Đạn quân thù nổ dòn đây đó
Lửa chực chờ đốt cháy quê hương
Máu chiến binh đỏ thắm nhuộm chiến trường
Quyết giữ lấy phần biên cương Quốc thổ
Là vợ của lính trong thời binh lửa
Mái pông sô hứng đạn ngỡ trời mưa
Súng rền vang chẳng khác pháo giao thừa
Mùi thuốc súng nồng thơm căng buồng phổi
Sánh vai chồng xông pha ngoài biên ải
Lửa hỏa châu cháy rạng sáng quê hương
Tay lựu đạn tay cò bóp súng trường
Còn ai nhớ ai thương người vợ lính ...
Chồng gục xuống vợ khinh binh thế chỗ
Diệt quân thù cơn cuồng nộ chiến tranh
Ai còn nhớ người quả phụ vô danh
Khép kín mình bên dòng đời hiu quạnh.
Thị xã Trà Vinh tôi sống không lâu nhưng nơi này đã để lại trong tim nhiều kỷ niệm, đã cưu mang tôi hai lần trên bước đường trốn chạy nạn cộng sản. Lần thứ nhất vào khoảng tháng 2 năm 1975 khi đồng bào tỉnh Quảng Trị lục đục kéo ngang qua Huế, anh bà con của tôi là cố Trung Tá Nguyễn văn Bình Sư đoàn I Bộ Binh lên nhà đề nghị với Má tôi:
-Dì nên đưa các em về Trà Vinh ở với chị Thảo một thời gian Dì nói các em chuẩn bị sẵn sàng vài hôm nữa con lên lại đưa Dì và các em đi.
Gia đình tôi đông chị em Ba tôi bị việt cộng chôn sống năm Mậu Thân nên chúng tôi lúc nào cũng được sự quan tâm của bà con thân tộc.
Mặc dù Anh Bình không nói lý do bỏ Huế đi, nhưng một vị Trung Tá nói như thế cũng hiểu ngầm rằng tình hình chiến sự căng thẳng. Thảm cảnh Mậu Thân còn đó, những bộ hài cốt trắng hếu tay chân quấn chặt dây kẽm gai, xương đầu dập nát trong những hố chôn tập thể như hiển hiện trước mắt, hình ảnh những tên đao phủ trợn mắt nhe răng cầm búa, cầm mã tấu đánh vào đầu người dân lành vô tội làm tôi ớn ốc nổi da gà, khi nghe anh Bình nói vậy tụi tôi cuống cuồng, chị em mỗi đứa một túi xách nhỏ mang theo ít đồ cá nhân ngồi bắt mặt ngó ra đợi.
Nhà chị Thảo ở đầu sân bay Trà Vinh gần cổng Đại Đội Tổng Hành Dinh của Sư Đoàn 9 Bộ Binh, chồng chị làm Đại Đội Trưởng, căn nhà lợp lá dừa nước, vách toàn là ống đạn, chiều dài căn nhà quá cỡ nhà bình thường tựa như khu gia binh.
Vô tới đây ai nấy thở phào nhẹ nhõm, chạy một mạch xa như vậy cứ nghĩ rứa là ổn chưa kịp vui thì tin sét đánh tới Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa buông súng đầu hàng.
Thế là hết ! Chị em chúng tôi nước mắt lưng tròng nhìn nhau trong âu lo thương hận.
Cho tôi thước vải thô màu trắng
Quấn ngang đầu buộc chặt nỗi hờn căm
Ba Mươi tháng Tư Một Chín Bảy Lăm
Cúi đầu xuống phục tang ngày Quốc Hận.
Đất nước đã nhuộm đỏ màu tang tóc, đại nạn cộng sản bao trùm, không biết tương lai về đâu, nơi bám víu sau cùng là chấp hai tay xin ơn trên phù trì che chở.
Trong thế chẳng đặng đừng chúng tôi bầu đoàn thê tử lục đục trở lại Huế, gia đình tôi đông chị em nên Ba tôi xây nhà rất to, nhà sau nối liền nhà trước, mái đúc bằng dự tính lên lầu, tết Mậu Thân bị mấy trái pháo cũng không hề hấn gì, bước vô tới cửa ngõ thì tá hỏa tam tinh, một nhà toàn là lính việt cộng, khi đến tột cùng của sợ, thì không còn biết sợ là gì, tôi bước vào nhà như một con điên liệng mạnh túi xách xuống nền hét lớn:
-Mấy ông ở mô mà vô đây, đi ra ngay, ra khỏi nhà ngay lập tức !
