HÀNH QUÂN 34A (OPLAN 34 ALPHA)
Hành quân 34A hay Kế Hoạch Hành Quân 34 Alpha (Operation Plan 34 Alpha), là một chương trình tối mật, cho những hoạt động bí mật chống lại chính quyền miền bắc Việt Nam. Những hoạt động bí mật bao gồm: cho điệp viên, thả những toán biệt kích xâm nhập vào miền bắc phá hoại, và xử dụng đơn vị Biệt Hải (Biệt Kích Hải Quân) đánh phá những mục tiêu dọc theo bờ biển miền bắc.
Chương tình này do cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA dựng lên từ năm 1961, đến năm 1964 chuyển giao cho bộ Tư Lệnh Quân Viện MACV trong kế hoạch “Trở Lại” (Switch Back). Quân đội Hoa Kỳ xây đựng một đơn vị lấy tên là Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (Study and Observation Group) SOG để nhận lãnh trách nhiệm này. SOG cũng là một “danh hiệu” để che dấu những hoạt động trong “Chiến Tranh Ngoại Lệ”, nhận lệnh trực tiếp từ bộ Quốc Phòng / Tổng Tham Mưu Quân đội Hoa Kỳ. Đại tướng William Westmoreland, tư lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam không có quyền ra lệnh cho những cuộc hành quân ngoài phạm vi miền nam Việt Nam. Ông ta được nghe thuyết trình, báo cáo, v.v... nhưng tất cả mọi hoạt động ngoại biên đều theo lệnh của bộ Quốc Phòng và của Tổng Thống Hoa Kỳ.
Theo đúng kế hoạch nguyên thủy, hành quân 34A thả những toán biệt kích ra miền bắc, xây dựng hệ thống kháng chiến chống lại chính quyền cộng sản và thiết lập đài phát thanh “đen” Gươm Thiêng Ái Quốc phát tuyến ra miền bắc, trong chương trình tâm lý chiến, tuyên truyền chống lại giới lãnh đạo miền bắc.
Đó là những nhiệm vụ chính trong hành quân 34A cho đến cuối năm 1966. Sau đó, nhiệm vụ phá hoại, tâm lý chiến trở thành phụ, nhiệm vụ chính là dò thám, phá hoại, ngăn chặn hệ thống đường mòn HCM.
Vấn đề thả biệt kích ra miền bắc, nằm vùng dài hạn quá khó khăn, có thể xem như thất bại hoàn toàn. Hành quân 34A lại thay đổi kế hoạch, những toán biệt kích “STRATA” chỉ xâm nhập ngắn hạn một, hai tuần trong những khu vực giới hạn (gần vĩ tuyến 17). Ngoài ra đơn vị SOG tổ chức chương trình FORAE, gửi những điện văn giả cho những toán “biệt kích ma” đang nằm vùng nơi miền bắc để đánh lừa, làm rối loạn chính quyền miền bắc. Đến cuối năm 1968, hành quân xâm nhập được chia làm ba bộ phận rõ ràng:
- 34A: Xâm nhập nằm vùng dài hạn.
- 34B: Xâm nhập ngắn hạn (Strata).
- 34C: Đánh lừa (Diversionary).
Chương trình Forae bao gồm các hoạt động:
- Borden: Xử dụng tù binh chính quy Bắc Việt bị quân đội Hoa Kỳ bắt (họ không xử dụng tù binh quân đội VNCH bắt), huấn luyện sơ sơ, cung cấp những tin tức sai lạc, rồi cho nhẩy dù trở ra miền bắc, với hy vọng họ sẽ bị lực lương an ninh, biên phòng miền bắc bắt. Những lời khai của các tù binh này làm miền bắc tin rằng có rất nhiều toán biệt kích đang hoạt động nơi miền bắc.
- Urgency: Ngược lại với hoạt động Borden, chọn những tù binh Bắc Việt “cứng đầu”, rồi trả tự do cho họ qua vùng phi quân sự. Khi trở về miến bắc, họ nói sự thật cũng chẳng ai tin tưởng.
- Oodles: Với những hoạt động thả biệt kích, gửi điệp viên ra miền bắc hoạt động... cứ làm như thật, nhưng tất cả đều giả tạo. Thí dụ như thả dù những tảng đá (đá lạnh) lớn xuống miền bắc. Khi xuống tới đất, nước đá tan hết, nhưng những cánh dù vẫn còn đó, như có toán biệt kích vừa mới xâm nhập.
