Bộ chỉ huy B-52 đặc trách chương trình Delta (Hành Quân Delta), trực thuộc bộ chỉ huy liên đoàn 5 Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ ở Nha Trang trên vấn đề nhân viên. Trong hoạt động, Hành Quân Delta trực thuộc bộ Tư Lệnh Quân Viện MACV, dưới quyền đạị tướng Westmoreland và sau năm 1968 là đại tướng Abrams.
Bộ chỉ huy MACV xử dụng Delta trong những cuộc hành quân xâm nhập, trinh sát, dò thám lấy tin tức về địch, trên bốn vùng chiến thuật VNCH. Theo thủ tục tham mưu, nếu vị tư lệnh một quân đoàn, hay vùng chiến thuật cần dò thám một khu vực nào đó mà đơn vị viễn thám của vùng không đủ khả năng, ông ta sẽ gửi một công điện cho vị tư lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV), yêu cầu xin tăng cường Delta.
Chương trình Delta chuyên điều khiển những toán viễn thám xâm nhập vào vùng hoạt động của địch quân. Một toán biệt kích Delta sẽ bí mật xâm nhập vào khu vực hoạt động của địch, dò thám, thâu thập tin tức về đơn vị địch, rồi triệt xuất, trở về an toàn. Nhiều chuyến xâm nhập thành công, những lần khác không được may mắn. Mỗi khi toán biệt kích bị địch khám phá, sẽ không đem về được những tin tức tình báo cần thiết và còn phải chiến đấu cho mạng sống của toán cho đến khi được trực thăng vào triệt xuất.
Đến cuối tháng Ba năm 1968, Hành Quân Delta cùng với phi đoàn trực thăng tấn công 281 và tiểu đoàn 81 xung kích, tiếp ứng được đưa ra tăng cường ngoài vùng 1 chiến thuật. Delta lập căn cứ hành quân tiền phương (FOB) trong phi trường Phú Bài. Sư đoàn 101 Nhẩy Dù Hoa Kỳ sẽ hành quân vào thung lũng A Shau, nên họ cần biết sức mạnh và những vị trí đóng quân của đơn vị địch trong khu vực.
Sư đoàn Dù 101 Hoa Kỳ cũng có đại đội trinh sát, viễn thám của họ, nhưng đưa vào toán nào là mất toán đó, do đó họ mới xin tăng cường Hành Quân Delta. Trong suốt tháng Tư, chúng tôi tổ chức những chuyến xâm nhập vào thung lũng A Shau, để lấy những tin tức tình báo tác chiến cho sư đoàn Dù 101. Dựa vào những tin tức này, ban tham mưu sư đoàn mới phác họa kế hoạch hành quân một cách hiệu quả.
Thung lũng A Shau mà một mục tiêu gay go nhất, với mật độ địch quân (VC/NVA quân đội Bắc Việt) cao nhất trong suốt miền nam Việt Nam. Địch quân trong khu vực cũng có nhiều kinh nghiệm đối phó với những toán biệt kích xâm nhập. Một toán biệt kích sáu người xâm nhập vào thung lũng A Shau, may mắn lắm mới không bị địch quân khám phá, và khó tránh khỏi chạm súng với địch quân cấp trung đội. Có lẽ họ tổ chức những trung đội đặc biệt, chuyên đi lùng và tiêu diệt những toán biệt kích xâm nhập vào giang sơn của họ.
Toán biệt kích nào phải xâm nhập thung lũng A Shau mà không chuẩn bị kỹ càng trước, sẽ không tồn tại lâu. Nhiều biệt kích phát biểu rằng, có dò thám được gì đâu, mỗi lần vào là chạm súng với địch, bị săn đuổi... Không may là kể như... tới số.