Đám lính cộng sản này tôi thấy phần nhiều là đám choai choai cỡ mười sáu mười bảy, đứa nào đứa nấy nghe tôi hét chúng quờ quạng kéo nhau dồn lui nhà sau, rồi một tên lớn tuổi từ nhà sau ra điều đình:
-Không biết Mẹ và các cô về nên chúng cháu không chuẩn bị, Mẹ cho chúng cháu ở tạm nhà sau một hai hôm để chỉ huy sắp xếp chúng cháu sẽ đi ngay.
Ai nấy mừng thầm, đối phương xuống nước nhỏ tức là nhà mình không mất.
Bạn còn nhớ cuối mùa xuân năm nớ
Quê hương chìm trong biển đỏ thương đau
Tang thương ly hận chồng chất oán sầu
Đất nước khởi đầu thiên niên mạt vận.
Trà Vinh .
Lần này tôi trở lại với hoàn cảnh khác, tay ôm con dại, cùng chồng lánh nạn thu gom đi tù lần thứ hai.
Làng tôi có hai người đi tù về sớm một là anh Tùng bà con cấp bậc Trung Tá trước phục vụ trong ban Liên Hiệp Quân Sự bốn bên, hai là ông xả của tôi, còn phía cầu Kho Rèn có hai người bạn thường lên chơi là Thiếu Úy Cam Thiếu Úy Đức.
Sau vụ tàu cộng đánh các tỉnh biên giới phía Bắc, ban ngày công an tỉnh đến nhà thẩm tra lý lịch, đêm hôm sau xét hộ khẩu bắt đi luôn, vậy là đã bị bắt đi ba người, gồm anh Tùng, anh Cam và anh Đức, chồng tôi cũng vậy sáng hôm nay công an xét lý lịch, chiều hôm đó chúng tôi vội vàng bỏ Huế ra đi.
Hai vợ chồng và đứa con vào Trà Vinh tá túc nhà chị Thảo được gần bốn tháng, điều ngạc nhiên cuộc sống bà con ở đây chẳng khác lúc trước mấy, quán nước mía, quán cà phê bên đường nhạc cũ trước 1975 vẫn râm rang ca hát, bà con ở đây nghe chúng tôi nói chuyện ăn cơm độn hầu như không ai biết cơm độn là gì, so với Huế, Quảng Trị thì đây là thiên đàng.
Cuộc sống tinh thần ít căng thẳng hơn Huế, người dân ở đây không dòm ngó nhau nên tình trạng rình rập báo cáo lập công không có, nhờ vậy chúng tôi tá túc ở đây trên bốn tháng rồi không bị xét hộ khẩu.
Như mọi ngày mâm cơm trưa chuẩn bị xong để bên mép giường, chiếc chiếu cũ trải xuống nền nhà làm bàn ăn cũng đã sẵn sàng, nồi cơm trắng không độn gạo Nàng hương thơm phức, song cá kèo kho khô với hẹ ngào ngạt mùi thơm, ở Huế thời buổi này làm sao có được bữa cơm thịnh soạn như vậy.
Nghề đạp xe lôi của ông xã giờ giấc bất thường khi sớm khi trễ, tôi bồng con ra ngồi dưới bóng dim cây xoài đợi, nước phèn vàng quánh trong hồ rau muống xông lên mùi hăng hắc, nhìn ra con dốc đầu lộ chờ anh chàng xe lôi về.
Xe lôi chạy nhanh xuống dốc sau xe có hai người khách chạy thẳng vào sân, một lớn một bé, tôi bồng con đứng dậy nhường bóng mát cho ảnh đẩy chiếc xe vào. Tôi gật đầu chào người phụ nữ và bé gái, tôi rùng mình khi nhìn mặt người phụ nữ, quá dễ sợ, một mắt tròng trắng nhô lên như muốn nhảy ra ngoài, ghèn đóng một vòng quanh con mắt, vàng vàng xám xịt, cánh tay trái treo lên cổ một vết thương dài lòi mỡ lẫn máu vàng khè ruồi bay theo, đầu đội mũ lác rách toe, mặt hai mẹ con dính dày đất bụi, tay bé cầm cái tô to, họ là người ăn xin, chồng tôi nói :
-Em đưa chị và cháu vô nhà anh tháo cổ xe ra cho vào bóng dim rồi vô sau .
Tôi đưa người phụ nữ và cháu bé vô nhà, đẩy mâm cơm sâu vào trong, rảnh chỗ ở mép giường mời hai người ngồi, vì sống tạm nên chẳng có bàn ghế chi hết, người phụ nữ vẫn im thim thíp từ ngoài sân vô đây, chồng tôi vào bưng theo thau nước, kẹp cái khăn trắng đã ngả màu, vì nhuộm phèn, vì thiếu xà phòng, ảnh nói:
-Chị rửa mặt rồi cho cháu ăn cơm kẻo quá trưa rồi.
