Trái – Phải: Ðại Tá John K. Singlaub – Chief SOG, Ðại Tá Trần Văn Hổ – Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật/BTTM/QLVNCH, Trung Tá Ngô Thế Linh – Phó Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật/BTTM/QLVNCH, Sĩ Quan SOG (không nhớ tên)
(Hình của Thiếu Tá Lữ Triệu Khanh, nguyên Chánh Văn Phòng Giám Ðốc NKT/BTTM/QLVNCH)
Lời của người viết: Cựu Thiếu tá Trần Kim Khánh / Nha Kỹ Thuật, và Bùi Thượng Khuê (thế hệ thứ 2 NKT) cùng hợp soạn bài viết này, với mục đích để cho người đọc trong thế hệ trẻ tại Hoa Kỳ nói riêng, và người Việt trên toàn thế giới nói chung, hiểu biết thêm về Nha Kỹ Thuật, một đơn vị hào hùng của QLVNCH qua những hoạt động đặc biệt và hy sinh thầm lặng của họ trong cuộc chiến tại Việt Nam.
Tác giả xin hân hoan đón nhận sự bổ túc và sửa đổi khiếm khuyết quý báu của quý Niên Trưởng, quý Chiến Hữu và quý Anh Chị Em trong đại gia đình Nha Kỹ Thuật để bài viết được lưu lại cho thế hệ mai sau như một món qùa nhiều ý nghĩa của Thế Hệ Cha-Anh, người đã trực tiếp góp phần vào việc giữ vững miền Nam Việt Nam trong suốt 21 năm chinh chiến (1954 – 1975) – Xin cám ơn.
Nhân dịp này, người viết xin đặc biệt chân thành cảm tạ:
• Thiếu tá Lữ Triệu Khanh, nguyên Chánh Văn Phòng Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật / BTTM / QLVNCH
• Thiếu tá Nguyễn Phan Tựu, nguyên Huấn Luyện Viên Biệt Kích / Trung Tâm Huấn Luyện Long Thành; nguyên Chỉ Huy Trưởng Ðoàn Công Tác 72 / Sở Công Tác / Nha Kỹ Thuật
• Ðại úy Nguyễn Hùng Trâm, nguyên Huấn Luyện Viên Biệt Kích / Trung Tâm Huấn Luyện Long Thành; nguyên Liên Toán Trưởng / Ðoàn Công Tác 75 / Sở Công Tác / Nha Kỹ Thuật
• Thiếu tá Nguyễn Hữu Hà, nguyên Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải / Sở Phòng Vệ Duyên Hải; nguyên Trưởng Phòng 4 / Sở Công Tác / Nha Kỹ Thuật đã cung cấp một số chi tiết quan trọng để bài viết thêm phần hoàn chỉnh.
Trần Kim Khánh / Nha Kỹ Thuật / Bộ Tổng Tham Mưu / QLVNCH
Bùi Thượng Khuê / Thế Hệ 2 Nha Kỹ Thuật Cùng Hợp Soạn – Mùa Hội Ngộ 2010
Theo các bài viết của một số quý Niên Trưởng trong đại gia đình Nha Kỹ Thuật (kể từ đây được viết tắt trong bài này là “NKT”) cùng với sự giải mật của những tài liệu trong Văn Khố và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ trong những năm gần đây, có liên quan đến cuộc chiến tranh ngoại lệ (unconventional warfare) tại Việt Nam thì NKT được hình thành trong khoảng thời gian từ đầu năm 1957 – dưới một tên khác – và dưới danh nghĩa một bộ phận trực thuộc Sở Liên Lạc/Phủ Tổng Thống, sau đó là Sở Khai Thác Ðịa Hình/Phủ Tổng Thống, và mãi cho đến đầu năm 1964 mới được chính thức gọi là Nha Kỹ Thuật (Strategic Technical Directorate – STD), trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH.
Nha Kỹ Thuật là một cơ quan tình báo chiến lược tối mật của VNCH. Cơ quan này chịu sự giám sát trực tiếp của Ðại tướng Cao Văn Viên – Tổng Tham Mưu Trưởng / QLVNCH kể từ ngày thành lập cho đến lúc cùng tất cả các Quân Binh Chủng khác của QLVNCH bị bức tử ngày 30/4/1975.
Thực ra, trước khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết vào ngày 20/7/1954, người Pháp đã thành lập một cơ quan “Gián điệp và Phản Gián” (Comité d’espionage et Contre espionage), còn có tên gọi là Sixième Bureau hay Phòng 6 để theo dõi hoạt động của Ðảng Cộng Sản và các đảng phái quốc gia khác chống Pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau ngày quân Pháp rời Việt Nam, số mật báo viên do Pháp tuyển mộ và huấn luyện đều không được Pháp bàn giao cho chính phủ Việt Nam thời đó!?
Sự hoạt động của các cơ quan tình báo cùng với những biến chuyển quan trọng về chính trị lẫn quân sự dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa do Hoa Kỳ chủ trương và thực hiện đã ảnh hưởng đến vận mạng của quốc gia và dân tộc chúng ta, nói chung, đồng thời có liên hệ mật thiết đến sự hình thành và phát triển của Nha Kỹ Thuật, nói riêng.
Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới tạm thời của hai miền Nam-Bắc. Miền Bắc, theo Xã Hội Chủ Nghĩa do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Miền Nam, theo Thế Giới Tự Do do Thủ tướng Ngô Ðình Diệm lãnh đạo. Ở miền Nam, sau khi đã ổn định tình hình chính trị, quân sự và phát triển kinh tế, Ông Ngô Ðình Nhu, trong vai trò cố vấn chính trị cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã đề ra chủ thuyết “Cần Lao Nhân Vị”, thành lập Ðảng Cần Lao và quốc sách “Ấp Chiến Lược”, đánh bại “Chiến Tranh Du Kích” của Cộng Sản Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam. Song song với hai chính sách nói trên (khoảng năm 1960), Ông Ngô Ðình Nhu còn đề xướng – với sự góp ý của Ðại tá Lê Quang Tung, Giám Ðốc Sở Liên Lạc/Phủ Tổng Thống và Ðại úy Ngô Thế Linh, Trưởng Sở Bắc thành lập “Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc” (Sacred Sword Patriotic League) nằm trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc (North Viet Nam Liberation Front) để làm hậu thuẫn cho chính phủ Ngô Ðình Diệm chống lại Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do Cộng Sản Bắc Việt dựng lên tại miền Nam, nhằm chống phá chính phủ VNCH. “Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc” chỉ dành riêng cho Sở Bắc thuộc Sở Liên Lạc/PTT (sau này đổi thành Sở Khai Thác Ðịa Hình/Phủ Tổng Thống rồi đến Nha Kỹ Thuật/BTTM/QLVNCH) mà thôi.
Như đã đề cập ở trên, trước khi Hiệp Ðịnh Genève, trong quân đội Liên Hiệp Pháp đã có một cơ quan gọi là Phòng 6. Ðây chỉ là danh xưng vỏ bọc (cover name) của một cơ quan gián điệp và phản gián mà người Pháp gọi là “Sixième Bureau”. Trụ sở của Phòng 6 đặt tại Bà Chiểu thuộc tỉnh Gia Ðịnh, hoạt động dưới quyền của Thiếu tá Nguyễn Khánh (Cựu Ðại tướng). Ngày 8/9/1954, Thiếu tá Khánh bàn giao Phòng 6 lại cho Trung tá Trần Ðình Lan. Trung tá Lan theo nhóm của Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh thân Pháp, toan lật đổ chính phủ Ngô Ðình Diệm nhưng bất thành và do đó, Trung tá Lan phải trốn qua Pháp. Nhân dịp quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam, người Pháp đã chuyển giao một số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ cho chính phủ Ngô Ðình Diệm vào ngày 11/2/1955.
Cũng trong thời gian này, chính phủ Ngô Ðình Diệm bắt đầu tổ chức lại quân đội, lấy tên là Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam, thành lập Bộ Tổng Tham Mưu, bổ nhiệm các cấp chỉ huy cùng cải tổ lại các Quân Binh Chủng trong quân đội. Cũng xin nói thêm rằng, trong thời gian Quân Ðội Cộng Sản tập kết ra Bắc theo tinh thần của Hiệp Ðịnh Genève, họ đã để lại một số cán bộ nòng cốt và chôn dấu một số lớn vũ khí để sử dụng sau này. Ðặc biệt là tại Liên Khu 5 (Nam, Ngãi, Bình, Phú).
Ðể tiếp tục theo dõi và khám phá hầu ngăn chận các hoạt động của Cộng Sản tại miền Nam Việt Nam, chính phủ Ngô Ðình Diệm thành lập một cơ quan tình báo khác lấy tên là “Nha Tổng Nghiên Huấn” trực thuộc Bộ Quốc Phòng. Thiếu tá Lê Văn Lung, nguyên Giám Ðốc Phòng 6 được vinh thăng trung tá và được bổ nhiệm làm Giám Ðốc Nha Tổng Nghiên Huấn/Bộ Quốc Phòng. Ðại úy Trần Khắc Kính được thuyên chuyển từ Quảng Ngãi về làm Phó Giám Ðốc. Nha Tổng Nghiên Huấn có 3 Sở chính:
• Sở Liên Lạc, còn gọi là Sở 32. Sở này có trách nhiệm thu thập tin thức tình báo, đưa người xâm nhập vào hàng ngũ của địch hay ngược lại, lôi kéo người của địch vào hàng ngũ của ta. Ðại úy Nguyễn Khắc Bình (Chuẩn tướng Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia kiêm Ðặc Ủy Trưởng Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo – Ðệ Nhị Cộng Hòa) là Chánh Sở 32 đầu tiên.
• Sở Bảo Vệ, còn gọi là Sở 42. Sở này có nhiệm vụ kiểm chứng, đối chiếu các tin tức thu lượm được của Sở Liên Lạc, tổ chức hệ thống tình báo phản gián và thực hiện các vụ bắt giữ cán bộ Cộng Sản hoạt động tại miền Nam Việt Nam. Chánh Sở Bảo Vệ hay Sở 42 đầu tiên là Nguyễn Ngọc Lâm. Sau khi ông Lâm bị ám sát chết trên đường Pasteur, Ðại úy Trần Văn Thăng được chỉ định thay thế chức vụ Chánh Sở 42.
• Sở Công Tác, còn gọi là Sở 52. Sở này có trách nhiệm tổ chức các cuộc hành quân thám sát, đột kích hoặc tấn công vào các mật khu của Cộng Sản.
Sở Liên Lạc, còn gọi là Sở 322, hay Chính Cục (Central). Năm 1955-1956, Chánh Sở 322 là Ðại úy Phó Thịnh Trinh và sau đó là Ðại úy Lê Quang Bình. Trung úy Nguyễn Văn Diêu làm Phụ Tá Hành Chánh (Adjoint Administratif), Trung úy Nguyễn Hứa Luật làm Phụ Tá Chuyên Môn (Adjoint Technique). Dưới Chính Cục (Central) tại mỗi tỉnh còn có một Chi Cục gọi là Antenne. Thí dụ: Chi Cục Quảng Trị – Ðông Hà do Trung úy Nguyễn Hào làm Chi Cục Trưởng. Chi Cục Thừa Thiên–Huế do Trung úy Phan Cảnh Tuân rồi đến Thiếu úy Phan Chí Cang làm Chi Cục Trưởng. Chi Cục Ðà Nẵng do Trung úy Nguyễn Văn Tùng làm Chi Cục Trưởng. Chi Cục Hội An (Faifoo) do Trung úy Nguyễn Hòa làm Chi Cục Trưởng. Chi Cục Quảng Ngãi do Trung úy Nguyễn Văn Bửu rồi Thiếu úy Phan Văn Trang làm Chi Cục Trưởng. Năm 1955-1956 chưa thành lập Chi Cục tại Bình Ðịnh và Qui Nhơn vì lúc đó Việt Cộng đang tập kết ở Sa Huỳnh. Các Chi Cục của Sở Liên Lạc chuyên trách về tình báo. Do đó, các Chi Cục này chỉ tuyển mộ, huấn luyện và gởi các mật báo viên hoạt động tại các vùng chỉ định mà thôi. Các tin tức thu lượm được đều chuyển về Chính Cục để nơi đây chuyển giao cho Sở Bảo Vệ khai thác. Ðôi lúc vì lý do khẩn cấp, các Chi Cục cũng phổ biến các tin tức tình báo cho các Tiểu Khu liên hệ để tùy nghi sử dụng.
