Friday, November 1, 2019

Những Mùa Mưa Trong Ký Ức - Phạm Tín An Ninh


Dường như mỗi khi trời đổ những cơn mưa thường làm cho người ta dễ thấy chạnh lòng, thiết tha nhớ tới một điều gì – một cuộc tình đã lỡ, một người thân đã chia xa, hay một quê hương đang cách biệt đến nghìn trùng. Với tôi, mỗi lần nhìn mưa rơi, nhất là những ngày mưa tầm tã, tôi da diết nhớ tới đơn vị xưa, hình dung từng khuôn mặt đồng đội, bạn bè, đã chết hay đang lưu lạc tha phương, và hồi tưởng tới các cuộc hành quân trong những mùa mưa thuở ấy.
Trong hơn mười năm binh nghiệp chỉ phục vụ ở những đơn vị tác chiến, tôi đã tham dự biết bao cuộc hành quân, nhưng không hiểu vì sao tôi chỉ nhớ thật nhiều đến những cuộc hành quân trong mưa thuở đầu đời lính chiến. Có lẽ đó là thời điểm vừa giáp mặt với thực tế chiến trường, và với chức vụ thấp nhất của một sĩ quan: trung đội trưởng – sát cánh với đồng đội, và thường phải cùng chiến đấu với họ như một khinh binh.
Tháng 3 năm 1965, rời khỏi quân trường, tôi được bổ nhậm về một Sư Đoàn Bộ Binh. Khi trình diện Bộ Tư Lệnh có bản doanh đặt tại thành phố Ban Mê Thuột, tôi cứ ngỡ cuộc đời mình rồi sẽ gắn liền với vùng núi rừng cao nguyên đất đỏ, gió bụi mưa bùn này. Nhưng cùng với ba thằng bạn cùng khóa, tôi được bổ sung cho một tiểu đoàn lưu động, được Quân Đoàn tuyển chọn, sử dụng làm lực lượng tiếp ứng cho cả Quân Khu. Để trấn an và khích lệ tinh thần cho bốn thằng lính mới, ông Đại Tá Tư Lệnh hết lời ca ngợi tiểu đoàn này – là một đơn vị đánh đấm có tiếng, đã lập nhiều chiến công hiển hách, mà mới nhất là chiến thắng Đa Ngư Phú Lạc và Vũng Rô Đá Bia hơn ba tháng trước. Ông còn bảo: “các chú còn trẻ, về đơn vị này sẽ có dịp được rong chơi khắp các tỉnh từ duyên hải đến cao nguyên của Vùng 2 Chiến Thuật mà lại có cơ hội kiếm được nhiều huy chương.”
Đưa tay lên tấm bản đồ lớn treo trên vách với đầy hình những mũi tên xanh đỏ, ông chỉ cho bọn tôi vị trí tiểu đoàn hiện đang hành quân tảo thanh, truy kích địch tại một khu vực thuộc Tỉnh Lâm Đồng, sau khi vừa tiếp ứng, giải vây cho một đơn vị Biệt Động Quân bị địch phục kích và cầm chân trong một khu đồn điền trà khá lớn.
 Sau thủ tục trình diện vị Tư Lệnh, bọn tôi được ông Đại úy Trưởng Phòng Nhất đưa ra Câu Lạc Bộ Sĩ Quan, nằm ở trung tâm thành phố, tạm nghỉ ngơi ở đây để chờ theo phi cơ quân sự đáo nhậm đơn vị. Thời ấy, phương tiện tương đối khó khăn nên mãi đến ba tuần sau, nhân có chuyến bay C-47 đưa vị Tư Lệnh Sư Đoàn đi họp ở Nha Trang, bọn tôi mới được tháp tùng. Và cũng chính lúc ấy, chúng tôi mới biết là tiểu đoàn của chúng tôi đã từ Lâm Đồng vừa mới di chuyển về Nha Trang ngày hôm qua, để tham dự một cuộc hành quân đặc biệt, giải tỏa áp lực địch nhằm tái chiếm một khu vực tại Quận Diên Khánh thuộc tỉnh Khánh Hòa, địch quân đã lợi dụng tình trạng mưa lụt khá lớn, đánh chiếm hai ngày trước. Một số cán bộ xã ấp bị bắt, giết, một đại đội Địa Phương Quân phải rời khỏi vị trí sau khi bị tổn thất khá nặng. Số tử thương chưa lấy được xác và khoảng mười binh sĩ hiện còn đang thất lạc.
