Saturday, February 13, 2021

HÀNH QUÂN BRIGHT LIGHT THÂU HỒI NHÂN MẠNG

Toán biệt kích đơn vị SOG trong một chuyến xâm nhập, thâu thập tin tức tình báo trên đường mòn HCM. Quân biệt kích đang theo dõi con đường, trông thấy một lính Bắc Việt lưng đeo cặp đựng giấy tờ, đang đạp xe trên đường. Toán biệt kích nổ súng giết chết người lính Bắc Việt, lấy đi cặp đựng tài liệu.

Nghe tiếng súng nổ, đơn vị Bắc Việt gần đó báo động, tổ chức truy lùng toán biệt kích xâm nhập. Nhận được tín hiệu khẩn cấp, một hợp đoàn bốn chiếc trực thăng vào bốc toán biệt kích đưa về căn cứ hành quân Phú Bài, nhưng vẫn còn ba biệt kích kẹt lại. Phi hành đoàn trực thăng của anh tôi quyết định quay trở lại cứu họ. Ánh sáng ban ngày từ từ tan biến đi, thời tiết nơi khu vực bốc toán biệt kích trở nên xấu.

Chiếc trực thăng xuống thấp để tránh mây, bay dọc theo vách núi hướng tây thung lũng A Shau đến điểm bốc, vừa qua khỏi biên giới Việt Lào. Ba quân nhân biệt kích Hoa Kỳ tên là: Ronald Watson, Allen Lloyd và Sam Hernandez. được “câu” khẩn cấp bằng dây cấp cứu dưới cơn mưa đạn súng AK-47 của địch. Trực thăng bay vội về hướng đông thung lũng A Shau trên đầu ngọn cây, lôi theo ba quân nhân biệt kích Hoa Kỳ. Khi chiếc trực thăng bay ngang qua vách núi hướng tây, sợi dây cột Sam Hernandez bị đứt, anh ta rơi xuống từ độ cao 40 bộ. Vẫn tiếp tục bay về hướng đông thung lũng A Shau thêm khoảng 600 bộ, chiếc trực thăng bỗng quay ngược đầu đâm vào vách núi nổ tung như qủa cầu lửa (có thể phi công đã bị thương do đạn của địch bắn lên trực thăng lúc thả dây câu ba quân nhân biệt kích). Sam Hernandez là người may mắn, rơi xuống đất, đau ê ẩm nhưng không bị thương, gẫy tay, gẫy chân. Anh ta không nhìn thấy, không nghe, không biết chiếc trực thăng đã bị rơi, tất cả mọi người trừ anh ta đều tử nạn. Sam tìm một chỗ ngủ qua đêm.

Ngày 19 tháng Hai năm 1971, một toán biệt kích Bright Light (cấp cứu) được trực thăng đưa vào gần khu vực chiếc trực thăng bị rơi, để cứu hoặc thâu hồi tử thi phi hành đoàn. Toán biệt kích “nhặt” được Sam Hernandez, vẫn còn đeo cặp đựng tài liệu lấy được của địch ngày hôm trước, anh ta được trực thăng đưa về trước.

Toán Bright Light tìm được chiếc trực thăng bị rơi, cháy rụi gần như không còn gì. Xác hai phi công Berg và Woods vẫn còn cột giây an toàn trên ghế, xác Johnson văng trên một cành cây cách đó khoảng 30 mét, và một chân của Demsey nằm gần bụng chiếc trực thăng. Quan sát hiện trường, có thể Demsey bị văng ra ngoài khi trực thăng đâm vào núi, rồi chiếc máy bay rơi lên người anh ta cắt đứt một chân, phần còn lại nằm dưới xác chiếc trực thăng.

Toán biệt kích thâu hồi thân thể các nạn nhân phi hành đoàn chiếc trực thăng can đảm, cho vào túi đựng xác, đặt lên trên xác chiếc trực thăng xấu số. Thời tiết trở nên xấu, những tia nắng yếu dần, toán biệt kích quyết định để mấy túi đựng xác tại chỗ, tìm một chỗ an toàn gần đó phòng thủ đêm.

Sáng hôm sau, toán Bright Light di chuyển theo hướng tây bắc, lên đỉnh một triền núi. Khi đi ngang qua một vách núi, họ trông thấy dây cấp cứu câu biệt kích treo trên đỉnh. Xác của hai quân nhân LLĐB/HK, Watson và Lloyd vẫn còn treo trên dây gần chân núi (bị đập vào vách núi)… “Theo suy luận của (vđh), chiếc trực thăng bay thấp, kéo theo dây câu mấy quân nhân biệt kích, làm họ bị đập vào vách núi chết, đồng thời làm cho chiếc trực thăng bị vướng, quay ngược đầu bất ngờ, đâm vào núi.”

Toán biệt kích tiếp tục di chuyển theo hướng tây bắc lên đồi 1528 tìm điểm đóng quân đêm. Sáng hôm sau khi toán Bright Light sửa soạn quay trở lại chỗ chiếc trực thăng lâm nạn, họ bị tấn công (có lẽ bị địch theo dõi từ ngày hôm trước). Bị tấn công bất ngờ, hai biệt kích quân bị thương, phi công “Covey” FAC Larry Hull đang bay bao vùng bị rơi, tử nạn. Toán biệt kích được trực thăng bốc đem về, bỏ lại những túi đựng xác đồng đội. Bị tổn thất, cấp chỉ huy đơn vị SOG quyết định không trở lại vì khu vực “quá nóng”, có sự hiện diện của nhiều đơn vị Bắc Việt trong thung lũng A Shau. Vài quân nhân trong toán biệt kích Bright Light như: Charles Westley, Cliff Newman, Charles Danzer, thuộc sở Chỉ Huy Bắc (CCN) ở Đà Nẵng.

 Ngày 19-2-1971. Trung Sĩ Nhất William M. Fernandez, tử trận. Fernandez là “Covey Rider” ngồi ghế sau phi cơ FAC. Bị bắn rơi bên Lào.

