NHIỆM VỤ
Chỉ huy các lực lượng và nhân viên trực thuộc hoặc tăng phái cho các loại hành quân đặc biệt trong chiến tranh ngoại lệ theo lệnh của bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.
NGUỒN GỐC
Do phiá cộng sản gia tăng các hoạt động trên lãnh thổ VNCH sau hiệp định Geneva năm 1954, một cơ quan bí mật, đặc biệt được thành lập vào năm 1958 dưới sự chỉ huy của Tổng Thống VNCH. Nhiệm vụ của cơ quan bí mật này là thu thập tin tức tình báo các hoạt động của đối phương nơi hướng bắc vùng phi quân sự, và tìm kiếm các mục tiêu chiến lược để tiêu hủy trong trường hợp xẩy ra chiến tranh với phương bắc. Năm 1963, cơ quan này được đặt dưới quyền chỉ huy của bộ tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt.
Tiền thân của Nha Kỹ Thuật ngày nay (lúc bấy giờ) được tổ chức như một “ngành” Đặc Biệt trong bộ tư lệnh LLĐB, chia thành hai sở chỉ huy. Một sở điều hành “cơ quan” xâm nhập bằng phương tiện nhẩy dù (thả các toán Biệt Kích) ở Saigon, cơ quan điều khiển các hoạt động vượt vùng phi quân sự đặt ở Huế, và ở Đà Nẵng có cơ quan điều hành các chuyến hành quân Biệt Hải.
Sở thứ hai lo các hoạt động “ngoại biên”, bao gồm các “văn phòng” ở Vientiane, Savannakhet (Laos), BangKok (Thailand) và Paris (France). Sở này tuyển mộ nhân viên (điệp viên), huấn luyện cho các hoạt động tình báo và phản gián. Tuy nhiên, vì vấn đề ngân khoản chi phí, sở này bị loại bỏ.
Đến năm 1964, tình hình miền nam trở nên nghiêm trọng, “ngành” Đặc Biệt không đủ khả năng chu toàn nhiệm vụ do nhu cầu “Hành Quân Đặc Biệt” gia tăng. Để đáp ứng tình thế mới, “ngành” Đặc Biệt được tái tổ chức thành một đơn vị độc lập, ra khỏi sự chỉ huy, điều hành của LLĐB. Trong tháng Tư 1964, “ngành” Đặc Biệt chính thức đổi tên thành Sở Khai Thác đặt dưới quyền chỉ huy của Bô Tổng Tham Mưu. Đồng thời, quân đội Hoa Kỳ cũng thành lập một đơn vị tương xứng với sở Khai Thác lấy danh hiệu đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (SOG). Đơn vị SOG có nhiệm vụ yểm trợ sở Khai Thác và tổ chức Chiến Tranh Ngoại Lệ.
Sở Khai Thác được tổ chức với bộ chỉ huy ở Saigon, sở Phòng Vệ Duyên Hải ngoài Đà Nẵng, căn cứ huấn luyện ở Long Thành, và được Không Lực VNCH biệt phái một phi đoàn, phối hợp chặt chẽ với Đệ Nhất Phi Đoàn Không Yểm đơn vị MACSOG Hoa Kỳ ở Nha Trang.
Cuốn năm 1964, quân đội Bắc Việt gia tăng mức độ xâm nhập vũ khí, người, đồ tiếp vận vào miền Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh. Để đáp ứng, sở Khai Thác bành trướng vào đầu năm 1965. Từ tháng Tư năm 1964, bộ TTM/QLVNCH ra lệnh tổ chức các chuyến xâm nhập, thám sát trên đất Lào và Miên. Sở Liên Lạc trước đó hoạt động riêng biệt, được sáp nhập vào sở Khai Thác trong tháng Giêng năm 1965. Sở Khai Thác được nâng cấp và có tên mới là Nha Kỹ Thuật. Lần đầu tiên, một “cơ quan” được bộ TTM/QLVNCH trao trách nhiệm về Chiến Tranh Ngoại Lệ, chống lại sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt. Vị chỉ huy trưởng Nha Kỹ Thuật chỉ nhận lệnh, báo cáo trực tiếp cho Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH. Vào thời điểm đó (đầu năm 1965), nha Kỹ Thuật bao gồm các đơn vị: sở Liên Lạc, sở Phòng Vệ Duyên Hải, đơn vị Đặc Nhiệm, trung tâm huấn luyện Long Thành. Ngoài ra ban Tâm Lý Chiến cũng được phát triển để đáp ứng nhu cầu chiến tranh ngoại lệ, các hành quân đặc biệt.
Vào giữa năm 1970, liên đoàn 5 LLĐB Hoa Kỳ về nước, nha Kỹ Thuật lấy thêm quân Mũ Xanh (LLĐB) để thành lập sở Công Tác.
TỔ CHỨC
Nha Kỹ Thuật được tổ chức bao gồm hai sở (đơn vị) nồng cốt: sở Liên Lạc và sở Công Tác. Sở Liên Lạc thực hiện các chuyến hành quân xâm nhập trên đất Cambodia và phiá nam khu vực ba biên giới (Tam Biên) trong miền nam. Sở Công Tác nhận nhiệm vụ trên đất Laos và khu vực ba biên giới. Ngoài nhiệm vụ chính yếu thám sát, các toán biệt kích còn thực hiện các chuyến xâm nhập đặt máy nghe lén điện thoại, bắt tù binh, gài mìn trên đường mòn HCM, và điều chỉnh phi cơ chiến thuật, pháo binh vào các mục tiêu quan trọng của đối phương.
Sở Liên Lạc được tổ chức với ba (3) chiến đoàn cùng với các đơn vị yểm trợ. Khả năng của sở Liên Lạc giảm đi sau tháng Năm 1972, kết qủa việc giải tán đơn vị biệt kích cùng với các đại đội bảo vệ.
Sở Công Tác được phép thành lập với năm (5) đoàn. Các toán biệt kích sở Công Tác được tổ chức tương tự như các toán A Lực Lượng Đặc Biệt để đảm trách chiến tranh ngoại lệ trên miền Bắc Việt Nam và Laos.