• Sở Bảo Vệ, còn gọi là Sở 422. Chánh Sở là Ðại úy Sang. Một số các sĩ quan kỳ cựu khác cũng phục vụ tại Sở này như Ðại úy Nguyễn Văn Thức, năm 1955-1956 làm Chi Cục Trưởng (Sở Bảo Vệ) tại Quảng Ngãi và sau đó nhậm chức Quận Trưởng Thủ Ðức vào năm 1960-1962, Trung úy Nông An Pang, Thiếu úy Ðoàn Công Lập, v.v. Sở này có nhiệm vụ phối kiểm và đối chiếu các tin tức của Sở Liên Lạc gởi qua, bắt giữ các cán bộ Việt Cộng về khai thác và đồng thời phá hủy các hạ tầng cơ sở của Việt Cộng trong vùng trách nhiệm. Sở Bảo Vệ có 2 Chi Cục ở Ðà Nẵng và Quảng Ngãi. Hai Chi Cục này hoạt động rất hữu hiệu và đã phá hủy nhiều cơ sở của Việt Cộng tại Quảng Nam và Quảng Ngãi.
• Sở Công Tác, còn gọi là Sở 522. Sở này do Ðại úy Ðàm Văn Qúy chỉ huy. Tất cả quân nhân các cấp của Sở này đều có bằng nhảy dù, được trang bị nhẹ như lính Commando của Pháp. Sở này hoạt động trong toàn lãnh thổ của Ðệ Nhị Quân Khu như phục kích các đường di chuyển và xâm nhập của các toán Việt Cộng, đột kích hay tấn công để bắt tù binh và tiêu diệt các buổi họp và hội nghị của cán bộ cao cấp Việt Cộng cùng nơi đồn trú của các đơn vị du kích Cộng Sản, v.v. Có lần các sĩ quan và hạ sĩ quan của Sở 522 đã vượt sông Bến Hải, dùng tiểu liên tấn công các đồn bót của Cộng Sản Bắc Việt và bắn phá các loa phóng thanh ở bờ Bắc sông Bến Hải. Ðặc biệt vào giữa năm 1955, do sự phối hợp của hai Sở 422 và 522, Ðại Diện Nha Tổng Nghiên Huấn/BQP tại Ðệ Nhị Quân Khu đã tổ chức một cuộc hành quân xuyên sơn đầu tiên từ Bến Hải vào đến Qui Nhơn. Cuộc hành quân xuyên sơn này do Trung úy Nông An Pang chỉ huy, kéo dài gần 2 tháng và đã khám phá rất nhiều hoạt động của Việt Cộng tại vùng rừng núi thuộc 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Ðịnh. Trong suốt cuộc hành quân, Thiếu tá Trần Khắc Kính, Phó Giám Ðốc Nha Tổng Nghiên Huấn/BQP đã dùng máy bay quan sát L-19 bay không thám và liên lạc với các đơn vị hành quân. Tại các Quân Khu khác, Nha Tổng Nghiên Huấn/BQP cũng đều tổ chức các đơn vị tương tự như ở Ðệ Nhị Quân Khu. Cuối năm 1956, Nha Tổng Nghiên Huấn/Bộ Quốc Phòng chính thức giải tán để thành lập Sở Liên Lạc, trực thuộc Phủ Tổng Thống dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa. Ðại úy Lê Quang Tung, lúc bấy giờ đang là Chánh Sở 2 An Ninh Quân Ðội tại Huế, được vinh thăng Thiếu tá và được bổ nhiệm làm Giám Ðốc Sở Liên Lạc/Phủ Tổng Thống. Ðại úy Trần Khắc Kính được thuyên chuyển qua làm Phó Giám Ðốc. Sở Liên Lạc/PTT có trách nhiệm tổ chức, tuyển chọn và huấn luyện các cán bộ cấp chỉ huy để thành lập những bộ phận căn bản đầu não của Sở trong cuộc chiến tranh tình báo chiến lược, hay chiến tranh bất qui ước tại Việt Nam. Như danh xưng, Sở Liên Lạc/Phủ Tổng Thống không nằm trong hệ thống chỉ huy của Bộ Tổng Tham Mưu hay Bộ Quốc Phòng, mà được đặt dưới sự cố vấn và chỉ đạo trực tiếp của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Ðình Nhu.
Cũng trong giai đoạn này, Ðại úy Trần Văn Hổ được bổ nhiệm làm Phó Giám Ðốc Sở Liên Lạc/PTT trong một thời than ngắn. Ngày 1 tháng 11 năm 1957, một Liên Ðội “hành động” đầu tiên được thành lập, có danh xưng là Liên Ðội Quan Sát Số 1, đặt dưới quyền chỉ huy của Ðại úy Bùi Thế Minh và trực thuộc Sở Liên Lạc/PTT. Vào khoảng cuối năm 1958, cơ cấu tổ chức của Sở Liên Lạc/PTT gồm có:
• Phòng 35 có nhiệm vụ tổ chức và chỉ huy hành quân, huấn luyện cán bộ, thanh tra các Trung Tâm Huấn Luyện cùng gởi nhân viên ra ngoại quốc thụ huấn, v.v. Phòng 35 do Ðại úy Trần Khắc Kính, Phó Giám Ðốc Sở Liên Lạc/PTT kiêm nhiệm cùng với phụ tá Trần Lai Miên.
• Phòng 45 hay Phòng E và còn được gọi là Sở Bắc, có nhiệm vụ tổ chức hệ thống tình báo chiến lược của VNCH tại miền Bắc và quốc ngoại. Trưởng Phòng là Ðại úy Ngô Thế Linh, cùng một số các sĩ quan phụ tá như Nguyễn Bảo Thùy, Ðỗ Văn Tiên, Nguyễn Nghệ, v.v. trực tiếp điều hành.
• Phòng 55 còn được gọi là Sở Nam, có nhiệm vụ đặt cán bộ nòng cốt tại miền Nam Việt Nam để xây dựng và thành lập các thành phần kháng chiến nằm vùng, đề phòng trường hợp Cộng Sản Bắc Việt tràn xuống miền Nam. Trưởng Phòng 55 là Nguyễn Qúy Huỳnh, và sau đó là Trần Văn Minh. Phòng 55 hay Sở Nam là tiền thân của Sở Liên Lạc, trực thuộc Nha Kỹ Thuật/BTTM/QLVNCH.
• Phòng 65 chuyên lo về An Ninh Quân Ðội, kiểm soát những thành phần nội công và gián điệp Cộng Sản. Lê Ðình Ngân, Ðàm Thế Công và Nguyễn Qúy Huỳnh là những người đầu tiên trực tiếp điều hành Phòng 65.
• Phòng 75 có nhiệm vụ trông coi, thu thập và lưu giữ hồ sơ cùng những tài liệu mật có liên quan đến các hoạt động của Sở Liên Lạc/PTT.
• Phòng 78 có trách nhiệm về hành chánh và tài chánh, điều hành các ngân khoản trợ cấp cho các hoạt động của Bộ Chỉ Huy Sở cũng như cuộc hành quân của các toán.
• Phòng 95 là Phòng Truyền Tin, chỉ huy Ðại Ðội Truyền Tin 660, có trách nhiệm tổ chức và huấn luyện chuyên viên truyền tin cho các Toán, phân phối máy móc và giữ liên lạc truyền tin giữa BCH Sở và các Toán hoạt động tại Bắc Việt, quốc nội cũng như quốc ngoại. Trưởng Phòng 95 là Ðại úy Mai Viết Triết.
Từ năm 1957 đến năm 1959, Sở Liên Lạc/PTT bắt đầu khởi sự việc huấn luyện về chiến tranh ngoại lệ cho các cán bộ chỉ huy và các đơn vị trực thuộc. Năm 1959, Trung tá Lê Quang Tung, Thiếu tá Trần Khắc Kính và Ðại úy Trần Văn Hổ là 3 người Việt Nam đầu tiên tham dự khóa Chiến Tranh Ngoại Lệ trên đảo Saipan, một hòn đảo nhỏ do Hoa Kỳ kiểm soát tại Thái Bình Dương. Sau đó, Thiếu tá Trần Khắc Kính và Thiếu tá Cố Vấn Hoa Kỳ Russel Flyn Miller hướng dẫn 12 sĩ quan của Sở Liên Lạc/PTT qua Saipan học khóa Chiến Tranh Ngoại Lệ để điều hành chương trình Hành Quân Bắc Tiến của Sở. Mười hai sĩ quan của Sở Liên Lạc/PTT tham dự khóa này gồm có:
1. Ðại úy Ngô Thế Linh
2. Ðại úy Ðàm Minh Viêm
3. Trung úy Nguyễn Văn Hy
4. Trung úy Trần Bá Tuân
5. Trung úy Văn Công Báu
6. Trung úy Nguyễn Quang Trung
7. Trung úy Nguyễn Bảo Thùy
8. Thiếu úy Lê Công Chất
9. Thiếu úy Phạm Văn Minh
10. Thiếu úy Nguyễn Nghệ
11. Thiếu úy Nông An Pang
12. Thiếu úy Lê Quang Triệu (bào đệ của Ðại tá Lê Quang Tung)
Ðầu tháng Tư năm 1961, một điệp viên đơn độc khác của Sở Bắc tên Phạm Chuyên, bí danh Ares hay Hạ Long, rời bãi biển Ðà Nẵng bằng thuyền Nautilus 1, lặng lẽ xâm nhập vào vùng biển Quảng Ninh rồi sau đó chèo xuồng đổ bộ vào một làng đánh cá gần Cẩm Phả, Hòn Gai (Bắc Việt), bắt đầu thi hành một công tác dài hạn. Khoảng 2 tuần sau, người điệp viên bí danh Ares gởi một bức điện văn đầu tiên về cho Sở Bắc và cơ quan CIA tại Sài Gòn. Chuyến công tác xâm nhập coi như thành công! Sau đó, điệp viên Ares gởi thêm 22 bản báo cáo nữa cho đến tháng Sáu năm 1961 thì đột nhiên mất tích... Ngày 8 tháng Tám năm 1961, Sở Bắc lại nhận được một điện văn của điệp viên Ares sau gần 2 tháng mất liên lạc, cắt nghĩa về sự vắng mặt của mình và yêu cầu xin tiếp tế... Từ đó, thỉnh thoảng điệp viên Ares vẫn liên lạc với Trung Ương tại Sài Gòn, báo cáo những tin tức quan trọng về nhà máy điện tại Uông Bí, hệ thống cầu cống, xe lửa, xa lộ và hải cảng Hải Phòng, v.v. mãi cho đến năm 1968 mới mất liên lạc hẳn.