Quay qua tôi anh giới thiệu :
-Đây là chị Quang, vợ của Đại Úy Q. trưởng phòng hành quân đơn vị cũ của anh, anh ấy là bạn, đầu năm 1974 anh thuyên chuyển về Đà Nẵng anh Q. ở lại đã bị bắn chết tại phòng ngủ trong bản doanh đơn vị khi cộng quân tấn công Buôn Mê Thuột.
Chị Q. đứng dậy đưa em bé đi rửa mặt, nhìn khuôn mặt dơ hầy dễ sợ lem luốc của chị không thể đoán chị ở độ tuổi nào, tôi hỏi nhỏ ông xã.
-Chị nớ mần chi mà bị thương nhiều dử rứa, nhìn mặt Chị em rùng mình con mắt ghê quá, lòi ra không nói mà ớn ốc cái lớp ghèn lòng thòng bao quanh, tay bị thương há miệng mỡ máu chảy ruồi lằng theo cả đoàn, răng chị không băng bó lại, mất vệ sinh kiểu đó lâu ngày cánh tay cụt như chơi .
Chồng tôi mỉm cười nói :
-Đó là những vết thương của thời đại.
Tôi nói lại :
-Đúng là bệnh thời đại, khi xã hội là một vũng bùn thì con người lấm bùn mất vệ sinh theo.
Chị ấy đưa cháu trở vào, tôi không dám nhìn chị, nhẹ nhàng bưng mâm cơm đặt xuống chiếc chiếu, tôi chọn ngồi sát bên chị để hai người ngồi cùng chiều khỏi nhìn thấy mặt người đối diện, kéo nồi cơm về gần, tôi ngại cánh tay lòi mỡ đó đưa qua đưa lại, nhưng tôi giật mình khi Chị đưa tay nhận chén cơm tôi xới, cánh tay trắng nõn nà vết thương kinh tởm đó không còn nữa, tôi ngạc nhiên hỏi chị :
-Hồi nãy tay chị bị thương mà răng chừ lành rồi .
Chị cười nói :
-Chuyện dài dòng lắm, chị sẽ kể cho em nghe sau .
Tôi suy nghĩ câu nói của ảnh “vết thương thời đại”, câu nói có ẩn ý nhưng mình nghĩ không tới .
Bây giờ tôi nhìn kỹ mặt chị, mắt trái tròng trắng vẫn nhô lên, nhưng ghèn bao quanh không còn, khuôn mặt trái xoan, sóng mũi dọc dừa, con mắt còn lại đen láy sau hàng lông mi dài họ gọi là mắt bồ câu, một vẻ đẹp thanh tú, kiêu sa, nếu hai mắt bình thường thì đúng là một giai nhân.
Tôi thắc mắc nhưng không nói ra, nhìn dáng người của chị, chắc chắn sinh ra và lớn lên trong một gia đình bề thế, đương nhiên là học hành tới nơi tới chốn, gia đình của chị rồi gia đình bên chồng, dù khó khăn cách mấy hai gia đình không kham nổi hai mẹ con chị hay sao mà để chị dắt con đi ăn xin, kể cũng hơi lạ.
Bữa cơm xong chị phụ tôi dọn dẹp, tôi không cho tôi nói:
-Chị rửa tay cho cháu ngủ, mấy cái chén em quơ một tí là xong.
Chồng tôi vội vàng lên yên đi lại để dọn hàng cho chị Thảo và đưa các mối buôn ở chợ về nhà, tôi dặn ảnh:
-Anh nhớ nói với chị Thảo nhà mình có khách nghe.
Anh gật đầu quay qua nói với chị Q.:
-Tụi em ở đây khá lâu rồi chưa được ai hỏi thăm sức khỏe, đêm nay chắc cũng vậy chị phè cánh ngũ một giấc mai đi sớm.