Trong chuyến xâm nhập đầu tiên, toán biệt kích của tôi được trao cho nhiệm vụ dò thám khu vực nơi chính giữa, phiá nam thung lũng. Có một rặng núi lớn bao bọc cả thung lũng, khu vực hành quân nào cũng có một phần của rặng núi. Khi bay thám sát khu vực hành quân, trên chiếc máy bay quan sát để tìm điểm xâm nhập và triệt xuất, tôi trông thấy tận mắt, rõ ràng nhiều đường mòn, được xử dụng thường xuyên.
Khu dưới chân rặng núi cũng có nhiều đường mòn, và những khoảng đất trống do địch quân phá rừng làm vườn trồng rau để tăng thêm lượng thực phẩm. Từ trên máy bay nhìn xuống, địch quân tập trung khu vực dưới chân những rặng núi, càng lên cao, càng ít, chỉ còn lại những toán nằm tiền đồn. Ngọn núi này có tên trên bản đồ hành quân là “Đồi 937” mà ngày nào đó, sư đoàn Dù 101 sẽ đặt tên là “Đồi Thịt Bằm” (Hamburger Hill).
Đồi 937 gần như nằm gọn trong khu vực hành quân, tôi có thể chọn bãi đáp xâm nhập trên đỉnh đồi, ở khúc giữa hay dưới chân đồi. Tôi đoán, địch có để ít nhất một tổ quan sát, báo động ngay trên đỉnh đồi để theo dõi, dưới chân đồi là nơi địch tập trung quân, cũng nên tránh né. Tôi chọn một khoảng trống nhỏ trên một mỏm núi nhỏ hơn, cao khoảng 4/5 đồi 937, làm bãi đáp chính. Bãi đáp phụ là một khoảng trống nhỏ, bên kia sườn núi, cao bằng nửa ngọn đồi 937.
Cả hai bãi đáp đều đòi những phi công trực thăng chuyên môn bay thả biệt kích. Họ không nhìn thấy bãi đáp, phải điều khiển trực thăng đứng trên đầu ngọn cây, cách mặt đất khoảng 35 bộ, chờ cho toán biệt kích leo xuống qua “lỗ hổng” bằng thang dây... sơ xuất một chút, cánh quạt trực thăng có thể chém vào vách núi. Trường hợp này, chiếc máy bay quan sát (FAC) điều động trực thăng thả toán biệt kích từ xa, chiếc này sẽ rời đội hình hợp đoàn bay vào đúng “lỗ hổng” rồi thả thang dây xuống, cho toán biệt kích xâm nhập.
Sau khi bay quanh, quan sát kỹ càng ngọn đồi 937 chừng 45 phút, chúng tôi bay về căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài. Khi chiếc máy bay thám thính bay ngược trở lại khu vực thung lũng A Shau, tôi nghe tiếng gọi của toán biệt kích mới xâm nhập hôm qua. Tôi nhận ra ngay danh hiệu và giọng nói của trung sĩ Charles Prevedel. Anh ta chỉ nói được danh hiệu chiếc FAC và danh hiệu của anh ta rồi ngưng... Tôi có linh cảm, chuyện gì không hay xẩy ra cho toán biệt kích đang ở dưới đất. Tội biết trung sĩ Prevedel không nói bâng quơ như thế. Chiếc FAC tiếp tục bay bao vùng, cố bắt liên lạc với toán biệt kích... cho đến phi gần hết xăng, phải quay về.
Toán biệt kích sáu người dưới quyền trung sĩ Prevedel “mất tích” từ lúc đó. Không một người trở về, gồm có: trung sĩ Charles Prevedel, hạ sĩ Douglas E. Dahill, trung sĩ nhất Charles V. Newton, và ba quân nhân LLĐB Việt Nam. Họ được báo cáo “Mất tích” cả năm trời, sau đó đổi qua “Mất tích và coi như đã chết”.