 Ngày 19-2-1971. Thiếu Úy James “Woodstock” Larry Hull, quê quán Lubbock, Texas, phi công FAC Không lực Hoa Kỳ, phi đội 20 Không Trợ, cùng với Trung Sĩ Nhất William “Jose” M. Fernandez, LLĐB/HK, ban Cố Vấn Đặc Nhiệm 1 (TF1AE), Đà Nẵng (CCN) tử trận khi bay bao vùng cho một toán biệt kích bị mất tích.

Theo lời Fred Wunderlitch, “Lightning”: Nhiệm vụ này tiếp tục từ ngày hôm trước 18 tháng Hai và trước đó nữa. Toán biệt kích do tôi làm trưởng toán nhiệm vụ “Bright Light” (cấp cứu, thâu thồi tử thi) xâm nhập vào khu vực phi cơ FAC (O-2) lâm nạn. Chúng tôi lôi được xác Jose ra khỏi xác máy bay, còn xác Woodstock bị kẹt vào giữa động cơ máy bay và ghế ngồi, cả hai đều tử trận lúc thi hành nhiệm vụ.

Trong tuần lễ đó, đơn vị SOG chịu nhiều tổn thất, hầu như chuyến xâm nhập nào cũng bị. Tôi trông thấy Sammy đi cùng với Doc, Lloyd và Cliff, họ bị địch quân truy kích, cùng lúc đó, một toán biệt kích khác cũng bị nguy hiểm. Toán biệt kích của tôi được lệnh chuẩn bị cho hành quân Bright Light, ngồi chờ kết qủa, nghe những cuộc đối thoại trên máy vô tuyến. Ngồi nghe máy truyền tin là điều nóng nẩy nhất, nghe tiếng đồng đội trong lúc nguy khốn, nhiều lúc tôi đứng bật dậy muốn đi ngay. Sau đó được biết chiếc trực thăng lâm nạn, tiếp theo là phi cơ FAC “Covey”.

Chúng tôi vội vã lên đường, tôi chỉ chọn 3 quân nhân trong toán biệt kích 11 người, gồm toán phó (một-một, 1-1) Kloecki và hai biệt kích quân Thượng. Toán biệt kích của tôi đã xâm nhập vào khu vực trước đây, biết điạ thế rừng núi rậm rạp, chúng tôi chuẩn bị xuống trực thăng bằng dây từ trực thăng Huey (Slick) bay là là trên đầu ngọn cây. Khu vực xâm nhập vừa qua biên giới Lào, quan sát chúng tôi có thể suy luận chiếc phi cơ FAC (O-2) bị trúng đạn đâm xuống đất, làm gẫy cây tạo một khoảng trống. Hai cánh bị gẫy, mũi phi cơ bị cây “cưa” mất, lộ ra buồng lái.

Có tiếng chạm súng cách khoảng một cây số nơi hướng đông và có nhiều phi cơ đang bay vòng trên không phận khu vực đó. Cả hai người, Jose và Woodstock đều đã chết, chiếc máy bay đâm xuống đất có thể làm gẫy mọi xương cốt trong thân thể hai người. Tôi lôi Jose lên, cho anh ta vào túi đựng xác. Còn Woodstock kẹt cứng giữa ghế phi công và động cơ máy bay, chế tạo như thế để người phi công ngồi trước dễ dàng quan sát, điều khiển chiếc phi cơ. Bộ phận nhắm khẩu súng đập vào đầu làm vỡ nát phần trên đầu anh ta. Chúng tôi không thể lôi xác Woodstock ra khỏi xác chiếc phi cơ.

Một trực thăng HH-53 phát xuất từ Thái Lan đến đón chúng tôi, một người trên trực thăng tụt dây xuống quan sát xác chiếc phi cơ FAC, cũng không nghĩ ra cách lấy xác Woodstock. Trong lúc đó tiếng súng vẫn tiếp tục nổ vang trong khu vực giao tranh, chúng tôi phải về, được chiếc HH-53 kéo lên bằng dây cùng với túi đựng xác Jose. Trên trực thăng, tôi hỏi nhân viên phi hành, có thể bay qua phiá bên kia đồi tìm toán biêt kích cùng chiếc trực thăng bị lâm nạn, anh ta trả lời đã có một trực thăng khác lo. Thực sự không có chiếc nào cả, như tôi đã trình bầy, đó là một tuần lễ không được vui.

Tôi trở lại Lào năm 1991, 1992 trong đoàn thâu hồi bom đạn chưa nổ… Chúng tôi đến khu vực hành quân năm xưa (như thường gọi). Tôi nhớ lại toán biệt kích Intruder trong nhiệm vụ Bright Light chạm súng với địch cách vị trí chiếc FAC rơi khoảng một cây số về hương đông. (Frederick Wunderlich, tháng Mười Hai 1111).

“Tôi là một trung sĩ trẻ, anh ta là Trung Sĩ Nhất, sang Việt Nam chuyến thứ hai. Jose Fernandez là người bạn thân nhất trong thời gian tôi ở Việt Nam, bắt đầu từ khi chúng tôi rời Nha Trang ra sở Chỉ Huy Bắc (CCN). Chúng tôi ở chung phòng nơi căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB-1) Phú Bài và đó cũng là một nhiệm vụ “buồn”, tôi phải thâu hồi những vật dụng cá nhân của anh ta để trả về cho gia đình” (Michael Heinricy)

“Trung Sĩ Thomas Thompson chính là người lấy xác Jose Fernandez trong khi Thiếu Úy Wunderlich cùng các biệt kích quân khác bố trí phòng thủ. Trung Sĩ Thompson không thể nào lấy xác của Woodstock ra khỏi xác máy bay” (Thomas Thompson)