Anh ấy ra đi chúng tôi ngồi lại với nhau nhìn thẳng vào mắt chị tôi mở đầu :
-Chị biết đó, em cũng là vợ lính, nhưng lính từ trại tù về, xã hội này chị cũng đã biết họ gọi mấy ông là Ngụy quân, em không có phước được làm vợ lính trong thời chiến để cùng chồng ngửi mùi thuốc súng, em cũng không may được làm người vợ đi bán từng CC máu để nuôi chồng trong các trại tù khổ sai khốn nạn. Em chia xẻ nhọc nhằn thân xác của anh hiện tại và trân quý dĩ vãng oai hùng của anh, em không bao giờ đụng tới vết thương đang sưng mủ, nhức buốt từ trái tim đến thớ thịt, có những buổi chiều anh ngồi quay mặt xuống hồ đôi mắt nhìn về nơi xa xôi nào đó, có khi đứng dậy mắt đỏ hoe. Em nghĩ đó là những phút giây thiêng liêng của cuộc sống, người anh hùng ngã ngựa, họ muốn đứng lên, nhưng đứng lên cách nào, muốn vực dậy nhưng vực cách sao đây. Em luôn cảm thông và khuyến khích tinh thần, tội nghiệp ảnh, tội nghiệp những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Tội nghiệp những người vợ bị lột xác trong cái xã hội quỷ quái này, các chị phải đầu tắt mặt tối gánh nặng hai vai, chồng trong trại tù, con còn nhỏ dại, tứ thân phụ mẫu già yếu tật bệnh, bây giờ em đang ngồi đây cũng đang cùng anh trốn chạy, qua một ngày là mừng một ngày, được ngày nào hay ngày đó, xã hội này là một bóng đêm dài bất tận, nhìn tới phía trước toàn dao găm mã tấu, toàn máu là máu, sau lưng là một nhà tù khổ sai.
Tôi nói một hơi chị ngồi yên lắng nghe, con mắt còn lại của chị sáng long lanh đầy sát khí chị nói.
- Chồng của em là bạn thân của gia đình chị, hai anh là những người lính từng kề vai sát cánh từ lúc họ phục vụ bên Lực Lượng Đặc Biệt, bây giờ người mất người còn, chú và em đang trên đoạn đường bôn tẩu, chú có em cảm thông chia xẻ, chị một mình lạc lõng bơ vơ, chẳng còn ai ngoài những người bạn, trân quý nhau coi nhau như ruột thịt. Chị kể cho em nghe về chị, sáng mai mẹ con chị sẽ đi, không biết đi đâu bạn bè bảo sao thì nghe vậy.
Chị bắt đầu kể:
- Bản doanh của Chiến Đoàn 3 Xung Kích / Nha Kỹ Thuật trấn đóng tại Buôn Mê Thuột trong căn cứ rất lớn Quân Đội Hoa Kỳ chuyển giao, đơn vị phân ra từng khu ở cho Sĩ Quan, cho Hạ Sĩ Quan và trại gia binh, chị và anh Q. ở trong đó.
Chiến trận bắt đầu, khoảng chừng hai ba giờ sáng đêm 10 tháng 3 năm 1975, nhiều tiếng nổ lớn giật mình thức dậy không biết nỗ ở đâu nỗ hướng nào, anh Q, bật dậy mở đèn phòng lấy bộ đồ lính vắt trên đầu giường, tròng quần vào, chân xỏ vội đôi Bốt Đờ Sô, tay lấy cây súng XM16 dựng bên đầu giường vén màn bước ra như thường lệ ngồi vào ghế để cột dây giày, chị nghe anh lên tiếng nói chuyện với ai đó thì một loạt súng nổ, chị giật mình vén màn nhìn ra anh Q. gục lên bàn, chị thấy người bắn anh Q. bận bồ đồ Biệt Kích bạc màu, tóc dài, dáng nhỏ mặt xương xẩu hắn đứng nhìn anh Q. một lúc rồi bỏ đi. Máu anh từ ghế ngồi chảy xuống có vòi. chị ngồi bệt xuống nền nhà thân hình cứng đơ, như cái xác không hồn, cứ ngồi mở to mắt nhìn máu chảy, nhìn anh ngồi gục ở đó, chị lịm chết đi như thế không biết bao lâu, con bé khóc chị giật mình, đứng lên lấy miếng bánh quy trong hộp lương khô cho bé ăn, không biết đã qua giờ thứ mấy, không biết bây giờ sáng hay chiều, mặt trời đã nghiêng bóng, như xác chết chị bước ra ngoài coi còn ai nhờ giúp, đập cửa phòng anh Đường đối diện không nghe ai lên tiếng, mấy phòng kế bên cửa mở toang không bóng người, đơn vị im lìm vắng tanh, hoang vắng đến lạnh người, tiếng súng đì đùng nghe rất xa, Chị không biết việc gì đã xảy ra, một điều chị biết là lúc này trong bản doanh đơn vị chỉ còn một mình Chị, quay trở vào phòng, anh Q. ngồi gục bất động trên ghế, máu nhuộm đỏ bộ đồ hoa loang một khoảng