Ngoài ra, nha Kỹ Thuật còn có hai đoàn nổi danh 11 và 68 đóng ở Đà Nẵng và trong Saigon. Đoàn 11 bao gồm các toán biệt kích 12 người gọi là STRATA chuyên do thám đường mòn HCM, đặt máy nghe lén, tìm mục tiêu quan trọng của địch cho phi cơ oanh kích. Đoàn 68 điều hành hai “chương trình” bí mật. Chương trình Earth Angel xử dụng các toán “biệt kích” ba hoặc bốn người để do thám, thâu thập tin tức tình báo. Biệt kích Earth Angel được tuyển mộ từ những hồi chánh viên sau khi đã qua kỳ khảo sát “khai thật”. Chương trình Pike Hill xử dụng “nhân viên” người Việt gốc Miên (Khmer), tổ chức thành các toán biệt kích từ ba đến năm người, chuyên thâu thập tin tức tình báo các hoạt động của địch trên đất Cambodia. Để bảo mật, đoàn 68 có sở chỉ huy trong Saigon, các toán biệt kích được huấn luyện trong trại Yên Thế gần Long Thành.
HOẠT ĐỘNG & KHẢ NĂNG
Cho đến đầu năm 1972, Nha Kỹ Thuật được trao phó nhiệm vụ về các hoạt động “vượt biên” ngoài lãnh thổ VNCH (Miên, Lào, Bắc Việt). Tuy nhiên vào tháng Tư năm 1972, quân đội Bắc Việt tấn công trong dịp lễ Phục Sinh (Mùa Hè Đỏ Lửa), Nha Kỹ Thuật nhận thêm nhiệm vụ, trinh sát, lấy tin tức chiến lược cho các Vùng Chiến Thuật. Sự thay đổi này, một phần do mất đi không yểm của người Hoa Kỳ, sau ngày 5 tháng Năm 1972. Chuyện này suy giảm khả năng “vượt biên” lấy tin tức tình báo chiến lược cho cơ quan MACV (Bộ Chỉ Huy Quân Viện) và bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH của Nha Kỹ Thuật.
II. TOÁN CỐ VẤN 158 (STDAT-158)
NGUỒN GỐC VÀ NHIỆM VỤ
Trước khi ngừng hoạt động vào ngày 30 tháng Tư năm 1972, đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (MACSOG) đã cố vấn, yểm trợ Nha Kỹ Thuật được hai năm. Một ban cố vấn hỗn hợp được thành lập, lấy nhân viên từ những người còn lại (cắt giảm nhân viên) cơ quan MACSOG, lấy danh hiệu “toán Cố Vấn 158” (STDAT-158), bao gồm 152 quân nhân Lục Quân, 6 Hải Quân, và 2 người thuộc Không Quân. Toán 158 được thành lập bí mật theo lệnh của vị Tư Lệnh cơ quan Quân Viện MACV vào ngày 30 tháng Tư năm 1972. Toán 158 bắt đầu hoạt động từ ngày 1 tháng Năm 1972, có nhiệm vụ cố vấn, trợ giúp tiền bạc, quân dụng cho Nha Kỹ Thuật trong Chiến Tranh Ngoại Lệ, liên lạc trực tiếp giữa cơ quan MACV và Nha Kỹ Thuật. Toán 158 phải báo cáo cho phòng 2 (J2-Tình Báo Tác Chiến) và phòng 3 (J3-Hành Quân) về các hoạt động của Nha Kỹ Thuật.
Vị chỉ huy toán 158 nhận lệnh trực tiếp từ cơ quan MACV. Để bảo mật, trong sơ đồ tổ chức toán 158 (STDAT-158) nằm trong đoàn cố vấn (Advisory Group). Ngoài nhiệm vụ cố vấn, toán 158 thêm nhiệm vụ tổ chức, trang bị, huấn luyện đơn vị cho các hành quân đặc biệt (Special Mission Force – SMF) và đơn vị thâu hồi ven biển (Coastal Recovery Force – CRF).
Cho đến giữa tháng Mười Một 1972, toán 158 có nhân viên làm việc trong các sở chỉ huy, căn cứ của Nha Kỹ Thuật. Người Hoa Kỳ tiếp tục chương trình giảm quân, toán 158 chỉ còn lại 42 quân nhân Lục Quân, 1 Hải Quân và 1 Không Quân. Hiệu lực kể từ ngày 1 tháng Mười Hai năm 1972, toán 158 tiếp tục nhiệm vụ cố vấn cho Nha Kỹ Thuật, tuy nhiên khả năng của toán đã giảm đi nhiều. Nói tổng quát, nhiệm vụ của toán 158 sau trận tấn công lễ Phục Sinh bao gồm những điểm chính sau đây:
1. Soạn thảo, tái tổ chức theo lệnh giảm quân.
2. Hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cho Nha Kỹ Thuật cùng với đồ trang bị, tiếp liệu hoạt động dễ dàng.
3. Tổ chức nhanh chóng đơn vị Hành Quân Đặc Biệt (SMF) và Thâu Hồi Đường Biển (CRF) để sẵn sàng nhận nhiệm vụ trao phó.
4. Theo lệnh cơ quan MACV nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn của vị chỉ huy trưởng nhóm cố vấn Hoa Kỳ trên Quân Đoàn II, toán 158 thành lập một toán huấn luyện đặc biệt (STT). Toán huấn luyện này sẽ huấn luyện một số đơn vị chọn lọc thuộc QĐ II / VNCH về kỹ thuật trinh sát và Biệt Động Quân. Chương trình huấn luyện này nhằm gia tăng khả năng của Quân Đoàn II, xâm nhập sâu vùng địch kiểm soát, trinh sát, đột kích, phá hoại.
Như đã bàn đến trong phần trước, trận tấn công lễ Phục Sinh làm thay đổi quan niệm việc xử dụng Nha Kỹ Thuật của bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Kể từ tháng Tư năm 1972, các bộ tư lệnh QĐ I, II, III, và Quân Khu Thủ Đô được trao quyền chỉ huy các sở chỉ huy của Nha Kỹ Thuật nằm trong vùng chiến thuật. Các vị tư lệnh vùng chiến thuật vẫn bị áp lực cần biết các hoạt động của đối phương trên đất Lào và Miên. Đến giữa tháng Mười Một khi nhu cầu không yểm được gia tăng, Nha Kỹ Thuật tổ chức các cuộc hành quân xâm nhập “vượt biên”.