Vài ngày sau, trung đội “Thẩm định trận đánh bom” BDA, dưới quyền trung sĩ nhất Jerry Nelson, được đưa vào khu vực xâm nhập của toán biệt kích Prevedel để tìm toán biệt kích cũng như chuyện gì đã xẩy ra, và số phận của họ. Trung đội BDA này vào không lâu đụng với đơn vị cấp lớn của địch và cả tiểu đoàn 81 xung kích được đưa vào tiếp ứng. Sau mấy ngày hành quân, lục soát vẫn không tìm ra dấu vết của toán biệt kích. Các đơn vị được rút về, cuộc tìm kiếm coi như chấm dứt. Nếu quân đội Bắc Việt giết toán biệt kích, và đem chôn, hy vọng sẽ tìm thấy nấm mồ tập thể của họ... Vẫn ở đâu đó trong thung lũng A Shau.
Trở về căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài, tôi phải chuẩn bị cho chuyến xâm nhập. Tôi mới chọn một người toán phó, trung sĩ nhất Joseph “Little Joe” Hartman. Hai trong số bốn người còn lại cũng mới gia nhập Hành Quân Delta, nên phải chỉ dẫn họ thêm. Sau hai ngày thực tập, toán biệt kích ra đi trong những tia nắng cuối cùng của một ngày.
Khi chiếc trực thăng chở toán biệt kích tách rời hợp đoàn bay đến bãi đáp theo sự hướng dẫn của chiếc FAC, tôi nhận thấy hai viên phi công gặp khó khăn. Rồi một cánh quạt chém vào cành cây làm chiếc trực thăng mất thăng bằng, từ từ rơi xuống thung lũng. Đúng lúc viên khi công tìm được một khoảng đất trống, cho phi cơ đáp xuống. Khi trực thăng vừa chạm đất, Hartman cùng với mấy quân nhân LLĐB/VN đã nhẩy ra, chạy nhanh vào bụi cây. Tôi cũng nhẩy ra định gọi tất cả quay lại nơi chiếc trực thăng để bảo vệ phi hành đoàn, nhưng chiếc trực thăng lại cất cánh được, bốc lên cao, bay lết về căn cứ.
Tôi chạy lại hàng cây cùng với nhóm biệt kích. Việc đầu tiên là gọi chiếc FAC đang bay bao vùng. Viên phi công chứng kiến từ đầu đến cuối chuyến thả toán biệt kích, lên tiếng trước “Anh có biết mình đang ở đâu không?”, “Không!”. Viên phi công cho tôi tọa độ điểm đứng, khi xem lại bản đồ, bãi đáp bất đắc dĩ này cách bãi đáp chính khoảng một cây số, và nằm trong khu vực xâm nhập của một toán biệt kích “chạy đường mòn” (Road Runner). Toán “chạy đường mòn” này đang có mặt trong khu vực hành quân của họ. Biết rõ tình hình, tôi yêu cầu trực thăng quay trở lại, đón và đưa toán biệt kích vào đúng bãi đáp. Nhưng câu trả lời là “Không”, trời đã gần tối, và bọn tôi phải tìm một vị trí đóng quân đêm gấp.
Nằm trong khu vực hành quân của một toán biệt kích “chạy đường mòn”, có thể là một vấn đề cho toán biệt kích của tôi. Toán biệt kích “chạy đường mòn” hoàn toàn là người Việt Nam (đa số có gốc rễ nơi miền bắc Việt Nam). Họ ăn mặc quân phục lính Bắc Việt, võ trang tiểu liên xung kích AK-47, chúng tôi không thể nào phân biệt bạn hay địch và trong thung lũng A Shau, kẻ nào bắn chậm... là có hy vọng lên Thiên Đàng.
Phi công FAC, chuyển lại lệnh từ chiếc trực thăng chỉ huy (C&C), toán biệt kích tìm một vị trí đóng quân qua đêm gần đó và sáng sớm hôm sau, trực thăng sẽ trở lại “di chuyển” toán biệt kích vào đúng bãi đáp, đã dự trù trước. Theo kinh nghiệm, tôi cho lệnh toán biệt kích leo lên đồi tìm chỗ đóng quân đêm. Nếu ở gần bãi đáp trực thăng lầm, có thể có “khách” đến thăm viếng vào lúc đêm khuya. Sáng hôm sau chúng tôi sẽ mò xuống sớm, đợi trực thăng vào đón.