Ông Đại úy Tiểu Đoàn Trưởng đón chúng tôi tại phi trường. Thay vì đưa về đơn vị, ông chở chúng tôi đến Hotel Phụng Hoàng, nằm trước ga xe lửa Nha Trang. Thời ấy, Tiểu Khu nào được tăng phái một tiểu đoàn chủ lực thiện chiến là điều rất đáng mừng, nên ông tỉnh trưởng đã ưu ái dành cho tiểu đoàn chúng tôi bốn phòng ngủ lớn trong hotel này để các sĩ quan sinh hoạt, họp hành. Ông tiểu đoàn trưởng giới thiệu chúng tôi với tất cả sĩ quan trong đơn vị, đặc biệt trình diện đại đội trưởng của mình. Cả bốn anh đại đội trưởng đều mang cấp bậc trung úy, lớn tuổi nhất là anh tốt nghiệp Khóa 8 Thủ Đức, và trẻ nhất là một anh tốt nghiệp khóa 16 Võ Bị Đà Lạt. Tôi về Đại Đội 3, đại đội trưởng là một trung úy tốt nghiệp Khóa 13 Thủ Đức. Anh là đại đội trưởng ít thâm niên nhưng xuất sắc nhất của tiểu đoàn, đã đánh thắng nhiều trận và thăng cấp khá sớm, đều được đặc cách tại mặt trận. Các sĩ quan đàn anh còn lại, có ba anh cùng Khóa 19 Võ Bị, một anh Khóa 4 Đặc Biêt Đồng Đế gốc Thiếu Sinh Quân và các huynh trưởng Thủ Đức, tốt nghiệp các Khóa 14, 15, 16, chỉ có anh Sĩ Quan Trợ Y, Khóa 17. Nghi thức ra mắt vừa xong, tất cả tháp tùng ông tiểu đoàn trưởng đến Quân Y Viện Nguyễn Huệ để dự tang lễ của một ông thượng sĩ vừa qua đời do bị trọng thương trong cuộc hành quân tại Lâm Đồng tuần trước. Tôi bất ngờ và có cảm giác xốn xang khi biết ông thượng sĩ này là Trung đội trưởng Trung Đội 3/3 (còn được gọi là Trung Đội 33) mà tôi là người đến thay thế ông. Ông là người hạ sĩ quan cao cấp nhất của đơn vị được tất cả mọi người nể trọng.Trước kia là Thường Vụ Tiểu Đoàn, nhưng vì thiếu trung đội trưởng nên ông đã tình nguyện tạm ra nắm trung đội này mới hơn một tháng. Nhìn thấy vợ và đàn con nhỏ dại của ông kêu gào, khóc than thảm thiết ai cũng thấy chạnh lòng. Riêng tôi thêm một chút ưu tư bởi ngày đầu ra nhận đơn vị lại là ngày phải tiễn đưa người tiền nhiệm mà mình chưa hề biết mặt ra nghĩa trang, nên ít nhiều nghĩ tới phần số của mình trong nay mai và sớm bị ám ảnh bởi tiếng khóc than của người góa phụ.
Lễ truy thăng và an táng xong, theo lệnh vị tiểu đoàn trưởng, tất cả chúng tôi cùng về đơn vị. Cả tiểu đoàn trú đóng dưới những vòm cây dương nằm dọc theo bờ biển, ngay phía bên ngoài Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân. Lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến sinh hoạt của một đơn vị tác chiến. Hình ảnh kham khổ của họ lại càng tội nghiệp hơn khi tương phản một trời một vực với hình ảnh và sinh hoạt của một quân trường chuyên đào tạo sĩ quan của một quân chủng có tiếng là “sang trọng, lịch lãm”. Tôi còn biết tiểu đoàn đã hơn ba năm chưa lần đươc trở về hậu cứ và trại gia binh, nằm ở tận Ban Mê Thuột.
Anh đại đội trưởng đưa tôi đến Trung Đội 3 và ra lệnh cho anh Trung sĩ nhất trung đội phó tập họp trung đội để trình diện tôi. Trung đội với quân số chưa kịp bổ sung, tất cả chỉ 29 người, gần một nửa là người Thượng, trong đó có một trung sĩ tiểu đội trưởng. Anh trung đội phó hướng dẫn tôi đến từng người để được nghe trình diện với họ tên và cấp bậc. Đứng trước những thuộc cấp chưa hề quen nhưng từng dạn dày trong lửa đạn, tôi không biết phải nói lời gì. Cuối cùng tôi chỉ lên tiếng chia buồn và thương tiếc khi trung đội vừa mất đi một vị thượng sĩ trung đội trưởng rất thâm niên, có nhiều kinh nghiệm chiến trường, để tôi cũng mất đi cơ hội được học hỏi nơi ông. Nói xong, tôi có cảm giác dường như chính mình lại là người xúc động nhất, có lẽ tất cả những người lính đứng trước mặt tôi đều đã quá quen cái cảnh kẻ mất người còn sau các cuộc hành quân. Cũng có thể, họ đã nuốt niềm đau ấy trong lòng để rồi thể hiện thái độ trên nòng súng của chính họ.
Anh trung đội phó đưa một binh sĩ trẻ đến trình diện và bảo chú này là “ô- đô”, người sẽ giúp tôi trong việc ăn uống, sai bảo khi cần thiết. Tôi rất ngạc nhiên, vì lúc còn trong quân trường tôi chưa hề được nghe nói tới người lính “ô-đô”này. Anh lính mang đến cho tôi cây súng Carbine M2 với bốn băng đạn, đã được lau chùi, dầu mỡ cẩn thận. Biết tôi chưa có võng, anh đi tìm và mang đến cho tôi một cái võng ni-lông hai lớp còn mới. (Hai ngày sau, khi đang hành quân, anh trung đội phó cho biết, cả khẩu súng Carbine M2 và chiếc võng này là của người thượng sĩ tiền nhiệm quá cố, tôi giật mình, nhưng cũng chỉ biết cầu nguyện xin ông phù hộ.)
Buổi chiều, trở về lại khách sạn. Sau khi tham dự một cuộc họp, bốn thằng chúng tôi được những vị đàn anh chiêu đãi khá niềm nở, thân tình nên thằng nào cũng bị ép uống đến say mèm, lăn ra ngủ lúc nào không biết. Khoảng 4 giờ sáng, đang còn ngái ngủ, bọn tôi được đánh thức, và vội vàng mang vũ khí, ba-lô lên xe chạy về đơn vị. Khi chúng tôi đến nơi thì tất cả quân sĩ đã ngồi sẵn trên xe. Một đoàn xe GMC hơn 20 chiếc chở đầy những người lính trận kham khổ, xếp hàng dài dọc theo con đường biển đẹp đẽ nhất của thành phố Nha Trang.
Trời chưa sáng hẳn, nhìn không thấy mặt nhau. Tôi chỉ kịp nắm tay anh đại đội trưởng hỏi tôi phải làm gì. Anh bảo đi theo anh, và chỉ cho tôi chiếc xe chở Trung Đội 33 của tôi. Đến nơi, tôi hỏi:

  • Có phải Trung Đội 33 đây không?
