* Các thành phần đặc nhiệm của lực lượng SOG:
Như đã trình bày trong số trước, để tiến hành các hoạt động bí mật nhằm triệt tiêu cường lực và hệ thống tiếp tế của CSBV tại ngay sào huyệt địch quân, thi hành quyết định của bộ trưởng Quốc phòng McNamara sau khi được Tổng thống Johnson phê chuẩn, đầu năm 1964, bộ Tư lệnh Yểm trợ Quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) đã cho thành lập một tổ chức có tên là Nhóm Nghiên Cứu và Quan Sát (Studies and Observation Group, gọi tắt là SOG). Về hệ thống quân giai, SOG là một bộ phận thống thuộc MACV, nhưng do tính chất đặc biệt, tại văn phòng bộ Tham mưu Liên quân cũng có một văn phòng theo dõi các hoạt động của SOG. Mọi hoạt động của tổ chức này đều phải được sự chấp thuận của bộ trưởng Quốc phòng McNamara, bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk và được duyệt xét bởi chính Tổng thống Johnson. Ngoài văn phòng của Tổng thống và của 2 vị bộ trưởng nói trên, tài liệu của SOG chỉ được ghi căn bản là “cần biết”. Còn tại bộ Tư lệnh MACV, ngoại trừ đại tướng Westmoreland và vài sĩ quan cao cấp khác được nghe thuyết trình tổng lược, còn tất cả các sĩ quan không hay biết gì về các hoạt động của SOG.
Đại tá Clyde Ruusell là chỉ huy trưởng đầu tiên của SOG đã phân chia SOG thành 5 đơn vị với các bí số: đơn vị hàng hải ( bí số 0P 31), không yễm (bí số 0P 32) chiến tranh tâm lý (bí số 0P 33), xâm nhập miền Bắc (bí số 0P 34), nhảy dù vượt biên (bí số 0P 35).
* Các cuộc đổ bộ bí mật vào khu vực cận duyên miền Bắc:
Tháng 1/1964, Hải quân Hoa Kỳ biến cải hai hộ tống hạm dài 180 foot cho Việt Nam Cộng Hòa. Thủy thủ đoàn Việt Nam từ đơn vị Duyên phòng-một thành phần của bộ phận Kỹ thuật chiến lược đã được điều động để phục vụ trên hai tàu này. Theo kế hoạch, cả hai hộ tống hạm đều đậu ở ngoài khơi Đà Nẵng để kiểm soát con đường biển gần khu Phi Quân Sự và săn lùng các tàu đánh cá giải dạng đưa quân CSBV xâm nhập vào miền Nam. Tuy nhiên vận tốc của hai hộ tống hạm chỉ ở mức 14 hải lý/ 1 giờ được xem là chậm cho các cuộc tấn công săn lùng tàu của CSBV, do đó các cố vấn Hải quân của SOG đã biến cải 12 giang tốc đỉnh Swiff để sử dụng trong các cuộc hành quân bí mật. Với vận tốc 50 hải lý/1 giờ, các giang tốc đỉnh được võ trang với đại bác 40 ly, và các vũ khí nhẹ. SOG đã đưa thủy thủ đoàn giang tốc đỉnh và các biệt kích từ Long Thành đi huấn luyện xâm nhập bờ biển và oanh kích vùng cận duyên. Các toán này được huấn luyện tại một căn cứ bí mật ở phía Nam gần Sài Gòn.
Các giang tốc đỉnh đã tập dượt chạy ra ngoài khơi miền Nam Việt Mam xa bờ từ 60 đến 70 dặm để có thể tiến gần từ ngoài biển vào Bắc Việt vì con đường biển sát bờ rất đông thuyền bè qua lại khó lòng mà lọt và không bị theo dõi phát hiện.
Đến cuối tháng 7/1964, các cố vấn SOG dựa trên các không ảnh tình báo, đã vạch ra lệnh hai cho hai sứ mạng đầu tiên. Vào ngày 31 tháng 7/1964, Biệt kích quân tấn công các vị trí ở hai hòn đảo-một đài radar trên đảo Hòn Mé và đài tiếp vận truyền tin trên đảo Hòn Ngự nằm gần Vinh-tỉnh lỵ tỉnh Nghệ An, cách vùng phi quân sự chừng 115 dặm. Ba ngày sau đội đặc nhiệm này đã pháo kích đài radar chính tại mũi Vinh Sơn, phía Nam thị xã Vinh và trạm an ninh gần Rốn.
Để tới mục tiêu, các Biệt kích quân được mang ra thật xa ngoài biển trước khi quay vào đất liền. Chỉ huy trưởng Russell đã phải bù đầu nhiều tháng để soạn thảo kế hoạch tấn công nói trên. Về các hoạt động xâm nhập vào khu vực đóng quân của CSBV trên đất Lào, SOG chỉ khởi sự tiến hành các hoạt động vào thời kỳ đại tá Donal Balckburn thay thế đại tá Russell vào năm 1965. Vị tân chỉ huy trưởng SOG đề nghị để quân nhân Hoa Kỳ chỉ huy các cuộc tấn công trên đường mòn Hồ Chí Minh đã bị các nhà quân sự chiến lược Mỹ chống đối kịch liệt. Thế nhưng đại tá Blackburn vẫn cứ thi hành theo ý riêng của mình. Theo đó, các toán trinh sát 12 người, gồm 3 Hoa Kỳ và 9 người Việt sắc tộc Nùng- bắt đầu xâm nhập vào Lào mùa Xuân năm 1966. Cũng trong năm này, đại tá Blackburn bị thay thế bởi đại tá John K. Singlaub, và một thời gian sau, SOG được phép thực hiện các cuộc thám kích vào các vị trí của CSBV trên đất Cam Bốt.