“Phần còn lại của một phi công tử trận trong lúc thi hành nhiệm vụ gần biên giới Lào-Việt 35 năm trước đây sẽ được trao trả lại cho gia đình. Quân đội Hoa Kỳ thông báo hôm thứ Năm vừa qua. Trung Úy Không lực Hoa Kỳ James L. Hull, quê quán Lubbock, Texas cùng với một quân nhân khác (LLĐB/HK Jose Fernandez) trên chiếc phi cơ O-2 Skymaster bị bắn rơi ngày 19 tháng Hai năm 1971. Cả hai người đều tử trận. Địch quân hoạt động mạnh trong khu vực phi cơ rơi, ngăn cản việc thâu hồi tử thi của Hull, do đó anh ta vẫn nằm trong xác chiếc máy bay, vừa qua phần đất Lào, theo báo cáo của phòng Tù Binh/Mất Tích bộ Quốc Phòng. Toán tìm kiếm quân nhân mất tích hỗn hợp đã đến khu vực tìm kiếm (đào xới) để thâu hồi xác Hull từ năm 1993 đến 1997. Nhưng cho đến năm 2006, một nhóm người Mỹ và Lào đến khu vực chiếc phi cơ rơi, thâu hồi được xương cốt, xác nhận của Trung Úy Hull. Ông ta sẽ được mai táng chôn cất với đầy đủ lễ nghi quân đội ngày 13 tháng Mười Một trong nghiã trang quốc gia Arlington gần thủ đô Washington D.C.”

“Tôi đang ở trong khu vực hành quân cùng với toán biệt kích Intruder khi được biết chiếc ‘Covey’ bị rơi cùng với Jose Fernandez. Đúng là một thảm họa, nhiều toán biệt kích bị địch tấn công và nhiều người bị thương trong ngày hôm đó. Billy Waugh và Cliff Newman cùng với toán Bright Light vào cũng chạm địch. Billy Waugh cứu được tôi ngày hôm sau. Tôi may mắn, anh ta đi chuyến đó vì anh ta biết tôi, biết bộ quần áo tôi mặc đi hành quân. Tôi nhớ ơn cứu mạng hoặc vẫn còn chạy trong rừng ở Lào” (Sammy Hernadez, LLĐB/HK, sở Chỉ Huy Bắc ‘CCN’)

Phi công bị bắn rơi ở Lào sẽ được mai táng - Chủ Nhật 12 tháng Mười Một, 2006

Don Babwin, phóng viên AP.

River Forest, Ill. Larry Hull biết những gì mình mong muốn. Cha của anh là một Thượng Sĩ Không quân làm việc với phi cơ. Khi Larry còn là đứa bé, anh ta đã muốn gia nhập Không quân, như người cha. Nhưng Hull thích lái máy bay. “Bay cao, bay cao” theo lời Tyra Manning, cô vợ của Hull trong mùa xuân năm 1966, khi hai người cùng theo học đại học Texas Tech University. Sau khi tốt nghiệp năm 1968, Hull gia nhập Không quân và được học lái phi cơ. Manning nhớ lại “Về đến nhà anh đã nói ‘Em nên ra ngoài ngắm mây’”. Hull biết rằng sẽ phải sang Việt Nam chiến đấu, và đến mùa hè năm 1970 anh ta đến Việt Nam. Hull chấp nhận nguy hiểm, có lần nói vợ rằng muốn được chôn cất trong nghiã trang quốc gia Arlington. Ngày cuối tuần lễ Cựu Chiến Binh năm nay, ước muốn của anh đã được chấp thuận, 35 năm sau khi bị bắn rơi trên đất Lào. Một lễ cầu nguyện cho Trung Úy James “Woodstock” Larry Hull sẽ được tổ chức vào ngày thứ Hai trong nhà nguyện nghiã trang Arlington, kết thúc đoạn đường dài cho Manning (vợ cũ) và cô con gái của Larry, Laura Hull. Các bạn đồng ngũ cũ của Larry cũng có mặt để chào lần cuối người quân nhân yểu mệnh.

Manning biết chồng bay những phi vụ thám thính đường mòn HCM. Một điều bà không được biết, Larry “tình nguyện” bay cho đơn vị bí mật SOG trong hành quân Prairie Fire xâm nhập vào đất Lào. Larry làm nhiệm vụ “điều không”, hướng dẫn phi cơ trực thăng thả các toán biệt kích xâm nhập bí mật vào đằng sau hậu phương của địch và đưa họ về an toàn. Không như những phi cơ quan sát khác bay ở độ cao 1500 bộ, phi cơ FAC có thể bay thấp khoảng 50 bộ, đôi khi quá thấp bụng phi cơ lưót trên đầu ngọn cây.

“Chúng tôi phải tìm họ (biệt kích) trong rừng và phải bay thấp trên đầu ngọn cây” lời phát biểu của Tom Yarborough, một Đại Tá Không quân về hưu, người huấn luyện cho Hull và cấp chỉ huy cho đến khi anh ta tử trận. Ngày 19 tháng Hai năm 1971, đơn vị Hull bay tìm một trực thăng bị bắn rơi. Yarborough bay trên đầu mấy quân nhân (biệt kích Bright Light) đang di chuyển về hướng chiếc trực thăng bị rơi, sau đó đến phiên Hull bay bao vùng vào buổi chiều. “Địch quân có một ổ súng phòng không trên sườn núi, bắn phi cơ của tôi một đôi lần” Yarborough nói tiếp “Tôi nói Hull coi chừng khẩu súng đó, và chính khẩu súng đã bắn rơi phi cơ của Hull”. Viên phi công 25 tuổi chết tức khắc, xác anh ta kẹt giữa động cơ máy bay và ghế ngồi. Một Trung Sĩ LLĐB/HK bay cùng với anh ta cũng tử trận. Khi toán biệt kích cấp cứu Bright Light đến, họ lấy được xác quân nhân LLĐB, nhưng địch quân kéo đến bao vây, quân biệt kích chỉ lấy được tấm thẻ bài của Hull đem về.

Vài ngày sau, Yarborough bay ngang chỗ phi cơ rơi, ông ta trông thấy lính Bắc Việt nơi xác chiếc phi cơ. Tức giận, Yarborough bắn xuống một qủa đạn khói, không ngờ trúng xác chiếc phi cơ, bốc cháy. Cuối cùng, một điều mà các quân nhân Hoa Kỳ không muốn làm, bỏ rơi đồng đội (không tìm kiếm nữa)… Sống hay chết vẫn phải đem họ về.