Ngoài nhiệm vụ tổ chức các cuộc hành quân xâm nhập vào hậu phương của địch, Nha Kỹ Thuật điều hành một cuộc chiến tranh tâm lý đặc biệt theo kế hoạch của bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ (CINPAC công điện 060333Z tháng Sáu 1972). Nội dung công điện được bảo mật, ngoài sự hiểu biết bài viết này.
Theo lệnh của Tổng Thống Hoa Kỳ ngưng tất cả các hoạt động quân sự (của Hoa Kỳ) chống lại Cộng Hoà Dân Chủ Việt Nam (DRV - Bắc Việt), theo hiệp đinh ngừng bắn ngày 15 tháng Giêng năm 1973, toán cố vấn 158 hủy bỏ tất cả các cuộc hành quân chống lại miền Bắc. Sau ngày ký hiệp định ngừng bắn (28 tháng Giêng năm 1973), toán 158 chuẩn bị “về Hoa Kỳ”, bàn giao kho tiếp liệu House *50 cho Nha Kỹ Thuật. Đến ngày 12 tháng Ba 1973, toán cố vấn 158 ngừng hoạt động.
Chương sau sẽ giới thiệu sâu sắc hơn về vai trò cố vấn của toán 158 trong nhiệm vụ tổ chức, thành lập hai đơn vị Hành Quân Đặc Biệt (SMF) và Thâu Hồi Đường Biển (CRF).
Ngày 9 tháng Hai năm 1973, vị chỉ huy toán cố vấn 158 họp với tư lệnh cơ quan MACV (COMUSMACV) và Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH bàn về ảnh hưởng các cuộc hành quân của Nha Kỹ Thuật, sau khi rút toán cố vấn 158 (STDAT-158) về Hoa Kỳ.
1. Mọi ngân khoản dành cho Nha Kỹ Thuật xử dụng (hành quân, huấn luyện) trong chiến tranh ngoại lệ sẽ chấm dứt. Đoàn 68 sẽ giải thể, cho về (hồi chánh viên) các biệt kích quân trong chương trình Earth Angels, các biệt kích quân người Việt gốc Miên trong chương trình Pike Hills sẽ bàn giao cho QLVNCH.
2. Vấn đề không trợ cho Nha Kỹ Thuật cùng chung số phận (chấm dứt).
3. Quyền xử dụng không ảnh qua cơ qua MACV, để chọn lọc mục tiêu hành quân cho các toán biệt kích (chấm dứt).
4. Mặc dầu được toán cố vấn 158 bàn giao một kho tiếp liệu lớn, tuy nhiên Nha Kỹ Thuật sẽ không còn toán cố vấn để xin đồ trang bị đặc biệt (vũ khí,…). Toán 158 hy vọng, với kho hang hiện tại, Nha Kỹ Thuật vẫn có đủ đồ dùng trong vòng một năm.
Ngoài ra, các cấp chỉ huy Việt Mỹ bàn thêm vấn đề để cho Nha Kỹ Thuật trở lại với nhiệm vụ chính yếu, thâu thập tin tức tình báo chiến lược. Vị Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH cho biết, phi đoàn trực thăng 219, chuyên thả, bốc các toán biệt kích sẽ được Không Lực VNCH biệt phái cho Nha Kỹ Thuật xử dụng.
ĐƠN VỊ HÀNH QUÂN ĐẶC BIỆT (SMF)
NGUỒN GỐC
Ngày 19 tháng Bẩy năm 1972, đại đội an ninh (bảo vệ) Golf-5 (GSC) di chuyển từ Ban Mê Thuột đến doanh trại của toán 36 nơi hướng bắc thành phố Pleiku. Sau khi di chuyển 150 quân nhân sắc dân thiểu số (người Thượng, Dân Tộc), cùng với 14 quân nhân Hoa Kỳ đến căn cứ mới, đại đội an ninh GSC được đặt tên, trao nhiệm vụ mới là Đơn Vị Hành Quân Đặc Biệt (SMF).
NHIỆM VỤ
Bao gồm BK dân sự chiến đấu các sắc dân thiểu số do 21 quân nhân Hoa Kỳ chỉ huy, đơn vị hành quân đặc biệt được trao trách nhiệm: giải cứu tù binh, cấp cứu các quân nhân Hoa Kỳ đang lẩn trốn trong vùng địch kiểm soát, thám sát nơi phi cơ bị rơi, trợ giúp các đơn vị trong đoàn Cấp Cứu Không Hải (Sea Air Rescue – SAR) khi cần đến. Thâu thập tin tức tình báo về tù binh cho các cuộc hành quân giải cứu.
NHÂN VIÊN
Đơn vị Dân Sự Chiến Đấu trong đơn vị Hành Quân Đặc Biệt bao gồm ba sắc dân thiểu số, 98% người Rhade, Sedang và Jarai, vài người thiểu số Nùng và Việt. Phần lớn đã có kinh nghiệp chiến đấu, phục vụ trong các đơn vị do Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ tuyển mộ, năm hoặc sáu năm. Thời gian lâu dài đủ để họ hiểu được những câu tiếng Anh căn bản, lệnh lạc quân đội nên không cần có người thông ngôn. Ngoại trừ trường hợp khó khăn, đòi hỏi chi tiết, lúc đó cần ba người thông ngôn cho ba bộ lạc khác nhau.
Trước khi được trao phó trách nhiệm, nhiều quân nhân trong đơn vị đã phục vụ trong các toán biệt kích thuộc sở chỉ huy trung tâm (Command & Control Central – CCC) trên Kontum. Các toán biệt kích trong đơn vị hành quân đặc biệt gồm sáu hoặc bẩy người, được huấn luyện thêm về nhẩy dù “Cánh Dơi” (HALO – High Altitute, Low Opening) để bí mật xâm nhập, kỹ thuật viễn thám, lên xuống trực thăng bằng dây cấp cứu STABO. Các quân nhân Hoa Kỳ trong đơn vị này cũng đã phục vụ, có kinh nghiệm trong Lực Lượng Đặc Biệt.