Một anh lính ngồi phía sau xe lên tiếng:
     –  Đúng rồi, Trung Đội 33 đây!
Tôi cố leo lên xe, nhưng vì bửng sau đã đóng, không trèo vào được, nên tôi đưa cánh tay lên bảo:

  • Anh nào giúp kéo tôi lên với.
Một anh lính vừa chòm xuống kéo tay tôi lên vừa chửi thề:

  • Đ.m thằng khỉ nào mà bây giờ mới bò lên xe.
Vừa lên xe, tôi hỏi tìm anh trung đội phó. Nhận ra tôi, anh bảo tôi phải lên ngồi trên cabin với tài xế, chứ không phải ngồi phía sau. Tôi hơi ngượng, đem bài học “di chuyển trên xe” trong quân trường ra bào chữa, nhưng tất cả đồng thanh bảo tôi phải lên ngồi ở ghế trước. Anh tài xế phải kéo tấm bạt cho tôi chui vào cabin.
Không ngờ cuộc hành quân đầu tiên trong đời lại xảy ra ngay trên chính quê hương tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Thành phố biển này vẫn còn chôn giấu biết bao hang động của tuổi thơ và cả dấu tích những mối tình học trò của tôi ngày trước. Tất cả ngỏ ngách đều quá quen thuộc, nên dù trời chưa sáng và đang đổ mưa, đoàn xe di chuyển đến đoạn đường nào tôi đều nhận ra. Qua Phú Vinh, Cây Dầu Đôi, đến Thành (Diên Khánh) đoàn xe rẽ về hướng Phú Lộc rồi dừng lại đổ quân xuống bên đầu cầu. Đầu cầu bên kia sẽ là tuyến xuất phát. Cơn lụt lớn đã ngưng từ hôm qua nhưng nước vẫn còn tràn qua mặt cây cầu gỗ khá dài. Mưa vẫn dai dẳng, dù không lớn lắm. Tôi nhớ lại lời của ông tiểu đoàn trưởng trong buổi họp chiều hôm qua:
      – Đáng lẽ tiểu đoàn phải vào vùng ngay sau khi đến Nha Trang, nhưng vì lụt quá lớn, nước ngập mênh mông, nên phải chờ cho nước rút xuống bớt mới có thể mở cuộc hành quân được.
Lệnh cho binh sĩ tản ra, ăn sáng 30 phút, trong lúc các đại đội trưởng đến nhận lệnh của ông tiểu đoàn trưởng, cùng bản đồ và đặc lệnh truyền tin về phân phối cho các trung đội trưởng. Mục tiêu là khu Đại Điền Đông (trong Tứ Thôn Đại Điền).Tiểu đoàn chia làm ba cánh. Cánh A là Đại Đội 3 của tôi, đi riêng, làm lực lượng án ngữ và tiếp ứng khi có lệnh. Xuất phát trước, di chuyển dọc theo bờ sông bên trái để rồi vòng theo khúc quanh về bên phải, đến án ngữ phía sau, cách mục tiêu chỉ một dòng sông và mấy khu ruộng còn sũng nước. Cánh B là Đại Đội 1, nỗ lực chính, đánh thẳng vào mục tiêu. Cánh C gồm Đại Đội 2 và Đại Đội Chỉ Huy Yểm Trợ cùng BCH Tiểu Đoàn đi bọc theo bên phải mục tiêu, vừa nghi binh vừa đánh dồn vào bên hông, bao vây không cho địch thoát.
Tất cả đều di chuyển khá chậm, vì phải lội nước bì bõm, có chỗ lên đến háng và trên đầu thì mưa rơi không dứt. Nhưng cũng nhờ mưa nên hạn chế tầm quan sát của địch. Gần 12 giờ trưa, đại đội tôi mới đến vị trí án ngữ. Phía trước mặt là dãy núi Hòn Ngang, sào huyệt một đơn vị địa phương của địch. Sau lưng là dòng sông tràn ngập nước tiếp giáp với mục tiêu, nơi địch quân đã chiếm ba ngày trước và đang cố thủ.
Khoảng hơn một giờ sau, tiếng súng nổ dồn dập từ hướng mục tiêu. Anh đại đội trưởng cho biết Tiểu Đoàn (-) đang chạm địch, và nặng nhất lại là cánh C, gồm Đại Đội 2 và BCH Tiểu Đoàn. Địch quân có nhiều lợi thế, vì chúng đã chuẩn bị sẵn trận địa, đào hầm hố trong các vườn cây nằm cao hơn đồng ruộng chung quanh, vừa không bị ngập nước lại vừa có xạ trường tốt. Địch khai hỏa trước bằng đại liên và trong tầm khá gần nên bên ta có một số tử thương ngay trong loạt đạn đầu tiên. Tôi nghe tiếng nổ của Pháo Binh yểm trợ, nhưng không có phi cơ quan sát bao vùng vì thời tiết rất xấu.
Đại đội tôi có lệnh vượt sông sang tiếp ứng, đánh từ phía sau lưng địch để giảm bớt áp lực cho cánh Đại Đội 2 và nhất là BCH Tiểu Đoàn. Các trung đội có lệnh ăn cơm gấp trước khi vượt sông. Khi tôi và anh lính mang máy truyền tin cùng anh “ô-đô” đang ngồi ăn bên một bụi cây thì mấy tràng trung liên từ trên núi bắn xuống ngay trước mặt, làm bay mất hai lon guigoz thức ăn, nhưng may mắn đến kỳ lạ là không ai bị thương. Lần đầu tiên trong đời, nghe đạn địch bắn mình, âm thanh chát chúa, tôi không biết làm gì chỉ kịp chụp lấy cây súng Carbine lăn mình xuống cái hố bên cạnh. Điều ngạc nhiên là mỏm đá, nơi địch đặt cây trung liên lại rất gần vị trí của Trung đội 1 đã được phối trí để giữ cao điểm này, nhưng chẳng hiểu vì sao chúng không phát hiện được, nên sau đó không lâu, tôi nghe nhiều tiếng súng và cả lựu đạn nổ. Trong hệ thống vô tuyến, tôi nghe anh Trung đội trưởng Trung Đội 1  báo cáo đã tiêu diệt được tổ hậu cần của địch, tịch thu một số vũ khí và lương thực, trong đó có khẩu trung liên chúng vừa bắn xuống chúng tôi. Đây là trung đội khá nhất của đại đội, do một anh Thiếu úy Khóa 19 Võ Bị chỉ huy.
