Friday, May 6, 2011

BIỆT KÍCH DELTA NGŨ HOÀNH SƠN


BIỆT KÍCH DELTA NGŨ HOÀNH SƠN
23/8/1968 KHÔNG ĐÚNG CHỖ, KHÔNG ĐÚNG GIỜ
Jim Tolbert
        Theo sự hiểu biết sâu nhất của tôi, Charles “Chuck” Allen, hiện giờ đã chết, cựu chỉ huy trưởng Hành Quân Delta, bộ chỉ huy B-52, liên đoàn 5 Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ, chưa bao giờ trao cho một đàn em, một quân nhân phục vụ trong Hành Quân Delta điều luật 15, ra trước toà án quân sự.
        Nhưng chuyến trở lại Việt Nam, sau khi được đi phép lần thứ hai (R&R), trung sĩ nhất Harry D. “Crash” Whalen, thường vụ đơn vị, gọi tôi vào trình diện, nói rằng “Bruiser (danh hiệu thiếu tá Allen, chỉ huy trưởng Delta) đã chán ngấy mấy thằng (ba gai) được đi phép một tuần, trở về đơn vị trễ thêm một tuần, viện cớ không xin được phi vụ. Thằng nào làm nữa, tôi sẽ trừng trị thẳng tay để làm gương. Và bây giờ Tolbert, có lẽ anh là người này”.
        Tôi đứng sững trong phòng nhân viên, bộ chỉ huy Hành Quân Delta ở Nha Trang, trở nên đần độn, không biết tính sao. Tôi trở về đơn vị trình diện trễ ba ngày, sau chuyến đi phép bẩy ngày. Và chuẩn bị nhận bản điều luật 15, vào quân lao và ra trước tòa án quân sự. Những kỷ niệm thời ấu thơ, lúc bị phạt sống dậy trong tôi làm tôi nổi nóng, coi trời đất bằng vung, không cần biết đến thường vụ Crash Whalen, chỉ huy trưởng Bruiser, Delta. Tôi lớn tiếng cãi lại “Điều luật 15 là cái đếch gì! Cứ đưa tôi ra tòa án quân sự!”.
        Ông thường vụ Crash cũng đúng phần nào... nhiều tay ba gai đã lợi dụng sự dễ dãi của đơn vị. Trong binh chủng LLĐB, không ai có thể “sỏ lỗ mũi” của bạn, ai cũng biết nhiệm vụ, phần hành của mình.  Chúng tôi không cần phải có người để ý, theo dõi, chỉ bảo như những binh chủng khác trong Lục Quân. Xét lại, tôi dám chắc, người nào cũng “cộng thêm” một, hai ngày vào những ngày đi phép.
        Những điều tôi vừa lớn tiếng nói ra làm ngạc nhiên ông trung sĩ nhất thường vụ Hành Quân Delta. Ông ta hỏi lại bằng giọng nhỏ nhẹ “Đó là lý do cho sự đi phép trễ của anh? Tôi đã nghe rõ ràng. Anh còn lý do nào nữa không?”. Diaz, một hạ sĩ quan hành chánh trong đơn vị cũng nhìn tôi như muốn nói “Hà hà Tolbert! Ông bạn trình diện đúng chỗ, đúng lúc. Thử xem ông bạn “có thuốc” chạy được vụ này không?”
        Tôi trả lời trung sĩ nhất thường vụ Crash “Crash, ông không tin, nhưng tôi đi thăm Bộ Chỉ Huy Bắc (CCN, đơn vị MACV – SOG) ở Ngũ Hoành Sơn (Đà Nẵng), hai ngày cuối cùng”.
        Ngũ Hoành Sơn là tên đặt cho khu vực, có năm ngọn núi đá hoa (marble) nhỏ, cách Đà Nẵng khoảng 10, 12 dặm về hướng nam. Ngũ Hoành Sơn được bao bọc bởi một giòng sông và quốc lộ 1, năm ngọn núi đứng sừng sững, lặng lẽ như canh gác bờ biển. Người dân làng trong khu vực đã lấy đá hoa từ trên núi từ nhiều thế hệ. Họ điêu khắc, trạm trổ đồ vật đá hoa rất đẹp, được trưng bầy bán cho du khách trong những cửa tiệm ngoài phố Đà Nẵng. Lần trước ghé Đà Nẵng, tôi cũng mua một con cá bằng đá hoa, tuyệt đẹp.
