Trần Gia Phụng (Danlambao) - Gần đây, vào cuối năm 2012, ở trong nước xuất hiện bộ phim tài liệu dài 12 tập, mỗi tập dài 30 phút, nhan đề là “Mậu Thân 1968” của đạo diễn Lê Phong Lan do Trung Tân Phim Tài Liệu và Phóng Sự của Đài Truyền Hình Việt Nam, phối hợp với hãng phim Truyền Hình Bản Sắc Việt Nam sản xuất, đã trắng trợn chối bỏ sự thật, thay trắng đổi đen, nhằm xóa bỏ tội ác CS trong vụ tàn sát Tết Mậu Thân. Dư luận dân chúng Huế đã lên án gay gắt bộ phim nầy. Dù CS luôn luôn chủ trương bóp méo lịch sử để chạy tội; dù những nấm mồ dưới lòng đất có thể đã bị tiêu hủy qua thời gian; nhưng những nấm mồ trong tim dân chúng Huế và dân chúng Nam Việt Nam vẫn còn đó. Lịch sử vẫn còn đó. Làm sao CS chạy tội được trước lịch sử! “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”
*
1. Thiệt hại về nhân mạng và tài sản
Theo thống kê của Bộ Tổng tham mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), cho đến cuối tháng 3-1968, tổng số tử vong trên toàn lãnh thổ VNCH của các bên lâm chiến trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) của cộng sản (CS) là:
VNCH: 4,954 sĩ quan và binh sĩ, 14,300 thường dân. (Trong số thường dân nầy, Huế mất khoảng trên 2,000 người.)
Cộng sản 58,373 sĩ quan và binh sĩ.
Hoa Kỳ: 3,895 sĩ quan, binh sĩ và nhân viên Hoa Kỳ (gồm tất cả quân binh chủng).
Đồng minh: 214 sĩ quan và nhân viên Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan và Thái Lan trong các phái bộ viện trợ quân sự tại VNCH.(Phạm Văn Sơn, sđd. tr. 35.)
Số 14,300 thường dân tử nạn là những người đã được khai báo, kiểm kê, trong khi đó còn rất nhiều người mất tích, chết không được khai báo, kiểm kê, nhất là những người ở thôn quê, trong những vùng do cả hai bên (VNCH và CS) kiểm soát.
Trong cuộc tổng tấn công của CS nhân dịp Tết Mậu Thân, tổng số thiệt hại về nhà cửa ở các thành phố ước lượng khoảng 4,5 tỷ đồng VNCH (lúc bấy giờ) theo đó: 84,983 nhà bị hư hại từ 50 đến 100%, 30,343 nhà thiệt hại tới 50%. Riêng tại Sài Gòn, 18, 507 nhà bị thiệt hại từ 50% đến 100%. (PTGDVNHN, sđd. tr. 222. Sách nầy trích số liệu trên đây từ sách The Vietcong Massacre at Hue của bác sĩ Elje Vannema, New York: Nxb. Vintage Press, 1976.)
Theo Trung tâm Khuếch trương Kỹ nghệ, sự thiệt hại trong khu vực kỹ nghệ lên tới 4,541,800,000 đồng đối với 84 cơ xưởng. Riêng ngành dệt, thiệt hại 2,985,400,000 đồng. (Đoàn Thêm, 1968 Việc từng ngày, sđd. tr. 129.)
2. Quân sự
Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, khác với chiến tranh du kích, là sự đối đầu trực tiếp công khai giữa quân lực VNCH và lực lượng CS trong đó có bộ đội chính quy Bắc Việt Nam và MTDTGP. Cuộc tổng tấn công của CS thật sự đã đạt được yếu tố bất ngờ khá cao. (James J. Wirtz, sđd. tr. 28.)
Dầu tổng tấn công bất ngờ, CS hoàn toàn thất bại, không chiếm được các thành phố như chủ trương ban đầu của CS. Nhiều nơi, CSVN phải rút về mật khu, bưng biền, rừng núi, hay tránh sang biên giới Lào và Cao Miên.
