Friday, May 6, 2011

ĐÀI TIẾP VẬN HICKORY THẤT THỦ


ĐÀI TIẾP VẬN HICKORY THẤT THỦ
Victor Claveau
         Trong miền nam Việt Nam, nơi cực tây bắc, một cái “yên ngựa” giữa hai đỉnh núi cao, trong khu vực kiểm soát của quân đội Bắc Việt. Bộ chỉ huy Bắc (CCN) bí mật thiết lập một đài tiếp vận truyền tin để liên lạc với các toán biệt kích SOG hoạt động trên đất Lào. Đài tiếp vận Hickory nằm trên một đỉnh núi cao, nơi hướng bắc căn cứ Khe Sanh 2,5 dặm. Hai căn cứ bạn gần nhất là căn cứ hỏa lực Fuller và Carroll cách khoảng 20 dặm về hướng đông.
        Mặc dầu... chỉ là đài tiếp vận truyền tin (viễn thông), nhưng trong đó có một đài bí mật, chuyên môn theo dõi nghe ngóng, chận bắt những làn phát sóng của quân đội Bắc Việt. Căn cứ chỉ rộng khoảng 30 thước, dài 80 thước, do 27 quân nhân Hoa Kỳ và 67 binh sĩ biệt kích người Thượng trấn giữ, bảo vệ. Nhóm quân nhân này bao gồm các đơn vị: SOG, kiểm thính viên, và một tiểu đội thuộc đại đội L, trung đoàn 75 Biệt Động Quân Hoa Kỳ. Đơn vị SOG dưới quyền chỉ huy của trung sĩ Jon Cavaiani, phụ tá là trung sĩ John Jones.
    Sự đe dọa của địch không phải là điều mới lạ, hay ngạc nhiên. Các phân tích gia trong Saigon đã báo động từ mấy tuần lễ trước, quân đội Bắc Việt đang chuyển quân đến bao vây đài tiếp vận nhỏ bé. Trung tá Mike Radke cho biết, chuyện tấn công chắc chắn sẽ xẩy ra, ông ta kể lại “Tôi tiên đoán quân đội Bắc Việt sẽ tấn công trong vòng 72 tiếng đồng hồ, nhưng địch quân đã tấn công trong vòng 24 tiếng”. Vì tầm mức quan trọng, đơn vị SOG cố gắng giữ đài tiếp vận.
        Rạng đông ngày 4 tháng Sáu năm 1971, người lính (Thượng) canh gác chỉ cho trung sĩ Cavaiani thấy một điều lạ nơi hàng rào concertina phòng thủ đài tiếp vận Hickory. Đó là một qủa mìn định hướng Claymore do Trung Cộng sản xuất, tìm kiếm xung quanh, họ tìm ra thêm mười qủa mìn khác. Địch quân lợi dụng trời mưa to đêm trước đã bò lên gài mìn. Cavaiani cầm khẩu đại liên M-60 bắn phá được sáu qủa mìn, rồi một qủa phát nổ, làm mấy binh sĩ bị thương. Rồi thêm một qủa khác nổ làm bị thương thêm một số khác, trung sĩ John Jones cũng bị thương nhẹ.
        Cách đỉnh núi nơi đặt đài tiếp vận khoảng 60 thước, quân đội Bắc Việt đã đào hầm hố, công sự chiến đấu. Ở trên bắn xuống là có tiếng súng đại liên, súng cối, cùng súng phóng hỏa tiễn B-40 bắn lên trả đũa. Trong khi một cặp, hai phản lực F4 Phantom bắn phá các mục tiêu xung quanh tuyến phòng thủ quân đội Bắc Việt, Cavaiani gặp một người kiểm thính viên trẻ tên là Walter Milsap trong pháo đài có khẩu đại liên 50. Cavaiani nhìn người lính Hoa Kỳ đeo kính cận thị nặng, hỏi anh ta “Anh làm gì vào đây?”. Người chuyên viên kiểm thính, dò đài của địch trả lời “Tôi vào đây để xử dụng khẩu đại liên”. Cavaiani nghĩ thầm... Có nhiều người không biết... phải làm gì? Cavaiani cho một binh sĩ Thượng vào phụ với anh ta xử dụng khẩu đại liên, rồi đi quanh phòng tuyến, xem xét lại việc phòng thủ.
        Lúc đó trong đài tiếp vận đã có khoảng chục người bị thương. Cavaiani đang xem xét thương binh, chợt nghe tiếng nổ đạn B-40 trúng vào pháo đài có khẩu đại liên 50, anh ta vừa mới đi ra. Nhìn lên, Cavaiani trông thấy anh lính Milsap đã bị thương đang cố vác khẩu đại liên đặt vào vị trí cũ (bị sức ép rơi xuống đất).
