Sunday, December 26, 2021

Biệt đội đặc nhiệm Việt-Mỹ: Trận chiến đêm Noel 1966 - Vương Hồng Anh -

* Lược ghi về lực lượng đặc nhiệm Việt-Mỹ
Như VB đã trình bày trong bài viết về các đơn vị Dân sự Chiến đấu, trong hai năm 1961 và 1962, Phái bộ Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phối hợp với các bộ Tư lệnh Vùng chiến thuật của QLVNCH thành lập các trại biệt lập dọc theo biên giới và các khu vực trọng yếu để ngăn chận đường xâm nhập, giao liên tiếp vận của CQ. Binh sĩ tại các trại này được tuyển mộ từ cư dân trong khu vực hoạt động của trại và thanh niên tình nguyện từ các khu vực kế cận. Đến tháng 10/1964, trước tình hình sôi động của chiến trường Việt Nam, theo đề nghị của bộ Chỉ huy Yểm trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV), bộ Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn đã điều động một số đơn vị trực thăng, vận tải cơ, truyền tin, và một số binh đoàn đặc nhiệm đến Việt Nam để tăng cường sự yểm trợ cho QLVNCH trong nỗ lực ngăn chận CSBV, một trong những binh đoàn đó là Liên đoàn 5 Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ. Đây là một lực lượng đặc nhiệm đã cùng với Lực lượng Đặc biệt VNCH xây dựng hệ thống trại Lực lượng Biên phòng dọc theo biên giới Việt-Cam Bốt, Việt-Lào từ phía Nam vĩ tuyến 17 trở vào.

Nhân dịp mùa Giáng sinh, VB giới thiệu đến bạn đọc bài tổng hợp về chiến công của biệt đội cảm tử quân của lực lượng đặc nhiệm nói trên trong trận tấn công vào một mật khu của CSBV ở phía Tây Sài Gòn. Phần này được biên soạn dựa theo tài liệu của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, hồi ký của đại tướng Westmoreland (*), bản Việt ngữ của Duy Nguyên do nhà xuất bản Thế Giới phát hành, và tài liệu của Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ.

* Trận tử chiến của Biệt đội cảm tử LLĐB trong đêm Giáng sinh 1966 ở phía Tây Sài Gòn
Vào hạ tuần tháng 12/1966, gần đến Giáng Sinh, một chiếc phi cơ thám thính U-2 trở về căn cứ đã bị nổ tung ở cao độ 26 ngàn bộ. Mặc dù phi công nhảy dù ra được và sau đó được cứu, nhưng vì rừng già dọc theo biên giới Việt-Căm Bốt đã cuốn mất những mảnh vỡ của phi cơ, không tìm thấy một dấu tích nào. Lúc bấy giờ phụ tác đặc biệt về Không quân của đại tướng Westmoreland, tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại VN, là tướng Spike Momyer, và cấp trên trong quân chủng Không quân của vị tướng này tại Hoa Thịnh Đốn đều rất buồn khi nghe được tin này. Tất cả phi cơ U-2 đều có một chiếc hộp đen chứa những chi tiết tối mật và các chìa khóa giải mã khả năng thám thính của phi cơ. Nếu bắt được những chiếc hộp đen này, đối phương có thể khai thác được nhiều tin tức quan trọng để có thể đối phó với phương thức thám thính do phi cơ U-2 thực hiện.

Mặc dù chiếc hộp đen này có gắn bộ phận tự hủy, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy bộ phận này không mất tính năng đó và khi phi cơ bị rớt, chiếc hộp đen chắc chắn rơi cùng phi cơ. Điều khó khăn đối với bộ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam là làm sao để tìm ra chiếc hộp đen này. Phi cơ rơi trong vùng địch vào lúc mà quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa chưa mở các cuộc hành quân vào đó. Các bức không ảnh không cho thấy có dấu vết nào khả nghi. Tuy nhiên các chuyên gia Không quân đã ước định được khu vực phi cơ rơi nằm trong khoảng hình nói dọc theo biên giới về hướng Tây Bắc Sài Gòn với diện tích ước chừng 440 dặm vuông. Tìm xác phi cơ trong khu rừng rậm như vậy chẳng khác nào tìm một chiếc bè lênh đênh trên đại dương mênh mông ngàn dặm.