Cũng vào tháng Tư năm 1961, Sở Liên Lạc/PTT được đổi tên là Sở Khai Thác Ðịa Hình, vẫn trực thuộc Phủ Tổng Thống và duy trì các cơ cấu tham mưu của Sở Liên Lạc để tiếp tục hoạt động. Bộ Chỉ Huy Sở Khai Thác Ðịa Hình/PTT dùng danh hiệu đặc biệt “KHIÊM QUANG”. Mỗi chữ trong danh hiệu này là tên của một Phòng. Mỗi Phòng được giao phó một nhiệm vụ tham mưu hay một công tác đặc biệt. Theo nguyên tắc này, Phòng 45 được đặt tên là Phòng E. Cũng vào thời điểm này, Liên Ðội Quan Sát Số 1 đổi tên thành Liên Ðoàn 77 và được thuyên chuyển từ Quân Trường Ðồng Ðế (Nha Trang) về đóng tại Trại Hùng Vương, phía sau trường đua Phú Thọ (Sài Gòn).
Một trong những người Biệt Kích đầu tiên của Sở Bắc xâm nhập miền Bắc từ trên không là Trung sĩ I Hà Văn Chấp, nguyên Trưởng Toán Castor, gồm 4 Biệt Kích Sở Bắc, đã nhảy dù xuống Ðồi 885, cách Làng Nghĩa Lộ thuộc Tỉnh Tuần Giao, Lai Châu (Bắc Việt) khoảng 1 cây số, thi hành công tác trong đêm mồng 2 tháng 6 năm 1961. Toán Biệt Kích Castor bị “Lực Lượng Công An Vũ Trang” của miền Bắc bắt khoảng một tuần sau đó và bị ép buộc gởi công điện về Trung Ương xin tiếp tế. Mặc dầu Thiếu tá Trần Khắc Kính nghi ngờ lời lẽ trong bản công điện gởi về Sở Bắc không phải của Trung sĩ Hà Văn Chấp, Trung tá Lê Quang Tung vẫn quyết định gởi tiếp tế cho Toán Castor vì trong bản công điện có mật mã chứa đựng dấu hiệu an toàn!
Sau chuyến công tác tiếp tế cho Toán Castor bằng phi cơ C-47 của Sở Bắc do Trung úy KQVN Phan Thanh Vân lái bị bắn rơi tại Tô Hiệu (Bắc Việt) vào đêm mồng 3 tháng 7 năm 1961, Thiếu tá Trần Khắc Kính xin rời Bộ Chỉ Huy Sở Khai Thác Ðịa Hình/PTT, ra Ðà Nẵng dồn nỗ lực chỉ huy và điều động 15 toán Biệt Kích Lôi Vũ cùng với Trung Ðội Beo Gấm và 4 Ðại Ðội Biệt Kích Nhảy Dù của Liên Ðoàn 77. Lực lượng này đã được Sở Khai Thác Ðịa Hình/PTT thành lập vào cuối mùa Hè năm 1961 để hành quân tại vùng Khe Sanh – Lao Bảo (gần biên giới Lào-Việt). Các Toán Biệt Kích Lôi Vũ đã bắt đầu bí mật nhảy xuống lãnh thổ Lào vào tháng 8 năm 1961 để thám sát và ngăn chận những đường giây xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt từ Lào vào miền Nam Việt Nam.
Người “Biệt Kích Gián Ðiệp” thứ sáu của Sở Bắc xâm nhập miền Bắc bằng đường biển là Ðặng Chí Bình, bí danh Athena (một người rất nổi tiếng trong giới người Việt hải ngoại của chúng ta sau này qua bộ hồi ký Thép Ðen), đã dùng ghe Nautilus 4 xâm nhập vào Ðèo Ngang, Hà Tĩnh–Bắc Việt thi hành công tác vào ngày 28 tháng 5 năm 1962.
Như đã trình bày ở trên, Sở Bắc, đầu tiên là một cơ cấu của Sở Liên Lạc/PTT, được thành lập vào cuối năm 1957, có nhiệm vụ tổ chức hệ thống tình báo chiến lược của VNCH tại miền Bắc và quốc ngoại. Danh xưng “Biệt Kích Sở Bắc” đã bắt đầu từ đây. Sở Bắc được đặt dưới quyền chỉ huy và huấn luyện trực tiếp của Ðại úy Ngô Thế Linh.
Trong khoảng thời gian từ năm 1961 cho đến năm 1963, ngoài những cơ cấu về không vận, Sở Bắc còn có 2 Chi Cục Atlantic và Pacific, có nhiệm vụ tuyển mộ, huấn luyện và tổ chức các chuyến công tác xâm nhập miền Bắc bằng bộ vận và thủy vận. Trung úy Trần Bá Tuân là Chi Cục Trưởng Chi Cục Atlantic, đặc trách về bộ vận. Ðại úy Hà Ngọc Oánh làm Chi Cục Trưởng Chi Cục Pacific, đặc trách về hải vận. Sở Bắc, sau đó là Sở Khai Thác, kể từ ngày thành lập đến đầu năm 1964 đã được Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) yểm trợ về tài chánh, phương tiện, vũ khí và các trang cụ đặc biệt trong mọi công tác tại miền Bắc dưới danh nghĩa là “Combined Studies Division” (CSD).
Ngay sau khi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Ðình Nhu bị sát hại trong cuộc đảo chánh của các tướng lãnh ngày 1/11/1963, Bộ Tổng Tham Mưu liền bổ nhiệm Trung tướng Lê Văn Nghiêm làm tư lệnh Lực Lượng Ðặc Biệt và chuẩn bị di chuyển đơn vị ra đồn trú tại Nha Trang. Trong thời gian này, Ðại tá Trần Văn Hổ được Bộ Tổng Tham Mưu đề cử làm Trưởng Sở Bắc. Mặc dù Bộ Tư Lệnh LLÐB rời ra Nha Trang nhưng Sở Bắc vẫn đóng tại Sài Gòn và vẫn duy trì mọi hoạt động như cũ. Ngày 1/1/1964, Sở Bắc được cải danh thành Sở Khai Thác, trực thuộc văn phòng Ðại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH.
Sau ngày 1/11/1963, Ðại tướng Dương Văn Minh ra lệnh hủy bỏ toàn bộ hệ thống Ấp Chiến Lược tại miền Nam Việt Nam, cộng thêm vào đó là những xáo trộn về chánh trị và quân sự (đảo chánh, chỉnh lý, v.v.) đã là một món qùa bằng vàng cho Cộng Sản Bắc Việt lúc bấy giờ. Tại miền Nam, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và các lực lượng du kích của Việt Cộng bắt đầu hoạt động mạnh tại các vùng nông thôn. Trong thời gian này đã có những trận đánh lớn cấp Tiểu Ðoàn trở lên giữa QLVNCH và Việt Cộng. Thêm vào đó, qua những tin tức tình báo, qua các cung từ của tù binh là bộ đội Bắc Việt, cùng với những tin tức thu lượm được từ vệ tinh và không ảnh, hai chính phủ VNCH và Hoa Kỳ đều nhận thấy rằng Bộ Ðội Cộng Sản Bắc Việt đã gia tăng sự xâm nhập vào miền Nam theo hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, xuyên qua lãnh thổ Lào và hải cảng Kongpong Cham (Sihanouk Ville) tại Campuchia. Bắc Việt đã thiết lập một số căn cứ địa dọc biên giới Lào-Việt và Miên-Việt. Tồn trữ rất nhiều vũ khí, đạn dược cùng quân trang quân dụng và thực phẩm tại các căn cứ này. Ngoài ra, còn có một ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam để tiếp tế nhiên liệu cho các quân xa và thiếp giáp của Cộng Sản Bắc Việt sau này.
Ðể theo dõi và khám phá các đường dây xâm nhập hầu ngăn chận những hoạt động quân sự của Bắc Việt, đồng thời đánh phá cùng khuấy rối hậu phương của địch tại miền Bắc Việt Nam trên cả hai địa bàn chính trị và quân sự, chính phủ Hoa Kỳ và VNCH, nhất là Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH đã chấp thuận cải danh Sở Kỹ Thuật thành Nha Kỹ Thuật (Strategic Technical Directorate), nhưng vẫn trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Danh xưng Nha Kỹ Thuật chỉ là tên vỏ bọc (cover name) của một cơ quan tình báo chiến lược tối mật của VNCH. Các hoạt động của cơ quan này chỉ được báo cáo cho Ðại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH mà thôi. Vị Giám Ðốc đầu tiên của Sở Kỹ Thuật/Nha Kỹ Thuật là Ðại tá Trần Văn Hổ và vị Giám Ðốc cuối cùng của Nha Kỹ Thuật là Ðại tá Ðoàn Văn Nu (1969-1975).
Sau khi cải danh Sở Kỹ Thuật thành Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu cho thành lập các đơn vị sau đây để hoạt động, kể từ ngày 1/4/1964. Ðó là: Sở Liên Lạc, Sở Phòng Vệ Duyên Hải và Sở Tâm Lý Chiến. Cũng cần nói thêm ở đây rằng vào mùa Hè năm 1962, Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) đã đồng ý chuyển giao những chương trình hoạt động của CIA tại Ðông Nam Châu Á (Southeast Asian Program) cho quân đội trong vòng 18 tháng. Tuy nhiên, chương trình chuyển giao này mãi cho đến đầu tháng 2 năm 1964 mới được thực hiện.
Song song với việc thành lập Nha Kỹ Thuật/BTTM, chính phủ Hoa Kỳ cũng thành lập một cơ quan đối nhiệm (counterpart organization), lấy tên là SOG (Studies and Observations Group). Cơ quan này có nhiều chương trình khác nhau gọi là OPLAN. Các hoạt động tình báo chiến lược dài hạn tại miền Bắc Việt Nam nằm trong chương trình OPLAN-34. Những hoạt động tại biên giới Lào-Việt và Miên-Việt sau này được đặt trong chương trình OPLAN-35, v.v. Vị Chỉ Huy Trưởng (hay Chief SOG) đầu tiên của cơ quan này là Ðại tá Clyde Russel. Cơ quan SOG không trực thuộc MACV (Military Assistance Command Vietnam) mà trực thuộc Bộ Tham Mưu Liên Quân (Joint General Staff) ở Pentagon. Riêng các hoạt động của SOG chỉ được thuyết trình về các công tác tối mật cho 5 giới chức cao cấp của MACV sau đây mà thôi:
1. Thống tướng Westmoreland (hay vị kế nhiệm)
2. Tham Mưu Trưởng (Chief of Staff)
3. Trưởng Phòng 2 (J-2)
4. Tư Lệnh Ðệ Thất Không Lực Hoa Kỳ (Seventh Airforce Commander)
5. Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ tại Việt Nam (U.S. Naval Forces, Vietnam).
1. Ðại tá Clyde Russel (1964)
2. Ðại tá Donald D. Blackburn (1965-1966)
3. Ðại tá John K. Singlaub (1966-1968)
4. Ðại tá Steve Cavanaugh (1968-1970)
5. Ðại tá John Sadler (1970-1972).
