TRẠI LLĐB BUÔN BLECH (A-238)
John A. Larsen
Trong tháng Tám năm 1967, tôi trở lại Việt Nam lần thứ hai, lần trước tôi đã phục vụ sáu tháng trong liên đoàn 1 LLĐB/HK, đồn trú ở Okinawa, được đưa sang Việt Nam trong đơn vị 400 An Ninh Hành Quân Đặc Biệt. Lần này tôi nhận lệnh làm việc trong đơn vị 403 Kiểm Thính Hành Quân Đặc Biệt. Hy vọng sự thay đổi trong ngành “An ninh Lục Quân” sẽ làm bối rối địch quân, không biết nhiệm vụ chính thức của đơn vị.
Trong chuyến qua Việt Nam lần trước 1965, chúng tôi có một đài kiểm thính đặt trong trại Lực Lượng Đặc Biệt Trảng Sụp (A-301) trong điạ phận tỉnh Tây Ninh. Trại LLĐB Trảng Sụp có hai toán A LLĐB/HK, một toán chỉ huy trại LLĐB, toán kia đảm nhận việc huấn luyện lực lượng Dân Sự Chiến Đấu cho tất cả các trại LLĐB trong tỉnh Tây Ninh. Tổng cộng, lúc nào cũng có gần 1000 quân trong căn cứ. Trong số đó, tôi nghi ngờ có khoảng 5 đến 10% là VC hoặc có cảm tình với địch quân. Trong hầm của quân nhân LLĐB/HK có đầy đủ vũ khí, đạn dược, xung quanh là lớp bao cát... đề phòng một “Alamo” thứ hai.
Bạn lúc nào cũng phải đề phòng, chỉ cần một tên VC ném qủa lựu đạn vào trong hầm là đủ. Trong những năm đầu của cuộc chiến, hầu hết các cuộc hành quân phát xuất từ trại LLĐB Trảng Sụp gần như giống nhau. Ra khỏi căn cứ vào lúc sáng sớm, và di chuyển vào trong rừng trước khi toán quan sát, theo dõi của địch trên núi Bà Đen, trông thấy đoàn quân.
Trong thời gian làm việc trong căn cứ Trảng Sụp, tôi thường ngủ trong phòng khám bệnh, phát thuốc (bệnh xá trong trại LLĐB). Cho chắc ăn, tôi xin được một con chó, đặt tên là “Old Yeller”. Trong chuyến sang Việt Nam đầu tiên, phục vụ nơi một tiền đồn biên phòng, mấy con chó của binh sĩ Việt Nam (có thể là người Thượng hay Miên) trông thấy tôi mặc sức sủa hơn hai tuần lễ, cho đến khi chấp nhận tôi là người “bạn”.
Một đêm, tôi thức giấc vì tiếng gầm gừ của con “Old Yeller”, tôi với khẩu súng trường M-14, hé mắt nhìn ra dẫy hành lang phòng khám bệnh. Một binh sĩ dân sự chiến đấu đứng lui vào bên trong hành lang, sau cánh cửa, đang xử dụng đèn bấm mầu đỏ, gửi tín hiệu lên núi Bà Đen. Anh ta bận với công việc, không để ý xung quanh, cho đến khi tôi dí mũi súng M-14 vào đầu, rồi áp tải đương sự lên phòng làm việc của ban chỉ huy trại.
Đó là những gì tôi còn nhớ trong chuyến sang Việt Nam lần đầu. Lần thứ hai, tôi đến Pleiku trong tháng Tám năm 1967, sau mười tháng điều trị bệnh lao mà tôi mắc phải trong chuyến thứ nhất. Tiếp theo là sáu tháng huấn luyện trong Ft. Mead do cơ quan An Ninh Quốc Gia đảm trách, rồi khóa Biệt Động Quân. Tôi đã sẵn sàng làm việc.