Manning không hề biết rõ về cái chết của chồng, trong nhiều năm khi trận chiến Việt Nam kết thúc (mọi hoạt động của đơn vị SOG được bảo mật). “Tôi chỉ biết liên lạc với người đại diện quân đội Hoa Kỳ, rất thường xuyên hỏi thăm.” Bà ta kể thêm “Tôi vẫn phải sống để nuôi con gái (Laura Hull) lúc đó chưa đến 2 tuổi, tìm việc làm.” Manning dọn đi đến Kansas tiếp tục việc học, rồi làm cô giáo. Lập gia đình lần thứ hai rồi tan vỡ nhanh chóng. Sau đó bà ta di chuyển đi Illinois, nơi bà làm hiệu trưởng một trường tiểu học ở River Forest, ngoại ô thành phố Chicago. Năm 1993, Không quân Hoa Kỳ gọi báo tin, mấy người dân quê làm rẫy ở Lào gần biên giới Việt Nam tìm được xương cùng tấm thẻ bài còn lại của Hull (đồng đội lấy đem về 1 tấm, để lại 1 để sau này nhận diện). Phòng thí nghiệm lấy mẫu DNA (AND) của mẹ anh và xác nhận đúng xương của Hull. Được tin, Manning liên lạc ngay với người đã gửi những kỷ vật của Hull về từ 22 năm trước… Sau những năm dài thương thuyết với chính quyền Lào, người Hoa Kỳ được phép sang Lào trong tháng Năm, đào xới đem về những gì họ có thể tìm được. Hôm thứ Hai, cuộc hành trình lâu dài kết thúc. Manning phát biểu “Laura và tôi đã trải qua, cố gắng đi tiếp cuộc đời của hai mẹ con chúng tôi. Bây giờ đã hòa bình, hãy để cho những gì còn lại của Larry về để mai táng”

Ngày 10-4-1971. Trung Sĩ Robert N. Fiesler, tử trận, đơn vị ban Cố Vấn Đặc Nhiệm 2 (TF2AE), toán biệt kích Arizona, sở Chỉ Huy Trung (CCC) Kontum.

Ngày 20-4-1971. Trung Sĩ Kevin D. Grogan, tử trận, đơn vị đại đội C Khai Thác (Hatchet Forces), TF2AE (CCC)

 Ngày 20 tháng Tư năm 1971, Trung Sĩ Kevin D. Grogan tử trận. Tôi tin là chuyện xẩy ra đầu tháng Tư, đơn vị chúng tôi xâm nhập vào khu vực phiá tây Plei Djereng, nằm án ngữ cho trung đoàn Hắc Báo (có thể Biệt Động Quân, phù hiệu con báo đen) VNCH càn quét khu vực (giải tỏa trại LLĐB Plei Djereng). Trung đội Khai Thác được trực thăng đưa vào một triền núi, sau đó chúng tôi di chuyển lên một vị trí cao. Tôi nhận thấy đã xế chiều, nên quyết định tìm chỗ lập tuyến phòng thủ đêm, sáng hôm sau sẽ di chuyển ra khỏi ngọn đồi.

Đêm đó rất yên tĩnh, sáng hôm sau đơn vị đang ăn sáng, bỗng một biệt kích Thượng chạy lại báo cáo nghe tiếng người Việt nói chuyện (khu vực hành quân chỉ có lính Bắc Việt) rồi chỉ tay về hướng phát ra tiếng nói. Tôi ra lệnh cho mọi người sẵn sàng di chuyển, rồi cùng với binh sĩ người Thượng mang máy truyền tin, một Chuẩn Úy VNCH, tiểu đội của Trung Sĩ Grogan đi thám thính. Chúng tôi đi chưa được xa đã gặp một đường mòn chạy từ đông sang tây. Nấp sau một cây, tôi vừa bước chân ra con đường mòn, ngay tức khắc trông thấy một lính Bắc Việt đang ngồi trên một thân cây bị gẩy đổ, khoảng cách chừng 50 bộ. Trận “tao ngộ chiến” súng nổ xẩy ra trong chớp mắt, tôi nhào mình nằm xuống sau một thân cây, rồi nghe Kevin Grogan la lớn “Tôi bị trúng đạn.”.

Phiá bên kia, người lính Bắc Việt trúng đạn chết, tôi chạy lại chỗ Kevin, anh ta nằm trên mặt đất, trúng bốn viên đạn AK-47 vào ngực. Tôi nắm tay nghe mạch, đúng lúc anh ta thở hơi cuối cùng. Tôi liên lạc đài tiếp vận Leghorn, báo cáo chạm súng và mất một quân nhân Hoa Kỳ. Không bao lâu John Plaster đến (Một cựu quân nhân SOG, viết sách về đơn vị SOG rất nổi tiếng). Chúng tôi kéo xác Kevin lên trực thăng bằng dây Mcguire, rồi di chuyển đến một khoảng đất trống do phi cơ thả bom để hợp đoàn trực thăng đưa về căn cứ.

Câu chuyện ở trên do Gerald Denison viết. Anh ta đóng trên căn cứ hành quân tiền phương 2 (FOB-2) Kontum, từ tháng Chín năm 1967 đến ngày 5 tháng Mười năm 1968. Trong nửa năm sau, Gerald bay với phi công FAC “Covey”, nửa năm đầu anh ta làm trưởng toán biệt kích Ohio. Gerald bị bắn rơi trong khu vực đông nam Attopeu bên Lào khi bay tìm một toán biệt kích, anh ta nằm quân y viện ở Valley Forge, Hoa Kỳ cho hết năm 68 và gần cả năm 1969. Ra khỏi bệnh viện, Gerald Denison thuyên chuyển về liên đoàn 10 LLĐB/HK quay trở lại Việt Nam trong tháng Ba năm 1971. Chuyến này, anh ta được chỉ định lên Kontum (FOB-2) lúc đó đã trở thành ban Cố Vấn Đặc Nhiệm 2 (TF2AE) vì quân đội Hoa Kỳ rút quân gần hết, và được cử làm cố vấn một trung đội Khai Thác (Hatchet Forces). Đại đội khai thác đóng trong căn cứ đơn vị Xung Kích (Mike Force) của LLĐB trước đây trong phố Kontum. Trong đơn vị có những khuôn mặt cũ đã từng phục vụ nhiều chuyến ở Việt Nam như Pappy Reed, Walt Schumate, Kevin Grogan và vài người nữa.