A) Sở Liên Lạc (Liaison Service / OPLAN-35- MACSOG)
Ðầu năm 1964, để chuẩn bị thành lập Sở Liên Lạc/NKT, Ðại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng/QLVNCH đã bổ nhiệm Ðại tá Hồ Tiêu cùng một số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc Lữ Ðoàn Dù thành lập Bộ Chỉ Huy và Ðại Ðội Công Vụ. Song song với sự thuyên chuyển này, BCH/NKT và Sở Liên Lạc (SLL) đã phối hợp để tuyển chọn một số sĩ quan (SQ) của trường Võ Bị Ðà Lạt, trường Sĩ quan Trừ Bị Thủ Ðức, cùng một số hạ sĩ quan (HSQ) của trường Hạ sĩ quan Ðồng Ðế (Nha Trang) do Phòng 1/SLL tuyển chọn về phục vụ tại SLL. Ngoài ra, SLL cũng xúc tiến việc tuyển mộ một số Biệt Kích Quân (BKQ) để thành lập các toán thám sát và các Chiến Ðoàn Xung Kích.
Hầu hết các SQ, HSQ, Binh sĩ và BKQ vừa mới tuyển mộ đều được gởi ra Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế (sau này là Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng) để thụ huấn các lớp học căn bản về thám sát và nhảy dù. Sau khi hoàn tất việc huấn luyện, tất cả các khóa sinh phải trở về đơn vị để thành lập các toán thám sát. Về phía Việt Nam, mỗi toán gồm 12 toán viên, do một sĩ quan cấp bậc Chuẩn úy hoặc Thiếu úy làm Toán Trưởng. Các toán viên là HSQ, Binh sĩ và BKQ. Toán sẽ được gởi đi thực tập hành quân sau khi thành lập. Mỗi toán phải trải qua 2 cuộc thực tập hành quân tại ngoại biên và 2 cuộc thực tập hành quân tại các mật khu của Việt Cộng tại nội địa. Sau khi toán được đánh giá, sẽ tham dự các cuộc hành quân chính thức. Tùy theo nhu cầu chiến trường, mỗi toán có thể được tách ra làm 2. Do đó, khi đi hành quân mỗi toán có thể chỉ có 6 toán viên mà thôi.
Ban đầu, SLL/NKT được tổ chức như sau:
A) BỘ CHỈ HUY VÀ ÐẠI ÐỘI CÔNG VỤ
Ðồn trú ở Sài Gòn, đặt tại doanh trại cũ của SLL/PTT, cạnh sân bay quân đội và Bộ Tổng Tham Mưu.
a) Chiến Đoàn I Xung Kích
• Bộ Chỉ Huy
• 10 Toán Thám Sát (mỗi toán có 12 toán viên, do cán bộ Việt Nam làm Toán Trưởng)
• 3 Ðại Ðội Xung Kích (mỗi đại đội có 150 người, do cán bộ Việt Nam và cố vấn Hoa Kỳ đồng chỉ huy).
b) Chiến Đoàn II Xung Kích
• Bộ Chỉ Huy
• 10 Toán Thám Sát (mỗi toán có 12 toán viên, do cán bộ Việt Nam làm Toán Trưởng)
• 3 Ðại Ðội Xung Kích (mỗi đại đội có 150 người, chia thành Ban Chỉ Huy và 4 Trung Ðội, kể cả 1 Trung Ðội súng nặng, do cán bộ Việt Nam và cố vấn Hoa Kỳ đồng chỉ huy).
c) Chiến Đoàn III Xung Kích
• Bộ Chỉ Huy
• 10 Toán Thám Sát (mỗi toán có 12 toán viên, do cán bộ Việt Nam làm Toán Trưởng)
• 3 Ðại Ðội Xung Kích (mỗi đại đội có 150 người, chia thành Ban Chỉ Huy và 4 Trung Ðội, kể cả 1 Trung Ðội súng nặng, do cán bộ Việt Nam và cố vấn Hoa Kỳ đồng chỉ huy).
Thêm vào đó, mỗi Chiến Đoàn đều có một Đại Đội An Ninh, có trách nhiệm canh gác và phòng thủ. Cơ cấu tổ chức này có từ năm 1968 đến 1970, và sau đó giảm dần quân số cho đến năm 1972 thì chấm dứt. Như đã trình bày ở trên, mỗi Chiến Đoàn đều có 1 đến 2 Căn Cứ Xuất Phát và nhiều căn cứ yểm trợ. Tùy theo nhu cầu của mục tiêu, các CCXP và yểm trợ này cũng lưu động theo mục tiêu hành quân.
Ngoài ra, cơ quan đối nhiệm của Nha Kỹ Thuật (MACSOG) cũng thành lập cạnh mỗi Chiến Ðoàn Xung Kích của SLL/NKT một bộ phận tương ứng gọi là “Command and Control”, như cạnh CÐ I Xung Kích là “Command and Control North – CCN”, cạnh CÐ II Xung Kích là”Command and Control Center – CCC” và cạnh CÐ III Xung Kích là “Command and Control South – CCS”. Ngoài Bộ Chỉ Huy, phía Hoa Kỳ cũng có 20 toán hỗn hợp (Hoa Kỳ + Việt Nam + Thượng hoặc Nùng). Các toán trưởng, toán phó và hiệu thính viên đều là các SQ và HSQ nhiều kinh nghiệm của LLÐB Hoa Kỳ tình nguyện. Mỗi toán đều có 1 thông dịch viên và 2 toán viên người Việt, Thượng hoặc Nùng. Các Ðại Ðội Xung Kích hỗn hợp được gọi là “Exploitation/Reactionary Company”. Các Ðại Ðội Trưởng đều là SQ Hoa Kỳ (cấp đại úy). Tùy theo nhu cầu, tại mỗi Chiến Ðoàn còn có các Ðại Ðội Dân Sự Chiến Ðấu (DSCÐ) Nùng đảm trách việc canh gác và phòng thủ doanh trại. Tại các tiền doanh (FOB) hay căn cứ xuất phát cũng đều có các SQ và HSQ Hoa Kỳ hoạt động chung với SQ và HSQ cán bộ Việt Nam Cộng Hòa.
Ðể đáp ứng nhu cầu hành quân của SLL/NKT, Bộ Tổng Tham Mưu và Bộ Tư Lệnh Không Quân tăng phái thường xuyên cho SLL/NKT 1 máy bay C-47 và 1 phi đoàn trực thăng (Phi Ðoàn 219), và đồng thời biệt phái một số phi cơ quan sát (U-17) thuộc Phi Ðoàn 110 để bay không thám (Visual Recon). Hai Phi Ðoàn 219 và 110 đều đồn trú tại Ðà Nẵng. Hằng ngày, các phi đoàn này đều có một số máy bay trực thăng hoặc U-17 túc trực tại các phi trường hoặc tại các Chiến Ðoàn liên hệ. Vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của Phi Ðoàn 219 là Ðại úy Ðặng Văn Phước. Vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của PÐ-219 là Trung tá Nguyễn Văn Nghĩa (chết trong tù của CS tại Cao Bắc Lạng, Bắc Việt Nam năm 1977). Kể từ ngày 1/1/1971, SLL/NKT được tái tổ chức như sau:
• Bộ Chỉ Huy và Ðại Ðội Công Vụ đồn trú tại Sài Gòn (trụ sở cũ).
• Ðoàn 1 Liên Lạc do Thiếu tá Tống Hồ Huấn làm Chỉ Huy Trưởng và đồn trú tại Biên Hòa. Ðoàn 1 Liên Lạc được tăng phái cho Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III/Quân Khu 3 và hoạt động trong vùng lãnh thổ của QK3.
• Ðoàn 2 Liên Lạc do Thiếu tá Lê Minh làm Chỉ Huy Trưởng. Ðoàn này trước tiên đồn trú tại Kontum rồi sau đó dời qua Pleiku (1973). Ðoàn 2 Liên Lạc được tăng phái cho BTL/QÐII/QK2 và hoạt động trong vùng lãnh thổ của QK2.
• Ðoàn 3 Liên Lạc do Trung tá Vũ Mạnh Cường và sau đó là Thiếu tá Ðoàn Kim Tuấn làm Chỉ Huy Trưởng. Ðoàn 3 Liên Lạc đồn trú tại Ban Mê Thuột và được tăng phái hành quân cho BTL/QÐII/QK2.
B) SỞ PHÒNG VỆ DUYÊN HẢI (Coastal Security Service)
Kể từ ngày thành lập, Sở Bắc, ngoài những bộ phận không vận có trách nhiệm tổ chức các cuộc xâm nhập Bắc Việt bằng đường hàng không còn có 2 chi cục trực thuộc, đó là Chi Cục Atlantic, chuyên trách việc tuyển mộ, huấn luyện và tổ chức các chuyến công tác xâm nhập lãnh thổ Bắc Việt bằng đường bộ, xuyên qua Lào và vùng Phi Quân Sự. Chi cục này đồn trú tại Huế và do Trung úy Trần Bá Tuân làm Chi Cục Trưởng.
Ðôi lúc vì nhu cầu, chi cục này cũng cho toán xâm nhập Bắc Việt bằng đường thủy qua sự phối hợp và phương tiện chuyển vận của Chi Cục Pacific. Chi Cục Pacific đồn trú tại Ðà Nẵng. Chi cục này có nhiệm vụ tuyển mộ, huấn luyện và tổ chức những chuyến xâm nhập Bắc Việt bằng đường biển. Chi cục này được trang bị một số thuyền máy gọi là Nautilus. Chi Cục Pacific do Ðại úy Hà Ngọc Oánh rồi đến Trung úy Nông An Pang làm Chi Cục Trưởng. Kể từ ngày thành lập cho đến tháng 4 năm 1964, cả hai chi cục này đều được CIA tài trợ dưới danh nghĩa của cơ quan Combined Studies Division (CSD), đồn trú tại Ðà Nẵng. Ðầu năm 1964, hai chi cục này được lệnh giải tán và toàn bộ sĩ quan, hạ sĩ quan được đưa vào Ðà Nẵng (trại Mỹ Khê) để chuẩn bị thành lập đơn vị mới.
Theo sự gia tăng cường độ của chiến tranh, Hoa Kỳ dự trù đưa sang Việt Nam một số chiến đỉnh tối tân để hoạt động tại vùng biển Bắc vĩ tuyến 17. Do đó, Sở Phòng Vệ Duyên Hải/Nha Kỹ Thuật (SPVDH/NKT – Coastal Security Service) được chính thức thành lập kể từ ngày 1/4/1964. Thiếu tá Ngô Thế Linh, Phó Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật được đề cử giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của SPVDH/NKT. Sở Phòng Vệ Duyên Hải/NKT được chính thức thành lập như sau:
a) Bộ Chỉ Huy
• Chỉ Huy Trưởng và văn phòng CHT (Ban Văn Thư)
• Chỉ Huy Phó
Ngoài ra còn có:
• Phòng 1 (Nhân Viên)
• Phòng 2 (Tình Báo)
• Phòng 3 (Hành Quân & Huấn Luyện)
• Phòng 4 (Tiếp Liệu & Tiếp Vận)
• Phòng An Ninh (An Ninh Quân Ðội – ANQÐ)
• Phòng 5 (Chiến Tranh Chính Trị – CTCT)
• Phòng 6 (Truyền Tin)
• Phòng Tài Ngân (Tài Ngân Ngoại Lệ)
b) Đại Đội An Ninh
Ðại Ðội này chịu trách nhiệm về an ninh cho toàn thể doanh trại của SPVDH.
c) Cù Lao Chàm gồm 2 trại:
• Trại Phượng Hoàng (Phoenix) – Nơi giam giữ và khai thác tù nhân. Người tù nhân cuối cùng rời Trại Phượng Hoàng vào ngày 22/10/1968.
