Sơn Trà Huấn Luyện - Nguyễn Hùng Trâm NKT
Bán đảo Sơn-trà gần thị-xã Đà-nẵng, thuộc tỉnh Quảng-nam đã từng là căn-cứ bí-mật huấn-luyện người nhái dùng để xâm nhập miền Bắc trong những công-tác khuấy-rối và phá-hoại. Đó là những chiến-sĩ can cường của NKT/QLVNCH.
Sơn-trà, Ðà-nẵng bây giờ không còn dấu tích hồi đầu, khi SPVDH (Sở phòng-vệ duyên-hải) mới thành lập, do đó có bạn biết, có bạn nhập-ngũ sau này thì không biết một chút nào. Vậy bài này để các bạn hình dung quang cảnh ngày xa xưa đó, và cũng để chúng ta ôn nhớ lại những kỷ-niệm một thời của thời thanh-niên, chúng ta đã đóng góp mồ hôi và nước mắt cho cuộc chiến, người còn kẻ mất, nhiều chiến-hữu đảm trách những công-tác bí-mật chết trong âm thầm, dường như đã đi vào quên lãng. Chúng ta may mắn, được vui vầy bên gia-đình yên ấm, nhắc tới họ, thắp nén hương lòng ghi nhớ công ơn Họ là những anh-hùng không tên tuổi (Đằng Phương)
Là một quân-nhân đã phục-vụ trong NKT từ 1961-1975. Ở đây, tôi ghi nhận những gì tôi thấy hoặc tham gia trên thực-tế. Năm 1963 tôi nhận nhiệm-vụ ra công-tác tại bán đảo Sơn-trà, Ðà-nẵng. Chính nơi đây, những nhân-viên phòng E hay gọi là phòng 45 đang thi-hành công-tác bí-mật, họ có thể không biết nhau hoặc có thể biết nhau, gặp nhau hàng ngày, nhưng anh ta đang làm gì ? thì chỉ người đó biết mà thôi. Ðó là cung cách làm việc của những người quanh tôi ngày đó.
Bước xuống phi-trường Ðà-nẵng vào tháng 6-63, phi-trường không cách thị-xã bao xa, thành-phố không lớn lắm, dân chúng thưa thớt, con đường Ðộc-lập dài vắt ngang phố, tôi nhớ nhất là con đường Trần nhật Duật, nơi đây là những căn nhà an-toàn thuê của dân, để dưỡng quân và cũng từ nơi này là nơi hẹn hò, phân-phối công-tác riêng biệt cho từng cá-nhân.
Ðứng từ Bến cá làm chuẩn, nhìn sang bên kia là bán đảo Tiên-sa, Sơn-trà. Nhìn sang tay trái là những hòn núi mờ mờ nhấp nhô (lúc đó chưa có đài kiểm-báo của KQ) dưới chân núi là cái vịnh nhỏ, có những thuyền buồm kiểu miền Bắc, dài khoảng 22 mét, có gắn động-cơ mạnh để ứng phó với hoàn-cảnh phải giao-chiến với tầu cộng sản Bắc việt, ngoài ra còn trang-bị súng đại-liên 50 và mày truyền-tin. Những thuyền này được mang mã-số N1...đến N7. Những tài-công là những ông già, người miền xứ Nghệ, tiếng nói nặng chệt. Ngoài ra còn có chiến-đĩnh Swift và Nasty. Sau này vì cường-độ chiến-tranh gia tăng, Hoa-kỳ đã trang-bị cho chúng ta những giang-tốc-đĩnh PTF vừa nhanh, hoả-lực mạnh, có trang-bị radar rất tối-tân.
