Friday, May 6, 2011

MỤC TIÊU OSCAR 8


MỤC TIÊU OSCAR 8
BY: SGM WILLIAM (BILLY) wAUGH

GIỚI THIỆU
        Mục tiêu Oscar-8 nằm cách căn cứ Khe Sanh 18 cây số về hướng nam, trên đất Lào. Oscar-8 có chiều dài theo hướng bắc-nam 1 cây số, bề rông theo hướng đông-tây 3 cây số, nằm trong khu vực lòng chảo với vách núi bao quanh theo hình móng ngựa, và được bảo vệ với hỏa lực phòng không rất mạnh mẽ. Đường 922 đi từ hướng tây sang đông ngang qua Oscar-8 vào khu vực thung lũng A Shau (cách khoảng 15 cây số), trong phần đất nam Việt Nam. Có một giòng suối chạy ngang qua mục tiêu Oscar-8, rất thuận tiện cho các đơn vị Bắc Việt lập căn cứ, binh trạm.
        Mục tiêu Oscar-8 được đơn vị SOG chú ý đặc biệt, khi nhận được báo cáo sau đây:
1.      Phi cơ gián điệp U-2 báo cáo, có nhiều xe cộ của địch di chuyển trong khu vực khi trời tối hoặc lúc không có phi cơ thám thính.
2.      Tin tình báo cho biết, trong mục tiêu Oscar-8 lúc nào cũng có một đơn vị Bắc Việt khoảng 1500 binh lính bảo vệ 24/24.
3.      Một báo cáo “đặc biệt, khẩn”, trong mục tiêu Oscar-8 có một sĩ quan cao cấp trong quân đội Bắc Việt (Võ Nguyên Giáp? Tổng Tư Lệnh Quân Đội Bắc Việt) đến thanh tra, thăm viếng.

LỆNH HÀNH QUÂN
        Bộ chỉ huy đơn vị SOG trong Saigon ra lệnh cho bộ chỉ huy Bắc (CCN) ngoài Đà Nẵng, soạn thảo kế hoạch hành quân, cho một đơn vị tấn công mục tiêu Oscar-8, phát xuất từ căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài. Bộ chỉ huy Bắc phải thực hiện những điều sau đây:
1.      Đưa một trung đội Hatchet Force do sĩ quan LLĐB/HK chỉ huy vào khu vực hành quân càng sớm càng tốt (ASAP). Trong trường hợp này có thể xử dụng hai trung đội Hatchet Force với 55 biệt kích quân người Thượng, 4 cấp chỉ huy LLĐB/HK. Đơn vị sẽ được trực thăng đưa vào vùng hành quân, không được chậm trễ hơn ngày 4 tháng Năm 1967.
2.      Phải cố gắng giết hoặc bắt sống sĩ quan cao cấp của địch (Tướng Giáp). Tiêu diệt tất cả những đơn vị của địch gặp phải, trên trục tấn công.

KẾ HOẠCH HÀNH QUÂN
        Ngày hành động (D-Day), trước giờ hành động 1 giờ (H-1, 6 giờ sáng), chín pháo đài bay B-52 bay theo đội hình chiến thuật (V) sẽ thả bom trên mục tiêu Oscar-8.
        Ngày hành động (D-Day), giờ hành động (H, 7 giờ sáng), 58 biệt kích quân thuộc đơn vị Hatchet Force, phát xuất từ căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB-1), Khe Sanh, sẽ được trực thăng CH-46 (giống như CH-47 Chinook của Lục Quân Hoa Kỳ) TQLC/HK đưa vào trung tâm mục tiêu Oscar-8.
        Đơn vị tấn công phải càn quét mục tiêu Oscar-8 đã bị pháo đài bay B-52 dội bom. Tìm cách bắt sống “nhân vật quan trọng” (Võ Nguyên Giáp), tình nghi đang hiện diện trong khu vực.
        Tiêu diệt, phá hủy các căn cứ của địch trong mục tiêu Oscar-8 trước khi triệt xuất vào lúc 3:00 giờ chiều cùng ngày.
        Đơn vị tham dự trận tấn công trở về căn cứ hành quân tiền phương Khe Sanh, báo cáo, tổng kết trận tấn công. Tất cả tù binh phải được đưa đến khu thẩm vấn trong căn cứ.