Toán biệt kích leo lên một sườn núi, khoảng 150 thước, trời đã hoàn toàn tối, không thể đi xa hơn nữa. Đây cũng là một kỹ thuật lẩn tránh địch quân, toán biệt kích di chuyển cho đến khi trời tối, địch quân không thể theo dõi được nữa mới tìm chỗ đóng quân qua đêm. Đêm đó, chúng tôi tìm được một bụi rậm, nhiều cành lá xum xuê, bên cạnh một vách núi thẳng đứng.
Đêm đó tôi ngủ không được, khi địch quân trông thấy chiếc trực thăng thả toán biệt kích vào lúc trời xập tối. Sáng sớm hôm sau, chúng sẽ cho người đến bãi đáp tìm dấu vết. Nếu trông thấy dấu vết của toán biệt kích, một tên sẽ quay trở về báo cáo và sẽ dẫn một trung đội đi lùng. Còn tên kia tiếp tục dò theo dấu vết tìm vị trí toán biệt kích để tấn công.
Sáng sớm hôm sau, chiếc FAC đã lên bao vùng, viên phi công tăng ga, giảm ga ra dấu hiệu cho toán biệt kích, có lệnh từ bộ chỉ huy để toán biệt kích vào tần số liên lạc. FAC chuyển lại lệnh cho chúng tôi phải di chuyển ra khỏi khu vực hành quân của toán biệt kích “chạy đường mòn” ngay tức khắc. Bãi đáp chính chỉ cách một cây số, và toán biệt kích phải tự túc. Sau đó chiếc FAC cho chúng tôi một hướng di chuyển để tránh “đụng nhằm” toán “chạy đường mòn”. Thêm một điều nữa, vấn đề không yểm rất kẹt vì phải dành ưu tiên cho việc tìm kiếm toán biệt kích Prevedel, mới bị địch “hốt” ngày hôm qua.
Toán biệt kích thay vì quay trở về bãi đáp lầm hôm qua, lại tiếp tục leo núi. Chúng tôi đang leo lên một nhánh của rặng núi, có nhiều nhánh nhỏ chạy xuôi xuống thung lũng như những ngón tay. Ngón tay bên trái chúng tôi nhỏ hơn ngón toán biệt kích đang leo. Từ trên cao nhìn xuống, chúng tôi nhận ra bãi đáp lầm hôm qua, là một miếng vườn trồng rau của địch, và có rất nhiều đường mòn qua lại.
Vào khoảng trưa, từng đám mây kéo đến che phủ bầu trời, và những hạt mưa lạnh rơi xuống. Chúng tôi phải tìm một chỗ trú ẩn cho qua cơn mưa, lúc này mà địch tấn công, toán biệt kích phải tự lực mưu sinh vì trực thăng và các loại phi cơ khác không thể vào vùng hành quân được. Toán biệt kích chia nhau canh gác và ăn trưa, tôi ngồi gần một binh sĩ LLĐB/VN, Trần Sĩ Chung, anh ta có nhiều kinh nghiệm, giữ vai trò đi đầu trong toán biệt kích (point man).
Ăn chưa hết một nửa, chợt chúng tôi nghe tiếng địch quân cấp đại đội đang di chuyển ngược chiều, đổ dốc từ đỉnh núi xuống. Tất cả mọi người ngừng ăn, nín thở, không dám cử động, đợi cho cơn “giông tố” di chuyển ngang qua. Tiền thám viên Chung, vẫn còn cầm chiếc thìa cơm nửa chừng giữa bao gạo sấy và cái miệng của anh ta. Cũng may, toán biệt kích leo núi, không xử dụng con đường mòn, đại đội lính Bắc Việt vừa di chuyển ngang qua. Toán biệt kích vẫn nằm im cho đến khi tên lính Bắc Việt cuối cùng đã đi ngang qua và đã xa. Chung ăn vội mấy miếng cơm rồi nhét bao gạo sấy trở vào trong ba lô (không được để lại dấu vết).