        Thêm một qủa B-40 nữa làm bị thương một đại úy Hoa Kỳ, rồi một qủa đạn súng cối nổ làm chấn động đài tiếp vận. Càng lúc càng có thêm người bị thương bì đạn súng cối, B-40, mảnh đạn không tha một ai, các quân nhân bị thương đủ cả thành phần, đơn vị: Mỹ, LLĐB/VN, Thượng. Tình trạng này kéo dài, đài tiếp vận sẽ không chịu nổi những trận pháo kích của quân đội Bắc Việt, Cavaiani ra lệnh di tản, bắt đầu lúc sớm chiều.
        Khi trực thăng đến di tản, Cavaiani cõng viên đại úy bị thương ra máy bay, cùng với thương binh đi trước. Chiếc trực thăng thứ hai đáp xuống, Cavaiani “nhét” vào bụng chiếc máy bay càng nhiều quân nhân Hoa Kỳ càng tốt, kể cả Milsap. Nhung khi chiếc trực thăng cất cánh, anh ta vẫn còn đó, không muốn đi trước đồng đội.
        Trong khi chờ đợi chuyến kế tiếp, Cavaiani ra lệnh cho Jones và Milsap phá hủy chiếc xe van chở dụng cụ truyền tin để bắt làn sóng truyền tin quân đội Bắc Việt cùng những dụng cụ đặc biệt. Khoảng 4:30 chiều, một chiếc trực thăng đến, gọi máy liên lạc cho Cavaiani chuẩn bị với một lời ngắn gọn “Đây là chuyến trực thăng cuối cùng cho bẩy người”. Cavaiani lớn tiếng phản đối, dưới quyền anh ta vẫn còn con số đông gấp bốn lần! Đơn vị SOG không bỏ rơi những biệt kích quân người Thượng của mình, và anh ta không muốn là người đầu tiên làm chuyện này. Cavaiani đã làm đúng lời nói danh dự của mình, đưa Milsap cùng với 6 người lính Thượng lên chiếc trực thăng cuối cùng.
        Đến lúc đó, Cavaiani đã di tản được 68 người, trong đó có 15 người bị thương. Trong đài tiếp vận còn lại 19 biệt kích quân Thượng, bốn quân nhân LLĐB/VN, Jones (bị thương nhẹ) và Cavaiani. Anh ta vẫn không hiểu chuyện gì đã xẩy ra... Vẫn chưa đến 5:00 giờ chiều, thời tiết rất tốt, trong sáng... và đơn vị SOG không xin được trực thăng để di tản! Điều này khó hiểu!
        Sau đó một trực thăng cấp cứu CH-53 Jolly Green thuộc Không Lực Hoa Kỳ cất cánh từ Thái Lan trên đường đến đài tiếp vận Hickory. Nhưng khi chiếc Sikorsky còn cách bẩy dặm, viên phi công liên lạc cho biết, chiếc trực thăng phải quay về, nếu không anh ta sẽ bị đưa ra trước tòa án quân sự.
        Chuyện bỏ rơi quân nhân đơn vị SOG do sĩ quan cao cấp trong một sư đoàn có nhiệm vụ biệt phái một đơn vị trực thăng cho đơn vị SOG xử dụng. Ông tướng này đã ra lệnh chấm dứt yểm trợ cho đơn vị SOG lúc 5:00 giờ chiều. Khi ông ta biết được, bộ chỉ huy SOG trong Saigon qua “tần số nội bộ”, xin được chiếc “Jolly Green” CH-53, Sikorsky từ bên Thái Lan (Đệ Thất Không Lực Hoa Kỳ), ông ta liên lạc thẳng với bộ tư lệnh MACV... và chiếc trực thăng khổng lồ, Jolly Green phải quay trở về Thái Lan.
        Chuyện xẩy ra trước đó khoảng hai tuần lễ, khi một sĩ quan cao cấp trong bộ tư lệnh sư đoàn, ra lệnh cho đơn vị SOG hoàn trả lại phi đoàn trực thăng đang biệt phái cho bộ chỉ huy Bắc (CCN). Điều này không thể được, đúng lúc đó các toán biệt kích SOG đang chiến đấu cho mạng sống của họ trên đất Lào. Đại tá Pezzelle nói rằng, viên sĩ quan Lục Quân không hiểu thế nào là Chiến Tranh Ngoại Lệ.
        Mặc dầu đại tướng Creighton Abrams tư lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV, lên thay tướng Westmoreland) đã ra lệnh, sư đoàn Bộ Binh (có thể là sư đoàn 101 Nhẩy Dù, hoặc TQLC/HK) phải cung cấp trực thăng cho đơn vị SOG. Nhưng viên sĩ quan Bộ Binh cao cấp biết đi đường vòng. Đại tá đơn vị SOG Pezzelle nói rằng “Họ có nhiều cách để từ chối, viện lý do này, lý do nọ... Trực thăng không có sẵn... Chúng tôi gặp trở ngại trong vấn đề bảo trì... Nhiều trực thăng bị trúng đạn rơi, hoặc hư hại...”