KẾ HOẠCH KHÔNG YỂM
        Những loại phi cơ được dành sẵn cho đơn vị SOG theo lệnh của bộ tư lệnh Không Lực 7 Hoa Kỳ (The 7th Air Force).
        Chín (9) pháo đài bay B-52 thà bom mục tiêu Oscar-8 lúc H-1 giờ (6 giờ sáng).
        Ba (3) trực thăng CH-46 của TQLC/HK để chở quân, đưa đến bãi đáp, đã chọn sẵn trong mục tiêu Oscar-8.
        Bốn (4) trực thăng H-UID võ trang đánh dọn bãi cho chuyển đổ quân, và yểm trợ cho lực lượng tấn công.
        Hai (2) khu trục A1E (ứng chiến) yểm trợ cho đơn vị tấn công Hatchet Force.
        Ban chỉ huy Không Trợ “Hillsboro” sẽ được thiết lập bay cách mục tiêu Oscar-8 20 cây số, để chỉ huy, điều động tất cả các phi cơ chiến thuật tham dự cuộc hành quân.      
        Bốn (4) phản lực cơ F-4 bay bao vùng, sẽ đến mục tiêu trong phòng 3 phút khi cần đến.
        Hai (2) trực thăng H-34 của đơn vị SOG, ứng chiến trong trường hợp cấp cứu.
        Hai (2) phi cơ thám thính O-1 (FAC) bay bao vùng cho cuộc hành quân.

LẦN THUYẾT TRÌNH CUỐI CÙNG
        Lúc 4:00 giờ chiều ngày 3 tháng Năm 1967, vị chỉ huy trưởng căn cứ hành quân tiền phương (FOB-1) Khe Sanh chủ tọa buổi họp cuối cùng cho các sĩ quan phi công TQLC/HK, đơn vị Hatchet Force, phi công trực thăng H-34 của đơn vị SOG, và phi công FAC. Cuộc hành quân sẽ bắt đầu đúng 7:00 giờ sáng ngày 4 tháng Năm 1967.