CHỈ HUY / LÀM VIỆC
Quân nhân LLĐB/HK trong đơn vị hành quân đặc biệt không làm nhiệm vụ cố vấn mà trực tiếp chỉ huy đơn vị, chia làm ba trung đội và một ban chỉ huy, hành chánh yểm trợ. Mỗi trung đội trưởng Hoa Kỳ có một đối tác người điạ phương, tuy nhiên người Hoa Kỳ hoàn toàn quyết định mọi vấn đề. Quyết định về mục tiêu hành quân tùy theo hệ thống chỉ huy của người Hoa Kỳ. Cấp chỉ huy người đia phương được trao quyền hành rộng rãi để gây ảnh hưởng đối với các quân nhân, khả năng tác chiến trong trung đội. Bình thường trung đội trưởng hoặc viên Trung Sĩ (phó) sẽ ra lệnh cho người đối tác chỉ huy. Đó là nguyên tắc, tuy nhiên nhiều cuộc hành quân thường ở cấp tiểu đội (toán) biệt kích.
TIẾP LIỆU
Là một đơn vị đặc biệt, ban tiếp liệu toán cố vấn 158 (STDAT-158) cung cấp 95% nhu cầu cho đơn vị hành quân đặc biệt, để bảo đảm đơn vị này sẵn sàng hành quân cấp tốc với đầy đủ vũ khí, “đồ dùng” đặc biệt. Những đồ trang bị này được phi cơ do toán 158 thuê để chuyên chở riêng.
Cấp chỉ huy đơn vị hành quân đặc biệt là một Thiếu Tá Hoa Kỳ (O-4), đối tác của ông ta là một người điạ phương, có thể là Tù Trưởng một bộ lạc người thiểu số, có uy tín. Một quân nhân người điạ phương trong đơn vị có thể “xin nghỉ” việc hoặc bị loại vì kém khả năng. Điều này ít xẩy ra, người điạ phương tuân lệnh một cách tuyệt đối, không như trong các đơn vị khác thuộc Quân Lực Hoa Kỳ. Ngoài ra các quân nhân người thiểu số chứng tỏ họ là “Vua” của rừng xanh.
HÀNH CHÁNH
Vấn đề hành chánh, yểm trợ cho các quân nhân điạ phương bao gồm: phần thưởng, nghỉ phép, ăn uống, và phụ cấp gia đình (có giới hạn). Tiền lương của họ tương đối cao so với người bản xứ QLVNCH. Vị chỉ huy trưởng Hoa Kỳ có toàn quyền, thâu nhận hoăc sa thải một quân nhân người dân tộc.
HÀNH QUÂN & HUẤN LUYỆN
1. KHỞI THỦY: Sau khi tái tổ chức đơn vị hành quân đặc biệt (SMF) được huấn luyện để chu toàn nhiệm vụ trao phó đã định sẵn. Khi còn là đại đội an ninh Golf-5, đơn vị này thường được trao nhiệm vụ thám sát khu vực phi cơ lâm nạn, điển hình là vụ chiếc C-46, SOG thuê của hãng hàng không China Airline, chở 32 quân nhân, nhân viên và chiếc thuê của hãng Cathay Pacific với 82 nhân viên. Không một người sống sót trên cả hai chiếc phi cơ. Chiếc C-46 mang mật danh Echo Mike-2 chuyên chở nhân viên cho toán cố vấn 158 (STDAT-158) từ Ban Mê Thuột đi Pleiku ngày 5 tháng Sáu bị mất liên lạc với hệ thống radar. Một toán quân Golf-5 gồm 16 quân nhân Hoa Kỳ, 55 quân biệt kích người thiểu số được lệnh tìm kiếm chiếc phi cơ lâm nạn. Thời tiết lúc đó gây khó khăn, tuy nhiên đến ngày 9 tháng Sáu, họ tìm ra và thâu hồi tử thi cho đến ngày 16 tháng Sáu gồm có 11 quân nhân Hoa Kỳ, 15 Việt Nam và 6 người Hoa (phi hành đoàn). Cũng trong ngày 16 tháng Sáu, một đơn vị gồm 3 quân nhân Hoa Kỳ, 25 biệt kích quân đến vị trí chiếc máy bay Cathay Pacific thâu hồi được 65 tử thi. Hiệu qủa của các cuộc hành quân loại này, quân đội Hoa Kỳ phát triển các loại vũ khí, dụng cụ mới đặc biệt cho các cuộc hành quân tương tự sau này.
2. THỜI GIAN HUẤN LUYỆN:
19 tháng 7 – 16 tháng 8, 1972: Khi đi chuyển lên doanh trại mới ở Pleiku, đơn vị hành quân đặc biệt được huấn luyện hai tuần lễ “thuần thục” (intensive), căn bản cá nhân chiến đấu của người lính bộ binh trong chiến tranh quy ước. Các loại vũ khí cá nhân, toán xử dụng (vũ khí cộng đồng), kỹ thuật tác chiến của toán hoặc cấp tiểu đội… cho đến cấp đại đội 140 người (cả đơn vị SMF). Ngoài việc, người Hoa Kỳ lựa chọn các huấn luyện viên nhiều kinh nghiệm, các cấp chỉ huy đơn vị còn được học hỏi thêm về soạn thảo kế hoạch hành quân, vũ khí trang bị cần thiết cho mỗi loại hành quân.
Các quân nhân trong Lực Lượng Võ Trang Quốc Gia Khmer (FANK) được huấn luyện trong căn cứ Enari. Để việc huấn luyện thêm hiệu quả, người Hoa Kỳ sắp xếp cho đơn vị SMF huấn luyện hành quân thực tập chung với ba đại đội Biệt Động Quân Biên Phòng (một số trại Lực Lượng Đặc Biệt đã được bàn giao, cải tuyển qua Biệt Động Quân từ năm 1970). Bắt đầu từ lúc đó, vấn đề không trợ đã gây khó khăn trong việc chuyển quân. Ngày 29 tháng Bẩy quân nhân trong đơn vị SMF được nhận lãnh quân trang, quân dụng, vũ khí mới.