lớn trên nền nhà đã khô. Nhìn anh, chị đứng chết trân, chân tay lạnh cóng, trong đầu lảng vảng câu hỏi. Chết rồi ư ? Chết thật rồi ư ? Nước mắt không chảy nửa, khô đắng cổ họng, không biết phải làm gì, đầu óc trống rỗng, chợt giật mình như tỉnh cơn mê khi nghe tiếng người nói chuyện, tiếng chân người xào xạc đến gần, chị mừng thầm như vậy là có người giúp, nhưng phải coi ai cái đã, chị lui vào trong buồng ngủ, hé tấm màn chắn gió nhìn ra, ba người đứng lại trước cửa phòng của chị, chị thấy thằng bắn anh Q. cầu vai hắn có cột miếng vải đỏ, với thêm hai thằng khác đội mũ cối, ba đứa súng đeo vai đứng ngay cửa ra vào phòng nhà của chị đang chỉ chỏ nói chi đó, thấy hắn chị mừng quá, vớ cây súng XM16 của anh Q, đặt nòng súng lên thành gỗ đóng lưới chắn muỗi, mũi súng cách bọn đó khoảng 3 mét, tầm cao này thì cả ba đứa đều ngang vai và cỗ, chị bật nhẹ khóa an toàn, kéo mạnh tấm màn che, mở mắt to nhìn ba đứa để coi chúng ra sao khi chị nghéo cò, ngón tay chị siết chặt cò súng cho chắc ăn mũi súng dích qua dích lại, chúi xuống, dở lên, toe nát cánh cửa ván ép, ba đứa đã khuất tầm nhìn, có lẽ bọn chúng nằm xuống, chị cầm súng đi ra, trở băng đạn lại “súng anh Q. hai băng cong mỗi băng 30 viên đạn gắn băng keo lại với nhau” đạp mạnh cửa ba thằng nằm chồng lên nhau, chị đưa súng vào đầu bóp cò tiếp ba chục viên đạn ra đi ba cái đầu dẹp xuống như ba mũi dày .
Nhìn xác dẹp đầu của thằng đó chị thấy lòng mình nhẹ nhõm, tâm trí tỉnh táo lạ thường, đem đặt cây súng lên bàn cạnh anh, lúc đó mới nghĩ ra chôn anh rồi rời khỏi đây. Chị ung dung mở cái xẻng gấp cá nhân đào một rảnh dài, dải đất bên cạnh phòng ngủ, lấy tấm ra trắng bọc xác kéo anh ra hố chôn, anh quá cao và nặng, hơn nữa trong tư thế ngồi, chết quá lâu cứng đờ, chị tập trung hàng chục chai rượu tẩm vào quần áo một lúc duỗi thẳng người ra, đất không đủ lấp kín phải kéo bao cát chắn chung quanh nhà xổ ra lấp lên, xong việc trời cũng nhá nhem tối, chị vào sửa soạn để ra đi, mang theo hai cây súng của anh, cây Rouleaux ngắn nòng “P.38” với nửa hộp đạn , cây Browning 10 viên đạn và hộp đạn lẽ giắt vào nịt vú, xé hai giãi vải trắng ra trải giường làm khăn tang quấn lên đầu, vớ cái ba lô của ảnh cho vào ít đồ ăn khô hai mẹ con cúi chào anh rồi ra đi .
Hành trình về phương Nam.
Những bước chân âm thầm trong đơn độc, không phương tiện, không bóng người trên quốc lộ 21, lưng cõng con, ba lô mang trước ngực như xác không hồn, cứ đi, cứ bước, không biết điểm đến và bao giờ tới đích, lòng chị đã chai cứng, thù hận đốt cháy con người, chị sẵn sàng giết bất cứ đứa nào lạng quạng trước mắt. Chị sẵn sàng chết, nên chị không sợ chết, chị nguyện sẽ giết bọn chúng trong khả năng có thể .
Dọc theo Quốc lộ 21 về hướng đông, đi bộ đến nổi hai bàn chân phồng chảy nước, đi nhanh, đi chậm, qua từng khúc, vượt từng đoạn, nơi nào có nhà vào kiếm ăn, có chủ nhà thì xin, không chủ thì tự lục tìm, ngủ bờ, ngủ bụi, ngủ bất cứ lúc nào không kể ngày đêm, chị chẳng còn biết sợ là chi, cây P.38 sẵn sàng đáp ứng khi cần thiết.
Những nơi đã đi qua không để lại trong chị dấu ấn nào rồi một hôm không biết mình đi đã bao lâu, mẹ con chị đứng trên đèo Phượng Hoàng hướng nhìn về phía đông, xa xa những cụm khói bốc lên có lẽ đó là thị xã Ninh Hòa.
Người chị hừng hực nóng như cơn sốt khi đứng trong khu thị tứ đỏ rực màu cờ máu, có lẻ miền Nam đã mất trong những ngày chị lang thang trên Quốc Lộ 21.
Dọc theo Quốc lộ 1 từng cụm người ngồi, nằm, la liệt, thần sắc ngu ngơ, họ ngồi vì họ đã cùng đường. Từng toán lính cộng sản ngang qua, những thằng bận đồ lính VNCH mang băng đỏ lẽo đẽo theo sau, chị muốn móc súng bắn nát óc mấy thằng đó.