DIỄN TIẾN HÀNH QUÂN
        Đúng 4:00 giờ sáng, ngày 4 tháng Năm, phi công FAC, thiếu tá Alexander cất cánh trên chiếc phi cơ quan sát O-2 bay lên do thám khu vực gần mục tiêu. Thời gian bay cho loại phi cơ này từ Khe Sanh đến mục tiêu là 35 phút.
        Phi cơ FAC bay đến mục tiêu từ hướng tây, cách mục tiêu Oscar-8 khoảng 15 cây số về hướng nam. Thiếu tá Alexander thiết lập sự liên lạc với trung tâm hành quân trong căn cứ Khe Sanh, sau đó cùng với người ngồi ghế sau Waugh, chờ đợi trận thả bom của phi cơ B-52, dưới danh hiệu “Pháo Binh Hạng Nặng” (Heavy Artillery).
        Lúc 5:45 phút, tôi cùng thiếu tá Alexander theo dõi đường chân trời nơi hướng đông và hướng nam. Vẫn chưa thấy chiếc phi cơ nào xuất hiện trên bầu trời, chúng tôi hướng về mục tiêu Oscar-8, trông thấy vài đám khói ở dưới, các binh sĩ Bắc Việt chắc đang nấu bữa cơm sáng.
        Đúng 6:00 giờ sáng, ba phi tuần, mỗi phi tuần ba chiếc B-52 thả bom xuống mục tiêu Oscar-8. Chứng kiến trận B-52 thả bom từ xa, khi chiếc phi cơ B-52 cuối cùng ra khỏi tầm mắt, thiếu tá Alexander và tôi (Waugh) biệt kích SOG, ngồi ghế sau phi cơ quan sát bao vùng, bay trên mục tiêu Oscar-8 để quan sát. Chúng tôi nhìn xuống khúc đường 922 đến chân núi, trông thấy ít nhất 30 người Lính Bắc Việt đang lo dập tắt mấy đám cháy. Một nhóm khác khoảng 15-20 binh sĩ Bắc Việt đang lăn những thùng nhiên liệu ra đến chỗ an toàn, tránh những ngọn lửa. Nhiều căn chòi trong căn cứ bị cháy. Và đạn đại liên phòng không 12 ly 7 của quân đội Bắc Việt đặt trên sườn núi bắn lên phi cơ dữ dội.
        Tôi liên lạc với mấy trực thăng CH-46 chở quân đến bãi đáp. Nơi phiá đông mục tiêu Oscar-8, hai trực thăng võ trang TQLC đã vào trước, đang bắn dọn bãi đáp. Cả hai trực thăng võ trang đều bị hỏa lực phòng không bắn rơi gần bãi đáp.
        Chứng kiến hai chiếc trực thăng võ trang bị bắn rơi, cà hai chúng tôi, thiếu tá Alexander và tôi cùng báo động trên hệ thống truyền tin, cho mấy trực thăng chở quân CH-46 tránh ra chỗ khác, đừng đưa quân vào bãi đáp. Nhưng cuộc đổ quân đang tiến hành, không ngưng lại được...
        Cả hai lại phải chứng kiến cảnh hãi hùng, Cả hai trực thăng chở quân CH-46 đều bị bắn rơi, khi chưa đáp xuống bãi đáp. Cả hai chiếc đều trúng đạn phòng không khi còn cách mặt đất khoảng 50-100 thước, rơi xuống bãi đáp. Chúng tôi trông thấy những người lính biệt kích trong đơn vị Hatchet Force đang chạy ra khỏi hai chiếc trực thăng. Bấy giờ mấy khẩu đại liên phòng không trên sườn núi hướng mũi súng xuống bãi đáp, bắn giết đám lính biệt kích còn kẹt trong bãi đáp trực thăng.
        Thiếu tá Alexander cho chiếc FAC O-2 lên cao độ 4000 bộ, liên lạc với ban chỉ huy “không trợ” Hillsboro bay ở độ cao 10000 bộ, tôi báo cáo về vị chỉ huy trưởng căn cứ hành quân tiền phương ở Khe Sanh.
        Chúng tôi quan sát mục tiêu Oscar-8, mấy khẩu súng phòng không Bắc Việt tỏ ra rất hiệu qủa bảo vệ căn cứ. Họ nhắm vào tất cả các máy bay trên vùng trời Oscar-8. Hai trực thăng H-34 vẫn can đảm bay vào bốc những binh sĩ sống sót. Một chiếc bị trúng đạn nổ tung rơi trên đường 922, chúng tôi trông thấy phi hành đoàn trực thăng từ trong chiếc H-34 lâm nạn chui ra, chạy về hướng nam con đường 922.
        Tiếp theo, hai phản lực cơ F4 Phantom lên oanh kích. Chiếc FAC điều động đánh vào sườn núi, để phá mấy khẩu phòng không. Một chiếc F4 bay vòng bảo vệ cho chiếc thứ hai lao xuống bắn hỏa tiễn. Đạn phòng không bắn lên trúng cánh máy bay, chiếc phản lực cơ F4 Phantom nổ tung giữa bầu trời, không thấy cánh dù nào bung ra (phi công nhẩy dù ra), rơi xuống đất bốc cháy như qủa cầu lửa.