Đại tướng Westmoreland giao nhiệm vụ này cho đại tá Francis Kelly, chỉ huy trưởng Liên đoàn 5 Lực lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ. Ông này chuyển sang cho đại úy James F. Gritz, có biệt danh là Bo, một sĩ quan rất can đảm, chỉ huy một trong những đơn vị biệt kích Việt-Mỹ vừa thành lập. Mỗi đơn vị là một đại đội có quân số khoảng chừng 150 người, trong đó có nhiều biệt kích quân là người Việt gốc Miên mà đại úy Gritz gọi là Bodes. Đại úy Grits cùng với 11 quân nhân LLĐB Hoa Kỳ chỉ huy đơn vị biệt kích này, hoạt động ở những khu vực xa xôi hẻo lánh, rất ít liên lạc với bên ngoài.

Ngày lên đường thực hiện nhiệm vụ, đại úy Gritz và các đồng đội chỉ mang theo bản đồ khu vực hình nón và bức hình chụp chiếc hộp đen, và nơi họ hoạt động là khu vực được ghi nhận là dày dặc Cộng quân. Đơn vị này cũng biết rằng khi được trực thăng vận đến nơi này tức là tự động báo cho Cộng quân biết họ đến nơi rồi. Ngay từ giây phút đầu, biệt đội của đại úy Gritz đã phải giành nhau với địch từng bụi rậm. Có người đã tử thương trong khi kịch chiến, nhưng việc tải thi hài quân nhân tử trận và tải thương rất khó khăn. Cả đội phụ nhau khiêng xác và sau đó gọi trực thăng đến thòng dây xuống để kéo lên. Công việc tiến hành rất nhanh trong tình trạng vô cùng nguy hiểm vì địch phát hiện vị trí của đội công tác rất dễ dàng.

 Để giữ cho cuộc hành quân tuyệt đối bí mật, phi cơ tiếp tế bằng cách ném thùng xăng đặc xuống giống như các phi vụ bình thường nhưng bên trong chỉ là loại dầu đặc bọc bên ngoài các đồ tiếp tế cần thiết. Trong 3 ngày đầu, đại úy Gritz và đồng đội băng rừng, lội suối, khi lên núi, khi xuống đồi và lục lạo không sót một chỗ nào. Cuối ngày thứ ba các hướng đạo viên người Việt gốc Miên la lên một tiếng vui mừng. Họ tìm thấy xác phi cơ rơi, nhưng đại úy Gritz tiu nghỉu vì nơi gắn chiếc hộp đen không còn nữa. Sau khi xem xét kỹ lưỡng các dấu vết nơi gắn chiếc hộp đen, đại úy Gritz kết luận rằng có người đến gỡ trước rồi. Như vậy là CQ cũng biết giá trị chiếc hộp đen đó nên đã lấy đi. Tuy nhiên vị sĩ quan này không muốn bỏ cuộc, ông nghĩ rằng nếu không tìm cho ra thì hóa ra chuyến công tác này trở thành công cốc. Đại úy Gritz suy luận, nếu quả CQ đã đến lấy chiếc hộp rồi thì những kẻ ở chung quanh phải biết rõ chuyện này. Tốt nhất là phải bắt một CQ làm tù binh.

Chiều hôm ấy, đại úy Gritz chọn 10 cảm tử quân trong đội công tác đặc nhiệm tổ chức phục kích dọc theo đường mòn còn dấu mới có dấu chân đi. Đêm xuống, một hồi sau có tiếng chân người đi lại. Tiếng chân một lúc một rõ hơn, đại úy Gritz đếm cả thảy 6 người. Khi toán CQ lọt vào khu phục kích, theo thủ lệnh của cấp chỉ huy, cả toán nổ súng. Bốn CQ chết tại chỗ, hai bị thương và bỏ chạy, để lại đường máu dài. Biết rằng vị trí của mình đã bị lộ nên đại úy Gritz cho phần lớn đơn vị của mình dời xa nơi khác, chỉ còn lại mình ông và 10 chiến binh nằm lại ngay chỗ phục kích đêm trước, vì ông biết thế nào CQ cũng trở lại lấy xác. Lần này, đại úy Gritz cho lệnh phải bắn hạ những CQ đi sau, còn chừa 2 người đi đầu. Để bảo đảm lần này bắt được tù binh còn sống, ông cử một trung sĩ LLĐB Hoa Kỳ vật lộn với địch. Cả toán nằm yên phục kích, 10 CQ mang súng AK 47 và AKS đi tới như đang diễn hành.