• Trại DoDo – Do Sở Tâm Lý Chiến/Nha Kỹ Thuật (STLC/NKT) dùng để cho cơ quan bạn (Hoa Kỳ) ra công tác và các Toán Thẩm Vấn của STLC khai thác và thu thập các tin tức có liên quan đến chính trị, xã hội và tôn giáo tại miền Bắc để cho Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc/STLC và Ðài Tiếng Nói Tự Do/STLC sử dụng. Ðây cũng là nơi huấn luyện các mật báo viên dài hạn (Sleeping Agent) về chủ trương và đường lối hoạt động của Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc.
d) Lực Lượng Biệt Hải (Sea Commandos Force)
Song song với việc thành lập Bộ Chỉ Huy SPVDH, Sở cũng xúc tiến việc tuyển mộ, huấn luyện và trang bị cho các Toán Biệt Hải để đảm trách các công tác được giao phó. Lực Lương Biệt Hải (LLBH/SPVDH) được tổ chức thành các toán và đồn trú tại các trại được xây dựng riêng rẽ từ chân núi Non Nước đến chân núi Sơn Trà như sau:
• Trại 1 – Toán Romulus gồm 50 sĩ quan & hạ sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến/QLVNCH do Thiếu úy Dương Văn Hưng và Nguyễn Văn Ngộ chỉ huy.
• Trại 2 – Toán Athena gồm 50 SQ & HSQ thuộc Lực Lượng Người Nhái/Hải Quân VNCH do Hải Quân Ðại úy Lâm Nhựt Ninh chỉ huy.
• Trại 3 – Toán Nimbus gồm 45 SQ & HSQ/QLVNCH do Thiếu úy Nguyễn Hữu Hà (Hoàng) chỉ huy.
• Trại 4 – Toán Cumulus gồm có khoảng 40 quân nhân và Biệt Kích
Quân (BKQ – Dân Sự) do Thiếu úy Nguyễn Tử Nha (Trang) chỉ huy.
• Trại 5 – Toán Mercury gồm 40 BKQ Dân Sự do Thiếu úy Nguyễn Bá Lộc chỉ huy.
• Trại 6 – Toán Vega gồm 35 nhân viên hải thuyền do Hải Quân Ðại úy Trịnh Hào Hiệp thuộc Lực Lượng Người Nhái/Hải Quân VNCH chỉ huy.
• Trại 7 – Bộ Chỉ Huy Ðại Ðội An Ninh, bãi thực tập phá hoại và bãi thực tập nhảy dù của SPVDH, kho đạn, kho chất nổ và hồ tắm (huấn luyện bơi lội và lặn bình hơi).
• Trại 8 – Toán Cancer gồm 6 nhân viên người nhái do Thiếu úy Nguyễn Thanh Hoài kiêm nhiệm.
• Trại Mỹ Khê (Trung Tâm Huấn Luyện 6)
• Bộ Chỉ Huy LLBH
• Cư xá của Huấn Luyện Viên Hoa Kỳ
• SEAL và TQLC
• Cư xá Sĩ quan và Hạ sĩ quan độc thân của QLVNCH
• Thông Dịch Viên
• Câu Lạc Bộ và nhà ăn của các cán bộ Việt-Mỹ
• Kho tiếp liệu, đạn dược, vũ khí, máy đẩy tầu, kho để thuyền cao su, tầu ngầm cá nhân, v.v.
• Trại Huấn Luyện Chim Bồ Câu Truyền Tin
• Trung Ðội An Ninh & Phòng Thủ.
• Trại 9 – Khu Cấm
Cuối năm 1966 và đầu năm 1967, khi toàn thể doanh trại của LLBH được bàn giao lại cho Ðệ Tam Lực Lượng Thủy Bộ TQLC Hoa Kỳ (III MAF) thì toàn thể LLBH về đồn trú chung tại một doanh trại, được xây cất ở chân núi Sơn Trà (Black Rock).
e) Lực Lượng Hải Tuần (Naval Patrol Force)
Lúc còn Chi Cục Pacific và được sự tài trợ của cơ quan CSD, vào khoảng cuối năm 1962 và đầu năm 1963, phía Hoa Kỳ đem sang Ðà Nẵng 3 chiến đỉnh “SWIFT” để thay thế cho các thuyền máy của chi cục này. Các thuyền trưởng đều là người Na Uy (Norway) và còn được gọi là “Vikings”, nhận công tác theo hợp đồng của CSD. Thủy thủ đoàn là các thủy thủ Việt Nam của các thuyền máy Nautilus. Các chiến đỉnh này đã thực hiện và hoàn tất một số công tác được giao phó một cách tốt đẹp.
Kể từ tháng 4 năm 1964, song song với việc thành lập Bộ Chỉ Huy SPVDH, phía Hoa Kỳ cũng thành lập một cơ quan đối nhiệm của Sở này, lấy tên là Naval Advisory Detachment (CSS/NAD), do Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương (CINPAC) bổ nhiệm. Vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của NAD là Hải Quân Trung tá Owens. Vị Chỉ Huy Trưởng NAD cuối cùng là Hải Quân Trung tá Olson.
Ban đầu, cả 2 cơ quan CSS và NAD tạm thời đồn trú tại Số 52 Bạch Ðằng, Ðà Nẵng (White Elephant). Sau khi đã hoàn tất việc bàn giao giữa cơ quan CSD và NAD, một phần Bộ Chỉ Huy SPVDH gồm có: CHT, Ban Văn Thư, Phòng 1, Phòng 4, Phòng Tài Chánh, Phòng 5, Phòng An Ninh đều tạm thời đồn trú tại Camp Fay (tên của vị Chỉ Huy Trưởng NAD tử nạn xe hơi năm 1967), Sơn Trà. Các phòng tương đương của NAD cũng đồn trú tại doanh trại này. Riêng văn phòng CHP, Phòng 2, Phòng 3 và Phòng Truyền Tin thì đồn trú tại Lower Base chung với các phòng tương ứng của NAD.
Cũng kể từ tháng 4 năm 1964, phía Hoa Kỳ (NAD) đem sang cho SPVDH một số chiến đỉnh có tốc độ nhanh gọi là Patrol Torpedo Fast (PTF) từ căn cứ Subic ở Phi Luật Tân. Tổng số chiến đỉnh có khi lên đến 12 chiếc. Cũng trong thời gian này, BTL Hải Quân QLVNCH tăng phái cho SPVDH một số thủy thủ đoàn gồm SQ & HSQ thuộc Hải Quân/QLVNCH để điều khiển các chiến đỉnh này. Lực Lượng Hải Tuần gồm có từ 12 đến 14 Thủy Thủ Ðoàn. Mỗi Thủy Thủ Ðoàn có từ 12 đến 16 SQ & HSQ. Lực lượng này đồn trú tại Trại Trần Hưng Ðạo (còn gọi là Upper Base). Vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của LLHT là Hải Quân Thiếu tá Diệp Quang Thủy. Ngoài ra, SPVDH còn có một toán bảo trì và sửa chữa chiến đỉnh gọi là MST (Mobil Support Team) do Ðại úy Cơ Khí Nguyễn Văn Quang, Sĩ quan Cơ Khí của SPVDH làm Toán Trưởng. Toán này có nhiệm vụ bảo trì và sửa chữa cấp 1 cho các chiến đỉnh mà thôi. Các tu bổ đại kỳ thì phải gởi chiến đỉnh sang Subic Bay tại Phi Luật Tân.
Kể từ tháng 6 năm 1966, Ðại tướng Cao Văn Viên, TTMT/QLVNCH đề cử Hải Quân Trung tá Hồ Văn Kỳ Thoại làm Chỉ Huy Trưởng SPVDH, thay thế Thiếu tá Ngô Thế Linh trở về BCH/NKT đảm nhận lại chức vụ Phó Giám Ðốc NKT. Cũng kể từ đó, toàn thể BCH/SPVDH di chuyển về đóng chung tại Lower Base. Kể từ ngày thành lập (1/4/1964) cho đến ngày 1/11/1968, khi Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Bắc Việt, SPVDH/NKT đã thực hiện các loại hành quân sau đây:
• Những Cuộc Hành Quân lấy tên là LOKI:
Những cuộc hành quân này có mục đích bắt tù binh kể cả ngư dân và cán bộ Cộng Sản đưa về trại Phoenix để khai thác tin tức và cung cấp các mục tiêu quân sự tại Bắc vĩ tuyến 17 cho Hạm Ðội 7 Hoa Kỳ oanh tạc. Theo khả năng thì các chiến đỉnh PTF của SPVDH chỉ hoạt động lên tới vĩ tuyến 20 (Thanh Hóa), nhưng có đôi lần các chiến đỉnh này đã hoạt động lên đến tận Bạch Long Vỹ.
Trong suốt thời gian hoạt động, SPVDH đã bắt hơn 500 ngư dân, công an hoặc cán bộ các Hợp Tác Xã (HTX) ngư nghiệp tại miền Bắc. Sau khi đem về trại Phoenix để khai thác tin tức, cán bộ SPVDH tuyển chọn trong số này những người thù ghét chế độ Cộng Sản để huấn luyện họ làm mật báo viên dài hạn (Sleeping Agent), chờ ngày giải phóng miền Bắc. Sau khi hoàn tất việc huấn luyện, cách thu thập tin tức, cách viết mật thư, v.v. những người này được chuyển sang trại DoDo để nơi đây huấn luyện (indoctrination) về chủ trương và đường lối của Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc do các cán bộ của STLC/NKT hướng dẫn dưới danh nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc. Ngoài ra, các cán bộ STLC còn khai thác thêm các tin tức liên quan đến chính trị, xã hội và tôn giáo tại miền Bắc để hoạch định các công tác Tâm Lý Chiến của Ðài Tiếng Nói Tự Do và Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc thuộc STLC/NKT.
Sau một thời gian, tất cả những người bị bắt đều được trả về miền Bắc và mỗi người đều được tặng một gói qùa gồm radio, mùng, mền, lưới cá và cước, v.v. do STLC/NKT thực hiện. Mỗi lần thả, họ đều được PTF chở ra vùng họ ở và cho xuống một chiếc thuyền thúng tròn, đan bằng tre để họ chèo vào bờ. Hầu hết những người được thả khi về đến địa phương đều bị Cộng Sản Bắc Việt tịch thu hết các qùa tặng, gây nhiều căm phẫn cho nhân dân và gia đình. Ðặc biệt, có người sau một thời gian lại cố ý ra biển để được bị bắt lại, bởi lẽ đời sống của người dân miền Bắc, đặc biệt là ngư dân, rất cực khổ và đói kém. Khi vào trại của Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc (PTGTAQ) được ăn uống no đủ, áo quần mới và được đối xử tử tế, nên mặc dù trong thâm tâm vẫn nghĩ PTQGAQ là của miền Nam Việt Nam, nhưng họ rất có cảm tình, và đã cung cấp nhiều tin tức quân sự có giá trị cao.
• Những Cuộc Hành Quân lấy tên là CADO:
Do các toán Biệt Hải đổ bộ vào bờ để đột kích hoặc bắn phá các đồn Công An Biên Phòng tại các cửa biển hoặc các cơ sở trên đất liền. Cũng vào năm 1964, toán Biệt Hải Cumulus đã đổ bộ và bắn phá nhà máy nước tại Bầu Tró (Ðồng Hới), gây nhiều thiệt hại đáng kể cho nhà máy này. Nhiều lần khác, các toán Biệt Hải đã đổ bộ và bắt cóc cán bộ Bắc Việt trong các làng ven biển tại Ðồng Hới và Quảng Bình.