        Kế tiếp là hai khu trục cơ A1 Skyraider bay vào tấn công. Một chiếc lao xuống thấp để thả bom Napalm, bị đạn phòng không bắn tung ra nhiều mảnh, đâm vào vách núi, cũng không thấy viên phi công nhẩy dù ra.
        Đúng lúc đó, chiếc FAC nhận được lời yêu cầu “không trợ” từ đơn vị Hatchet Force ở dưới đất. Một sĩ quan chỉ huy cùng 25 binh sĩ Thượng chạy đến tránh đạn nơi hai hố bom. Viên sĩ quan có vẻ không được bình tĩnh, yêu cầu thả bom Napalm hoặc bom Custer cách vị trí phòng thủ của họ 30 thước. Tôi trấn an anh ta trước rồi xin cho biết con số người sống sót chính xác.
        Vị trí của đơn vị Hatchet Force nơi hai hố bom được nhìn thấy dễ dàng nằm giữa hai tấm pa nô mầu đỏ. Tôi nhìn đồng đồ, 8:00 giờ sáng, hai tiếng đồng hồ trôi qua, sau khi các pháo đài bay B-52 trải “thảm bom” trên mục tiêu Oscar-8. Chúng tôi chuyển tiếp yêu cầu “không trợ” lên Hillsboro, họ cũng mục kích trận đánh từ trên cao, cũng như chúng tôi trên chiếc FAC.
        Tôi gọi máy về căn cứ hành quân tiền phương Khe Sanh, gặp trung tá harold K. Rose để báo cáo. Tôi yêu cầu ông ta chuẩn bị giấy viết và ngồi xuống ghế, sợ rằng nghe con số “đại bàng” (phi cơ) bị bắn rơi, ông ta sẽ “chết giấc”.
        Tôi báo cáo như sau: (1), (2), hai chiếc trực thăng chở quân CH-46 bị bắn đứt làm đôi rơi trên bãi đáp. (3) Một trực thăng võ trang rơi trên bãi đáp. (4) trực thăng H-34 vào cứu bị bắn rơi trên đường 922. (5) Phản lực cơ F4 Phantom bị bắn rơi, viên phi công không nhẩy dù ra. (6) Khu trục cơ A1 đâm vào vách núi, cũng không thấy dù bung ra. (7) Vị trí hai hố bom, các quân nhận trong đơn vị Hatchet Force đang cố thủ. 
        Tôi cũng báo cáo, ban chỉ huy “không yểm” Hillsboro đã chuẩn bị tám phi tuần phản lực thay phiên nhau lên oanh kích cách nhau trong vòng năm phút. Ngoài ra Hillsboro cũng đã xin trực thăng CH-53 từ bên Thái Lan qua cấp cứu. Trong khi đó một phi cơ quan sát FAC khác lên bao vùng để chúng tôi quay về Khe Sanh lấy thêm nhiên liệu.
        Khi về đến căn cứ hành quân tiền phương Khe Sanh, tôi trông thấy hai chiếc H-34 thuộc phi đoàn 219 Việt Nam “King Bee” sắp cất cánh. Tôi vội nhẩy lên một trong hai chiếc nắm chân viên phi công Mustachio, nói với anh ta, tôi biết chỗ chiếc H-34 rơi trên đường 922 và phi hành đoàn đang trốn trên rặng núi nơi hướng nam con đường. Anh ta rất sốt sắng cất cánh.
        Chiếc trực thăng bay từ hướng tây đến mục tiêu. Tất cả mọi cặp mắt đều nhìn xuống tìm kiếm dấu vết phi hành đoàn chiếc trực thăng rơi trên đường 922 và bốc cháy. Mustachio và tôi trông thấy có tia sáng phản chiếu từ gương. Lập tức Mustachio lái chiếc trực thăng cũ kỹ H-34 bay vào vị trí phát ra tia sáng phản chiếu từ tấm gương. Chiếc trực thăng trúng đạn phòng không nhiều chỗ, nhưng Mustachi vẫn tìm ra được một khoảng trống nhỏ để hạ thấy chiếc trực thăng xuống. Khả năng này chỉ một mình anh ta làm được.
        Tôi và viên cơ khí trưởng nắm tay ba người phi hành đoàn chiếc trực thăng lâm nạn kéo họ lên trực thăng. Khi đã kéo lên đủ cả ba người, tôi vỗ vào chân Mustachio và anh ta cho chiếc trực thăng bốc lên cao giữa rừng đạn đại liên phòng không. Anh ta tránh đạn bằng cách rẽ chìéc trực thăng qua bên phải, ngang qua những cây nhỏ, cánh trực thăng chém vào cành cây nhỏ cũng... chưa sao.
        Tiếng cánh quạt trực thăng nghe khác thường, một trong bốn cánh đã bị hư hỏng vì chém vào cành cây. Tuy nhiên người phi công thượng hạng Mustachio vẫn lái chiếc trực thăng lết về đến Khe sanh. Tôi nhìn cả ba người trong nhóm phi hành đoàn lâm nạn, cả ba bị phỏng nhẹ, cười nói vui vẻ vừa mới được cứu thoát.

Dallas, TX May 10th 2010
vđh

No comments:

Post a Comment