        Đại tá Pezzelle cùng với vị chỉ huy trưởng đơn vị SOG đã nhiều lần lên gặp tướng Abrams, trình bầy vấn đề... Nhưng tướng Abrams chỉ muốn đơn vị SOG “tự giải quyết” vấn đề!
        Kết qủa việc tranh chấp này đưa đến “thảm họa” ngày 4 tháng Sáu năm 1971 nơi đài tiếp vận Hickory. Cavaiani cùng với Jones cứ đưa mắt nhìn lên trời, mong đợi trực thăng đến di tản, nhưng trực thăng sẽ không bao giờ đến nữa. Lúc trời sắp tối, Cavaiani trao máy truyền tin cho Jones rồi đi một vòng quan sát, tổ chức vấn đề phòng thủ. Đài tiếp vận có hình dáng như cái “yên ngựa”, đỉnh cao hai bên, chỗ trũng ở giữa là bãi đáp trực thăng. Không đủ người phòng thủ, Cavaiani ra lệnh rút lên phòng thủ đỉnh núi phiá bắc.
        Đến 7:00 giờ tối, mặt trời đã khuất sau ngọn núi Cơ Rốc, bầu trời trở nên đen tối với lớp sương bao phủ đài tiếp vận Hickory. Một phi cơ AC-119 Stinger (Hỏa Long) thuộc Không Lực Hoa Kỳ lên bao vùng. Tiếp theo là tiếng nổ lớn của qủa mìn phòng thủ, rồi bóng đêm trở lại với sự im lặng của tử thần. Phi cơ AC-119 không thể tác xạ được vì lớp sương che phủ quá dầy, không nhìn rõ ở dưới.
        Độ nửa tiếng đồng hồ sau, những toán lính Bắc Việt bắt đầu di chuyển vào bãi đáp trực thăng. Đơn vị phòng thủ bắn xuống, nhưng quân Bắc Việt chỉ khựng lại ít lâu, rồi tiếp tục tiến băng qua bãi đáp, áp sát vào chân đỉnh núi phiá bắc. Cavaiani ra lệnh tất cả lui vào bên trong pháo đài. Khi các biệt kích quân Thượng vừa lui, địch quân tấn công, một viên đạn AK-47 trúng sớt qua lưng Cavaiani, nhưng vết thương không nặng.
        Vào bên trong pháo đài, Cavaiani yêu cầu phi cơ AC-119 oanh kích ngay trên đầu toán quân biệt kích vì lính Bắc Việt đã bao vây tràn ngập, và các biệt kích quân đã vào bên trong pháo đài kiên cố. Nhưng viên phi công từ chối vì lý do an toàn cho quân bạn. Cavaiani yêu cầu thêm lần nữa, xin hoàn toàn chịu trách nhiệm, nhưng viên phi công AC-119 vẫn từ chối.
        Lính Bắc Việt đi từng căn hầm ném lựu đạn vào. Một qủa lựu đạn rơi vào trong pháo đài, nơi những biệt kích quân còn lại đang tử thủ, nổ dữ dội làm Jones bị thương nặng. Anh ta nói với Cavaiani, “Đủ rồi Jon, tôi ra đầu hàng”. Nói xong Jones bò ra khỏi căn hầm, rồi một loạt đạn AK-47 nổ vang, Jones rơi trở vào bên trong, chết. Thêm một qủa lựu đạn nữa ném vào trong hầm, sức ép làm Cavaiani bất tỉnh.
       Đến khi Cavaiani tỉnh lại, trong bóng tối đen như mực, anh ta biết mình bị thêm một vết thương nơi chân, và hai lỗ tai chẩy máu vì sức ép qủa lựu đạn. Quân Bắc Việt đã rút đi, Cavaiani gượng đứng dậy lết ra khỏi đài tiếp vận hoang tàn đổ nát, từ từ đi xuống núi, ra khỏi rặng núi Cơ Rốc.
        Cứ như thế, trong mười ngày kế tiếp, Cavaiani vừa bò, vừa lết đến căn cứ hỏa lực Fuller, đơn vị bạn gần nhất. Lúc đó gần 3:00 giờ sáng, anh ta kiệt sức, định ngủ một giấc, đợi đến sáng mới vào căn cứ trình diện (cho an toàn, sợ bị bắn lầm). Mờ sáng hôm sau, năm người lính Bắc Việt dí mũi súng AK vào lưng Cavaiani dẫn đi... qua Lào trở thành tù binh.
        Quân đội Bắc Việt dùng xe vận tải chở Cavaiani, hai biệt kích Thượng và một người thông ngôn đến Vinh, rồi từ đó lên xe lửa ra Hà Nội. Đến tháng Ba năm 1973, Cavaiani được trao trả trong chương trình “Trở Về” (Homecoming). Anh ta được ân thưởng huy chương Danh Dự (Medal of Honor) năm 1974.
 Dallas, TX.
vđh

No comments:

Post a Comment