Chị bắt xe đi từng đoạn về Sài Gòn. Sài gòn bây giờ quá tội nghiệp, xác xơ, ủ rủ, vọng nhìn theo bóng những đứa con bị đuổi ra đi.
Sài gòn ơi ! Thôi từ nay vĩnh biệt
Ta gục đầu thương tiếc buổi chia ly
Người ra đi đảo lộn cả đất trời
Người nằm xuống không nói lời từ biệt’
Muôn thế hệ ngàn sau hằng thương tiếc
Sài gòn ơi ! thôi vĩnh biệt từ nay.
Đau đớn nhìn quang cảnh Sài Gòn .
Chị về gia đình của chị nghỉ ngơi đợi sinh hoạt thành phố khởi động lại, chị đưa cháu về Cầu Ngang tỉnh Vĩnh Bình thăm gia đình nội của cháu, trình bày qua loa với ba mẹ Ảnh là anh ấy tử trận, cứ vậy vài ba tháng đưa cháu về thăm mang theo tí quà Sài gòn, ở lại vài ba hôm rồi lên. Một hôm ngồi trên xe đò Cầu Ngang lên Trà vinh để về Sài Gòn, xe dừng lại đón khách, người đàn ông bên đường với bốn năm lồng vịt, người ấy lên xe, ngang qua chỗ chị ngồi anh ta nhìn chị một lúc rồi gật đầu, chị thấy người này quen quen nhưng nhớ không ra, vì mặt mày anh ta lem luốc, chị cũng gật đầu chào lại, chắc anh ấy biết mình.
Xe tới bến Trà Vinh, mẹ con chị nán lại xuống sau, cố ý chờ người bán vịt, mấy lồng vịt đặt lên xe lôi, người ấy quay lại nhìn chị hỏi:
-Chị Q. không nhìn ra em hà? em là Hoàng đây.
Chị mừng quá Hoàng là bạn cùng quê với Ảnh, trước cùng đơn vị, Hoàng ở Thám Sát, anh em gặp nhau thường xuyên, sau Hoàng xin về Sư Đoàn 9 cho gần nhà, nghe anh Q. nói H. về Sư đoàn 9 làm Đại đội trưởng Trinh Sát, Hoàng giờ đây sắc thái suy sụp, xác xơ trong diện mạo người nông dân, cười nhưng không vui, Chị nói với ảnh:
-Mặt chú bầy hầy lem luốc chị không nhận ra, buôn bán có khá không ?
Hoàng trả lời :
-Cũng tạm ổn, em có nghe tin anh Q, em xin chia buồn với chị.
-Cám ơn chú, nước mất nhà tan thôi đành chấp nhận, sao chị thấy chú không mấy vui, bộ gia đình gặp chuyện gì hay sao, xã hội tăm tối con người sống vội vàng chụp giật, có gì chia sẻ được mình chia sẻ cho nhau.
Hoàng nhìn chị như dò xét, lưỡng lự nói :
-Không có gì đâu vài chuyện lặt vặt thôi mà, hôm nào rảnh chị em mình tâm sự, cũng có vài chuyện nặng lòng nhưng không biết chia sẻ với ai, thời buổi này không thể tin ai được chị à.
Chị trả lời :
-Chú Hoàng tin anh Q. thế nào thì tin chị như vậy, bộ chú sợ chị là chó săn hả, có gì chia sẻ được chú cứ nói đừng ngại.
Hoàng tới sát bên chị nói nhỏ :
- Nếu chị không sợ liên lụy thì em nói, em và một số anh em Đại đội Trinh sát ly khai, em buôn bán thế này để mua lương thực thuốc men cho anh em, anh em khá đông, nhưng bị chúng giết dần giết mòn, chuyện dài không thể nói một lúc ở đây được, mỗi tuần hai ngày thứ hai và thứ ba em đều có mặt ở đây, lúc nào có dịp chị về đây trúng hai ngày này em sẽ nói cho chị nghe.
Chị trả lời Hoàng :
-Bây giờ chị lên cho kịp chuyến xe đã, hai tuần sau trở lại đây tìm chú.
Về tới Sài gòn chị tìm nhà cô bạn xin theo cô ấy chạy bán thuốc tây, chị được cô ấy giới thiệu với vài chủ sạp thuốc, cô bạn chị nói:
- Ban đầu hơi lúng túng, nhưng nghề dạy nghề, cố nhớ vài tên thuốc, công dụng, liều dùng, học thêm dần dần rồi mau chóng trở thành Dược sĩ kiêm Bác sĩ chợ trời.
