- Trương Phùng Lộc Bài viết của anh Trần Dzạ lữ viết về nhà thơ và là nhà Phong Thủy và đời sống ( Huỳnh ngọc Thương ) rất hay !
Còn những bài thơ viết về mẹ và tình yêu rất là tuyệt vời của anh Thương đã làm cho tôi rất hâm mộ anh !! Và cảm ơn ! - Nguyễn Đăng Trình thân chúc hai kwinh bình an vui vẻ..,🌻👍
- Thu Vo Hay lắm huynh !
- Binh Ho Thẩm thấu lòng tôi tiếng nghẹn buồn
- Khanh Lu Đọc bài viết cũa Trần Dzạ Lữ về HNT, tôi mới hiểu rõ về Thương nhiều hơn. Lúc ban đầu, Tôi biết HNT chỉ là một SQ thuộc cùng một đại đơn vị và một TT/ Biệt Kích LH đã từng tham gia nhiều công tác khó khăn và nguy hiểm cũa một trong nhiều đơn vị đặc biệt cũa NKT/BTTM/QLVNCH. Sau này mới biết HNT cũng là một thi sỉ với nhiều ý nghĩ sâu sắc và lạ lùng về cuộc tình và cuộc đời. Ngoài ra, HNT lại là một nhà phong thủy danh tiếng xuất hiện thường xuyên trên các chương trình truyền hình tại California. Những cảm tình HNT dành cho tôi không những trong tình chiến hửu cũa quá khứ, mặc dầu chưa bao giờ gặp nhau trong cuộc chiến mà còn là một nhân cách khác biệt so sánh với nhiều chiến hửu khác trong cùng đơn vi. Cám ơn Thương rất nhiều về sự đối xử đặc biêt này. Lữ Triệu Khanh/North Carolina.
- Thu Nguyen Anh Thương à ! Bởi anh tài tình cho lắm nên trời đất ghen đó nghen.
- Xuân Trình Bùi Tuyệt quá
Thật ra Huỳnh Ngọc Thương (Fengshui Huynh) đâu chỉ xuất hiện vàì năm trở lại đây bằng những bài thơ hay, xót xa đến quặn lòng… (trong nhân sinh quan, thế giới quan của anh nhuốm mùi triết lý Đạo Phật) mà thơ anh đã từng xuất hiện trên vài tạp chí trước 75 và là người cùng thời với tôi, Nguyễn Miên Thảo, Viêm Tịnh, Từ Hoài Tấn, Lê Thị Ái Niệm, Trần Tịnh Yên… từ tập san Mây Ngàn chép tay do tôi chủ biên bước ra ngoài đời và trong văn học. Đó là một lãng tử thứ thiệt đang ở bên đồi Tây, đang là thầy phong thuỷ, đang cô đúc lại thơ mình từ trái tim hồi hổi máu huyết thấm thía cuộc nhân sinh mà không thiếu hơi thở nhân văn... Một con người Huế sinh ra và lớn lên từ làng Tuý Vân, sát cửa biển Tư Hiền Thừa Thiên Huế- nơi chập chùng núi và biển ăm ắp lời mẹ ru con da diết từ ngày nằm nôi và dần dà lớn lên. Lời ru mẹ, đã giúp anh chân cứng đá mềm để tự đi bằng đôi chân của chính mình mà không cần dựa dẫm ai trên bước phong trần đi bốn hướng. Đây là người bạn vong niên mà tôi quý mến bởi sau ngày lao cải trở về, cũng như bao người khác anh vất vã mưu sinh rồi qua Mỹ theo diện HO. Vì chịu khó học hỏi, anh đã thành thầy phong thuỷ, kiếm cơm tương đối dễ chịu mà không phải làm những công việc nặng nề nơi xứ lạ. Tuy nhiên, trên đường tình, anh lại là người luôn trắc trở và đăm đắm chia ly. Luôn là kẻ đồi Tây ngong ngóng đồi Đông. Và Quê Hương là nơi để trở về sau cuối vì đây là Biển Mẹ… bao dung! Và là miền tình yêu đau đáu, khôn nguôi… Tôi nghĩ rằng, người nào giang hồ, lãng tử nhất chính là người dễ rơi lệ nhất- cho nên Huỳnh Ngọc Thương cũng không ngoại lệ.Anh cũng như tôi, ngoài đời sống thật thì trong văn chương cũng vậy. Những trang viết là những Khát vọng yêu thương. Khát vọng yên bình của phận người trên mỗi bước chân đi qua ngàn dặm bể dâu.. Và hằng đêm nơi cuối trời, tôi biết anh vẫn mang mang nỗi niềm: “Dù khổ đau quằn quại, tôi vẫn yêu trần gian điên dại này” như Hermann Hesse đã từng thốt lên như thế. Cái tận cùng của sự cứu rỗi chính là thi ca và lòng nhân ái. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng lòng của thi nhân qua những bài thơ dưới đây:
THƠ HUỲNH NGỌC THƯƠNG ( Fengshui Huynh)
MỘ KHÚC THÁNG TƯ
(Kính hương linh Mẹ)
Ta đi mẹ cạo tóc mây
Bỏ đêm trên rẫy bỏ ngày trong bưng
Mo cơm hạt muối lên rừng
Thằng con thua trận mẹ mừng : còn may !