Có lẽ thông cảm cho một đàn em mới ra trường, anh đại đội trưởng cho Trung đội 3 của tôi vượt sông với Trung đội Vũ Khí Nặng cùng Ban Chỉ Huy Đại Đội. Trung đội 2 sang sông trước để yểm trợ , Riêng Trung đội 1 ở lại và sẽ vượt sông sau khi chúng tôi đến bờ bên kia. Bờ sông bên kia không có bạn, nên anh đại đội trưởng đã gọi Pháo Binh tác xạ dọn đường. Con sông khá lớn và tràn ngập nước, nên dù đã chọn khúc hẹp nhất tôi cũng thấy lo âu, không biết làm thế nào để có thể vượt qua. Không ngờ những người lính Thượng bơi lội rất tài tình và có nhiều kinh nghiệm qua sông. Họ còn giúp dìu cả tôi và một số anh em khác. Khi tất cả đã vượt sông xong, đại đội chia làm 3 cánh, vừa tiến đến mục tiêu vừa yểm trợ cho nhau. Tiểu đoàn cho biết tọa độ chính xác của địch, hỏa lực mạnh nhất của chúng từ một vườn thơm (dứa), đặc biệt có hai khẩu đại liên, đặt phía trước hai ngôi nhà ngói mái đỏ. Lợi dụng đúng lúc một tràng Pháo Binh vừa phủ lên mục tiêu, Trung đội 2 do anh Thiếu úy Khóa 15 Thủ Đức chỉ huy đã nhanh chóng đột nhập vào khu nhà ngói, để làm đầu cầu cho toàn bộ đại đội âm thầm xâm nhập vào vườn thơm mà địch không hề hay biết. Nhận được tín hiệu, tiểu đoàn lệnh cho cánh C đồng loạt nổ súng vừa đánh lạc hướng địch vừa để chúng tôi có thể phát hiện vị trí hai khẩu đại liên của địch, khi nghe chúng tác xạ. Hai anh lính Thượng tình nguyện bò tới ném mấy quả lựu đạn. Hai khẩu đại liên im bặt, nhưng tiếng địch la hét nhốn nháo. Chúng tôi có lệnh đánh bằng lựu đạn, đồng loạt tung vào các gốc thơm có hầm hố của địch, trước khi dàn hàng ngang xung phong. Một số địch chết, hơn mười tên bị thương chúng tôi bắt sống. Số còn lại thoát sang khu vườn bên cạnh rồi cùng với đám địch bên ấy bám vào bờ con mương nhỏ, quay lại tấn công bên sườn phải chúng tôi. Lúc này đại đội tôi đã bắt tay được cánh C. Đại Đội 2 có lệnh bung rộng ra bao vây. Cánh B của Đại Đội 1 do anh trung úy Khóa 16 VB chỉ huy bất ngờ đánh tập hậu, nên địch không còn đường thoát thân. Chiến trường im tiếng súng. Tiểu đoàn thắng lớn, tiêu diệt hai đại đội địa phương của địch, gần 80 tên bị giết, hơn 20 bị bắt sống, trong đó có một tên đại đội trưởng, tịch thu cả trăm vũ khí đủ loại. Tiểu đoàn chúng tôi có tám chiến sĩ hy sinh, một số bị thương trong đó có hai người bạn cùng khóa với tôi ở Đại Đội 1 và Đại Đội 2, nhưng chỉ bị nhẹ ở cánh tay. Lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy mặt mũi của kẻ thù và chứng kiến sự chết chóc của chiến tranh.
Đại Đội 1 nhận lệnh ở lại vị trí, lục soát tìm những người lính Địa Phương Quân mất tích ba hôm trước, chờ một đơn vị của Tiểu Khu đến thay thế, bàn giao vị trí vào ngày mai. Tiểu Đoàn (-) tiếp tục truy kích đám tàn quân địch về hướng bờ sông, trên lộ trình trở lại tuyến xuất phát.
 Không có phi cơ tản thương, nên đơn vị phải võng theo những thi thể của anh em tử trận và cả những thương binh không đi được. Khai thác một số tù binh, được biết địch chủ quan, không ngờ có một tiểu đoàn chủ lực tiếp ứng nhanh chóng trong khi trời còn mưa lụt, đặc biệt chúng càng bất ngờ hơn khi có một lực lượng vượt sông đột nhập đánh từ phía sau lưng. Đơn vị vừa tạo được một chiến thắng vẻ vang, nhưng nhìn một đoàn quân ướt sũng, võng theo một số tử thi và thương binh, lội bì bõm dưới cánh đồng ngập nước và trên đầu là những cơn mưa giăng kín cả bầu trời, lòng tôi xao xuyến lạ thường. Chỉ mới ngày đầu tiên tham dự hành quân, tôi đã thấy thương cảm, tội nghiệp cho những người lính chiến, và thương cho cả chính bản thân mình, khi nghĩ cuộc chiến này rồi sẽ còn phải kéo dài cho đến bao lâu?