Ngày 27-4-1971. Đại Úy Frederick Krupa, mất tích, đại đội trưởng đại đội Khai Thác, ban Cố Vấn Đặc Nhiệm 2 (CCC) Kontum.

Câu chuyện 1: Ngày 27 tháng Tư năm 1971, Đại Úy Frederick Krupa quê quán Scranton, Pennsylvania bị mất tích, xem như tử trận. Hôm đó Đại Úy Krupa ngồi trên trực thăng chỉ huy, đưa một đơn vị vào khu vực hành quân cách biên giới Lào 2 dặm, hướng tây bắc Plei Djereng. Khi chiếc trực thăng bay thấp, cách mặt đất khoảng 3 bộ (1 m), địch quân bắn vào chiếc máy bay. Đại Úy Krupa ngã về phiá trước, viên đại đội trưởng đại đội A người Thượng Ayom nắm vai phải giữ Krupa lại nhưng phải buông ra vì anh ta cũng bị trúng đạn. Đại Úy Krupa rơi ra ngoài chiếc trực thăng xuống đất.

Hình ảnh cuối cùng của Krupa nằm ngửa cạnh một thân cây, không thấy cử động. Điều này được Hạ Sĩ cơ khí Melvin C. Lewis khai báo khi chiếc trực thăng bắt đầu bay lên cao.

Câu chuyện 2: Đại Úy Frederick Krupa ngồi trên trực thăng chỉ huy đưa quân vào bãi đáp. Chiếc trực thăng chỉ huy bị địch bắn lên, có người trên trực thăng nhìn thấy ông ta bị trúng đạn nơi ngực, rơi ra khỏi trực thăng. Phi công lái trực thăng phát hoảng vội bay lên cao, không biết chuyện xẩy ra cho Đại Úy Krupa. Sau đó viên phi công định báo cáo nhưng máy truyền tin trên trực thăng đã bị trúng đạn hư hại.

Ngày 28-4-1971. Thượng Sĩ Donald F. West, tử trận, đơn vị TF1AE, CCN

Ngày 29-4-1971. Trung Sĩ Albert McCoy, Jr., tử trận trực thăng bị bắn rơi, đơn vị TF1AE, CCN, toán biệt kích Anaconda

Ngày 10-5-1971. Trung Sĩ Nhất Lewis C. Walton, Trung Sĩ Nhất James Martin Luttrell, Trung Sĩ Klaus Y. Bingham, mất tích, đơn vị TF1AE, CCN, toán biệt kích Asp, phần còn lại đưa về Hoa Kỳ ngày 19 tháng Mười năm 2004

Ngày 3-5-1971, Trung Sĩ Klaus Bingham, quê quán Wahiawa, Hawaii, Trung Sĩ James Martin Luttrell, quê quán Fayettevill, North Carolina, và Trung Sĩ Lewis Clark Walton, quê quán Cranton, Rhode Island, thuộc LLĐB/HK trong toán biệt kích Asp, ban Cố Vấn Đặc Nhiệm 1 (TF1AE), CCN Đà Nẵng, mất tích xem như chết. Toán biệt kích Asp xâm nhập sâu 12 dặm nơi phiá đông quốc gia Lào trong khu vực thung lũng A Shau, điạ phận tỉnh Quang Nam. Sau khi xâm nhập toán biệt kích không báo cáo có cuộc chạm súng hay bất cứ điều gì, sau đó “biến mất”

Ngày hôm sau, 4 tháng Năm, phi cơ FAC lên bao vùng tìm kiếm toán biệt kích Asp nhưng không tìm được dấu vết gì. Ngày 5 hai phi công báo cáo nhìn thấy gương phản chiếu ánh sáng báo hiệu cùng với tấm pano cách bãi đáp trực thăng (thả toán biệt kích) khoảng 50 mét. Phi cơ FAC lên tìm kiếm, cố gắng liên lạc với toán biệt kích. Phi công FAC trông thấy hai người mặc quân phục xanh olive xử dụng tấm pano cấp cứu. Trực thăng được gọi lên nhưng không triệt xuất được vì lý do thời tiết xấu. Phi cơ FAC tiếp tục bay bao vùng cho đến 5 giờ chiều vẫn không liên lạc được với toán biệt kích. Ngày 6, thời tiết xấu không thể bay được. Ngày 7 vẫn không đưa một toán biệt kích Bright Light vào vì có sự hiện diện của địch bắn lên phi cơ.

Cả tuần lễ từ ngày 8 dến ngày 14, thời tiết xấu việc tìm kiếm toán biệt kích Asp phai đình lại. Ngày 14, một toán biệt kích Bright Light xâm nhập vào nhưng không tìm thấy dấu vết toán Asp. Toán biệt kích Asp trước đó có trưởng toán là Đại Úy “Garry” George Robb, khi ông ta về nước, toán Asp gồm có 3 cựu lính Bắc Việt đào ngũ và 3 quân nhân VNCH. Toán biệt kích bị tổn thất trước ngày 3 tháng Năm (cả toán mất tích), nên thành phần mới của toán không rõ.

Theo lời kể của Trung Sĩ Don “Sluggo” Murphy, về việc tìm kiếm ba quân nhân LLĐB/HK. Trong giữa tháng Tư năm 1971, hai toán biệt kích được nhập lại để tấn công một mục tiêu do một toán biệt kích khám phá. Chúng tôi được đưa lên căn cứ hành quân Phú Bài (FOB-1), ở lại 30 ngày. Hai toán biệt kích là Connecticut và Intruder. Trung Sĩ Andre Smith là trưởng toán Connecticut, Trung Sĩ Eldon Bargewell là trưởng toán Intruder. Hai toán biệt kích tổng cộng 24 người, Trung Sĩ Andre Smith được chọn làm trưởng đơn vị hành quân (hai toán biệt kích), Trung Sĩ Eldon Bargwell là toán phó. Toán biệt kích Connecticut xử dụng người Nùng, toán Intruder dùng người Thượng.