Sau nhiều chuyến thả biệt kích xâm nhập miền bắc Việt Nam không thành công, tất cả các biệt kích quân Việt Nam trong các toán biệt kích đều bị giết hoặc bị bắt, giam cầm ngoài miền bắc. Đơn vị SOG chuyển hướng hoạt động, cho những toán biệt kích hải quân (Biệt Hải) đánh phá một số mục tiêu dọc theo bờ biển miền bắc Việt Nam.
TOÁN BIỆT KÍCH, ĐƠN VỊ HATCHET FORCE, ĐƠN VỊ SLAM
Nói về Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam, chúng ta hình dung ra những toán A LLĐB, trấn đóng một tiền đồn hẻo lánh, huấn luyện, chiến đấu với sắc dân thiểu số người Mèo, người Thượng. Nói chung, LLĐB/HK có nhiệm vụ yểm trợ cho những hoạt động du kích chiến đằng sau hậu phương địch.
Khi trận chiến lan rộng, Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (SOG) là đơn vị đặc trách những hoạt động trong lòng địch. Hành Quân 35 (Oplan 35) được trao cho trách nhiệm tổ chức những chuyến hành quân xâm nhập “vượt biên” qua Lào và Cambodia. Các toán biệt kích trong hành quân 35 được đưa lên các căn cứ hành quân tiền phương (FOB), FOB-1 Phú Bài, FOB-2 Kontum, FOB-3 Khe Sanh, FOB-4 Đà Nẵng, FOB-5 Ban Mê Thuột và FOB-6 trại Hồ Ngọc Tảo, trước khi được trực thăng đưa đi xâm nhập.
Thường những toán biệt kích trong hành quân 35 có hai hoặc ba quân nhân LLĐB/HK, và chín biệt kích quân người Thượng. Ngoài ra còn có những tiểu đoàn “xung kích” SLAM (Search, Locate, Annihilate, Monitor) gồm bốn đại đội. Đơn vị cấp lớn này cũng hành quân ngoại biên, và phát xuất từ các căn cứ hành quân tiền phương như các toán biệt kích.
Những toán biệt kích có nhiệm vụ: dò thám đường mòn, khu vực, đặt mìn phá hoại, phục kích, bắt cóc tù binh, thẩm định kết qủa trận đánh bom, điều chỉnh phi cơ pháo binh bắn phá căn cứ, nơi đóng quân của địch, cứu tù binh bị địch giam cầm. Nhiệm vụ cho đơn vị SLAM thường là tấn công, phá hủy binh trạm, căn cứ, kho hàng của địch.
Trong tháng Mười Một năm 1967, hành quân 35 được tổ chức lại với ba bộ chỉ huy: Bắc (Command and Control North, CCN) ở Đà Nẵng, Trung (Central, CCC) ở Kontum, và Nam (South, CCS) ở Ban Mê Thuột. Khu vực hành quân (ngoại biên) được chia ra: Daniel Boone chạy từ ngả ba biên giới (Việt, Miên, Lào, gần trại LLĐB Ben Het) xuống đến hết miền nam. Prairie Fire từ vùng tam biên trên đất lào, lên đến biên giới với miền bắc Việt Nam. Nickel Steel là khu vực phiá tây vùng phi quân sự. Bộ chỉ huy Nam (CCS) cho những toán biệt kích xâm nhập vùng hành quân Prairie Fire (Lào) và khu vực Alpha (bắc) vùng hành quân Daniel Boone Miên). Bộ chỉ huy Bắc (CCN) lo vùng hành quân Prairie Fire (Lào), và Nickel Steel. Bộ chỉ huy Trung (CCC) chịu trách nhiệm vùng hành quân Prairie Fire (Lào).
Hành quân Prairie Fire là hậu thân của hành quân Shining Brass, và sau năm 1971 đổi tên Việt Nam là Phù Dung. Hành quân Daniel Boone đổi tên thành Salem House và sau đó thành Thốt Nốt. Nickel Steel trước đó có tên là Double Cross.
Từ tháng Chín năm 1966, cho đến tháng Tư năm 1971, đơn vị SOG tổ chức hơn 1500 chuyến hành quân xâm nhập qua Lào và Miên. Thâu thập những tin tức chiến lược về quân đội Bắc Việt. (G.B. Crouse)
Dallas, TX.
vđh
No comments:
Post a Comment