* SOG và kế hoạch SLAM:
Từ một đơn vị hoạt động với những tiểu đội trinh sát ban đầu, SOG đã trở thành một lực lượng thiện chiến với những nhiệm vụ trọng yếu. Xuất phát từ 3 căn cứ tiền phương, SOG đã khai triển được khả năng mở các cuộc hành quân nhảy dù của kế hoạch có tên là SLAM (tiếng tĩnh lược ghép từ các chữ đầu của seeking: truy lùng, locating: xác định vị trí, annihitating: tiêu diệt, monitor: nghe ngóng) đằng sau phòng tuyến địch ở Lào và Căm Bốt cũng như để cứu các phi công bị bắn rớt ở miền Bắc. Như đã trình bày trong bài viết về trận chiến ở Cồn Tiên, kế hoạch SLAM do tướng Wiiliam W Momyer tư lệnh Không đoàn 7 chiến thuật Hoa Kỳ chủ xướng.
* Kế hoạch OPLAN 37:
Tiếp theo chiến dịch OPLAN 34 A nhằm tiến hành các hoạt động đặc biệt bí mật trong vùng địch do các Biệt kích quân của Việt Nam Cộng Hòa phụ trách với sự yểm trợ của MACV, đầu mùa Xuân 1964, được sự đồng ý của Tổng thống Johnson, bộ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đã soạn thảo một kế hoạch lấy tên là OPLAN 37 được tiến hành qua ba giai đoạn bằng các đợt đột nhập theo ngã Lào và Căm Bốt và tại Bắc Việt. Tiến trình của 3 giai đoạn này được đại tướng Westmoreland ghi nhận như sau:
– Giai đoạn 1: Theo dõi lực lượng địch qua biên giới Lào và Căm Bốt.
– Giai đoạn 2: “Ăn miếng trả miếng” bằng các cuộc không tập và rải mìn.
– Giai đoạn 3: Gia tăng mức độ oanh tạc miền Bắc với mức độ mãnh liệt hơn. Tất cả các hoạt động này đều do lực lượng VNCH phụ trách với sự phụ giúp của các phi cơ Hoa Kỳ.
Theo phân tích của đại tướng Westmoreland, những nhân vật Hoa Kỳ tại Sài Gòn biết đến OPLAN 37 cho rằng kế hoạch này ít cơ hội thành công và phải đợi đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 mới cho thực hiện. Thật thế, đây là kết quả hậu bầu cử. Thế nên khi Tổng thống Johnson cho phép Không quân Hoa Kỳ thực hiện cuộc oanh tạc miền Bắc để trả đũa vụ Vịnh Bắc Việt (xảy trong đêm 18 tháng 9/1964 khi có trận hải chiến giữa hai khu trục hạm Edwards và Morton với các tàu tuần của CSBV) thì các quan sát viên cho rằng đó chỉ là phản ứng nhất thời chứ không liên quan gì đến kế hoạch OPLAN 37.
Cũng cần ghi nhận rằng trước khi tiến hành kế hoạch OPLAN 37, Không quân Hoa Kỳ đã thực hiện một số phi vụ thám thính trên không phận vùng cán chảo của Lào vào tháng 5/1964, lực lượng tham gia hoạt động này có tên là Yankee team, gồm phi cơ của Không quân và Hải quân xuất phát từ hàng không mẫu hạm. Các phi cơ của Yankee Team bay thám thính trên vùng cán chảo Lào và vùng Cánh đồng Chum ở Trung-Bắc Lào để yểm trợ cho quân đội Hoàng Gia Lào trong các cuộc hành quân truy lùng Lào Cộng và CSBV hoạt động trong vùng nói trên.
Do Hoa Thịnh Đốn hạn chế phạm vi hoạt động nên các phi cơ Hoa Kỳ chỉ có quyền tấn công khi bị tấn công và các chuyến bay trên vùng cán chảo chỉ được phép thực hiện năm lần một tuần mà thôi. Đến cuối tháng 8, đại tướng Westmoreland xin phép thi hành các cuộc oanh tạc hỗn hợp Việt-Mỹ nhắm vào mục tiêu trong vùng cán chảo của Lào thì Hoa Thịnh Đốn không đồng ý. Vào thời gian này, chỉ có một loại hoạt động bằng Không quân trên vùng cán chảo này, đó là các chuyến bay của Yankee Team, và được quyền được tấn công vào các đoàn xe vận tải hay khu tập trung của CSBV.
Kể từ khi tiến hành các hoạt động bí mật, các chiến công của SOG không được báo cáo và các quân nhân Hoa Kỳ trong SOG không được tưởng thưởng huy chương vì Hoa Thịnh Đốn không muốn xác nhận sự hiện diện của các toán thuộc SOG trong các vùng của địch. Quân nhân SOG không có quân phục riêng như các lực lượng Hoa Kỳ khác, bộ chỉ huy SOG đã tự vẽ kiểu quần áo và trang bị đặc biệt để cung cấp cho các toán, ngay cả huy hiệu đeo ở vai là một bộ đầu lâu máu chảy từ răng cũng do họ vẽ ra. Những chiến tích của SOG là một trong những chiến tích không được tiết lộ trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam. (Biên soạn dựa theo tài liệu của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, hồi ký của đại tướng Westmoreland- nhà xuất bản Thế Giới, một số bài viết trong KBC…)
No comments:
Post a Comment