17 tháng 8 – 23 tháng 8: Trong thời gian này, đơn vị SMF được huấn luyện về thông tin, truyền tin liên lạc, bảo trì máy móc dụng cụ trang bị. Các buổi huấn luyện loại này thường được thực hiện trong phòng học. Các lớp học khác về điạ hình, hành quân đêm… để tăng thêm khả năng tác chiến của đơn vị.
23 tháng 8 – 30 tháng 8: Giai đoạn thực tập hành quân, hầu hết là các mục tiêu thực sự ngoài chiến trường, rất có thể chạm địch. Trong thời gian từ 231300 đến 251300H tháng Tám (13:00 giờ ngày 23 đến 13:00 giờ ngày 25 tháng Tám), đơn vị SMF thực tập hành quân nơi hướng đông thị xã Pleiku. Sau một ngày tuần tiễu, lục soát, một trung đội bắt gặp và truy kích 2 địch quân hôm 25 tháng Tám. Trung đội SMF khám phá một binh trạm cỡ nhỏ của địch vừa mới bỏ hoang tại toạ độ AR-980558. Để lại một tiểu đội canh giữ vũ khí nặng, ba lô, trung đội tiếp tục dò theo dấu vết đường mòn xa hơn về hướng đông. Khi di chuyển ngang qua một trạm gác bỏ trống, người trung đội trưởng ra lệnh cho toán thám sát 6 người tiếp tục tiến lên theo hướng bắc để do thám. Toán này chạm địch, bắn bị thương một địch quân, hơn ba tên khác bỏ chạy biến mất vào rừng. Tên địch bị thương được trực thăng đưa về căn cứ đơn vị SMF cứu thương, khai rằng họ là quân điạ phương trông coi một binh trạm cho quân đội chính quy Bắc Việt trên đường di chuyển về hướng nam. Cuộc hành quân thực tập chấm dứt ngày 26 tháng Tám.
Ngày 26 tháng Tám, khoảng 1300 giờ: đơn vị hành quân đặc biệt (SMF) được trao phó nhiệm vụ thám sát phi cơ lâm nạn, thâu hồi tử thi vật dụng chiếc máy bay C-123 trên núi Hàm Rồng phiá nam thị xã Pleiku. Tất cả 8 quân nhân trên chiếc phi cơ đều tử nạn, thi hài được thâu hồi đưa đến căn cứ Holloway (Pleiku) để nhận diện, sau đó đưa về Saigon.
31 tháng 8 – 10 tháng 9, năm 1972: Huấn luyện tiếp tục về thông tin liên lạc, truyền tin, bảo đảm việc di chuyển tuyến xuất phát, bộ chỉ huy tiền phương, trung tâm hành quân ra khỏi Pleiku đến gần khu vực hành quân bằng máy truyền tin tối tân MRC-108 đặt trên xe Jeep, cho vào bên trong trực thăng CH-47 Chinook.
10 tháng 9 – 17 tháng 9: SMF thực tập nơi hướng đông bắc Pleiku, quân biệt kích tập mang theo ba lô nặng để tăng cường sức chịu đựng. Họ chứng tỏ sức khỏe bền bỉ, khả năng leo núi, đi rừng xuất sắc. Một chuyện nhỏ xẩy ra, một quân nhân lên cơn sốt rét cần được trực thăng đưa về bệnh viện làm chậm mức độ tiến quân 2 giờ đồng hồ.
17 tháng 9 – 1 tháng 10: SMF được huấn luyện lên xuống trực thăng bằng thang dây, dây cấp cứu STABO. Trong thời gian từ ngày 23 đến 28 tháng Chín, SMF tổ chức hành quân thám sát lấy tin tức tình báo tác chiến cho sư đoàn 23 QLVNCH. Do vị chỉ huy phó chỉ huy, cả đơn vị SMF di chuyển bằng xe đến khu vực hành quân cách Pleiku khoảng 15 cây số về hướng tây nam gần Thanh An. Trong lần thực tập này, các trung đội SMF được giao cho các khu vực trách nhiệm riêng biệt, thay đổi hằng ngày. Các trung đội thiết lập căn cứ và tung ra các tiểu đội tuần tiễu, thám sát. Khu vực hành quân bắt đầu nơi hướng bắc quốc lộ 19, SMF thiết lập đường giây liên lạc, phối hợp với vị sĩ quan cố vấn của trung đoàn bộ binh (sđ 23 BB) trong buổi chiều ngày 23 tháng Chín. Ngày 24, SMF di chuyển vào khu vực hành quân, các trung đội vào vị trí đã được trao phó. Trong ngày đầu, các trung đội khám phá nhiều hầm hố chiến đấu vẫn còn mới, băng cá nhân, dụng cụ cứu thương và nhiều vết máu. Qua ngày hôm sau 26 tháng Chín và ngày 27, SMF lục soát trong đồn điền trà cũ, khám phá nhiều hầm hố, dấu vết còn mới không quá 3 tuần lễ, được binh sĩ địch xử dụng, sinh hoạt cách đó khoảng 3, 4 ngày. Hệ thống hầm hố đủ rộng để chứa một bộ chỉ huy cấp trung đoàn quân đội Bắc Việt cùng với đường mòn, dây điện thoại liên lạc. Các trung đội SMF không chạm địch, tuy nhiên bằng chứng cho thấy địch quân mới di chuyển đi nơi khác. Chiều ngày 27, SMF tạm nghỉ để cho một đơn vị VNCH di chuyển ngang qua một nửa phiá đông khu vực hành quân của SMF. Cũng trong ngày 27, tin tình báo cho biết địch xâm nhập từ hướng nam, đông nam, và vị trí đặt súng cối của địch trong khung tọa độ 1632. SMF tổ chức ba trận phục kích đêm, một tại tọa độ ZA175319, khoảng 280450 (4:50 sáng ngày 28), một toán 10 địch quân di chuyển từ hướng đông bắc xuống tây nam dọc theo một con đường lớn. Toán quân Bắc Việt dường như đang lẩn tránh để trở về đơn vị cấp lớn hơn, toán biệt kích nổ súng, địch quân bắn trả lại rồi tẩu thoát. Ngày 28, các trung đội SMF gom lại, di chuyển qua khu vực hành quân mới dọc theo hai giòng suối Ia Tok, Ia Tang, quân biệt kích khám phá nhiều đường mòn theo hướng đông tây, ra vào đồn điền trà nhưng không chạm địch. Đơn vị hành quân đặc biệt (SMF) chấm dứt thực tập vào lúc 4 giờ chiều ngày 28 tháng Chín năm 1972.