Toán Connecticut đến căn cứ Phú Bài (FOB-1)  trước buổi trưa ngày 3 tháng Năm 71, chúng tôi trình diện, rồi đi ăn trưa. Buổi sáng hôm đó, toán biệt kích Asp được trực thăng đưa đi xâm nhập êm xuôi, phi công “Covey” nhận được tín hiệu OK (an toàn) từ toán biệt kích (tôi không biết tên người quân nhân LLĐB bay trên chiếc FAC, lo nhiệm vụ đưa toán biệt kích xâm nhập). Trung Sĩ Nhất Keith Kinkaid vào nhà ăn cho chúng tôi biết sẽ bay với phi công FAC rồi đi ra chiếc máy bay. Sau khi Trung Sĩ Andre được gọi vào trung tâm hành quân (TOC), cấp chỉ huy quyết định cho hai toán biệt kích chúng tôi vào tìm toán Asp vì chúng tôi đông đảo hơn thay vì một toán Bright Light.

Sau khi được thuyết trình nhiệm vụ hành quân, chúng tôi ra đi. Bốn trực thăng Slick, mỗi chiếc chở sáu quân nhân biệt kích, thêm hai chiếc theo đuôi (chase) dành cho trường hợp trở ngại (trực thăng bị rơi…), Trung Sĩ y tá Bob Woodham ngồi trên một trong hai chiếc đó. Hợp đoàn được bốn trực thăng võ trang Cobra bay theo yểm trợ. Tôi ngồi trên chiếc chở quân (Slick) dẫn đầu cùng với trưởng toán Andre, thông dịch viên người Nùng Phun An Sang, một quân nhân Nùng khác, Trung Sĩ Mudhole Water và một biệt kích Thượng. Chúng tôi sẽ được đưa vào bãi đáp đã thả toán biệt kích Asp trước đó. Để đến bãi đáp, trực thăng phải bay qua một thung lũng có những triền núi cao hai bên. Khi vào gần đến bãi đáp, súng của địch từ hai bên sườn núi và từ bãi trực thăng bắn lên đoàn trực thăng. Lính Bắc Việt chạy ra chỗ trống trải bắn lên, và trên trực thăng bắn xuống.

Trưởng toán Andre quyết định hủy bỏ chuyến xâm nhập, hợp đoàn trực thăng đáp xuống Đà Nẵng xem xét trực thăng bị trúng đạn, lấy thêm nhiên liệu trước khi trở lại căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài. Chúng tôi định xâm nhập bãi đáp trực thăng phụ, nhưng thời tiết xấu nên hủy bỏ. Ba quân nhân LLĐB/HK trong toán biệt kích Asp được báo cáo mất tích: Walton, Bingham và Luttrell.

Ngày 11, thời tiết trở nên tốt, chúng tôi được lệnh xâm nhập vào một nông trại gần nơi toán biệt kích Asp mất tích, với hy vọng bắt được một tù binh Bắc Việt để hỏi số phận toán biệt kích. Chuyến xâm nhập êm xuôi, sau một tiếng đồng hồ di chuyển, chúng tôi dừng chân gần một giòng sông, bên cạnh hàng rào giữ gia súc. Chúng tôi có một người bị mệt vì khí hậu nóng bức (Trung Sĩ Eaton), Andre gọi trực thăng vào triệt xuất, lúc đó chúng tôi vẫn chưa thấy bóng dáng địch quân. Khi trực thăng vào “bốc”, Trung Sĩ Water, tôi cùng hai biệt kích Thượng cản hậu, bố trí bên cạnh chuồng gia súc. Trong thời gian trực thăng vào, chúng tôi có thể nghe tiếng la hét, trực thăng võ trang Cobra đang bắn vào một đơn vị lớn Bắc Việt đang tìm cách vượt sông sang tấn công chúng tôi. Cả hai toán biệt kích được trực thăng đem về an toàn.

Theo sự suy luận của tôi về chuyện xẩy ra cho toán biệt kích Asp. Toán biệt kích xuống bãi đáp an toàn, sau đó rơi vào ổ phục kích lúc di chuyển. Những gì người Việt nói có lẽ đúng, họ bỏ xác tại chỗ nơi tử trận. Trưởng toán biệt kích Intruder Bargewell (sau này lên Chuẩn Tướng) viết bản báo cáo: Một quân nhân LLĐB bay với Covey báo cáo nhìn thấy hai người mặc quân phục xanh olive hôm trước khi hai toán biệt kích xâm nhập tìm toán Asp, sau đó họ trải tấm pano mầu đỏ nơi bãi đáp trực thăng để dụ trực thăng đưa biệt kích vào mới tấn công. Một tháng sau đó, một tù binh Bắc Việt bị bắt khai rằng, toán biệt kích Asp đi vào một ngôi làng gần bãi đáp trực thăng, lọt ổ phục kích và cả ba quân nhân Hoa Kỳ đều tử trận.

Phụ chú: Đó là lần thứ hai toán biệt kích Asp bị “xóa sổ”, lần đầu ngày 28 tháng Ba 1968

Trong một buổi họp mặt của hội ái hữu Hành Quân Đặc Biệt, ông Dickie Hites, cố vấn đặc biệt cho chỉ huy trưởng phòng Nhân Diện Nhân Sự ở Hawaii, nói sơ qua về chuyến đi thăm vùng Đông Nam Á của ông. Ông ta cho biết, đã tìm được phần xương cốt còn lại của ba quân nhân LLĐB/HK toán biệt kích Asp, sở Chỉ Huy Bắc: Klaus Bingham, Jim Luttrell và Lewis Walton, tử trận ngày 10 tháng Năm 1971.