Tiểu Đoàn (-) di chuyển bộ ra đóng quân dọc theo vòng đai Cổ Thành, từ Cửa Đông đến Cửa Tây. Đây là thành lũy được Chúa Nguyễn Phúc Ánh xây từ thế kỷ 17 và lần lượt do các tướng Nguyễn Văn Thành và Võ Tánh trấn thủ. Hôm sau Đại Đội 1 về đóng ở Thanh Minh, ngoài Thành. Nghỉ ngơi được ba ngày thì cả tiểu đoàn nhận lệnh di chuyển ra Lạc An  (thuộc quận Ninh Hòa) để mở cuộc hành quân vào Mật khu Đá Bàn.
Tin tức tình báo cho biết, có một tiểu đoàn chủ lực địch vừa thành lập xong từ Liên Khu Năm mới xâm nhập tăng cường cho lực lượng địa phương. Hơn một tuần leo núi, cũng dưới những cơn mưa. Ban ngày mà trong rừng tối mịt. Nhưng nhờ vậy mà chúng tôi lại tạo được một chiến thắng bất ngờ. Không đánh mà thắng. Một buổi chiều tối, dừng quân, đào hầm hố đóng quân đêm xong, hai giờ sau, ông Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh tất cả im lặng rời khỏi vị trí, di chuyển lên đóng quân trên triền núi cao hơn, cách đó chừng 500 m, vì nghi ngờ có địch theo dõi. Khoảng 3 giờ sáng, tất cả chúng tôi thức giấc vì ngay phía dưới triền núi có nhiều tiếng súng nổ và cả tiếng hò hét xung phong. Những viên đạn lửa làm chúng tôi nhận rõ mục tiêu hơn. Hỏi lại một lần nữa, Tiểu Khu xác nhận ngoài tiểu đoàn tôi, không có bất cứ một đơn vị bạn nào khác trong vùng. Anh sĩ quan Đề-lô đi theo tiểu đoàn phản ứng rất nhanh nhẹn, gọi Pháo Binh tác xạ nhiều tràng và rải đều rất chính xác vào khu vực nổ súng. Pháo Binh dứt lúc trời vừa mờ sáng, chúng tôi nhận lệnh tràn xuống lục soát. Cả một khu núi rừng tan hoang vì bom đạn. Một số tử thi không toàn thây, hơn 30 địch quân bị thương chúng tôi bắt được. Có thể một phần do đạn của Pháo Binh và một phần do chính đạn của chúng. Đại Đội 2 có lệnh truy kích, bắt thêm được một số thương binh khác của địch. Sau khi khai thác tù binh, chúng tôi được biết đó là đơn vị địch đi hai cánh nhằm tấn công tiểu đoàn tôi, nhưng vì mưa gió, trời quá tối, bọn chúng lầm tuởng chúng tôi vẫn đóng quân đêm ở vị trí cũ, dưới thấp, nên đã ngộ nhận và bắn lẫn nhau. Đó chính là tiểu đoàn chủ lực tân lập của địch đã bị khai tử sớm, mà không phải tốn một viên đạn nào của đơn vị chúng tôi.
Từ Đá Bàn, chúng tôi hành quân về hướng Tây Nam, xuống Phú Gia, để giải giao tất cả tù binh cho một đơn vị của Tiểu Khu. Sau đó, mở rộng sang tảo thanh chung quanh vòng đai Huấn Khu Dục Mỹ rồi kéo qua Trường Lộc, cuối cùng về đóng quân ở Phú Hòa, một ngôi làng trù phú của quận Ninh Hòa. Ba ngày sau, cả tiểu đoàn nhận lệnh di chuyển về vị trí dưỡng quân cũ, khu vườn dương bên bờ biển Nha Trang. Sáng hôm sau, tập trung ngay trên bãi cát để làm lễ chiến thắng, khao quân do Tỉnh/Tiểu Khu Khánh Hòa tổ chức, có cả hai vị Tư Lệnh Quân Đoàn và Sư Đoàn tham dự, gắn cấp bậc và huy chương tưởng thưởng cho nhiều quân nhân hữu công. Cá nhân tôi, một thằng trung đội trưởng mới toanh, không làm nên tích sự gì cũng được hưởng lây, nhận một ADBT với Ngôi Sao Bạc.
Ngay tối hôm đó, cả tiểu đoàn xuống tàu Hải Quân, ủi bãi ngay trước Trung Tâm Huấn Luyện HQ. Sau một đêm hải hành, chúng tôi đến bờ biển Tuy Hòa. Tàu cặp vào phía trước căn cứ một Duyên Đoàn để chúng tôi lội vào bờ. Đích thân Thiếu tá Tỉnh/TK Trưởng Trưởng Phú Yên ra đón. Tiểu đoàn nhận lệnh tăng phái dài hạn ở đây do yêu cầu của Thiếu tá Trần Văn Hai, khi ông vừa mới về nhậm chức Tỉnh/Tiểu Khu Trưởng. Tình hình ở Phú Yên lúc ấy khá nặng nề, do lực lượng địch nằm vùng của Liên Khu Năm để lại, hầu hết những làng mạc nằm xa thị xã đều bất an. Tiểu đoàn tôi có nhiệm vụ hành quân tảo thanh, truy lùng địch. Khu vực đầu tiên khá nặng nề và rộng lớn mà tiểu đoàn nhận trách nhiệm là Bàn Nham – Bàn Thạch thuộc Quận Hiếu Xương, trải rộng từ mười cây số phía Bắc cầu Bàn Thạch đến tận giữa Đèo Cả, giáp ranh Tỉnh Khánh Hòa. Bốn tháng trước tiểu đoàn tôi đã chiến thắng hai trận lớn ở đây: Đa Ngư Phú Lạc và Vũng Rô Đá Bia. Cuộc hành quân lần này nhằm truy tìm và tiêu diệt một đơn vị chủ lực địch vừa xâm nhập vào khu vực núi Hảo Sơn, cách Vũng Rô Đá Bia không xa, và tái chiếm làng Thạch Tuân vừa bị một lực lượng địa phương địch chiếm giữ.