Trong bốn mươi lăm ngày đầu, tôi làm việc trên đồi “Engineer Hill”, một bộ chỉ huy B thuộc liên đoàn 5 LLĐB/HK. Cũng không có nhiều thay đổi trong hai năm qua, khi tôi rời Việt Nam. Trung tá Faistenhammer chỉ huy trưởng căn cứ là một người có nhiều điểm đặc biệt, gốc người Đức. Ông ta rời quê hương Bavaria đến Hoa Kỳ khoảng năm 1936, và trở về cố hương năm 1944, lúc đó là một quân nhân trong sư đoàn 4 Thiết Giáp. Khi chiến tranh Hàn Quốc chấm dứt, ông ta là một sĩ quan Pháo Binh. Sau một chuyến phục vụ trong chiến dịch “Sao Trắng” ở Lào, và mấy chuyến ở Việt Nam. Viên sĩ quan này đã dành nhiều thời gian phục vụ trong các đơn vị tác chiến. Mười bẩy năm sau, tôi trở nên một thượng sĩ Thường Vụ trong đại đội A, tiểu đoàn 3, liên đoàn 10 LLĐB/HK và đơn vị trưởng là thiếu tá William L. Faistenhammer, con trai của cấp chỉ huy của tôi lúc ở Việt Nam. Cả hai người đều là sĩ quan xuất sắc.
Trước cuộc bầu cử Tổng Thống VNCH năm 1967, tôi nhận lệnh thuyên chuyển đi Buôn Blech (A-238), cùng với hai kiểm thính viên. Trại LLĐB này nằm trên núi nhìn xuống khu vực xung quanh. Tôi thích căn cứ này vì địch quân phải tấn công lên núi thay vì nơi điạ thế bằng phẳng. Ba chúng tôi đồng ý, nếu di chuyển về hướng gần biên giới Việt-Miên, chúng tôi sẽ bắt được nhiều điện văn của địch quân hơn, và sẽ cung cấp nhiều tin tức tình báotác chiến tốt hơn cho trại LLĐB Buôn Blech.
Khi càng đến gần ngày bầu cử, trung sĩ an ninh (tôi nhớ không lầm là trung sĩ nhất Jerry Clark) bắt được một công điện cho biết họ (VC/Bắc Việt) sẽ tấn công trại LLĐB Buôn Blech, để cho thấy sự yếu kém của chính quyền miền nam Việt Nam. Vài đêm sau, địch pháo kích bằng súng cối nhưng đạn rơi bên ngoài tuyến phòng thủ, không gây thiệt hại.
Trại LLĐB Buôn Blech được xây theo hình vuông, vấn đề an ninh trong trại cũng đỡ hơn những nơi khác. Mỗi buổi tối, mấy tổ năm người được lệnh ra ngoài căn cứ tổ chức những ổ phục kích. Họ được lệnh đem theo mìn Claymore, khi gặp địch quân, cho nổ qủa mìn, bắn hết băng đạn rồi rút lui về căn cứ.
Đêm hôm đó một qủa mìn Claymore nổ tung, trong trại lập tức báo động, sẵn sàng chiến đấu. Khẩu súng cối 81 ly trong trại bắn những qủa đạn chiếu sáng về hướng phát ra tiếng nổ. Vị sĩ quan LLĐB chỉ huy căn cứ, ra lệnh không được bắn, cho đến khi có lệnh của ông ta. Qua ánh sáng hỏa châu, tôi trông thấy bóng người di chuyển bên ngoài hàng rào trại LLĐB, bèn báo cáo lên nhưng ông ta hỏi lại “có chắc không?”. Thật ra đó là toán phục kích đang trên đường rút lui về căn cứ.
Sau đó mọi việc trở lại bình thường. Sáng hôm sau, tôi được biết, một đơn vị VC di chuyển về hướng trại LLĐB, có lẽ định tấn công, đụng phải ổ phục kích. Không may cho địch quân, cấp chỉ huy cùng chính trị viên đơn vị bị chết vì qủa mìn Claymore, nên phải hủy bỏ trận tấn công.
Dallas, TX. April 16, 2010
vđh
No comments:
Post a Comment