• Những Cuộc Hành Quân lấy tên là MINT:
Trong suốt thời gian Hoa Kỳ phong tỏa hải phận Bắc Việt và thả mìn ở cửa biển Hải Phòng, SPVDH liên tục hành quân từ vùng vĩ tuyến 17 đến Thanh Hóa. Trong thời gian này, SPVDH đã chận đánh các đoàn ghe máy Bắc Việt tiếp tế cho các hải đảo ngoài khơi duyên hải. Ðặc biệt là các chiến đỉnh của SPVDH đã đánh tan một đoàn tiếp tế của Bắc Việt cho đảo Hòn Cọp, tich thu rất nhiều vũ khí và quân dụng, trong đó có một khẩu 82ly không giật của Nga Sô, loại vũ khí được tịch thu lần đầu tiên tại chiến trường Việt Nam lúc bấy giờ.
• Các Cuộc Hành Quân Tâm Lý Chiến:
Sở Tâm Lý Chiến/NKT thực hiện các loại truyền đơn dưới danh nghĩa của PTGTAQ và các gói qùa tặng. Truyền đơn do STLC thực hiện gồm có 2 loại. Một loại thả theo các gói qùa. Loại kia do súng cối 81ly đặt trên các PTF bắn vào bờ. Số truyền đơn và qùa tặng được chuyển từ STLC ra cho SPVDH. Sở này dùng các chiến đỉnh PTF để thả các gói qùa trên biển về phía Bắc vĩ tuyến 17, hoặc dùng súng cối 81ly bắn vào bờ.
• Cuộc Hành Quân Ðặc Biệt tên là LURE:
Truyền đơn thả theo các gói qùa trên biển của Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc kêu gọi các tầu của Bắc Việt trốn vào miền Nam Việt Nam. SPVDH dùng một ghe máy có tên là Nautilus (NI) thả neo túc trực tại phía Nam vĩ tuyến 17. Trường hợp tầu của Hải Quân Bắc Việt vượt tuyến vào Nam đầu thú sẽ được cán bộ và thủy thủ đoàn của chiếc NI đón tiếp. Ngoài phần thưởng đặc biệt dành cho thuyền trưởng và thuyền phó, mỗi thủy thủ đều được Chính Phủ VNCH lo cho chỗ ăn, chỗ ở và mỗi người đều được thưởng 100 (một trăm) lượng vàng để sinh sống. Cuộc hành quân này kéo dài gần 3 tháng mới chấm dứt.
Sau ngày Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Bắc Việt vào năm 1968, SPVDH được tăng phái hành quân cho Quân Ðoàn II và Quân Ðoàn IV – Quân Khu IV, hoặc tham dự những công tác cứu phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi trong và ngoài lãnh thổ VNCH. Kể từ tháng 4 năm 1972, sau khi có lệnh thượng cấp Hải Quân hóa toàn bộ SPVDH thì các SQ và HSQ Lục Quân được thuyên chuyển về BCH/NKT và các Sở/Ðoàn trực thuộc. Riêng các BKQ Dân Sự thì một số tình nguyện cải tuyển qua QLVNCH và vẫn phục vụ tại các Sở/Ðoàn nói trên. Một số khác không tình nguyện cải tuyển thì được trả về đời sống dân sự.
Qua những thành tích hoạt động và chiến tích của SPVDH, Sở này đã được 2 lần tuyên dương công trạng trước Quân Ðội, được ân thưởng 2 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu và đơn vị được mang dây Biểu Chương mầu Anh Dũng Bội Tinh. Ngoài ra, năm 1967, SPVDH cũng được BTL Hải Quân Hoa Kỳ ân thưởng 1 huy chương “MERITERIOUS SERVICE”. Khi HQ Trung tá Hồ Văn Kỳ Thoại được vinh thăng Ðại tá và được bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải thì HQ Ðại tá Nguyễn Viết Tân thay thế cho đến ngày 30/4/1975.
Cũng xin nói thêm ở đây là sau khi chính phủ Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Bắc Việt vào ngày 1/11/1968 thì mọi hoạt động của SPVDH tại Bắc vĩ tuyến 17 đều chấm dứt. Từ đó, Sở này được tăng cường phối hợp hành quân với các đơn vị bạn tại QÐ I và QÐ IV cho đến ngày 30/4/1975. Các chiến đỉnh SWIFT và PTF cũng được phía Hoa Kỳ chuyển về Subic Bay ở Phi Luật Tân trước ngày 30/4/1975.
Nói chung, kể từ ngày thành lập cho đến ngày Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, SPVDH đã cùng các đơn vị khác của Nha Kỹ Thuật đóng góp nhiều chiến tích oai hùng và cũng là một nét son trong quân sử QLVNCH.
Ðể đáp ứng nhu cầu đòi hỏi, Sở Tâm Lý Chiến/NKT đã sử dụng 3 hình thái chiến tranh sau đây trong cuộc chiến tranh ngoại lệ, hay chiến tranh bất qui ước (unconventional warfare) tại Việt Nam:
1. Chiến Tranh Tình Báo (Sở Liên Lạc, Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Sở Công Tác)
2. Chiến Tranh Phá Hoại (Sở Liên Lạc, Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Sở Công Tác)
3. Chiến Tranh Khuynh Ðảo.
Song song với sự hình thành của Sở Liên Lạc, Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Nha Kỹ Thuật cũng thành lập Sở Tâm Lý Chiến (STLC/NKT). Ngoài những Phòng, Ban theo tổ chức của QLVNCH như Phòng Chính Huấn, Phòng Tâm Lý Chiến, Phòng Xã Hội, v.v. STLC/NKT còn tổ chức những cơ sở sau đây:
a) Ðài Tiếng Nói Tự Do (VOF – Tuyên Truyền Xám)
b) Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc (SSPL Radio – Tuyên Truyền Ðen)
c) Phòng Công Tác – Phòng này có nhiệm vụ thực hiện các truyền đơn, giấy tờ giả, bạc giả và các gói qùa tâm lý chiến như: quần áo, mùng, mền, lưới cá, cước, lưỡi câu, radio, v.v. Những loại truyền đơn được bỏ vào đạn súng cối 81ly và các chiến đỉnh của SPVDH bắn vào bờ. Các gói qùa tâm lý chiến thì cũng do các chiến đỉnh thả dọc theo bờ biển trong vùng hành quân Bắc vĩ tuyến 17.
Trụ sở của STLC/NKT và 2 Ðài TNTD và Ðài GTAQ đều được đặt tại Số 7 Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Ngoài ra, còn có các Trung Tâm Phát Tuyến ở Thủ Ðức, Thanh Lam (Huế), Cồn Tè (Thuận An, Huế) phát sóng bao phủ toàn miền Bắc cho đến tận biên giới Trung Hoa. Vị Chánh Sự Vụ đầu tiên của STLC/NKT là Thiếu tá Phạm Thế Phiệt. Vị Chánh Sự Vụ sau cùng là Trung tá Ðăng Xuân Thoại. Trung tá Thoại đã anh dũng tuẫn tiết bằng súng Colt-45 tại bệnh viện Saint Paul, Sài Gòn vào sáng ngày 30/4/1975, trước khi Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam! Vị Quản Ðốc Ðài TNTD là Ðại úy Vũ Quang Ninh. Vị Quản Ðốc Ðài GTAQ là Ðại úy Ðỗ Bá Tư.
Sau khi MACSOG (Military Assistance Command – Studies and Observations Group) giải tán vào tháng 4/1972, một phần nhân viên của STLC/NKT được thuyên chuyển về Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị/QLVNCH (Cục Tâm Lý Chiến) và thành lập Ðài Mẹ Việt Nam kể từ tháng 7/1972. Phần SQ và HSQ còn lại của STLC/NKT thì di chuyển về trụ sở mới, cạnh BCH Sở Liên Lạc/NKT và sinh hoạt những công tác chính huấn, tâm lý chiến và xã hội của QLVNCH.
D) Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế (Camp Long Thanh Training Center)
Vì lý do an ninh, đầu năm 1961, Bộ chỉ huy Sở Khai Thác Ðịa hình/ Phủ Tổng Thống (Tiền thân của BTL/LLÐB sau này) quyết định dời Trại Huấn Luyện Biệt Kích Nhảy Dù Thủ Ðức - Ðồn trú cạnh sân bắn 25 của Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức - và cạnh xa lộ Thủ Ðức - Biên Hòa - lên đồn trú tại Long Thành. Trung Tâm được xây dựng cạnh đồn điền cao su Long Thành. Ở đó, có một sân bay do đồn điền cao su không sử dụng từ lâu. Sân bay này khiển dụng cho các loại máy bay C-119, C-47, C-123,và C-130, rất thuận tiện cho hoạt động của Sở. Trung Tâm được xây dựng trong một khu vực rộng lớn, có tường bao bọc chung quanh, và có thêm một hệ thống gồm 9 pháo đài phòng thủ, dọc theo các bức tường là các vị trí chiến đấu cá nhân. Trung Tâm có đầy đủ tiện nghi làm nơi ăn ở cho các HLV Việt-Mỹ, phòng học và nơi ở cho khóa sinh, nhà ăn, câu lạc bộ sĩ quan, hạ sĩ quan, nhà kho và nhà xếp dù, v.v. Trung Tâm có 2 Ðại Ðội Dân Sự Chiến Ðấu (DSCĐ) Nùng bảo đảm việc an ninh, phòng thủ và canh gác ngày đêm.
Trung úy Nguyễn Văn Vinh
(Cố Trung tá, người ngồi giữa hàng đầu, chắp tay, đeo kính trắng).
Toàn thể cán bộ Việt-Mỹ, các HLV, các toán hành quân của LÐ 77 (Lôi Vũ), các Trung Ðội Beo gấm, các đại đội Biệt Kích 1, 2, 3, 4 và gia đình đều đồn trú tại Trung Tâm này (có trại gia binh riêng). Trung Tâm được đặt tên là “Trung Tâm Huấn Luyện YÊN THẾ” để vinh danh Cụ Hoàng Hoa Thám, người được mệnh danh là “Con Hùm Xám YÊN THẾ”. Cụ Hoàng Hoa Thám xây dựng mật khu YÊN THẾ trong cuộc kháng chiến chống Pháp vào cuối thế kỷ thứ 19. Riêng phía Hoa Kỳ, họ vẫn giữ tên là: “CAMP LONG THÀNH TRAINING CENTER” cho đến khi triệt thoái vào tháng 4/1972. Trung Tâm được chỉ huy bởi Ðại úy Lê Ngọc Linh, Trưởng Trại Huấn Luyện Biệt Kích Nhảy Dù Thủ Ðức.
Trung Tâm Huấn Luyện cũng dành riêng một khu vực riêng biệt, có tường bao bọc chung quanh cho Sở Bắc. Khu vực này do Trung úy Nguyễn Văn Vinh (bí danh Dũng) đảm trách. Ðây cũng là nơi đồn trú cho các toán dài hạn của Sở Bắc để thay thế các nhà an toàn (Safe House) ở Sài gòn, Ðà Nẵng, Huế v.v., vừa tốn kém tiền thuê mướn, vừa bất tiện về vấn đề an ninh. Khu vực này là nơi đồn trú của Ðoàn Công Tác 68 sau này. Ngoài những môn học về tình báo do các cán bộ điều khiển (Case Officer) phụ trách, các môn học về Truyền Tin, Mật Mã (do Phòng Truyền Tin Sở Bắc đảm trách), các môn học khác như phá hoại, vũ khí cá nhân, cộng đồng của hai khối Tự Do & Cộng Sản, nhảy dù, v.v. đều do các HLV Việt-Mỹ của Trung Tâm đảm trách. Những Sĩ quan Huấn Luyện Viên về môn Phá Hoại sau đây là những người đầu tiên phục vụ tại Trung Tâm này:
1. Nguyễn Phan Tựu
2. Nguyễn Ngọc Trâm
3. Nguyễn Văn Lai
4. Nguyễn Phi
5. Nguyễn Ngọc Hòa (sau đổi qua binh chủng Biệt Ðộng Quân và đã anh dũng đền nợ nước).
• Ðại úy Nguyễn Tử Nha (BCH/NKT)
• Ðại úy Nguyễn Phan Tựu (Ðoàn 68)
• Đại úy Trần Kim Khánh (Ðoàn 11)
• Và một số SQ/HLV của Trung Tâm (không nhớ tên).