Phú Yên đang trong mùa mưa. Mưa dầm dề cả ngày đêm, ngoài trời  không nơi nào khô đất. Thời tiết xấu nên không hy vọng có Không yểm, chỉ có Pháo Binh 105 ly.
Sau khi được tiếp tế lương thực và đạn dược, tiểu đoàn trở lại Thạch Tuân, ngôi làng nhỏ cực Nam Phú Yên, nằm dưới chân Đèo Cả, nơi đơn vị tôi đã từng đóng quân nửa năm trước. Chiếm lại ngôi làng này rất dễ dàng, cả đơn vị tiếp tục tiến quân vào Hảo Sơn, một khu vực núi non hiểm trở. Địch quân đã chiếm ngự một số cao điểm trọng yếu. Trung đội tôi được tăng cường một tổ đại liên, nhận lệnh mở đường dọc theo thiết lộ, nằm sâu giữa hai vách núi, để chiếm một ngọn đồi, đặt đại liên yểm trợ cho đơn vị còn lại bung ra hai triền núi phía trước. Con đường độc đạo hoàn toàn bất lợi, nhưng không còn cách nào khác. Nhờ Pháo Binh bắn dọn mục tiêu, nên trung đội tôi dễ dàng chiếm lĩnh ngọn đồi, ngay sau khi một toán địch quân vừa bỏ chạy, không kịp mang theo nồi cơm đang nấu và mấy cái võng ni-lông còn cột chặt trên cây, một số hầm hố bị phá hủy. Cả tiểu đoàn tiếp tục tiến quân hai bên triền núi. Trận chiến khá quyết liệt, vì địch quân đã có sẵn mấy cái chốt trên các hốc đá nằm cao trên núi, bắn trung liên và ném lựu đạn xuống quân ta phía dưới. Trời mưa như trút nước. Đại đội 1 của anh Trung úy Khóa 16 VB là mũi tiến công chính. Dù ở thế  bất lợi, nhưng nhờ tài chỉ huy và điều quân gan dạ của chàng trai Đa Hiệu, với sự yểm trợ hữu hiệu của tổ đại bác SKZ 57 ly, cuối cùng cũng đã chiếm được mục tiêu đầu tiên, làm bàn đạp để tiến công. Địch quân tháo chạy, bỏ lại một số xác chết và mấy khẩu súng. Bên ta, hai binh sĩ tử thương và vài người bị thương nhẹ. Trời tiếp tục mưa không dứt. Bóng tối đã bắt đầu phủ kín khu vực hành quân. Có lẽ lo ngại địa thế bất lợi cho một cuộc đóng quân đêm và địch quân có thể được tăng cường phản kích, nên cả đơn vị có lệnh khẩn cấp rút quân ra, mang theo tử sĩ và thương binh. Riêng trung đội tôi phải nằm lại để yểm trợ và đề phòng địch quân tập hậu. Khi được lệnh rút ra sau cùng, tôi xin Pháo Binh bắn chặn, để trung đội chia làm hai cánh yểm trợ nhau rút nhanh ra. Lệnh cho anh trung đội phó dắt một tiểu đội và tổ đại liên đi theo triền thấp bên trái, địch khó phát hiện.Tôi đi với cánh quân có lộ trình nguy hiểm hơn, nhưng rất cần thiết để bảo vệ tổ đại liên: đi theo con đường sắt. Phân tán từng toán nhỏ 3 người, nép sát vào vách núi, di chuyển rất nhanh, nhưng chỉ năm phút sau thì nhiều loạt đạn từ trên triền núi phía sau bắn xuống, có cả tiếng B-40, Đạn địch xối xả xuống đường xe lửa, chát chúa ngay sát dưới chân tôi, tóe lên nhiều đốm lửa. Tôi nghe vài tiếng la đau đớn. Anh trung sĩ tiểu đội trưởng và một người lính đi sau lưng tôi trúng đạn. Anh trung sĩ bị bắn vào chân, còn anh lính kia bị thương nặng ở vùng bụng, ruột đổ ra ngoài. Cho người băng vội vết thương bằng các băng cá nhân, tôi vừa gọi xin tiếp ứng và xin Pháo Binh tiếp tục bắn dọc trên triền núi phía sau lưng, rồi cõng anh lính bị thương rất nặng chạy nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm. Người tôi ướt đẫm máu, nước mưa, và cả nước mắt (cho người đồng đội thương binh không có chút hy vọng sống còn).
Trên đường trở lại làng Thạch Tuân đóng quân đêm, cả tiểu đoàn dàn hàng ngang lội bì bõm dưới những đám ruộng ngập đầy nước. Du kích lại bắn ra. Chúng tôi bám theo các bờ ruộng xâm nhập vào làng, nhanh chóng bao vây tứ phía, mấy tên du kích không chạy kịp, trốn dưới hầm bị chúng tôi bắt. Xe tải thương không thể đến được vì không có an ninh lộ trình. Khuya hôm ấy, anh lính bị trọng thương của tôi, vốn là một tân binh quân dịch, quê tận Gò Công, đã trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi, sau khi giao cho tôi cái bóp có hai tháng tiền lương và thì thào lời trối trăng đứt đoạn, nhờ tôi chuyển lại cho vợ và đứa con gái đầu lòng chưa đầy một tuổi mà anh chỉ mới về phép thăm cháu một lần. Đó là người lính đầu tiên dưới quyền đã chết, trên tay tôi. Anh có cái tên rất dân dã mà tôi không bao giờ quên được: Nguyễn văn Tý. Trùng tên người nhạc sĩ sáng tác bài Dư Âm mà tôi thường hay hát. Và sau này, cứ mỗi lần nghe bản nhạc này, tôi lại nhớ đến anh.