Quân Bắc Việt đã trông thấy chiếc trực thăng thả biệt kích, biết trời mưa, không lo bị không quân, trực thăng võ trang oanh kích, chúng cho một đại đội di chuyển từ trên núi xuống, để “nhát ma” lùa toán biệt kích xuống đáy thung lũng... rơi vào rọ. Trước sau gì chúng sẽ lục soát trở lên núi, toán biệt kích cần phải di chuyển gấp.
Trên một sườn núi (ngón tay) bên cạnh tôi nghe có tiếng một tên địch nói thật to. Một LLĐB/VN thông dịch lại cho tôi biết “Các anh đã bị bao vây! Hãy đầu hàng!”. Những điều tôi đoán đúng, địch quân đã biết có toán biệt kích xâm nhập... chúng chỉ “hù” thôi, chưa biết vị trí toán biệt kích.
Chúng tôi cẩn thận di chuyển trên “ngón tay” lên đỉnh núi. Rồi tiếng súng AK-47 nổ vang dội núi rừng, thì ra địch quân cứ bắn vào những điểm nghi ngờ, có cây cao trên “ngón tay” bên cạnh. Bọn chúng bầy ra nhiều trò, nếu chúng tôi bắn trả lại, sẽ bị lộ mục tiêu. Hoặc biết đâu có viên nào trúng vào đúng chỗ toán biệt kích đang trú ẩn. Hoặc, cố tình lùa chúng tôi di chuyển đến chỗ chúng đặt ổ phục kích.
Mặt trời ló dạng, những đám mây tan dần đi. Tôi đã biết vị trí của địch và sẵn sàng trả đũa. Tôi gọi chiếc máy bay quan sát (FAC, điều khiển không trợ), cho biết vị trí của địch và yêu cầu oanh kích. Để an toàn, FAC yêu cầu toán biệt kích đánh dấu vị trí bằng khói mầu. Tôi trả lời, không thể được, toán biệt kích vẫn còn nằm trong tầm đạn của địch. Sau đó tôi yêu cầu FAC cứ bắn một hỏa tiễn khói trắng (để đánh dấu mục tiêu cho phi cơ oanh kích) vào điểm có địch quân, rồi từ đó tôi sẽ cho FAC biết tọa độ của toán biệt kích.
Chiếc FAC điều động các phi tuần phản lực lên thả bom, oanh kích nhanh chóng. Toán biệt kích bố trí, và tôi làm nhiệm vụ điều chỉnh trận đánh bom. Tiếng phản lực cơ Hoa Kỳ gầm thét cùng với những tiếng nổ dữ dội của bom. Tôi không còn phải nghe những lời “đe dọa” nữa, địch quân ở dưới thung lũng đang chạy trối chết. Tôi dặn FAC, khi phi tuần cuối cùng lên đánh bom, chuẩn bị cho trực thăng vào cấp cứu bọn tôi. Và với tình trạng hiện tại, phải dùng thang dây để triệt xuất toán biệt kích. Khi toán biệt kích leo lên thang dây, người xạ thủ khẩu đại liên M-60 bắn xối xả xuống chân núi, anh ta nói trông thấy địch quân nấp trong những bãi cỏ tranh.
Về đến căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài, trung sĩ Hart “không thích Delta” nữa, xin ra khỏi hành Quân Delta. Toán biệt kích được nghỉ một ngày, sau đó sẽ được thuyết trình cho một chuyến hành quân xâm nhập khác. Vài năm sau, tôi nghe tin trung sĩ Hart tử nạn xe cộ trên một ngọn núi ở Bavarian Alps. Mong bạn được yên nghỉ, Little Joe.
Dallas, TX. April 11, 2010
vđh
No comments:
Post a Comment