2 tháng Mười – 8 tháng Mười: Một toán huấn luyện đặc biệt, 15 quân nhân Hoa Kỳ, 15 Việt Nam đến căn cứ đơn vị SMF để huấn luyện hai tháng kỹ thuật trinh sát nhằm yểm trợ cho quân đoàn II VNCH. Toán huấn luyện đặc biệt này bao gồm nhóm cố vấn STDAT và Nha Kỹ Thuật / TTM. Trong tuần lễ trung đội 2, 3 làm thành phần tiếp ứng, trung đội 1 hành quân trong khu vực An Khê (Bình Định), theo yêu cầu của ban cố vấn quân đoàn II, thâu hồi tử thi (phần còn lại) đưa về Saigon giám định. Để chuẩn bị cho cuộc hành quân, trung đội trưởng TĐ1 bay thám thính, ghé phi trường An Khê phối hợp với vị cố vấn trưởng quận An Túc.
Ngày 3 tháng Mười, trung đội 1 SMF được trực thăng CH-47 Chinook đưa từ căn cứ trên Pleiku đến tọa độ AN455473 gần An Khê. Sau đó trực thăng đưa cấp chỉ huy SMF cùng người đại diện đơn vị Nhận Diện & Thâu Hồi Tử Thi từ Saigon ra đến phi trường An Khê gặp vị cố vấn trưởng quận An Túc. Sau đó cả ba người di chuyển bằng xe đến vị trí một hài cốt (bộ xương) mới tìm thấy năm 1972.
Trung đội 1 được đưa vào khu vực lục soát 36 tiếng đồng hồ nhưng không tìm thấy gì thêm. Khi viên sĩ quan từ cơ quan Nhận Diện & Thâu Hồi Tử Thi (SGR) kết luận “đủ rồi!”, trung đội 1 đang lục soát khu vực sông Ba phiá bắc phi trường An Khê, nơi hồ sơ SGR ghi nhận có hai tử thi quân nhân Hoa Kỳ trên chiếc phi cơ C-123 rơi năm 1966 chưa tìm được.
9 tháng Mười – 15 tháng Mười: Trong khoảng thời gian 10 đến 12 tháng Mười, trung đội 3 SMF hành quân nơi hướng bắc Pleiku yểm trợ cho các toán thám sát huấn luyện, thực tập. Cuộc hành quân này được phối hợp với hai đại đội trinh sát thuộc sư đoàn 22, 23 bộ binh VNCH. Trung đội 3 SMF được trao nhiệm vụ “đài tiếp vận vô tuyến” liên lạc giữa các toán thám sát và trung tâm hành quân SMF. Trung đội 3 SMF được trực thăng VNCH đưa vào khu vực hành quân lúc 10:30 sáng ngày 10 tháng Mười năm 1972. Đến 11:30 ngày 12 tháng Mười, trung đội 3 SMF di chuyển đến một bãi đáp cho trực thăng VNCH vào đưa về.
Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Mười, trung đội 1 mở cuộc hành quân thám sát trong quận Phú Nhơn. Sau đây là một phần nhật ký hành quân của người sĩ quan trung đội trưởng.
Nhiệm Vụ: Truy lùng và xác định một đơn vị địch khoảng 70 người (tình nghi hoạt động trong khu vực tọa độ AR853076).
Thi Hành: Trung đội 1 SMF được không vận (trực thăng) từ Pleiku lên căn cứ hỏa lực 43 (tọa độ AR851147). Trung đội di chuyển bằng xe từ căn cứ hỏa lực 43 đến tọa độ AR879088 lúc 13:30 ngày 13 tháng Mười và di chuyển vào khu vực hành quân ngay sau đó, đến điểm đóng quân phòng thủ đêm tọa tộ AR864076. Không ghi nhận có hoạt động của địch trong đêm, sáng ngày 14 tháng Mười, sau khi thâu hồi các toán phục kích đêm, tôi cho trung đội di chuyển về hướng đông, đến tọa độ AR867075. Suốt buổi sáng di chuyển, đến 12:30 chúng tôi nghe có tiếng cây bị đốn (chặt cây) về phiá bên phải lộ trình di chuyển. Sau khi lập tuyến phòng thủ tại tọa độ AR854067, tôi cho hai toán 5 người lên thám sát mục tiêu. Một toán sẽ thám sát về hướng tây, tây bắc khoảng 400 thước. Trường hợp toán thám sát chạm địch, cả trung đội sẽ di chuyển đến vị trí chạm súng. Nếu cả hai toán thám sát đều chạm súng, tất cả rút về tuyến phùng thủ trung đội.