        Ngọn núi cao nhất trong năm ngọn có đá hoa mầu hồng, nằm gần bãi biển. Tên riêng của ngọn núi này là Thụy Sơn, hay Kim Sơn tùy theo người trả lời. Trên núi có nhiều hang động và “người anh em ở phiá bên kia” đã có lần xử dụng làm nơi ẩn náu. Một bức tượng Phật lớn nằm ngay yên ngựa, chỗ thấp nhất nối liền hai ngọn núi, nhìn xuống nơi đóng quân của một đơn vị cơ giới TQLC/HK ngay dưới chân núi. Họ (TQLC/HK) đặt trên núi một đại bác không dật 106 ly gần chỗ tượng Phật.
        Từ núi Thụy Sơn nhìn về hướng bắc ra Đà Nẵng, dọc theo bờ biển, có nhiều căn cứ quân sự của người Hoa Kỳ trong đó có phi trường. Bộ chỉ huy Bắc (CCN) cũng có một căn cứ hành quân tiền phương (FOB 4) ở đó, nằm cách một bãi biển rất nổi tiếng “China Beach” đã được dùng làm nơi quay phim khoảng hai cây số về hướng nam. Căn cứ hành quân tiền phương (FOB 4 của đơn vị SOG), có chung bãi biển với bộ chỉ huy C1 Lực Lượng Đặc Biệt, nơi hướng bắc năm ngọn núi Ngũ Hoành Sơn.
        Có lẽ tôi đã “bắt trúng đài”. Nghe câu trả lời của tôi, ông thường vụ Crash chớp mắt, ngước lên nhìn tôi. Ông ta đã nghe nói đến chuyện căn cứ hành quân 4 của đơn vị SOG bị nội tuyến và đặc công tấn công, làm chết 17 quân nhân LLĐB (cũng từ LLĐB được tuyển chọn) Hoa Kỳ. Và cũng như tôi, như nhiều biệt kích Delta khác, có bạn phục vụ trong đơn vị lừng danh SOG (đuợc xem như một huyền thoại trong trận chiến Việt Nam).
        Trung sĩ nhất thường vụ Crash hỏi tôi “Chuyện xẩy ra như thế nào? Những ai bị chết? Và anh làm gì ở đó, nơi Ngũ Hoành Sơn? Anh phải nghỉ ngơi” (quân nhân Hoa Kỳ đi phép được đưa qua Hawaii tắm biển giải trí).
        Tôi trả lời “Tôi trở lại Việt Nam hôm thứ Năm, nhưng không có phi vụ đi Nha Trang, nên ghé vào căn cứ hành quân 4 của SOG thăm bạn bè”.
        Thực sự, hôm đó bộ chỉ huy Bắc (CCN) có buổi tiệc thăng cấp lớn, nên nhiều người về từ khắp nơi. Ngoài ra họ có buổi họp hàng tháng về Hành Quân và Tình Báo, nên tất cả cấp chỉ huy các căn cứ hành quân tiền phương cùng ban tham mưu của SOG đều có mặt. Hơn nữa bộ chỉ huy Bắc (CCN) cũng vừa mới từ ngoài phố Đà Nẵng di chuyển đến căn cứ nơi Ngũ Hoành Sơn, nên hôm đó vui lắm, cũng như ngày đại hội cho tất cả các quân nhân Mũ Xanh.
        Hôm đó trong bộ chỉ huy Bắc rất đông người, mấy phòng ngủ đều chật cứng, nên tôi phải chạy qua bộ chỉ huy C1 LLĐB xin ngủ nhờ và họ cho ở tạm trong dẫy nhà dành cho khách vãng lai, sát bờ biển. Sau khi cất đồ đạc, tôi vào câu lạc bộ uống bia với mấy người bạn. Sau chuyến nghỉ phép, tôi uống không lại và trở về phòng ngủ lúc 11:30 đêm.
        Tôi đang ngủ ngon lành chợt giật mình, súng nổ vang dội như ở dưới điạ ngục. Lúc đó tôi vẫn còn đang mặc quần áo trận, say quá về phòng lêo lên giường ngủ luôn, nên chạy ra cửa phòng quan sát cẩn thận, rồi chạy xuống một căn hầm gần nhất, trong khi đạn lửa xanh đỏ vẫn như đan lưới. Bên kia hàng rào, căn cứ hành quân tiền phương 4 (FOB 4) của đơn vị SOG như sáng rực lên vì khi tiếp liệu bị cháy.
        Tiếp theo là những hỏa châu từ dưới đất bắn lên soi sáng căn cứ để thanh toán những tên đặc công còn sót lại. Tôi nghe nhiều tiếng nổ lớn, hình như trung tâm hành quân FOB 4 cũng bị cháy lan tới. Trong lúc khủng hoảng, tôi không biết phải làm gì, muốn chạy sang tiếp cứu đồng đội, bạn bè nhưng súng đạn không có. Tôi tự hỏi, mình làm được gì hở ông Trời! Tôi đã hết phép từ hôm qua, đúng ra nên có mặt ở Nha Trang... Rõ ràng, tôi đang ở không đúng chỗ, không đúng giờ.