CỰU CHIẾN BINH IRAQ ĐƯA XƯƠNG CỐT CHA TỪ VIỆT NAM VỀ QUÊ

Ngày 09-5-2007, người viết Trung Sĩ Matthew Chlosta

Washington (Bản tin của Lục quân Hoa Kỳ). Trung Sĩ Nhất Lewis Clark Walton, Jr. đã hoàn tất hai chuyến phục vụ tại Iraq. Cha của anh, Trung Sĩ Nhất Lewis Clark Walton, Sr. chỉ mới về đến nhà sau chuyến phục vụ tại Việt Nam… Trung Sĩ Nhất Walton Jr. đã đưa phần còn lại của cha từ phòng Hỗn Hợp Tù Binh/Quân Nhân Mất Tích, căn cứ Không quân Hickam ở Hawaii về quê quán ở Greenwich, Rhode Island để chôn cất hôm 1 tháng Năm. “Chuyện này rất hiếm xẩy ra, con trai đưa cha về quê”, lời phát biểu của Steve Thompson, một viên chức trong văn phòng Nhận Diện Nhân Sự ở Hawaii.

Ngày 3-5-1971, Trung Sĩ Lewis C. Walton Sr. cùng với hai quân nhân LLĐB/HK, năm biệt kích quân Việt Nam (sắc dân thiểu số) xâm nhập vào một khu vực hướng nam Đà Nẵng để dò thám lấy tin tức của địch. Các quân nhân trong toán biệt kích rơi vào ổ phục kích, tất cả bị giết chết không chôn cất.

Toán tìm kiếm thuộc phòng Nhận Diện Nhân Sự đã đến xem xét, đào xới khu vực (được biết có xác quân nhân Hoa Kỳ) năm lần từ năm 1993 đến 2006. Họ đã tìm được nhiều vật dụng cá nhân, đồ trang bị của quân nhân Hoa Kỳ. Hài cốt của Trung Sĩ Nhất Walton Sr. được nhận diện bằng cách thử DNA (ADN), phòng thí nghiệm cơ quan Nhận Diện Nhân Sự. Trung Sĩ Nhất Walton Jr. nói “Chúng tôi luôn hy vọng, sẽ tìm được được ông ta ở đâu đó, trong tình trạng đủ tốt để đưa về quê… Lần cuối cùng tôi được nhìn thấy ông ta năm tôi được hai tuổi…”

Trong năm 1993, một toán tìm kiếm quân nhân mất tích thăm hỏi, phỏng vấn những người dân đã sống lâu trong khu vực toán biệt kích Asp xâm nhập, có người tham dự trận đánh. Nói tóm tắt, một đơn vị khoảng 40 VC truy lùng toán biệt kích giết chết ba quân nhân Hoa Kỳ, và một quân nhân VNCH. Ngày 4 tháng Năm (hôm sau), bốn quân nhân VNCH sống sót bị bắt gặp đang làm hiệu cho phi cơ, họ bị tấn công giết chết. Những cựu VC nói rằng, xác các quân nhân Hoa Kỳ, VNCH để tại nơi họ chết, không chôn cất.

Ngày 17-5-1971. Chuẩn Úy Dale Allen Pearce, quê quán Mentor, Ohio, Chuẩn Úy David Pecor Soyland, quê quán Rapid City, South Dakota và hai xạ thủ đại liên (tên, cấp bậc không rõ) phi hành đoàn trực thăng UH-1H, đại đội C, tiểu đoàn 158 Không Trợ, sư đoàn 101 Nhẩy Dù Hoa Kỳ, tử trận. Trực thăng bị bắn rơi khi vào triệt xuất toán biệt kích Alaska. Thâu hồi được ba xác chết, người thứ tư báo cáo mất tích.

Toán biệt kích Alaska được trực thăng đưa đi xâm nhập vào thung lũng Da Krong, trong tỉnh Thừa Thiên ngày 8 tháng Năm 1971. Toán biệt kích gồm có: Trung Úy Danny D. Entrican trưởng toán, Trung Sĩ Dale W. Dehnke, Trung Sĩ Gary L. Hollingsworth cùng ba biệt kích quân người Nùng.

Ngày 17 tháng Năm, khi toán biệt kích Alaska di chuyển đến một vị trí cách biên giới Lào-Việt khoảng 1 dặm, huớng tây bắc căn cứ Khe Sanh, toán biệt kích “đụng” phải một đơn vị cấp lớn Bắc Việt, gọi máy yêu cầu triệt xuất khẩn cấp. Trung Sĩ Dehnke, Trung Sĩ Hollinsworth và một biệt kích Nùng đã trúng đạn chết lúc chạm súng. Trung Úy Entrican cùng hai biệt kích Nùng còn lại chạy thoát, tìm cách lẩn trốn đơn vị địch. Hai quân nhân biệt kích Nùng được cứu thoát, Trương Minh Long, Trương Tô Hà (thông ngôn) cho biết, họ chạy xuống chân núi. Trung Úy Entrican nói họ phân tán, rồi chạy hướng khác.

Đại đội C, tiểu đoàn 158 Không Trợ được lệnh đi cứu toán biệt kích, hợp đoàn gồm trực thăng chở quân (Slick), trực thăng võ trang yểm trợ, phát xuất từ căn cứ Evans, sư đoàn 101 Nhẩy Dù Hoa Kỳ. Một trong những trực thăng tấn công UH-1H, số đuôi 67-17607 có phi hành đoàn như sau: phi công Chuẩn Úy David P. Soyland, phi công phụ Chuẩn Úy Dale A. Pearce, Trung Sĩ cơ khí Harold E. Parker và Hạ Sĩ Gary A. Alcorn xạ thủ khẩu đại liên M-60 gắn nơi cửa.

Là trực thăng võ trang yểm trợ cuộc triệt xuất, Soyland là chiếc trực thăng đầu bay vào mục tiêu, dưới hỏa lực của địch. Sau khi nhào xuống bắn hỏa tiễn, đại bác minigun, Soyland lái chiếc trực thăng bẻ quặt qua bên phải để tránh đạn phòng không, chiếc trực thăng bị trúng đạn B-40 vào đuôi, gẫy phần đuôi rơi xuống. Chiếc trực thăng đập phiá bên phải vào sườn núi, tuột xuống dưới chân núi. Chuẩn Úy Pearce phi công phụ tử nạn, những người khác chạy thoát ra khỏi trực thăng.