Năm tháng sau, bàn giao vị trí lại cho Trung Đoàn 47 BB biệt lập từ Bình Tuy chuyển ra để sáp nhập vào Sư Đoàn 22BB, Tiểu đoàn tôi được tăng phái một chi đoàn Thiết Quân Vận, do Đại úy Bùi Thế Dung chỉ huy, xuống tàu Hải Quân vào tăng cường cho Tiểu Khu Bình Thuận để hành quân giải tỏa Mật khu Lê Hồng Phong. Một mật khu khá rộng lớn với địa thế hiểm trở mà địch đã tăng cường hoạt động từ khá lâu, làm gián đoạn lưu thông trên Quốc Lộ 1, và gây bất an cho cả khu vực mà lực lượng của Tiểu Khu chưa giải quyết được. Giải tỏa áp lực đich và khai thông quốc lộ xong, chúng tôi tiếp tục hành quân tảo thanh và giữ an ninh cho Công Binh thiết lập hai căn cứ Nora và Mara để bàn giao lại cho lực lượng Địa Phương Quân cùng một trung đội Pháo Binh diện địa.
Ba tháng sau, tiểu đoàn được không vận từ Phi trưởng Sông Mao lên tăng cường cho Tiểu khu Quảng Đức, khi có tin tức một đơn vị chủ lực của địch vừa mới xâm nhập từ biên giới Lào-Việt. Lại đúng vào giữa mùa mưa. Mưa triền miên nhưng chỉ lất phất giống như mưa phùn. Những mục tiêu trong lệnh hành quân mà tiểu đoàn chúng tôi phải tiến chiếm đều nằm trên những ngọn núi với toàn là đất đỏ nhão nhoẹt, các lối mòn dẫn lên núi đều trơn như mỡ, nên di chuyển vô cùng khó khăn, chẳng có ai không bị té ngã. Áo quần, ba lô và cả vũ khí đều dính đầy bùn. Những binh sĩ vác các nòng súng cối 81 ly hay 60 ly rất to con, khỏe mạnh, nhưng đều bị té ngã, và đôi khi nòng súng lăn xuống triền núi, phải cử cả một trung đội đi ngược xuống tìm để vác trở lên. Cuộc hành quân phải chậm lại. Có khi di chuyển chỉ một cây số đường chim bay phải mất cả một ngày. Rất may là không đụng trận. Ba ngày sau, tình trạng không khá hơn, nên ông tiểu đoàn trưởng yêu cầu Tiểu Khu tạm ngưng cuộc hành quân trong khu vực ấn định để tìm một kế hoạch khả thi hơn. Cả tiểu đoàn xuống núi, từ quan tới lính đều dính đầy bùn đỏ, từ đầu xuống chân. Mưa rơi liên tục, nhưng không rửa được bùn bám chặt trên người. Tiểu đoàn được lệnh di chuyển về nghỉ quân tại Phi trường Nhơn Cơ, bên ngoài một trại Lực Lượng Đặc Biệt. Mãi gần tối, chúng tôi mới đến vị trí đóng quân đêm. Tất cả đều phải ngủ với nguyên hình hài như thế. Không thể nấu nường được, tất cả đều phải nhai sống lương khô. Hôm sau, từng đại đội luân phiên ra suối tắm rửa và giặt áo quần. Trời vẫn mưa và lạnh căm căm. Trông họ và nhìn lại chính mình, tôi cảm thấy tội nghiệp vô cùng. Ngày trước, tôi cũng biết là người lính bộ binh tác chiến sẽ khổ sở và vất vả, nhưng không thể ngờ được sự thê thảm đến tội nghiệp như hôm nay. Điều gì đã làm họ có thể chịu đựng và chiến đấu trong những hoàn cảnh như thế. Tôi bỗng nghĩ đến những người thanh niên thành phố, nhất là đám sinh viên thường hô hào biểu tình, phản chiến, họ hiểu gì về những người lính chúng tôi như hôm nay. Trong lòng tôi cũng dấy lên nỗi oán hờn, khi nghe những ông lớn chia phe kết phái cấu xé lẫn nhau, tranh chức đoạt quyền, mua quan bán tước. Tất cả đều không xứng đáng sống nhởn nhơ trên nỗi thống khổ và chết chóc của những người lính tội nghiệp này.
Sau này, theo thời gian và chiến công, chúng tôi lần lượt được thăng cấp, giữ những chức vụ cao hơn. Chúng tôi cũng tham dự nhiều trận đánh lớn, không còn ở cấp Tiểu Đoàn như lúc trước, mà đến cấp Trung Đoàn hay cả Sư Đoàn, chúng tôi cũng đã tạo những chiến tích lẫy lừng, như Tết Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Chính đơn vị tôi đã góp phần rất lớn để tạo nên một “Kontum Kiêu Hùng”. Trong hơn mười năm cùng chiến đấu trong đơn vị Bộ Binh rất đỗi tầm thường này, chúng tôi chưa hề một lần bại trận, nhưng rồi cuối cùng, trong bất ngờ tất cả đành phải buông súng, tù tội, tức tưởi, oan khiên.