Mẹ ta tuổi hạc tháng ngày
Trông con biền biệt lưu đày nước non
Mắt gà tai điếc lưng khom
Bạn ta thì nhớ , hình con : ông nào ?
Ta về không thấy mẹ đâu
Hoa cau rụng trắng dây trầu mọc hoang
Mẹ ngồi sau khói mù nhang
Nhìn ta chắc hết ngỡ ngàng: ai đây ?!
Mộ chiều nhện cỏ giăng mây
Con đi phiêu lãng biết ngày nào thăm
À ơi ...! bên ướt mẹ nằm..!
Lời ru trong lũy xa xăm ...tre làng. ..!
LH. Huỳnh Ngọc Thương
Viết từ phố Bolsa
AUG. 14-2019
CHIM LẠC ĐỒI TÂY
Từ khi chim lạc đồi Tây
Sao nghe vắng cả trời nầy vọng âm
Mây che rừng quế hương trầm
Cách nhau một bóng trăng rằm mà than
Từ nay sợi nắng chiều tan
Ta nương mắt biếc quan san nhớ về
Áo ai trắng cả hồn quê
Mà mang mang gió bên kè lau xưa
Tay nâng giọt lệ khô chưa
Sao nghe uớt cả âm thừa tháng năm
Đêm về níu cả xa xăm
Cũng không ấm nổi chỗ nằm lạnh hơi
Có khi đau cả tiếng cười
Đắm trong vô thức luân hồi mà đi
Ngựa mù hí tiếng biệt li
Hỏi trong vách đá cuồng si kiếp nào
Rằng xưa gió núi mưa chào
Trang kinh để lại hồn trao về người
Nghe chuông cứu độ trăng chơi
Bỏ làn tóc rối bên trời điêu linh
LH. Huỳnh Ngọc Thương
Viết từ Phố Bolsa- California
APRIL 7-2020
NHỚ TIẾNG M Ẹ CƯỜI
Từ khi
áo mẹ bung tà
Giày con vẹt gót
đường xa chưa về
Thân già
mấy dặm sơn khê
Mo cơm mẹ bới
hồn quê mẹ đùm
Con về
mộ cỏ
rưng rưng
Bạc phơ mái tóc
lạnh chừng khói hương
Mẹ tôi
mắt gởi mười phương
Vàng sân lá đổ
Huyên đường mây bay.
Con đi muôn dặm
trời nầy
Vẫn không trả hết
ơn dày mẹ nuôi
Dẫu con đốt đuốc
một đời
Tìm đâu cho được
tiếng cười Mẹ xưa
LH. Huỳnh Ngọc Thương
Viết tại cửa biển Tư Hiền
Thừa Thiên - Huế
Tháng Tư 2017 thăm mộ MẸ
MÙA XUÂN
CỦA CHỊ
( tặng một thân phận )
Chị giấu mùa xuân xưa ở đâu
Mà nghe trong gió tiếng thương sầu
Câu thơ ai xé làm hai nửa
Nửa quạnh bên chồng ,nửa bể dâu
Năm ấy màu trời mới chớm đông
Chị buông nhật ký bước sang sông
Bỏ hàng phuợng vỹ rơi trong nắng
Đổi tiếng ầu ơ phận má hồng
Từ đó trăng lầu soi chiếc bóng
Chị làm thiếu phụ tuổi thơ mong
Đôi chân đã lấm mùi suơng gió
Bao lần nuốt lệ ngược vào lòng
Lặn lội nay cò mai cái vạc
Xuân xanh áo lụa nhuộm phong trần
Một đi mờ mịt đường mây bạc
Phận liễu mày châu cuộc dấn thân
Nắng sớm mưa chiều tranh gió bấc
Thiếu chăn thừa chiếu tím tê lòng
Trời khiến hững hờ duyên phận mỏng
Thu hè chị ước chuyến sang sông.