        Một tiếng đồng hồ sau, tôi lần mò vào nhà ăn của bộ chỉ huy C1 LLĐB. Đã có vài khuôn mặt ở đó nhưng họ cũng chẳng biết gì hơn tôi. Tôi lấy một điếu thuốc lá ra châm lửa hút, rồi nguyền rủa quân chủng Không Quân, không có chuyến bay cho tôi ra khỏi địa ngục.
        Lúc đó, trung sĩ nhất Harmon “Preacher” Hodge, thường vụ bộ chỉ huy C1 bước vào trong nhà ăn. Ông ta nói cho mọi người biết “Đặc công đột nhập vào bộ chỉ huy Bắc (CCN). Giữ “cái đít” của các bạn ở chỗ thấp (ngồi bệt xuống đất), và đừng lảng vảng nơi hàng rào ngăn chia hai bộ chỉ huy”. Tôi lắng nghe biết mình hoàn toàn bất lực.
        Ngồi trong phòng ăn được một lúc, tôi lần mò vào trung tâm hành quân, bộ chỉ huy C1, với hy vọng giúp được chuyện gì, hoặc ai đó trao cho tôi khẩu súng. Nhưng C1 LLĐB đang có vấn đề của họ, ba trại LLĐB biên phòng (toán A LLĐB) trực thuộc bộ chỉ huy C1 đang bị tấn công, tất cả mọi người trong trung tâm hành quân đều bận bịu, trả lời điện thoại, liên lạc trên máy vô tuyến, chấm lại bản đồ v.v... Chẳng ai buồn để ý đến sự có mặt của tôi.
        Tôi có một cảm giác hơi lạ, trong bộ chỉ huy C1 LLĐB này, tôi nêu vấn đề chuyển xẩy ra ngay bên cạnh, bộ chỉ huy Bắc của SOG, không một ai thèm để ý. Tôi hỏi một đại úy trẻ và được trả lời “Không đáng bận tâm. CCN có đủ nhân lực để lo chuyện của họ.”
        Trên bầu trời lúc đó có một AC-130 “Spectre” lên bao vùng, bắn xuống từng tràng đại liên minigun sáu nòng. Chiếc phi cơ võ trang bắn dọc theo hướng tây nam căn cứ, ra đến chân núi Thụy Sơn. Khoảng một tiếng đồng hồ trước khi trời sáng, hai trực thăng H-34 thuộc phi đoàn 219 “King Bee” thuộc không lực VNCH đáp xuống bộ chỉ huy Bắc. Tôi biết họ làm việc với đơn vị SOG, nên cảm thấy an tâm. Trận đột kích của đặc công vào bộ chỉ huy Bắc coi như kết thúc.
        Khi trời sáng, trong căn cứ bộ chỉ huy Bắc, một điạ ngục hiện ra, phòng chứa đồ tiếp liệu chỉ còn lại đống tro tàn. Tiếng súng không còn nữa, thay bằng tiếng còi hụ xe cứu thương, kéo lên từng chập. Một đoàn xe cứu thương đến từ bệnh viện dã chiến 95 Hoa Kỳ đậu thành hàng dài ngay trước cổng căn cứ.
        Tổng kết trận đánh, 17 quân biệt kích SOG Hoa Kỳ bị giết, số binh sĩ người Thượng tử trận có lẽ nhiều gấp đôi, mọi người đều công nhận các binh sĩ người Thượng đã cứu sống họ.
        Một trung sĩ liên lạc Không Quân của bộ chỉ huy Bắc, dành cho tôi một chỗ trên chuyến máy bay đi Nha Trang. Ai dè chuyến này vòng về Saigon lấy thêm đồ tiếp liệu cho đơn vị SOG trước khi đến Nha Trang. Tôi đã quá mệt mỏi, đi bộ ngang qua trung tâm hành quân của bộ chỉ huy LLĐB, rồi theo con đường đất đỏ đến khu vực dành riêng cho Hành Quân Delta. Tôi không còn nhớ gì hơn nữa... tôi đã quá mệt mỏi.
        Trung sĩ nhất thường vụ Crash vẫn lắng nghe đầu đuôi câu chuyện. Cuối cùng ông ta nói với tôi “Thôi, trở về toán của anh. Tôi sẽ trình lại “Ông Gìa” (thiếu tá Bruiser) , rồi sẽ cho anh biết sau”. Trung sĩ Diaz vẫn cặm cụi làm việc... trong đầu anh ta lần này như muốn nói “Bạn đã “nói” (lôi kéo) cho bạn ra khỏi đống phân. Tolbert”.
 Dallas,
vđh

No comments:

Post a Comment