Lúc 13:30, toán thám sát khu vực hướng tây bắc chạm súng với một đơn vị chính quy Bắc Việt (quân phục tốt, võ trang đầy đủ). Mới đầu, địch muốn chúng tôi sa vào bẫy giữa những vị trí súng đại liên bằng cách chỉ đưa ra những toán quân nhỏ, đi lẻ tẻ, sau đó dương ra lực lượng cấp lớn khoảng 300 quân như đe dọa sắp sửa tiêu diệt trung đội SMF. Địch quân không bắn trả đũa tiểu đội 4, tiếp tục di chuyển dọc theo bên hông vị trí đóng quân của trung đội SMF dàn quân tấn công. Tôi (viên sĩ quan trung đội trưởng) gọi pháo binh bắn yểm trợ vào căn cứ địch, và vào phiá tây tuyến phòng thủ trung đội, ngăn ngừa địch bao vây, tấn công. Quân Bắc Việt bắt đầu tấn công từ hướng bắc gây tổn thất tiểu đội 1, khi trực thăng võ trang lên yểm trợ, tôi cho tiểu đội này lui về phiá sau của trung đội. Để tránh bị tràn ngập (tiêu diệt) vởi một đơn vị cấp lớn của địch, tôi ra lệnh cho tiểu đội 4 nằm lại quấy rối, để trung đội có thêm thời gian rút về hướng đông cùng với thương binh. Trước hỏa lực mạnh mẽ của các trực thăng võ trang, địch quân cũng rút đi. Kết qủa trận đánh, phiá quân đội Bắc Việt để lại 2 xác chết, 1 bị thương (bị bắt), trung đội SMF 2 quân nhân tử trận, 5 bị thương và 3 mất tích.
21 tháng Mười – 27 tháng Mười: Trung đội 2 SMF hành quân thám sát trong tỉnh Pleiku từ ngày 23 đến ngày 25 tháng Mười năm 1972, lần này toán thám sát chạm địch cấp trung đội, kết qủa 1 tử trận, 2 bị thương (người dân tộc thiểu số), 1 quân nhân Hoa Kỳ bị thương nơi cánh tay, đưa về Mỹ điều trị. Khu vực thám sát nơi những rặng núi phiá tây thành phố Pleiku. Buổi chiều ngày 23, trung đội được lệnh di chuyển đến một khu vực hành quân mới, tình nghi vị trí đặt hỏa tiễn 122 ly. Tin tức từ người thiểu số cho biết, dân làng đã có cuộc họp với đại diện quân đội Bắc Việt hôm trước, nhưng không tìm thấy dấu vết của địch để lại. Sáng ngày 24, trung đội SMF di chuyển đến thám sát vị trí buổi họp có quân đội Bắc Việt cũng không tìm thấy dấu vết để lại. Sau đó trung đội di chuyển đến vị trí tình nghi đặt hỏa tiễn 122 ly. Vào xế chiều, trung đội SMF tìm thấy đường mòn mới từ hướng tây bắc xuống đông nam, viên trung đội trưởng quyết định bố trí qua đêm để sáng hôm sau lục soát.
Sáng hôm sau lúc 7:45 ngày 25 tháng Mười, cả ba tiểu đội từ vị trí đóng quân đêm di chuyển xuống theo sườn núi hướng tây nam. Khám phá thêm dấu vết đường mòn mới của địch, cả trung đội nghe tiếng cưa cây và trông thấy một ụ súng cao gần 2 thước ngụy trang dưới một cây lớn tại tọa độ ZA161518. Viên sĩ quan trung đội trưởng cho trung đội dàn hàng ngang tiến lên lục soát.
Hai phút sau, họ nghe tiếng địch quân nói chuyện, viên Trung Sĩ (trung đội phó) khai hỏa vào toán lính Bắc Việt giết chết 3, bị thương 1 người. Trung đội SMF nhìn thấy thêm 6 ụ súng và sau phút ngạc nhiên, quân Bắc Việt bắt đầu nổ súng. Hai bên bắn nhau với khoảng cách rất gần như cận chiến. Kết qủa khoảng 10 lính Bắc Việt chết, phiá đơn vị đặc nhiệm (SMF), binh sĩ người Thượng mang máy truyền tin trúng đạn tử trận, viên trung đội trường SMF và một binh sĩ bị thương. Cả trung đội SMF rút lui theo hướng tây nam, tránh xa vị trí đóng quân của địch, cho pháo binh và trực thăng võ trang bắn phá mục tiêu.
28 tháng Mười – 3 tháng Mười Một năm 1972: Mức độ chiến trường gia tăng trong vùng phụ cận thành phố Pleiku, cả VNCH lẫn quân đội Bắc Việt đều cố gắng “dành dân lấn đất” trước khi hiệp định ngừng bắn Paris có hiệu lực. Không quân VNCH quá bận rộn nên đơn vị SMF không mở thêm các cuộc hành quân mới do thiếu vấn đề không yểm.
4 tháng Mười Một – 10 tháng Mười Một: Đơn vị SMF nằm ứng chiến huấn luyện tại chỗ trong căn cứ, khẩu hiệu dùng tay, căn bản cứu thương và kỹ thuật phục kích. Ngày 7 tháng Mười Một 35 binh sĩ SMF cùng một cố vấn Hoa Kỳ bay về Đà Nẵng đến căn cứ Fay. Họ được trao nhiệm vụ bảo vệ căn cứ trong thời gian đơn vị SMSAD (nhóm cố vấn cho sở Công Tác) thu dọn trước khi về Hoa Kỳ. Trong thời gian này, nhóm cố vấn STDAT-158 được thông báo có sáu (6) vị trí phi cơ lâm nạn trong vùng phụ cận thành phố Pleiku, để cho cấp chỉ huy SMF chuẩn bị kế hoạch hành quân.
11 tháng Mười Một – 17 tháng Mười Một năm 1972: Đơn vị hành quân đặc biệt (SMF) mở hai chuyến hành quân lục soát hai vị trí phi cơ lâm nạn theo lệnh của đơn vị Nhận Diện & Thâu Hồi Tử Thi (JPRC) trong Saigon. Nhiều bằng chứng cho thấy, JPRC không có đầy đủ tin tức về hai vụ này, bị rơi trong thời gian đầu cuộc chiến (khoảng 1964 – 1967). Theo kinh nghiệm tìm kiếm hai xác phi cơ bị rơi gần An Khê và phiá nam Pleiku cho biết rừng rậm (rừng nhiệt đới), cây cỏ, dây leo trong rừng mọc rất nhanh, gây khó khăn cho việc tìm kiếm và thâu hồi tử thi. Ngay cả việc cho toán biệt kích xâm nhập bộ vào khu vực đánh dấu phi cơ lâm nạn cũng khó khăn cho quân biệt kích. Tuy nhiên các toán biệt kích vẫn đem về nhiều tin tức quý giá để học hỏi, áp dụng: Sau khi được JPRC cho biết vị trí phi cơ lâm nạn, trưởng toán biệt kích nghiên cứu bản đồ đánh dấu vị trí, tìm những làng có dân cư ngụ (làng người Thượng) gần trong khu vực. Tùy theo độ rộng lớn của khu vực, cố gắng tìm nhiều làng mạc để thâu thập tin tức về vụ phi cơ rơi. Để được chính xác, đem theo người thông ngôn (người dân tộc điạ phương). Tất cả những tin tức thâu thập sẽ đem ra so sánh với tin tức do đơn vị JPRC cung cấp.