Chị bám trụ ở sạp anh Ngọc tại chợ Kim Biên, cũng may anh Ngọc là Sĩ Quan Biệt Động Quân tù về sớm nên anh ấy thông cảm hoàn cảnh của chị, tận tình hướng dẫn, chị ngồi liền mấy ngày ở sạp với anh để học, thấy cũng không quá khó nên chị bắt đầu xuất chinh, anh Ng. cho chị quyển từ điển thuốc bỏ túi, cũng may trời cho có chút nhan sắc kèm theo sự lanh lẹ nên buôn bán cũng ra trò, quá dễ để hái tiền, người có thuốc đem đi bán vì họ không biết giá trị thuốc, người đi mua cần đúng tên thuốc, đúng bệnh chứ họ không cần biết giá tiền bao nhiêu .
Đúng hẹn chị về Trà Vinh sáng thứ Ba, mang theo một ít thuốc đau đầu đau bụng, với một ít tiền. Hoàng mừng nói:
-Tưởng chị lạnh gáy nói cho qua chuyện, không ngờ chị về thật.
Hoàng chỉ quán hủ tiếu nói :
-Chị vô đó gọi hủ tiếu ngồi đợi em, quán của hai ông bà người Hoa lớn tuổi họ ít chú ý tới người khác, hơn nửa cũng là nơi quen biết .
Hoàng vào chị lấy gói quà nhét vào tay chú ấy.
-Trong nầy một ít thuốc, chị có ghi và một ít tiền chị phụ với chú, từ nay chú khỏi lo thuốc, anh em trong đó cần thuốc gì cho chị biết, chị sẽ phụ thêm một tí tiền để chú rộng tay chi dùng cho anh em.
Hoàng run run nói :
-Em cảm động quá, thay mặt anh em, em xin cám ơn chị.
Hoàng nói tiếp:
-Sau ngày 30 tháng 4 tụi em kéo nhau mang súng đạn đi luôn không về, mấy tháng đầu tập trung, sau này xé lẻ, kiếm ghe sống trong kinh rạch, rừng tràm, rừng đước, bờ bụi, tụi em đã đánh phá nhiều nơi, giết nhiều thằng ác ôn, cuộc sống của anh em ngày càng khó khăn, bị săn lùng liên tục, lương thực không có, mò tôm, bắt cá mưu sinh, mình em ngoài này cựa quậy phụ giúp, một số anh em bị thằng trưởng công an huyện bắt chúng đem xử bắn tại phi trường Trà Vinh, thằng này quá ác ôn, bắt ai tình nghi là nó bắn ngay vứt xác xuống kinh không tra hỏi, anh em mình đã bị nó giết quá nhiều, em lo quá, cuộc sống này không thể kéo dài, ra trình diện gặp nó cũng chết, sống để chiến đấu nhưng chỉ một nhóm nhỏ đánh đấm làm sao, súng có mà đạn không, không lẽ sống lây lất như thế này mãi, em thương anh em quá nhưng nghĩ mãi không tìm ra cách nào cho ổn thỏa.
Chị góp ý:
-Theo ý chị trước tiên phải nghĩ cách tiêu diệt thằng công an đó đã rồi tính tiếp, bây giờ chú báo anh em ở yên và cố lẩn tránh, còn thằng công an chú thu thập tin tức của hắn, sinh hoạt thường ngày, gia đình, vợ con, nơi ăn, chỗ ở, thói quen. mọi việc mình sắp xếp từ từ không thể nôn nóng được, chị hứa sẽ đồng hành với chú và anh em, thôi chị lên hai tuần sau về lại, khi nào cần việc gì chú lên chợ Kim Biên hỏi sạp thuốc tây anh Tư Ng. chị lãng vãng quanh khu đó, cẩn thận là trên hết.
Chị trở lại chợ Kim Biên phải nói là thời gian hái ra tiền, nhà nước cộng sản bị cấm vận, bệnh viện toàn là thuốc lá cây, Xuyên Tâm Liên, ngải cứu còn thuốc tây trong các kho Long Bình, kho 18 và các kho dự trữ khác của VNCH bọn họ đưa ra bán hàng xe, như bán vật liệu phế thải, họ không biết nên không dám dùng, thi nhau chở đi bán. Buồn cười nhất, hôm nay bán thuốc đó, ngày mai lại đi mua thuốc đó, bán ra một mua lại ngàn, sẵn tiền vơ vét của đồng bào nhắm mắt nhắm mũi mua từng bao chuyển về Bắc.