Tài liệu CSVN sau nầy công khai xác nhận sự thất bại nặng nề của họ. “Cuối tháng 9 [1968], hoạt động quân sự của ta [CSVN] đã ngừng lại. Sau một thời gian dài liên tục tấn công vào đô thị - chỗ mạnh của địch trong điều kiện chúng đã bố phòng, lực lượng ta bị tiêu hao, bổ sung không kịp, tiếp tế khó khăn, phải rút về củng cố...” “Lực lượng vũ trang bị tiêu hao không được bổ sung. Tiếp tế lương thực rất khó khăn. Ở Tây nguyên, toàn bộ số gạo còn lại của năm 1968 chỉ còn phần ba so với số lượng tồn kho năm 1967. Dự trữ lương thực đến giữa năm 1969 chỉ đủ nuôi bộ đội ta trong khoảng một tuần...” (Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, tr. 35 và tr. 57. Lưu Văn Lợi là nhân viên phái đoàn BVN tại hội nghị Paris, sách viết ở trong nước. Bản in đưa bán ra nước ngoài, không đề nơi và năm xuất bản.)
Quân lực VNCH tuy lúc đầu bất ngờ, nhưng nhờ khả năng phản ứng nhanh lẹ, nên đã mạnh mẽ chận đứng được những đợt tấn công của CS khắp nước, gây thiệt hại lớn lao cho CS. Con số 58,373 cán binh CS tử thương có thể còn thấp so với số thực sự CSVN mất mát.
Sau vụ Tết Mậu Thân, khi được tổng thống Hoa Kỳ gởi sang thị sát chiến trường Việt Nam ngày 23-2-1968, tướng Earle G. Wheeler, trong báo cáo gởi về Washington D.C., đã nhấn mạnh: “Các lực lượng võ trang Việt Nam Cộng Hòa đã kháng cự cuộc tấn công ban đầu với một sức mạnh thần kỳ.” (Tường trình của tướng Earle G. Wheeler được tướng Yves Gras (người Pháp) trích dẫn trong bài "L'autre armée Vietnamienne, L'engagement des Vietnamiens dans la guerre d'Indochine (1945-1975)", đăng trong sách Indochine: Alerte à l'histoire của một nhóm tác giả, Académie des Sciences d'Outre-Mer [Viện Hàn Lâm Khoa Học Hải Ngoại], Institut de l'Asie du sud-est [Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á] và Association nationale des anciens d'Indochine [Hiệp Hội Quốc Gia Cựu Chiến Binh Đông Dương] đồng xuất bản, Paris, 1985, tr. 279.)
Khi bình luận về trận Mậu Thân, ông Yves Gras, một tướng lãnh Pháp, cũng đã viết: “Quân đội Nam Việt giữ vai trò chủ yếu trong các trận đánh bẻ gãy cuộc tấn công của phương Bắc trong Tết Mậu Thân vào tháng 2 năm 1968." (Yves Gras, bài đã dẫn.)
Phía CS cũng rất bất ngờ về sức chiến đấu bền bĩ của quân lực VNCH. (Leo J. Daugherty, Gregory Louis Mattson, NAM, a Photographic History, New York: MetroBooks, 2001, tr. 314.) Một viên tướng CS tham gia trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đã thú nhận: “Nhưng mặt khác, trong Tết Mậu Thân, ta không đánh giá đúng về tương quan lực lượng ta địch cụ thể lúc ấy, không thấy hết khả năng còn lớn của địch và điều kiện còn hạn chế của ta, đề ra yêu cầu quá cao sức thực tế ta có...” (Trần Văn Trà, Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, TpHCM: Nxb. Văn Nghệ Thành Phố, 1982, tr. 57.)
Một điều tàn ác là sau khi CS rút lui, dân chúng phát hiện nhiều xác binh sĩ CS bị cột vào các ổ súng phòng không bằng xích sắt, đặt trên hoàng thành bao chung quanh thành nội Huế, nghĩa là binh sĩ CS không thể trốn chạy được, mà phải chiến đấu tại chỗ cho đến chết. (Nhiều người viết, Technology and the Air Force: A Retrospective Assessement, Washington D.C: Air Force History and Museums Program, United States Air Force, 1997, tr. 129.)