Người dân Ðà-nẵng muốn qua Sơn-trà phải đi qua cầu Trịnh minh Thế. Còn chúng tôi chỉ dơ tay vẫy, tức thời có ca-nô sang đón, và có xe túc-trực chở đến trại Pacific, còn gọi là trại Mỹ-khê cách Bến cá khoảng 3 cây-số. Ðây là căn-cứ chính của SPVDH, trại lớn nhất ở Mỹ-khê, kế tiếp là những trại nhỏ dọc theo bờ biển chạy dài về phía Ngũ hoành sơn, một trong những trại nhỏ này có hồ bơi, để thử tài lặn của từng người, nói tới Sơn-trà chúng ta phải nhắc tớì những rừng phi lao chạy dài dọc theo bãi biển. Chính nơi đây là nơi huấn-luyện người nhái, hết toán này đến toán khác và hoàn toàn do người Mỹ đảm nhiệm, họ được tập-luyện bơi lội, xử-dụng bình scuba, vượt sóng bằng xuồng cao- su, cách đối phó khi xuồng bị lật úp v..v.. Người chỉ-huy đầu-tiên SPVDH là cố đ/tá Bình, tức đ/tá Ngô thế Linh, trụ-sở tại 26 đường Bạch-đằng, Ðà-nẵng. Ông là vị sĩ-quan lâu đời nhất của NKT, ông rất thân mật với thuộc cấp, và có nghiệp-vụ cao trong ngành tình- báo, ông được thuộc-cấp kính-trọng và phục tùng (một việc đáng được đề cao là ông tìm đến thăm hỏi thuộc-cấp khi nghe tin họ đặt chân đến Hoa-Kỳ) Chính nơi đây sản sinh ra những Kinh Kha chưa bao giờ chịu khuất-phục CS như : Ðặng chí Bình, Lầu chí Chăng, Nguyễn văn Tâm v..v..
Trở lại chuyến đi công-tác của chúng tôi với toán Centaur. Thường thường những toán từ 6 người đến 12 người, nhưng toán Centaur có tới 33 người, họ đã được học căn-bản tác-chiến, học cách phá-hoại cầu, và vừa thực-tập chuyến nhẩy dù đêm không có bãi đáp với quần áo bảo-hộ tại rừng già Ban-mê-Thuột. Hôm nay chúng tôi lên phi-cơ C-123 tại phi-trường Long-thành, tỉnh Biên-hoà lúc 10:30 sáng, trực chỉ Ðà-nẵng, đây là toán ngắn hạn, mục-tiêu của họ là những chiếc cầu sắt do người Pháp đề lại. Họ sẽ nhẩy dù xuống, tiến tới mục-tiêu, phá-hủy cầu rồi rút ra biển, nơi đó sẽ có tầu Mỹ đến đón. Khoá huấn-luyện người nhái này kéo dài một tháng rưỡi, và tối nay, mãn khoá họ sẽ thực-tập phối-hợp nhẩy dù xuống bãi biển Mỹ-khê, phá-hoại cây cầu được dựng lên làm mục-tiêu và rồi rút ra biển, chương-trình tổng-quát là như vậy. Chiều hôm đó, khoảng 6:30 tối, chúng tôi 3 người: một trung-sĩ cố-vấn, trung-sĩ nhất Ðèo văn Peng và tôi có mặt tại phi-trường Ðà-nẵng cùng với khoá-sinh biệt-kích đang bận rộn mặc dù và những trang-bị nặng-nề nào ba-lô, đầu bò truyền-tin và đặc-biệt phải mang phao để lỡ có rớt xuống biển cho được an-toàn... Trời chiều hơi lạnh, nhưng người nào mồ hôi cũng đổ ra từng giọt. Chúng tôi đang khám dù thì từ xa một chiếc xe jeep chạy tới, tôi nhận ra viên đ/úy cố-vấn, ông chỉ vào máy đo gió và nói: gió mạnh sẽ thổi hết ra biển và yêu-cầu tôi di-chuyển điểm đánh dấu đến nơi khác, tôi lên xe về Mỹ-khê nơi đánh dấu bãi nhẩy và di-chuyển chữ T vào sâu hơn.