E) Sở Không Yểm (Air Support Service)
Ngay sau khi Sở Bắc kiện toàn tổ chức, đào tạo các cán bộ và tuyển mộ được một số nhân viên công tác sẵn sàng hoạt động tại miền Bắc, kể từ năm 1961, Bộ Tư Lệnh Không Quân/QLVNCH đã biệt phái một phi đoàn vận tải (Phi Ðoàn Thần Phong 83) cùng với phi hành đoàn để hoạt động theo nhu cầu của Sở Liên Lạc/PTT (Sở Bắc). Một trong những phi công thả Toán Castor năm 1961 là Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ. Sau chuyến công tác thả tiếp tế cho Toán Castor do Trung úy Phan Thanh Vân lái bị bắn rơi ở Tô Hiệu, Bắc Việt vào đêm 3/7/1961 thì Sở Liên Lạc/PTT không còn dùng loại phi cơ C-47 để thả các toán Biệt Kích xuống miền Bắc nữa mà sử dụng các loại máy bay khác như C-46, C-54, v.v. do các phi công của Trung Hoa Quốc Gia (Ðài Loan) lái theo hợp đồng với cơ quan CSD của Hoa Kỳ.
Một trong những sĩ quan của BTL Không Quân/QLVNCH làm sĩ quan liên lạc cạnh Sở Bắc là Ðại úy Dư Quốc Lương. Sở Không Yểm/NKT được chính thức thành lập kể từ ngày 1/1/1971 cùng với sự cải tổ của Nha Kỹ Thuật và do Ðại tá Dư Quốc Lương làm Chỉ Huy Trưởng. Theo sơ đồ tổ chức, Sở Không Yểm/NKT gồm có:
• Bộ Chỉ Huy
• 1 Phi Ðoàn Vận Tải C-123
• 1 Phi Ðoàn Vận Tải C-130
• 1 Phi Ðoàn Quan Sát (O-1 hay V-17)
• 1 Phi Ðoàn Trực Thăng (Phi Ðoàn 219)
Cũng xin nói thêm rằng: Kể từ đầu năm 1964, khi Sở Liên Lạc/NKT được thành lập và bắt đầu các cuộc hành quân ngoại biên, ngoại trừ PÐ-219 và PÐ-110 cung cấp một số phi cơ, phía Hoa Kỳ đảm nhận mọi vấn đề không vận cho các Chiến Ðoàn Xung Kích Việt-Mỹ, như máy bay quan sát O-2 để bay không thám (visual recon) và để tìm bãi đáp cùng hướng dẫn các trực thăng (Slick) thả và vớt toán, trực thăng võ trang (gunships), máy bay quan sát O-1 để tiếp vận truyền tin (radio relays), v.v. Phi cơ O-2 thường đồn trú tại sân bay Pleiku, phi cơ trực thăng thì đồn trú tại Nha Trang và phi cơ quan sát O-1 đồn trú tại Ban Mê Thuột, v.v. Khi cần, các phi cơ OV-10 ở Thái Lan (Nakhon Phanom và Udon) cũng như các phi cơ oanh kích của Hạm Ðội 7 Hoa Kỳ sẽ can thiệp ngay sau khi có sự yêu cầu. Ðó là về phía Hoa Kỳ.
Về phía VNCH thì Phi Ðoàn 219 (trực thăng) được tăng phái thường xuyên cho NKT và đồn trú tại Ðà Nẵng để cùng với phía Hoa Kỳ phụ trách các công tác xâm nhập (thả – insert) và triệt xuất (vớt – extract) các toán Biệt Kích. Ngoài ra, Phi Ðoàn Quan Sát 110 (đồn trú tại Ðà Nẵng) cũng biệt phái mỗi ngày một máy bay U-17 (Cessna) cho mỗi Chiến Ðoàn Xung Kích để bay không thám (visual recon – VR) và liên lạc với các toán đang hoạt động dưới đất. Thêm vào đó, BTL Không Quân VNCH cũng biệt phái cho NKT 4 máy bay khu trục loại A1-E, từ Biên Hòa lên túc trực tại sân bay Holloway (Pleiku) để can thiệp khi cần.
Những năm sau này, khi MACSOG giải tán và Hoa Kỳ rút quân không còn yểm trợ nữa thì các cuộc hành quân ngoại biên của NKT cũng chấm dứt. Riêng các cuộc hành quân nội địa thì ngoại trừ Phi Ðoàn 219, Không Quân VNCH còn tăng phái thêm các trực thăng của Phi Ðoàn 233 và 235 cùng các phi cơ quan sát của Phi Ðoàn 118 và 120, v.v. tùy theo vùng hành quân của Sở Liên Lạc/NKT và Sở Công Tác/NKT, hoạt động tại nội địa mà thôi.
Sau cuộc đảo chánh quân sự của các tướng lãnh trong QLVNCH, cả hai chính phủ VNCH và Hoa Kỳ phát giác ra rằng Cộng Sản Bắc Việt đã gia tăng các hoạt động quân sự tại vùng phi quân sự từ Bắc vĩ tuyến 17 ra đến Ðồng Hới, chiếu theo tin tức tình báo nhận được từ không ảnh và vệ tinh chụp được cùng đối chiếu với cung từ của tù binh bộ đội CSBV. Do đó, NKT và MACSOG thành lập một chương trình lấy tên là STRATA (Short Term Road Watch And Target Acquisition), hoạt động ngắn hạn tại Bắc vĩ tuyến 17.
Chương trình này khởi động từ cuối năm 1966 với một vài toán đặc biệt do sự điều động trực tiếp của Bộ Chỉ Huy Nha Kỹ Thuật. Các toán này tạm thời đồn trú tại TTHL Yên Thế (Long Thành). Ðến cuối năm 1967 và đầu năm 1968, BCH/NKT đề cử Ðại úy Ðỗ Văn Tiên làm Chỉ Huy Trưởng và thành lập Ðoàn 11.
Song song với việc thành lập Ðoàn 11, phía Hoa Kỳ cũng thành lập một cơ quan đối nhiệm (counterpart organization) lấy tên là Monkey Mountain Forward Operations Base (MMFOB), trực thuộc MACSOG và đồn trú tại trại Fay (Camp Fay). Cơ quan này yểm trợ trực tiếp cho Ðoàn 11. Vùng hoạt động chính của Ðoàn 11 là Bắc vĩ tuyến 17. Mặc dù Ðoàn 11 đã sát nhập vào Sở Công Tác/NKT kể từ ngày 1/1/1971, tuy nhiên vì nhu cầu công tác, đôi lúc Ðoàn 11 cũng hành quân tại biên giới Lào-Việt (Praire Fire) và Miên-Việt (Salem House) theo sự điều động trực tiếp của BCH/NKT cho đến đầu năm 1972. Vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của Ðoàn 11 là Thiếu tá Lê Hữu Minh.
G) Ðoàn 68
Trong năm 1968, BCH/NKT và MACSOG thành lập Ðoàn 68 do Trung tá Hà Ngọc Oánh làm Chỉ Huy Trưởng và đồn trú tại Sài Gòn. Công tác chính của Ðoàn 68 là tuyển mộ và huấn luyện các hồi-chánh-viên và tù binh của bộ đội CSBV trong các công tác tình báo đặc biệt, như xâm nhập vào các đơn vị bộ đội CSBV đang đóng quân tại Lào và Kampuchia để thu thập các tin tức quân sự, bắt tù binh, đánh cắp tài liệu và đặc lệnh truyền tin cùng bản đồ hành quân, phá hoại quân xa và quân dụng của địch, v.v. và nhất là chỉ định rõ các vị trí đóng quân của địch để Không Quân Hoa Kỳ oanh tạc. Những cán binh Cộng Sản nào tỏ ra hợp tác và hoàn tất được công tác giao phó sẽ nhận được các phần thưởng đặc biệt bằng hiện kim và được tiếp tục sử dụng trong những công tác tình báo khác. Các cán binh nào phản lại những cam kết hoặc tìm cách lẩn trốn thì sẽ được Ðoàn 68 sử dụng trong các công tác “lừa địch” (deception). Ðoàn 68 ngưng những hoạt động này khi Hiệp Ðịnh Paris được ký kết và chuẩn bị trao đổi tù binh.
Kể từ ngày thành lập cho đến khi MACSOG giản tán vào tháng 4 năm 1972, Ðoàn 68 hoạt động dưới sự giám sát trực tiếp của BCH/NKT, mặc dù trên danh nghĩa Ðoàn này nằm trong tổ chức của Sở Công Tác kể từ ngày 1/1/1971. Tiếp theo sau đó, Ðoàn 68 di chuyển về đồn trú tại TTHL Long Thành và được bổ sung thêm một số SQ & HSQ và được tăng phái cho BTL Quân Ðoàn III & Quân Khu III, hành quân trong vùng lãnh thổ của Quân Khu này cho đến khi bộ đội Cộng Sản chiếm Biên Hòa và Long Thành vào những ngày cuối tháng 4/1975. Vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của Ðoàn 68 là Trung tá Trương Duy Tài.
H) Sở Công Tác (Special Mission Service)
Sở Công Tác/NKT được chính thức thành lập kể từ ngày 1/1/1971 để thay thế Sở Bắc. Vùng hoạt động của SCT/NKT là toàn lãnh thổ Bắc Việt, từ vĩ tuyến 17 lên đến biên giới Trung Hoa. Nhiệm vụ chính gồm có:
1) Xâm nhập, tuyển mộ, huấn luyện, trang bị và phát triển các căn cứ du kích trên toàn miền Bắc Việt Nam theo chỉ thị của BCH/NKT.
2) Thu thập các tin tức tình báo liên quan đến tình hình chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội và tôn giáo trên toàn lãnh thổ miền Bắc.
3) Tấn công, đột kích hoặc phá hoại các cơ sở hạ tầng của CSBV như: đường giao thông, đường xe lửa, cầu cống, bến phà, bến tầu, sân bay, các kho tàng, các nơi đồn trú và các cơ sở quân sự của bộ đội CSBV.