Lặn lội ở chợ mới biết sinh hoạt đằng sau chợ, khi chiều xuống đêm lên, trong ánh đèn vàng mờ nhạt, bên những đống rác tanh hôi đủ thứ mùi, một xã hội lên ngôi, những bóng người như ma trơi lần lượt về tựu lại, họ là những tay móc túi, giật dọc, những kẻ ăn xin, những tay đâm thuê chém mướn, họ có luật của họ, có vùng đất tự trị trong giới giang hồ đường phố. Chị không biết họ nhưng họ biết chị, chị bắt đầu thích họ, thích cái xã hội với những tay ngang tàng bướng bỉnh, coi luật pháp không là chi, chị xích lại với họ, thân thiết với họ, hòa đồng với họ, họ làm ăn từng nhóm, nhóm nào hôm đó làm ăn không khá chị tặng một bao lì xì, họ đủ mọi lứa tuổi, nam có, nữ có, một số có gia đình ban đêm về nhà ban ngày nhập bọn.
Chuyện tên công an huyện làm chị suy nghĩ mãi, giết một thằng mọc ra một thằng, nhưng giết được thằng này may ra anh em tìm được một ngã rẽ mới. Chị về gặp Hoàng như đã hẹn, Hoàng cho chị chi tiết cá nhân của thằng ác ôn đó, khó khăn là thằng này sinh sống ăn ở trong Huyện, gia đình ở đâu vùng ngoài.
Chị đã nghĩ ra cách, tìm anh Ng. chủ vựa thuốc hỏi:
Khách quen của anh có ai làm nhà báo không ?
Anh Ng. trả lời:
Có mấy tay hay tới mua và đặt hàng, mua nhiều chắc đưa về ngoài bán lại.
Hôm nào có nhà báo tới nam nữ chi cũng được anh nhớ gọi em nghe,
Chi vậy, bộ muốn đổi nghề xin theo làm đệ hả ?.
Hai chúng tôi cùng cười, sáng nào tới chợ chị cũng ghé nhắc:
Anh nhớ bạn nhà báo của em nghe.
Chị tìm đám anh em móc túi nhờ họ ra tay giúp lấy cái bóp để coi giấy tờ cá nhân của người làm báo, ai nấy tranh nhau trổ tài, họ hỏi:
Con mồi ở đâu ?
Chị nói :
Chuẩn bị thôi khi nào người đó tới chị sẽ báo.
Một hôm chặp khoảng ba giờ chiều anh Ng. cho người báo tin ngắn gọn “ người tình của chị tới “. Chị chạy quanh tìm được ba em, hai gái một trai, chị tức tốc vào sạp, người đàn ông trung niên ốm xanh có lẻ thiếu dinh dưỡng đang hút thuốc nói chuyện với anh Ng. thấy chị anh Ng. nheo mắt gật gật đầu, ba đứa sà vào hỏi mua thuốc đau bụng chưa kịp nói lời nào là bỏ đi ngay. Trong lòng chị lo lo, chắc thằng cha này không mang theo bóp đựng giấy tờ nên mấy đứa thấy không có chi đã bỏ đi.
Chị đứng lên nói bâng quơ vài điều rồi tiếp theo sau lưng ba đứa, ra sau hàng vải con bé đưa cho chị cái bóp, chị giật mình la lên:
Ôi trời ! chị tưởng thằng cha không có bóp nên các em bỏ đi liền, ai dè các em nhanh tay không thể tưởng được, chị bái phục các em.
Một em nói :
Nhanh vậy mà có khi bị bẻ què tay đó chị.
Chị lấy mấy tờ giấy giao bóp lại cho mấy đứa em nghe.
Lục tìm trong bóp, một thẻ đảng viên đảng cộng sản, một giấy giới thiệu của cơ quan báo chí thành ủy Sài Gòn, một thẻ chứng nhận nhân viên biên tập báo nhân dân và một chứng minh nhân dân (thẻ căn cước) như vậy là quá đủ để chứng minh nhân thân của một người. Chị đi tìm nhóm làm giấy tờ giã, họ chụp hình làm tuốt luốt các giấy tờ kể cả (thẻ căn cước) CMND, đương nhiên là thay tên đổi họ.
Chị mang giấy tờ tìm nhà người này trả lại, rồi gạ gẩm làm quen, nói với anh ta khi nào có chuyến tác vụ xa xa anh cho em theo với, em trang bị như một phóng viên đi bên anh coi như dựa hơi le lói với thiên hạ. Anh ta hỏi nếu đi vài hôm có đi không ? Chị trả lời chẳng sao bao lâu cũng được miễn là vui. Chị đi theo anh ta mấy chuyến trong chương trình truyền hình “cuộc sống quanh ta” với hai mục đích, thứ nhất thiên hạ sẽ thấy chị ló mặt trên truyền hình bên anh ta, thứ hai học cách tác nghiệp, đó là việc chuẩn bị sẽ đi hỏi thăm sức khỏe đồng chí trưởng công an huyện.
No comments:
Post a Comment