18 tháng Mười Một – 24 tháng Mười Một: Đơn vị SMF mở cuộc hành quân thâu hồi tử thi 5 quân nhân đơn vị bị mất tích sau vụ chạm súng hôm 14 tháng Mười trong quận Phú Nhơn (phần trên). Trước khi cuộc hành quân bắt đầu, một người dân làng (người Thượng) báo cho vị cố vấn trưởng quận Phú Nhơn rằng ông ta biết chỗ hai xác binh sĩ người Thượng (SMF). Sĩ quan (ban 2) đơn vị SMF “làm việc” với người mật báo này và đem theo trong chuyến hành quân. Họ tìm được hai tử thi nhưng không phải binh sĩ đơn vị SMF, một là lính Bắc Việt, xác kia là của một đơn vị VNCH. Khu vực này rừng rất rạp rạp, cỏ tranh (voi) cao hơn đầu người, rất khó di chuyển, quan sát nên đơn vị SMF chấm dứt cuộc hành quân. Họ làm kế hoạch trở lại khi được không yểm tốt hơn.
24 tháng Mười Một 1972 trở về sau: Có nhiều tin tức về một cuộc ngưng bắn (hiệp định Paris), đơn vị SMF giới hạn việc huấn luyện trong khu vực phiá nam Pleiku, họ tập luyện những bài học như phản ứng cấp thời (tao ngộ chiến), di chuyển đêm, vũ khí (của địch), điều chỉ pháo binh tác xạ. Sĩ quan tiếp liệu đơn vị (ban 4) thanh tra doanh trại, vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng để chuẩn bị bàn giao cho Nha Kỹ Thuật (VNCH) trước khi trở về Hoa Kỳ.
Trong thời gian này, SMF mở cuộc hành quân lục soát khu vực 15 cây số về phiá bắc thành phố Quy Nhơn, một phi cơ chiến đấu F-4 Phantom bị rơi năm 1966. Vị trí phi cơ lâm nạn chỉ có không ảnh để lại, chưa từng được tìm kiếm. Hai trung đội SMF được phi cơ C-130 đưa từ Pleiku đến Quy Nhơn, sau đó trực thăng đưa vào gần khu vực lục soát (phi cơ rơi). Ngày 21 tháng Mười Hai, hai trung đội vào đến mục tiêu, đóng quân đêm. Sáng hôm sau (22/12), một trung đội SMF làm thành phần an ninh cho trung đội kia vào tìm xác phi cơ. Kết quả không đem lại điều gì mới, kể cả bằng chứng về xác viên phi công F-4. Từ lời khai của một cựu binh sĩ Điạ Phương Quân VNCH cho biết hai viên phi công đã bị VC bắt đem đi, khi phi cơ lâm nạn.
BỐ CỤC
Sau khi đơn vị Hành Quân Đặc Biệt (SMF) được thành lập từ tám tháng trước, mục đích duy nhất của đơn vị này là sẵn sàng nhận tất cả mọi nhiệm vụ trao phó. Quân nhân SMF được huấn luyện hành quân trong mọi điều kiện về điạ thế, thời tiết. Sức chịu đựng bền bỉ của họ được thử thách, tinh thần chiến đấu cao để hoàn thành nhiệm vụ.
BAN CỐ VẤN ĐOÀN 68
TỔNG QUÁT
Trong thời gian từ tháng Năm 1972 đến tháng Hai năm 1973, ban cố vấn đoàn 68 có nhiệm vụ tổ chức các toán biệt kích (đặc biệt) cho chương trình Earth Angel (bao gồm hồi chánh viên) và Pike Hill (người Miên). Ngoài ra ban cố vấn đoàn 68 trợ giúp Nha Kỹ Thuật xây dựng chương trình Thăng Long. Đoàn 68 nằm trong căn cứ Nguyễn Cao Vĩ và ở Long Thành. Nhân viên (quân biệt kích) đoàn 68 được huấn luyện riêng biệt trong căn cứ ở Long Thành. Do tình trạng giảm quân để hồi hương, đến ngày 25 tháng Mười Một năm 1972, ban cố vấn đoàn 68 chỉ còn lại 1 sĩ quan và 1 hạ sĩ quan Hoa Kỳ.
HOẠT ĐỘNG
Các toán biệt kích Earth Angel bao gồm quân nhân Bắc Việt về hồi chánh (Chiêu Hồi) lấy tin tức tình báo tác chiến của các đơn vị chính quy Bắc Việt xâm nhập vào miền nam Việt Nam. Tất cả đều được huấn luyện để xâm nhập nhẩy dù, trực thăng và đường bộ. Vài người được tuyển chọn theo học khóa nhẩy dù điều khiển (HALO) để xâm nhập. Các toán biệt kích Earth Angel thường được trao nhiệm vụ thám sát đường mòn, sông rạch… Trong vài trường hợp họ được đưa vào thám sát, thẩm định các trận thả bom trong các hành quân Arclight do Kông Lực Hoa Kỳ đảm trách.
Các điệp viên Pike Hill bao gồm người Khmer (Miên), người Việt gốc Miên. Họ thiết lập những mạng lưới tình báo trong dân chúng người Miên trong vùng đông bắc Cambodia. Mỗi toán thường có ba, bốn người hoạt động trong khoảng thời gian kéo dài sáu tháng. Đôi khi các biệt kích Miên trong chương trình Pike Hill được đưa vào khu vực thả bom để thẩm định kết qủa.
Phạm Hòa sưu tầm Vũ Đình Hiếu dịch thuật
No comments:
Post a Comment