 Những đồng đội cùng đơn vị ngày tôi mới ra trường đã lần lượt hy sinh, hay bị thương tích, giải ngũ về sống hẩm hiu ở một nơi nào đó. Đến tháng tư 1975 cũng chẳng còn bao nhiêu người sống sót. Anh Trung úy đại đội trưởng đầu tiên của tôi đã tử trận tại Phan Thiết đúng một năm sau đó. Anh Thiếu uý Khóa 19 VB, Trung đội trưởng Trung đội 1, sau này trở thành người bạn thân thiết của tôi, được đặc cách lên thiếu tá tại mặt trận, cũng đã tử thương tại Kontum năm 1972. Bốn thằng bạn cùng khóa với tôi lúc ấy, sau này một thằng hy sinh cũng vào mùa Hè 1972 tại Kontum khi đang là tiểu đoàn trưởng nổi danh của Sư Đoàn, một thằng giải ngũ vì cận thị quá nặng, một thằng bị chết trong tù tận ngoài Nghĩa Lộ, còn tôi thì đang lưu lạc tha phương.
Mỗi lần nhìn mưa rơi, tôi bùi ngùi nhớ tới họ, nhớ tới các cuộc hành quân ướt sũng, lầy lội, lạnh lẽo và khổ nhọc, lòng tôi thắt lại.
Mới đây, một số huynh đệ chúng tôi lưu lạc tìm nhau, quy tụ về Cali họp mặt, để nhìn lại nhau sau bao nhiêu năm dâu biển, đặc biệt cùng tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh. Trong lễ truy điệu, một cựu sĩ quan CTCT của đơn vị (tốt nghiệp Khóa 1 Trường Đại Học CTCT Đà Lạt), đã thay mặt anh em, đứng trước bàn thờ đọc bài truy niệm, gói ghém nỗi niềm chung, làm tất cả đều rưng rưng giọt lệ:
“Chúng tôi đứng quanh đây, lòng hồi tưởng bây giờ còn lưu đọng, chuyển về cố hương xa, đang còn vọng tiếng bi thương.
Hơn bốn ngàn năm rồi, cớ sao mà dân tộc còn cứ mãi đoạn trường? Hồn tiên tổ đã về đây chưa hởi?
Mấy vạn dặm, bôn đào nơi đất khách! Than ôi, giấc mộng buồn thay!
Nhớ thuở xa xưa, Thần Ưng(*) tung cánh bay, Gươm Thiêng cao nguyên trấn ải, để Nam bình Bắc phạt.(**)
Gót chinh nhân đã bao nhiêu lần giẫm nát triền cát mênh mông của Mật Khu Lê Hồng Phong bát ngát, của Bá Ghe, xương trắng quân thù phơi thây, của núi rừng Ga Lăng mịt mờ tử khí.
Nay Lâm Lộc, nắng cháy da, gió rát, xuôi về Sông Lũy.
Mai về Lại An ruộng đồng bát ngát
Qua Bằng Lăng rồi về Hà Thủy
Ruộng dở, đất lở khô cằn,
Bầu Sẻ nghèo nàn, nứt nẻ
Rồi Diên Khánh, Phú Yên mưa lầy mưa lội. Quảng Đức nhuộm đầy bùn đỏ. Qua Phú Nhang. Dừng chân Phú Hội.
Đêm Tân Nông, Ma Lâm Thiện Giáo, pháo cầm canh vang dội.
Từ chiến thắng Đèo An Khê, Man Yang Bình Định đến Kontum vang dội Kiêu Hùng, rồi kéo về Phước An, nhằm giải vây Đắc Lắc.
Rồi bi tráng trong khoảnh khắc – Rồi lịch sử sang trang – Rồi đố nát, điêu tàn…
Rồi bẽ bàng, gãy cánh, tan hàng.
Đông Kontum vỡ toang màu máu. Các vị Tiểu Đoàn Trưởng: Trung Tá Võ Anh Tài,  Đặng Trung Đức, Thiếu Tá Trần Công Lâm, Đỗ Bê, Dương Đình Chính.  Đại úy Nguyễn Văn Pho tự sát trên đường di tản. Nhiều chiến hữu tăng phái thuộc Thiết Đoàn 8 Kỵ Binh, Thiếu Tá Công Binh Mai Văn Trường, Pháo Binh Lê Hữu Chí và hàng hàng lớp lớp chiến sĩ Trung Đoàn 44 giã từ vũ khí, đem máu xương tô điểm màu cờ.
Sống và Chết – Hai nẻo đường chọn lựa. Đem chí trai, dù phải dặm nghìn da ngựa. Lòng ước mơ gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
Miễn mưu cầu làm sao, cho sông núi trường tồn. Gương hy sinh đó ngàn đời sáng ngời trong quân sử.
Vì nước quên mình – Sá chi bèo bọt công hầu khanh tướng.
Sá chi đất lạnh – Mộ bia tàn
Sá gì nghiệt ngã nét thời gian
Cỏ vàng, cây héo, bóng tàn tà dương
Người nằm xuống cho quê hương.
Công ơn đó mênh mông như biển rộng,
Nghĩa hy sinh cao trọng tràn đầy
Dân tộc này ghi khắc mãi nghìn thu     
Trong ánh nến lung linh, trong không gian yên ắng, lòng người sâu lắng, khiến nỗi nhớ thương và lòng truy niệm này thêm ngập nỗi sầu.
Nến rồi cũng tàn – Xác thân rồi cũng tan – Đời người rồi cũng qua – Tổ Quốc rồi cũng rời xa.
Nhưng có một điều vĩnh hằng, bất tử. Đó là Nhân với Dân Tộc, Thành với Tổ Quốc.”
Bài truy niệm đã chấm dứt, nhưng tất cả đều đứng im, bất động, chỉ còn nghe những tiếng sụt sùi.
Thì ra, những cơn mưa trong các cuộc hành quân lầy lội ngày nào dường như vẫn còn đang rơi mãi trong lòng những thằng lính chiến khốn khổ chúng tôi.
Phạm Tín An Ninh
Chú thích:
(*) “Thần Ưng” = danh hiệu của đơn vị.
(**) “Nam Bình – Bắc Phạt – Cao Nguyên Trấn” = phương châm của SĐ23BB

No comments:

Post a Comment