Hỏa lực phòng không làm chuyến triệt xuất kéo dài qua ngày hôm sau. Một toán biệt kích Bright Light được đưa vào tìm kiếm các quân nhân sống sót phi hành đoàn trực thăng, cùng toán biệt kích Alaska. Họ cứu được hai nhân viên phi hành, Parker, Alcorn và hai biệt kích Nùng. Xác Chuẩn Úy Pearce phi công phụ kẹt trong buồng lái, toán biệt kích không lấy ra được vì không đem theo dụng cụ. Họ thâu hồi được xác Hollingsworth, Dehnke, một biệt kích Nùng. Hạ Sĩ Alcorn báo cáo trông thấy Chuẩn Úy Soyland chạy trên đỉnh một triền núi bên cạnh, tuy nhiên việc tìm kiếm cho đến ngày 27 tháng Năm vẫn không thấy Trung Úy Entrican và Chuẩn Úy Soyland.

Cả hai sĩ quan Hoa Kỳ được báo cáo mất tích. Tài liệu của địch trong tháng Năm 1971 có nói bắt được một sĩ quan nhưng không nói rõ là Entrican hay Soyland.

Dale Dehnke tử trận hôm sinh nhật thứ 23 của anh ta. Dale là trưởng toán của tôi trong toán biệt kích Crusade, đi theo toán Alaska. Don Kelly. Trung Sĩ Dehnke thuộc sở Chỉ Huy Nam (CCS) Ban Mê Thuột, khi sở chỉ huy Nam đóng cửa, anh ta thuyên chuyển ra sở Chỉ Huy Bắc (CCN) trong tháng Bẩy năm 1970.

Một điện thư (email) từ một người bạn thân của Dale Dehnke.

Tôi cảm thấy cần phải nói thêm về Dale, một người bạn rất thân của tôi… Dale lớn lên ở Santa Monica, California. Anh ta là một học sinh giỏi, chơi đánh banh Baseball cũng rất giỏi. Cha của anh thúc đẩy anh ta nên tiếp tục chơi Baseball, và Dale bực chuyện gia đình, bỏ đi lính. Dale tử trận đúng ngày sinh nhật thứ 23 của anh, và một năm sau, cha của anh ngồi bên mộ anh, tự tử chết. Đó là một chuyện rất buồn, vì gia đình anh rất đầy đủ. Mẹ anh đến bây giờ cũng không thể nói chuyện về Dale hay cha của anh. Tôi đặt tên đứa con trai đầu lòng là Dale để giữ hình ảnh người bạn thân yểu mệnh.

Ngày 20-5-1971. Đại Úy Scott H. Newport, tử trận, đơn vị ban Cố Vấn Đặc Nhiệm 3 (TF3AE), CCS, Ban Mê Thuột.

Tôi biết Đại Úy Scott Newport. Ông ta đeo lon Trung Úy khi thuyên chuyển đến sở Chỉ Huy Nam (CCS) cuối mùa thu năm 1970. Mới đến, Scott làm sĩ quan phụ tá ban 2 (S-2) dưới quyền Bill Tangney. Tôi nhớ rằng, Scott lên làm trưởng ban 2 vào đầu năm 1971, khi Bill đi làm chỉ huy trưởng căn cứ hành quân tiền phương (“phóng”) phương bắc.

Ông ta và tôi cùng trên chuyến bay CCK trong tháng Mười Hai năm 1970. Sau đó ông ta trở về sở Chỉ Huy Nam, ít lâu sau trở thành ban Cố Vấn Đặc Nhiệm 3 (TF3AE) khi liên đoàn 5 LLĐB/HK rút quân về nước. Tôi vào Saigon trong tháng Giêng năm 1971 nắm quyền chỉ huy LB do Jack Keller bàn giao. Nếu tôi không lầm, Scotty cũng vừa mới được thăng cấp lên Đại Úy khoảng một, hai tháng trước khi tử trận.

Sau khi Scotty chết, tôi được nghe kể rằng, là sĩ quan ban 2, ông ta đến thăm một ngôi làng dể gặp vài người lớn tuổi. Ông ta được một trung đội (an ninh) bảo vệ. Ông là người Hoa Kỳ duy nhất trong nhóm, khi đến làng bị địch quân phục kích giết chết.

Ngày 22-6-1971. Trung Sĩ Madison Alexander Strohlein, quê quán Philadelphia, Pennsylvania, TF1AE (CCN), toán biệt kích New Jersey, mất tích.

Strohlein xâm nhập bằng dù điều khiển (HALO) cùng với Thượng Sĩ William “Billy” Waugh và Trung Sĩ Nhất James O. Bath. Toán biệt kích ba quân nhân Hoa Kỳ xâm nhập vào khu vực Ta Kô bằng dù điều khiển để bảo đảm vấn đề bí mật. Chỉ vài quân nhân LLĐB kinh nghiệm mới được chọn để học khoá huấn luyện nhẩy dù điều khiển HALO, xâm nhập hậu phương địch.

Vì Strohlein bị thương khi xuống tới đất, năm tiếng đồng hồ sau, anh ta yêu cầu triệt xuất, thêm bốn giờ nữa trôi qua, Strohlein báo cáo có dấu hiệu địch quân di chuyển xung quanh vị trí của anh ta. Toán biệt kích Waco City (cấp cứu Bright Light) được đưa vào ngày 23 tháng Sáu, nhưng không tìm được Trung Sĩ Strohlein, họ tìm thấy súng, máy truyển tin khẩn cấp (URC-10) và bản đồ của anh ta.

Đó là những bằng chứng quân đội Bắc Việt đã bắt được Trung Sĩ Strohleine, nhưng chính quyền miền Bắc không công nhận chuyện này.

vđh tổng hợp.

No comments:

Post a Comment