Như đã dự trù, đại úy Gritz ra lệnh và cả khu rừng đang yên tĩnh bỗng vang lên tiếng nổ dòn dã. Vị chỉ huy này đã dùng loại cây thép dùng làm dây trời cùng với viên trung sĩ nhảy ra chụp lấy hai CQ đi đầu. Với sức mạnh của một người đai đen Thái Cực Đạo, đại úy Gritz đánh quá nặng tay vào CQ mà ông chọn để bắt nên người này ngãy lăn ra chết. Chỉ có viên trung sĩ bắt được CQ sống sót kia. CQ bị bắt làm tù binh chỉ mới 16 tuổi, bị thương nặng vì đánh nhau với viên trung sĩ.

Từng tiếp xúc với người Việt Nam trong hai năm qua, nên đại úy Gritz biết chút ít tiếng Việt. Ông cho tù binh này biết rằng cậu ta sẽ chết nếu không được chữa trị. Lúc bấy giờ chỉ có bác sĩ của đơn vị Biệt kích này mới giúp cậu ta sống được lại thôi. Vì vậy nếu tù binh này có thể dẫn đường để cho đội công tác tìm ra được chiếc hộp đen thì mới bỏ công cứu sống. Cậu tù binh chịu giúp, cậu cho biết bộ phận gắn hộp đen và cả chiếc hộp đen đang ở tại căn cứ cậu ta cách đó mấy dặm đường. Chính cậu ta đã nhìn thấy một chiếc hộp đen, nhưng cậu cho biết căn cứ này được canh gác rất nghiêm ngặt. Do trận phục kích trong đêm trước nên căn cứ CQ này đặt trong tình trạng báo động. Theo đề nghị mang đầy tinh thần hợp tác của cậu tù binh thì muốn đánh vào căn cứ, tốt nhất là từ nhà tiêu đánh ra thật bất ngờ.

Vì lo lắng đến số phận các phụ nữ và trẻ con trong căn cứ , đại úy Gritz không còn cách nào hơn là nghe theo lời của cậu tù binh. Lần phục kích đêm trước, có hai CQ trốn thoát và việc đi lấy xác khiến cho lời của cậu tù binh có vẻ đáng tin. Đại úy Gritz quyết định tấn công căn cứ trước khi trời tối, như vậy mới có thể phân biệt đàn bà, trẻ em được, sau đó còn dịp để tẩu thoát. Được băng bó cẩn thận, cậu tù binh trẻ thấy người Mỹ đã chăm sóc vết thương của anh ta một cách chu đáo nên cậu ta không tìm cách báo động cho đồng đội của cậu biết.

Súng trên tay, cả đội tấn công chớp nhoáng và bất ngờ vào căn cứ, đến nổi địch quân không ai trở tay kịp, mà chỉ biết chạy tìm nơi trú ẩn. Người được phân công tìm chiếc hộp đen thì đã tìm thấy nó. Đêm buông xuống cũng là lúc cả đội cùng cậu tù binh trẻ thoát ra được ngoài rừng rậm. Sau một lúc lâu, đại úy Gritz đoán rằng toán quân mình đã đi khá xa căn cứ địch nên ra lệnh tất cả ngừng lại để nghỉ qua đêm. Hôm ấy nhằm đúng vào đêm Giáng Sinh, nhìn kỹ lại đồng hồ, bấy giờ đã quá nửa khuya. Bỗng có tiếng súng cối và hỏa tiễn nổ vang cả khu rừng, khiến mọi người phải phân tán mỏng theo đúng tiêu lệnh về thay đổi địa điểm tập trung nhất là khi một đơn vị nhỏ bị một đơn vị lớn của đối phương rượt đuổi. Đến sáng hôm sau, cả toán mới gặp nhau lại, đại úy Gritz gọi trực thăng đến để tải thương và chở tù binh cùng chiếc hộp đen. Vị sĩ quan này và những người còn lại quyết định đi xa thêm một quãng nữa trước khi yêu cầu trực thăng đến đón về.

Vương Hồng Anh


The book is the memoir of one of America's most controversial military leaders. He briefly covers his days as a cadet at West Point where he graduated in 1936, the horse dawn artillery days, and his role in World War II where he fought with distinction in North Africa and Europe with the Ninth Division. We see his fast rise to a Brigadier General before thirty years of age and later (1952–53) in role in the Korean War. He served as superintendent of West Point (1960–64), attained (1964) the rank of general and commanded (1964–68) U.S. military forces in Vietnam. He then assumed the position of army chief of staff, which he held until his retirement in 1972.
Link tải sách về:
PDF:
https://drive.google.com/file/d/1iHYBbd8lA7l7sCIMs0Hz3KWbmUxeHISH/view?usp=sharing

No comments:

Post a Comment