James “Nick” N. Rowe toán phó, trung sĩ nhất y tá Dan Pitzer. Cả ba người đều bị thương, được VC tha chết vì chúng muốn bắt sống quân nhân LLĐB Hoa Kỳ để tuyên truyền. Họ bị đưa vào mật khu trong rừng U Minh. Mỗi người bị biệt giam trong “cũi tre”, và bị cùm chân.
Cuối tháng Mười, tại trại LLĐB Hiệp Hòa (A-21), khoảng giữa Saigon và biên giới Việt-Miên, có mấy cán binh VC đến đầu thú, họ nói rằng muốn đào ngũ, trở về với quốc gia. Gần một tháng sau, ngày 24 tháng Mười Một năm 1963, sau nửa đêm, trại LLĐB Hiệp Hòa bị khoảng 400-500 VC tấn công, tràn ngập. Những cảm tình viên với VC làm nội tuyến, giết lính canh gác, chiếm pháo đài đặt súng đại liên, trước khi quân VC vào chiếm trại LLĐB.
Trung úy John Colby toán phó A-21 LLĐB/HK trốn thoát, đại úy trưởng toán Doug Horne may mắn đi với một trung đội 36 DSCĐ ra ngoài, trước khi căn cứ bị nội tuyến, tấn công. Địch quân bắt sống được bốn quân nhân Mũ Xanh LLĐB/HK đang có mặt trong trại. Trong cuộc chiến Việt Nam, trại LLĐB Hiệp Hòa là trại đầu tiên bị tràn ngập.
Những quân nhân bị bắt trong trại LLĐB Hiệp Hoà gồm có: trung sĩ nhất Issac “Ike” Camacho, trung sĩ nhất Kenneth M. Roraback truyền tin, trung sĩ George E. “Smitty” Smith, và hạ sĩ Claude McClure. Lúc mới bị bắt, họ bị giam trong mật khu nơi hướng tây nam Hiệp Hòa, sau đó di chuyển vào rừng U Minh.
“Ike” Camacho lúc nào cũng tìm cách trốn, trong tháng Bẩy năm 1965, anh ta thành công. Anh ta cùng với Smith được tháo cùm, để địch quân có đủ cùm mấy quân nhân Hoa Kỳ mới bị bắt. Và trong một đêm mưa gió, lợi dụng trời tối, Camacho trốn thoát đến làng Minh Thạnh. Anh ta là quân nhân Hoa Kỳ đầu tiên trốn thoát khỏi trại tù binh VC. McClure và Smith được trả tự do trên đất Miên trong tháng Mười Một năm 1965.
Đại úy “Rocky” Versace, trưởng toán A-23 LLĐB/HK trại Tân Phú, là một người nặng tín ngưỡng. Trước đó ông ta đã được nhận vào trường võ bị West Point, nhưng muốn làm linh mục nên chọn trường dòng Mary Knoll, trước khi sang Việt Nam chiến đấu. Ông ta nói thông thạo hai ngôn ngữ Anh, Việt, và đã có “vấn đề” đối với bọn VC khi mới bị bắt. Mặc dầu nhiều người biết đại úy Versace rất có nhiều cảm tình đối với người Việt (thông thạo tiếng Việt), nhưng ông ta rất chống đối chủ nghiã cộng sản, cách mạng... và bọn cai tù cô lập riêng ông ta.
Mấy tháng đầu lúc mới bị bắt, hai đàn em của đại úy Versace là trung úy Rowe và trung sĩ Pitzer thỉnh thoảng trông thấy ông ta. Vẫn bất khuất, tìm cách trốn mặc dầu lúc đó sức khoẻ đã tàn tạ. Đến tháng Giêng năm 1965, mái tóc của ông ta đã bạc trắng.
Ngày Chủ Nhật, 26 tháng Chín năm 1965, đài phát thanh “Giải Phóng”, đọc bản tin hành quyết đại úy Versace và trung sĩ nhất Kenneth Roraback để trả thù cho cái chết của ba tên khủng bố ngoài Đà Nẵng. Nhưng sau đó có tài liệu cho rằng nguồn tin đó không đúng, để “dọa” người Hoa Kỳ, nhưng quân đội Hoa Kỳ đã không mở cuộc điều tra. Trung sĩ y tá LLĐB Pitzer được trả tự do trên đất Miên trong tháng Mười Một năm 1967.
Trung úy James “Nick” N. Rowe sẽ bị hành quyết vào cuối tháng Mười Hai năm 1968. Những cai tù VC đã thấy quá đủ, vì Rowe vẫn không chấp nhận chủ nghiã cộng sản và vẫn luôn tìm cách trốn. Trong tháng Mười Hai năm 1968, hai cai tù áp tải Rowe đến một nơi khác, bỗng một trực thăng Hoa Kỳ đang bay trên không phận rừng U Minh trông thấy ba tên VC trong bộ bà ba đen, lao xuống bắn. Phản ứng nhanh chóng, trung úy Rowe chạy ra khoảng trống đưa cả hai tay lên vẫy. Chiếc trực thăng quay trở lại để bắn tên VC gan lì dám chạy ra khoảng đồng trống. Nhưng khi bay lại gần, thấy tên VC trong bộ bà ba đen, râu ria tùm lum không như người Việt Nam, nên đáp xuống cứu thoát. Chấm dứt 5 năm trong “hỏa ngục”.
Trung úy James Rowe ở lại với quân đội đến năm 1974, lên trung tá rồi giải ngũ. Năm 1987 được gọi tái ngũ và đưa qua Phillipine, huấn luyện LLĐB Phillipine chống du kích cộng sản. Ngày 21 tháng Tư năm 1989, ông ta bị phục kích giết chết.
Trong số bẩy quân nhân LLĐB/HK bị bắt từ hai trại LLĐB Tân Phú, Hiệp Hòa, số phận của hai người, đại úy Versace và trung sĩ Roraback đến nay vẫn không có tin gì thêm.
Dallas, TX.
vđh
No comments:
Post a Comment