Theo chương-trình thì khoảng 9:30 máy bay tới, chúng tôi chờ đến 10:30 máy bay cũng chưa tới. Ðến 11 giờ thì mọi người đã có vẻ xôn xao, bên VN hỏi bên Mỹ và ngược lại phía Mỹ hỏi VN cũng cùng câu hỏi ? máy bay cất cánh rồi đi đâu ? có thể máy bay gập nạn hay bị không-tặc ? Cho đến sau đó 3 ngày, khi tôi đang đi trên phố với bộ đồ dân-sự, sửa-soạn về Sàgòn thì một chiếc xe jeep chận tôi lại, đó là đ/tá Dương quốc Lương trưởng phòng không-yểm NKT, ông cho biết, nhân-chứng thấy máy bay đâm vào dẫy núi phía Bắc Sơn-trà. Ông chở thẳng tôi ra phi-trường và cùng tôi lên chiếc Cessna U-17 do chính ông lái. Bay tới vòng thứ ba thì tôi nhìn thấy đuôi máy bay, lúc này mây vẫn phủ trắng xoá. Sau đó tôi được chở về bãi Bắc của bán đảo Sơn-trà, nơi đây có một trung-đội nghĩa quân tăng-phái cho tôi đi lấy xác, tôi chẳng kịp thay quần áo... Mất 3 tiếng chúng tôi mới lên tới chỗ máy bay gặp nạn. Một cảnh tan hoang, máy bay cháy hết chỉ còn cái đuôi, giở bản đồ ra, thấy núi này cao hơn 500 mét, nơi máy bay đụng ở độ cao hơn 400 mét. Trước khi máy bay đụng vách đá, chong chóng phi-cơ đã quạt đứt rừng cây dài một cây số như luống cầy máy chạy dài, chiếc phi-cơ muốn vượt thoát lên không trung nhưng đã muộn, máy bay đụng phải tảng đá cao khoảng 6 mét, cho nên mọi thứ : người, mũ nhẩy, súng ống bị cản lại một đống ở chân tảng đá. Tất cả không còn nguyên vẹn, bước vào đuôi máy bay, xác một nhân-viên phi hành đoàn với bộ áo phi-hành mầu cam bị cháy nham nhở nhưng mặt mũi tóc tai vẫn bình thường, anh ta nằm ngửa, hai tay trải rộng, bên cạnh là cái headset với sợi dây điện mầu đen. Móc trong túi quần, trong chiếc ví có thẻ chủ quyền chiếc xe Vespa và thẻ sĩ-quan đ/úy Hồ văn Kiệt. Ði bọc ra sau tảng đá ngước nhìn lên trời, thấy trung-sĩ nhất Ðèo văn Peng ngồi, hai chân thòng xuống đất sau lưng vẫn đeo dù, đầu trần, mặt cúi phía trước, giữa trán bị chẻ một miếng như dao chém, nhưng không có máu, nhìn vào mặt không một vết bầm, nom rất hiền từ và tự tại, với thế ngồi như vậy, chỉ cần một cơn gió mạnh là anh sẽ rớt ngay mà thôi. Tổng-số người chết là 41 gồm 33 BKQ+6 phi-hành đoàn+1 huấn-luyện viên nhẩy dù+1 cố-vấn Mỹ, tất cả không ai toàn xác, chỉ có hai người còn nguyên vẹn là Kiệt và Peng. Riêng viên cố-vấn chỉ còn cánh tay xâm với ngón tay có đeo nhẫn. Túi đựng xác đã viết sẵn tên, cứ thế mỗi bao xác chia đều, không còn cách nào hơn nữa..!!! Chuyện xẩy ra cách đây gần 40 năm, nhưng tôi vẫn cảm thấy như nó xẩy ra vài hôm trước đây. Cảnh tan hoang, tàn phá, khói lửa nghi ngút trên vách núi dựng đứng của ngọn núi Sơn-Trà, tôi phải ôm gốc cây, chui vào bao đựng xác mà ngủ vì trời đêm quá lạnh. Cho đến bây giờ, ngồi một mình suy nghĩ về tai-nạn này, tôi vẫn không hiểu vì sao mà tr/sĩ Ðèo văn Peng khi máy bay đụng mạnh vào sườn núi, anh bị văng ra, bay bổng lên trời, làm cách nào mà anh có thể chết ngồi trong vị-thế đó được ? Về phần tôi, càng nghĩ, càng thấy sợ, công việc mình đang đảm trách, đối-diện thần chết trong tích tắc mà không biết, tự hỏi nếu không có viên đ/úy cố-vấn đến đưa đi lúc đó thì.. Cám ơn Thượng-đế, ông bà đã phù hộ cho tôi tai qua nạn khỏi để viết bài này. Ðây là câu chuyện đã giữ bí-mật suốt mấy chục năm qua, cần bạch hoá để thân nhân của toán Centaur và phi-hành đoàn chuyến bay đó biết rõ về cái chết của thân nhân mình, và cũng để nói lên sự đóng góp của họ cho NKT nói riêng, cho đất nước nói chung, chưa một lần được nhắc đến để vinh-danh...
Khi viết bài này, tôi chạnh lòng nhớ tới cố đ/tá Ngô thế Linh và t/tá Trần kim Khánh cũng có mặt tại bãi nhẩy Mỹ-Khê để theo dõi cuộc thực tập đêm hôm đó, t/tá Khanh hiện ngụ tại Nam Cali, đ/tá Ngô thế Linh đã ra người thiên-cổ. Ông ra đi quá vội để lại sự thương nhớ cho mọi người. Người chỉ-huy trưởng phòng E 45.
Nguyễn mạnh Hùng
No comments:
Post a Comment