Đã mấy mùa xuân thay áo mới
Quê nhà cách biệt buổi xa khơi
Hương nguyền tắt lịm ngày nắng xế
Chiếc lá xanh rơi , lỗi ước thề
Chị xa xóm cũ đành luân lạc
Bao năm biền biệt vẫn chưa về
Song đường bóng hạc chìm xa lắc
Tay vịn sóng đời tay níu quê
Ngày đi vương vấn khói nồng cay
Bếp lửa mai chiều ai nhóm thay
Tay mẹ run run rơi nắm đũa
Tiếng gậy khua thềm bổng nhớ cha
Trưa nay xuân đến bên phần mộ
Nhang khói xây vòng thỏa ước mơ
Quê nhà ấm lại lòng con thảo
Một đời phiêu dạt một đời thơ
Xuân mới bên hiên mừng nắng mới
Dựng ngày son sắt với hoa cười
Tóc mây suông lại thời con gái
Môi thắm như lòng đang thắm tươi
Huỳnh Ngọc Thương
Viết từ Phố Bolsa
JAN.25-2020
NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC PHÂN LY
Em về đi đường trần sao lấp lối
Còn gì đau hơn ngoài những não nề
Mai chia biệt ta chỉ còn bóng tối
Ngự âm thầm thao thiết những mầm vui
Ta về thôi ngày trao thân chờ đợi
Triệu linh hồn sám hối khóc lìa đôi
Đường nhân thế nói năng chi lòng vắng
Như mây đem mưa mấy thuở bạc lòng
Về đi em gió mùa đang rười rượi
Tóc xanh xưa đã xa lạc nhau rồi
Trong mộng mị hãy lên ngôi thần thánh
Thiên đường nào mà không có chia phôi
Về nơi đâu sóng xô ngày biển gọi
Khúc từ li gió hát với trăng sầu
Vườn khuya lạnh nụ cười thôi đã mỏi
Một cung trầm cũng đủ giết đời nhau
Ta về thôi chẳng còn gì nữa rồi
Đường ta đi héo mòn bao mộng ảo
Đường ta về đã rách nát âm hao
Quay hướng nào cũng giáp mặt thương đau
Về đi thôi, dáng ngày đang hấp hối
Đừng để lòng vá víu bóng ngựa câu
Một góc đời cũng đủ ấm ngày sau
Câu từ tạ theo đêm về quá khứ
Ta ngồi lại bên cung trời lưu xứ
Thương rất nhiều mắt biếc mộng chiều xưa
Tóc đã gội phong trần câu chuyện cũ
Đừng nhắc chi khúc hát biệt li chưa
LH.Huỳnh Ngọc Thương
Viết từ Phố Bolsa-California
JAN.8-2020
Đọc xong thơ của HNT, nhất là thơ viết về mẹ, tôi đã ứa lệ. Vì tôi cũng như anh đều có mẹ như thế: “Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn…” Những người mẹ VN tuyệt vời mà không bút mực nào nói hết được tấm lòng nhân hậu nhường kia! Riêng trong tình yêu, HNT là một lãng tử, hào hoa, phong nhã, đẹp trai, đẹp tính và thuỷ chung… nhưng lại bất hạnh trong tình trường.Vì vậy, tôi xon xót làm sao!. Cầu mong anh có được một người yêu thương như câu thơ của thi sĩ Vũ Hữu Định” May mà có em, đời còn dễ thương…”
Tôi tin rằng, dù ở đồi Tây hay đồi Đông, ngoài chuyện cơm áo, anh vẫn viết. Đó là niềm đam mê khó cưỡng… phải chăng đấy ắt là nghiệp dĩ?
Trần Dzạ Lữ
(SG 4.2020)
No comments:
Post a Comment