3. Chính trị
Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của CS vào các thành phố VNCH tạo ra những phản ứng khác nhau tại Việt Nam và Hoa Kỳ.
Cộng sản vi phạm quyết định hưu chiến, mở cuộc tổng tấn công trong dịp Tết thiêng liêng trên toàn cõi miền NVN, tàn sát dân chúng vô tội làm cho dân chúng kinh sợ. Chẳng những dân chúng không hưởng ứng lời kêu gọi tổng khởi nghĩa của CSVN, mà dân chúng còn trốn tránh vùng CS tạm chiếm, bỏ chạy về phía quân đội VNCH và quân đội Mỹ. Uy tín của quân đội VNCH và chính phủ VNCH lên cao trong lòng dân chúng Việt Nam.
Ở ngoài nước, cuộc tổng tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân (1968) của CS đã gây một tiếng vang lớn trên thế giới, tạo một đòn tâm lý khá nặng đánh vào dân chúng Hoa Kỳ. Việc quân đội CS đột kích vào các thành phố NVN khiến cho dân chúng Hoa Kỳ, ở xa Việt Nam nửa vòng trái đất, nghĩ rằng tình hình quân sự VNCH quá xấu, nên họ lo ngại về số phận của thân nhân trong quân đội Hoa Kỳ đang chiến đấu tại Việt Nam.
Đó là cơ hội tốt cho phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ hoạt động mạnh. Những gia đình có thân nhân thuộc thành phần động viên, tham gia tích cực các cuộc biểu tình, vận động rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam. Phong trào phản chiến Hoa Kỳ luôn luôn khuếch đại và bôi đen những hoạt động của quân đội Đồng minh và VNCH.
Ví dụ tấm hình đại tá Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia xử tử tại chỗ ngày 1-2-1968 một cán binh CS trên đường Sư Vạn Hạnh Sài Gòn, gần chùa Ấn Quang. Đại tá Loan nổi giận vì nguyên cả gia đình của một sĩ quan Cảnh sát, thuộc quyền của ông, ngay trước đó đã bị cán binh nầy giết chết. (Leo J. Daugherty, Gregory Louis Mattson, NAM… sđd. tr. 266.)
Tấm hình nầy do Eddie Adams chụp. Do tấm hình nầy, Eddie Adams được giải Pulitzer về báo chí ở Hoa Kỳ năm 1969. Tấm hình nầy gây những ảnh hưởng bất lợi về chính trị cho VNCH. Cộng sản và phản chiến Hoa Kỳ lợi dụng tấm hình nầy để tuyên truyền đòi Hoa Kỳ rút quân.
Về sau, tác giả tấm hình, Eddie Adams đã viết trên tuần báo Time, số Chủ nhật 24-6-2001 như sau: “Bức ảnh này đã thực sự làm xáo trộn đời ông [Nguyễn Ngọc Loan]. Ông không bao giờ trách cứ tôi. Ông nói nếu tôi không chụp tấm hình này, thì người khác cũng sẽ chụp, nhưng tôi cảm thấy áy náy với ông và với gia đình ông trong một thời gian dài. Tôi vẫn giữ liên lạc với ông. Lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau cách đây khoảng sáu tháng, khi ông rất yếu. Khi được tin ông mất, tôi gửi hoa phúng điếu và đã viết, "Tôi xin lỗi. Có những giọt nước mắt trong mắt tôi.[Tôi đang khóc ông.]"
Trong khi đó, phong trào phản chiến Hoa Kỳ cố tình bỏ qua những cuộc khủng bố và tàn sát của CSVN, nhứt là vụ tùng xẻo dã man và chôn sống người tại Huế trong Tết Mậu Thân. Một ký giả Đức có mặt tại Huế, chứng kiến cảnh một toán phóng viên truyền hình Mỹ thờ ơ nhìn các mồ chôn tập thể. Khi có người hỏi tại sao không quay cảnh các mồ tập thể nầy thì một phóng viên Mỹ trả lời: “Chúng tôi đến đây không phải để quay phim tuyên truyền chống cộng.” (UweSiemon-Netto, Đức - A repoter’s love for a wounded people, California: 2013, tr. 252.)
