HÀNH QUÂN CRIMSON TIDE
Lời giới thiệu: Ngày 13 tháng Mười năm 1966, trung sĩ nhất Charles R. Vessel, trung sĩ nhất Frederick H. Lewis thuộc Không Lực Hoa Kỳ và 40 biệt kích quân Nùng tử trận trong hành quân Crimson Tide. Đây là cuộc hành quân đầu tiên, giải cứu tù binh (đại úy Không Quân Carl E. Jackson), bị VC giam giữ tại một trại giam trong tỉnh Sóc Trăng. Một đại đội xung kích (Hatchet Force) SOG dưới quyền chỉ huy của đại úy Frank Jaks, được trao cho nhiệm vụ hành quân. Cả hai người Lewis, Vessel thuộc trung đội 3. Trực thăng đưa họ vào đúng vị trí của hai tiểu đoàn địch và cả trung đội bị tiêu diệt.
Ngày 18 tháng Mười năm 1966, cuộc hành quân giải cứu tù binh lần đầu tiên trên chiến trường Việt Nam bắt đầu. Cuộc hành quân thất bại nặng nề, với con số tổn thất 12 tử trận, 17 mất tích, rơi hai trực thăng và không cứu được tù binh.
Trong mùa thu năm 1966, đại tá Alderholt một sĩ quan rất nổi tiếng trong Không Đoàn Cảm Tử (Air Commando) được trao cho nhiệm vụ, tổ chức những cuộc hành quân cứu các phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi ở Việt Nam và bên Lào. Sau này được đặt tên chính thức, Trung Tâm Thâu Hồi Nhân Lực Hỗn Hợp (JPRC). Phòng (cơ quan) này là một phần trong đơn vị MACV-SOG ở Saigon, dưới danh hiệu “Bright Light”. Lúc mới bắt đầu, cơ quan JPRC muốn xử dụng Biệt Động Quân để thi hành nhiệm vụ, nhưng quân đội Hoa Kỳ không đồng ý và phải xử dụng lính đánh thuê người Nùng do các quân nhân LLĐB/HK chỉ huy. Về vấn đề không trợ, cơ quan được Không Lực 7 Hoa Kỳ yểm trợ vấn đề chuyên chở quân và hỏa lực.
Trong tháng Chín năm đó, một hồi chánh viên 17 tuổi, đào ngũ trở về qua chương trình Chiêu Hồi, khai với nhân viên tình báo Hoa Kỳ rằng anh ta có trông thấy một tù binh người Mỹ đen trong trại tù binh. Những điều anh ta miêu tả phù hợp với một trung sĩ cố vấn cho đơn vị VNCH. Sau này, tình báo Hoa Kỳ cho rằng người tù binh cũng có thể là đại úy Carl E. Jackson, một sĩ quan Không Quân bị bắn rơi năm 1965. Một quyết định cứu tù binh được ban hành, nhưng cấp chỉ huy trên cao vẫn thấy cần phải có thêm chi tiết về trại giam tù binh của VC. Trong khi ban tham mưu cơ quan JPRC bận lo soạn thảo kế hoạch hành quân, không lực Hoa Kỳ vẫn cố gắng thâu thập thêm tin tức về trại tù binh.
Trong phòng hai tuần lễ, phản lực cơ RF-4 cố gắng chụp không ảnh trại giam giữ tù binh của địch, nhưng không thành công. Nhiều chuyến bay thám thính phải hủy bỏ vì lý do thời tiết xấu, những lần khác, chụp không đúng chỗ. Cuối cùng, một quân nhân trong cơ quan JPRC lái một chiếc máy bay nhỏ, chở theo một phóng viên quân đội, bay thấp ngang qua, chụp được một góc trại tù binh. Người hồi chánh viên nhận diện ra trại tù binh và cuộc hành quân xúc tiến.
Kế hoạch hành quân rất đơn giản, không vận một đại đội lính đánh thuê người Nùng, cùng với các “cố vấn” LLĐB/HK, dưới quyền chỉ huy của đại úy Frank Jaks đến một bãi đáp (khoảng trống) trực thăng gần trại tù binh. Đại đội tập họp lại rồi tấn công trại tù, cứu tù binh. Trước tiên, đại đội xung kích Hatchet Force trên bộ chỉ huy Trung (CCC) ở Kontum, được vận tải cơ C-130 đưa đến phi trường Cần Thơ (căn cứ hành quân tiền phương), sau đó trực thăng Huey đưa vào bãi đáp dưới sự yểm trợ của phi tuần khu trục A1 Skyraider. Sau khi cuộc hành quân kết thúc, cứu được tù binh, trực thăng Huey đến đón đưa về Cần Thơ, rồi C-130 đưa trở về Kontum.