4) Thi hành những công tác khác do BCH/NKT ấn định, căn cứ vào nhiệm vụ chính và vùng hoạt động.
a) Đơn Vị Yểm Trợ
• Bộ Chỉ Huy
• Ðại Ðội Yểm Trợ & Công Vụ và Phân Ðội Tiếp Tế Thả Dù
• Phân Ðội Truyền Tin (Ðại Ðội Truyền Tin/NKT biệt phái)
• Phân Ðội Quân Y & Bệnh Xá (Ðại Ðội Quân Y/NKT biệt phái)
b) Đơn Vị Chiến Đấu
• Ðoàn Công Tác 11 (đã có sẵn, chỉ tăng thêm quân số)
• Ðoàn Công Tác 68 (đã có sẵn, chỉ tăng thêm quân số)
• Ðoàn Công Tác 71 (tân lập)
• Ðoàn Công Tác 72 (tân lập)
• Ðoàn Công Tác 75 (tân lập)
• Toán Trưởng – Ðại úy
• Toán Phó kiêm SQ/CTCT – Trung úy
• HSQ Tình Báo – Từ Thượng sĩ I đến Chuẩn úy
• HSQ Hành Quân – Từ Thượng sĩ I đến Chuẩn úy
• 2 HSQ Vũ Khí (vũ khí nặng) – Từ Thượng sĩ I đến Chuẩn úy
• 2 HSQ Phá Hoại – Từ Thượng sĩ I đến Chuẩn úy
• 2 HSQ Y Tá – Từ Thượng sĩ I đến Chuẩn úy
• 2 HSQ Truyền Tin & Mật Mã – Từ Thượng sĩ I đến Chuẩn úy
Ðầu tiên, tất cả các SQ & HSQ đều phải trải qua phần huấn luyện của một toán viên Lực Lượng Ðặc Biệt (dựa theo phần huấn luyện của LLÐB Hoa Kỳ) và nhảy dù. Sau đó, ngoại trừ SQ Toán Trưởng và Toán Phó sẽ được học bổ túc về nghiệp vụ, các toán viên khác sẽ được thụ huấn về chuyên môn như: tình báo, vũ khí (kể cả vũ khí nặng của hai khối Tự Do và Cộng Sản), phá hoại, truyền tin và mật mã, v.v. tại TTHL Quyết Thắng (Long Thành) hoặc gởi đi thụ huấn tại các quân trường chuyên môn khác của QLVNCH (tương đương với bằng B1 chuyên môn). Lúc trở về đơn vị sẽ được bổ sung và thành lập Toán. Mỗi Toán sẽ sống và sinh hoạt chung với nhau. Khi các Toán thi hành nhiệm vụ chính ở Bắc Việt Nam thì quy chế đặc biệt sẽ được BCH/NKT và BCH/SCT ấn định sau.
Song song với việc thành lập Sở Công Tác/NKT, cơ quan MACSOG cũng thành lập một cơ quan đối nhiệm của Sở này, lấy tên là “Special Mission Service Advisory Group – SMSAG”. Trên nguyên tắc, cơ quan này có nhiệm vụ phối hợp soạn thảo kế hoạch, yểm trợ về huấn luyện, phương tiện hành quân, tài chánh ngoại lệ và các trang bị hành quân đặc biệt theo nhu cầu của SCT/NKT khi cần.
Trên đây là theo kế hoạch tổ chức và sự thảo luận giữa BCH/NKT và MACSOG. Tuy nhiên, vì chính phủ Hoa Kỳ thay đổi chính sách về Việt Nam (Việt Nam hóa chiến tranh, Hoa Kỳ chuẩn bị rút quân khỏi miền Nam, Hiệp Ðịnh Paris ra đời, v.v.) nên nhiệm vụ chính của Sở Công Tác/NKT đã không thực hiện được. Từ giữa năm 1971 và cả năm 1972, các Ðoàn Công Tác của SCT/NKT cũng chỉ đảm nhận các cuộc hành quân nội địa và ngoại biên giống như các Ðoàn của Sở Liên Lạc/NKT mà thôi! Vào một ngày thượng tuần tháng 2/1972, cơ quan SMSAG thông báo cho BCH Sở Công Tác/NKT biết là kể từ ngày 20/2/1972, Hoa Kỳ sẽ không còn cung cấp phương tiện hành quân (Air Asset) cho SCT/NKT nữa. Tất cả mọi phương tiện hành quân của SCT phải xin phía chính phủ VNCH. Vào khoảng cuối tháng 2/1972, BCH Sở Công Tác/NKT được lệnh di chuyển BCH và Ðại Ðội Yểm Trợ Công Vụ ra đồn trú tại Ðà Nẵng vào ngày 31/3/1972 bằng tầu của Hải Quân VNCH!
Kể từ tháng 4/1972, BCH Sở Công Tác/NKT và các Ðoàn 11, 71 và 72 tăng phái cho BTL/QÐI hành quân tại lãnh thổ QK1. Ðoàn Công Tác 75 tăng phái hành quân cho BTL/QÐII và hành quân tại vùng lãnh thổ QK2. Ðoàn Công Tác 68 tăng phái cho BTL/QÐIII và hành quân tại lãnh thổ QK3. Sau cuộc rút quân từ Ðà Nẵng và Pleiku về Sài Gòn, SCT/NKT vẫn tăng phái cho BTL/QÐIII, hành quân ở vùng Biên Hòa và Ðồng Nai cho đến chiều ngày 29/4/1975.
Lữ Triệu Khanh (CVP/GÐ/NKT), 2 Sĩ Quan MACVSOG, Ðại Tá Ðoàn Văn Nu (Giám Ðốc NKT)
(Hình chụp tại Bộ Chỉ Huy MACVSOG của Thiếu Tá Lữ Triệu Khanh).
Vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của SCT/NKT là Ðại tá Ngô Thế Linh và vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của SCT/NKT là Ðại tá Ngô Xuân Nghị. Vì nhu cầu chiến lược, Sở Công Tác được thành lập để đảm nhận công tác thay thế Sở Bắc. Vùng hoạt động là Bắc vĩ tuyến 17, bao gồm toàn lãnh thổ Bắc Việt cho đến biên giới Trung Hoa. Tuy nhiên, vì chính phủ Hoa Kỳ thay đổi chính sách về Việt Nam nên các Ðoàn Công Tác của SCT/NKT không thực hiện được nhiệm vụ chính của mình đúng theo qui định của thượng cấp. Dù vậy, chiến sĩ các cấp của SCT/NKT cũng đã góp một phần không nhỏ, kể cả máu xương của mình, trong những chiến tích của NKT nói riêng và các Quân Binh Chủng bạn nói chung, đã chiến đấu rất anh dũng chống lại các lực lượng của Cộng Sản Bắc Việt để bảo vệ miền Nam Việt Nam cho đến những giờ phút sau cùng.
Như đã trình bày ở trên, Nha Kỹ Thuật được hình thành và phát triển do nhu cầu chiến lược của hai chính phủ VNCH và Hoa Kỳ. Do đó, kể từ đầu năm 1964 cho đến hết ngày 31/12/1970, tổ chức và danh xưng được thay đổi theo tình hình chính trị và quân sự đòi hỏi. Vào tháng 6/1970, theo văn thư chính thức của Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH phổ biến thì Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Ðặc Biệt và các đơn vị trực thuộc sẽ chính thức giản tán vào ngày 31/12/1970. BTL/LLÐB sẽ chuyển cho Nha Kỹ Thuật/BTTM 1650 quân nhân gồm sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ của BTL/LLÐB, Ðại Ðội Tổng Hành Dinh LLÐB, Ðại Ðội Truyền Tin, Ðại Ðội Quân Y, các Toán C, các Toán B và Biệt Ðội Quân Cảnh 207.
Căn cứ vào số 1650 quân nhân các cấp do LLÐB chuyển, BCH/NKT tái tổ chức đơn vị kể từ ngày 1/1/1971 như sau:
BỘ CHỈ HUY / NKT
• Giám Đốc – Đại tá Đoàn Văn Nu
• Phó Giám Đốc – Đại tá Ngô Thế Linh (kiêm nhiệm)
• Phụ Tá Điều Hành – Đại tá Trần Xuân Đức
• Văn Phòng Giám Đốc – Đại úy Nguyễn Đình Phong
• Sở Hành Quân & Tình Báo
• Phòng Tình Báo
• Phòng Hành Quân & Huấn Luyện
• Phòng Truyền Tin
• Sở Hành Chánh & Tiếp Vận
• Phòng Nhân Viên
• Phòng Tài Chánh
• Phòng Tiếp Vận
• Sở Tâm Lý Chiến
• Phòng Chính Huấn
• Phòng Tâm Lý Chiến
• Phòng Xã Hội
• Phòng An Ninh
• Ðài Tiếng Nói Tự Do
• Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc
• Phòng Công Tác
• Đại Đội Công Vụ/NKT
• Đại Đội Truyền Tin/NKT
• Đại Đội Quân Y/NKT
• Biệt Đội Quân Cảnh 207
a) Sở Liên Lạc / NKT
• Bộ Chỉ Huy
• Ðại Ðội Yểm Trợ & Công Vụ
• Ðoàn 1 / Liên Lạc
• Ðoàn 2 / Liên Lạc
• Ðoàn 3 / Liên Lạc
b) Sở Phòng Vệ Duyên Hải / NKT
• Sở Phòng Vệ Duyên Hải / NKT
• Bộ Chỉ Huy
• Ðại Ðội An Ninh
• Lực Lượng Biệt Hải
• Lực Lượng Hải Tuần
• Toán Bảo Trì & Sửa Chữa I Nhất Cấp
c) Sở Không Yểm / NKT
• Bộ Chỉ Huy
• Phi Ðoàn Vận Tải C-130
• Phi Ðoàn Vận Tải C-123
• Phi Ðoàn Quan Sát
• Phi Ðoàn Trực Thăng
Ghi Chú: Vì lý do Hoa Kỳ thay đổi chính sách về Việt Nam và chuẩn bị rút quân về Mỹ nên đã không bàn giao các loại phi cơ nói trên cho Sở Không Yểm. Chỉ có Phi Ðoàn 219 Trực Thăng là vẫn tăng phái cho Sở Không Yểm/NKT cho đến ngày 30/4/1975 mà thôi.
d) Sở Công Tác / NKT
• Bộ Chỉ Huy
• Ðại Ðội Yểm Trợ & Công Vụ
• Ðoàn 11/SCT
• Ðoàn 68/SCT
• Ðoàn 71/SCT
• Ðoàn 72/SCT
• Ðoàn 75/SCT
e) Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng (Long Thành)
• Bộ Chỉ Huy
• Khối Hành Quân & Huấn Luyện
• Khối Hành Chánh & Tiếp Vận
• Khối Chiến Tranh Chính Trị
Cấp bậc và quyền hạn của Giám Ðốc NKT ngang với Tư Lệnh của Sư Ðoàn Bộ Binh cấp Thiếu tướng. Tuy nhiên, Ðại tá Giám Ðốc NKT xin Tổng Thống cho phép vẫn giữ danh xưng Nha Kỹ Thuật mà thôi vì lý do bảo mật công tác. Nha Kỹ Thuật BTTM QLVNCH vẫn duy trì các công tác của đơn vị cho đến sáng 30/4/1975 khi cùng các Quân Binh Chủng bạn bị bức tử mới chấm dứt./.
“Sự hy sinh của các chiến sĩ Nha Kỹ Thuật thực sự không thể diễn tả được bằng lời nói hay bằng ngòi viết. Họ là những anh hùng vô danh mà quốc gia Việt Nam đã không hề biết đến, vì họ đã hoạt động trong bóng tối, ngoài sự hiểu biết của mọi người. Họ đã âm thầm bảo vệ đất nước mà chính đất nước cũng chưa có một lời nào nhắc nhở hay vinh danh họ. Bây giờ, tuy đã trễ đối với đất nước Việt Nam, nhưng chúng ta hiện còn sống sót hôm nay không thể không nhắc nhở và vinh danh họ, ít nhất là trong tâm hồn và ý nghĩ của chúng ta.” (Trích đoạn từ Ðặc San NKT 2004 – Thiếu tá Lữ Triệu Khanh / CVP Giám Ðốc NKT / BTTM / QLVNCH).
Trần Kim Khánh / NKT BTTM / QLVNCH & Bùi Thượng Khuê Thế Hệ 2 NKT.
Bùi Thượng Khuê Thế Hệ 2 NKT
Mùa Hội Ngộ 2010
No comments:
Post a Comment