Những chuyện xui xẻo đã đến ngay từ lúc bắt đầu cuộc hành quân. Mấy chiếc phi cơ vận tải C-130 phải ghé nơi khác lấy thêm nhiên liệu trước khi bay lên Kontum nên đến trễ ba tiếng đồng hồ. Khi đoàn quân lên trực thăng để vào vùng hành quân, lúc đó đã trễ bốn tiếng đồng hồ. Tình thế chuyển “bại thành xụi”, thời tiết trở nên xấu với trần mây thấp. Đại đội Hatchet Force được cho biết, không có quân địch trong vòng đường bán kính 12 cây số của trại tù binh, và chỉ có 12 người canh gác. Không ngờ, trực thăng đưa đơn vị tấn công vào giữa cánh đồng trống, xung quanh là hai tiểu đoàn VC, khoảng 1000 quân đang nghỉ ngơi. Thêm nữa, bãi đáp trực thăng nhỏ hẹp, một phần của đại đội Hatchet Force được trực thả xuống cánh đồng bên kia một con kênh và đơn vị bị phân tán làm hai, không tiếp cứu lẫn nhau được.
Khi vào đến bãi đáp, một trực thăng Huey bị bắn rơi, chết một quân nhân LLĐB/HK trung đội trưởng. Bị tách rời khỏi đơn vị lớn (đại đội), mất đi cấp chỉ huy, trung đội 3 biệt kích Nùng chiến đấu trong tuyệt vọng trước các mũi súng của địch, kể cả súng cối. Đơn vị có thể cứu trung đội biệt kích Nùng là Không Lực 7 Hoa Kỳ, thay vì điều động khu trục A1 Skyraider, họ cho phản lực cơ F-100 Super Sabre lên thả bom. Loại phản lực cơ, tốc độ bay nhanh, thả bom không chính xác, rơi vào vị trí quân bạn ở dưới đất làm chết thêm một số binh sĩ Nùng và tiêu hủy thêm một trực thăng Huey. Số binh sĩ thương vong vì bom nhiều hơn vì đạn của địch.
Cho đến ngày hôm sau, đại đội xung kích Hatchet Force mới được trực thăng vào đón. Kết qủa hai quân nhân LLĐB/HK cùng với 11 biệt kích quân Nùng tử trận, và 17 binh sĩ Nùng được ghi nhận mất tích. Coi như cả trung đội bị tiêu diệt và không giải cứu được tù binh. Người tù binh định giải cứu là trung sĩ Edward Johnson, trong một báo cáo được địch quân thả tự do vào năm sau. Đại úy Carl Jackson, vẫn “mất tích” cho đến ngày nay.
Kết luận:
Đây là một thí dụ điển hình, tập trung sự chỉ huy có thể đem lại kết qủa không tốt cho các đơn vị hành quân đặc biệt và nhiệm vụ của họ. Lực lượng (cho) Hành Quân Đặc Biệt phải được tự do làm nhiệm vụ nhanh chóng và có thể thay đổi dễ dàng. Sự sống còn và thành công của họ cần hai yếu tố đó. Đơn vị hành quân cần được đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi. Nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội cho rằng phí phạm tài nguyên, chiến cụ, nhưng thí dụ kể trên cho thấy đơn vị Hành Quân Đặc Biệt cần có phi cơ dành riêng cho họ xử dụng.
Đến khi cuộc hành quân bắt đầu, hơn một tháng thời gian lãng phí đã trôi qua, khi cơ quan tình báo nhận được tin tức về trại tù binh. Theo John Plaster, một cựu biệt kích trong đơn vị MACV-SOG, cơ quan JPRC phải phối hợp một đơn vị cấp lớn Lục Quân, một đơn vị cấp lớn Không Quân, và không dưới tám phòng, ban trong bộ chỉ huy MACV. Làm sao làm việc được, dưới những điều kiện, hệ thống chỉ huy phức tạp. Sự chậm trễ có thể gây tai hại (bị địch giết) cho người tù binh đang bị địch quân giam giữ và khó cho sự thành công của chuyến hành quân, vì yếu tố bất ngờ không còn.
Theo tài liệu:
SOG, The Secret War of America's Commandos in Vietnam -Maj. John L. Plaster, USA (ret)
Air Commando One - Warren A. Trest
Air Commando One - Warren A. Trest
Dallas, TX.
vđh
No comments:
Post a Comment