Khi rút lui, quân CS đã đưa đi theo một số nhân vật tên tuổi như thượng tọa Thích Đôn Hậu (chùa Từ Đàm, Huế), các ông Lâm Văn Tết, Trịnh Đình Thảo (Sài Gòn)...
4. Những thay đổi quan trọng
Để tăng cường sức mạnh quân sự, tướng Westmoreland xin chính phủ Mỹ tăng viện khẩn cấp một trung đoàn TQLC và một lữ đoàn Nhảy dù thuộc sư đoàn 82. Ngày 13-2-1968, bộ Quốc phòng Mỹ chấp thuận tăng 10,500 quân. (John S. Bowman, sđd. tr.20.)
Mười ngày sau, khi đại tướng tham mưu trưởng Liên quân Earle Wheeler đến Việt Nam, ngày 23-2-1968, đại tướng Wesmoreland đưa ra đề nghị tăng thêm 206,000 quân đến Việt Nam, nhưng đề nghị nầy không được chấp thuận. (Stanley Karnow, Vietnam, a History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 551.)
Cũng trong ngày 23-2-2968, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh thay hai tư lệnh quân đoàn cùng một lúc. Thiếu tướng Lữ Lan thay thiếu tướng Vĩnh Lộc làm tư lệnh Quân đoàn II, và thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng thay thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh giữ chức tư lệnh Quân đoàn IV.
Ngày 27-2-1968, tướng Edward Lansdale (trở lại Việt Nam làm việc tại Tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn từ 1965), đề nghị với đại sứ Mỹ là Bunker giúp củng cố quyền lực tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhằm chấm dứt tình trạng lưỡng đầu trong chế độ VNCH, tức bắt đầu giảm quyền của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ. (Chính Đạo, Mậu Thân..., tr. 348.)
Trong tháng 2-1968, chính quyền VNCH ra lệnh “bảo vệ an ninh”, một hình thức giam lỏng, một số nhân vật chính trị, như thượng tọa Thích Trí Quang, đại đức Thích Hộ Giác, đại đức Thích Liễu Minh, luật sư Trương Đình Du, Âu Trường Thanh, Trần Thúc Linh, Hồ Thông Minh (mới từ Pháp về), nhằm tránh bị CS lợi dụng, theo giải thích của chính quyền. Ngày 11-4-1968, Hồ Thông Minh và Trương Đình Du được thả ra. Hồ Thông Minh bị trục xuất về Pháp, còn Trương Đình Du bị bắt lại ngày 1-5-1968. Việc “bảo vệ an ninh” cho các tu sĩ chấm dứt ngày 30-6-1968. (Đoàn Thêm, 1968 Việc từng ngày, sđd. tr. 226.)
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert McNamara, từ chức từ ngày 29-11-1967, nhưng sau biến cố Tết Mậu Thân mới rời chức vụ ngày 29-2-1968, và được Clark Clifford thay thế. (Clifford làm việc đến khi tân tổng thống Richard Nixon nhận chức 20-1-1969.)
Trong cuộc họp báo ngày 22-3-1968, tổng thống Johnson tuyên bố hai sự thay đổi quan trọng: 1) Sẽ đưa đại tướng Westmoreland lên làm tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ từ ngày 2-7-1968 và đại tướng Creighton W. Abrams sẽ thay thế Westmoreland tại Việt Nam. 2) Đô đốc Ulysse Grant Sharp, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ giải ngũ trong tháng 7-1968 và đô đốc John McCain, Jr. sẽ lên thay. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 103.)
Về phía CS, do MTDTGP thiệt hại nặng nề trong cuộc tổng tấn công. Lãnh đạo đảng LĐ ở Hà Nội nhân cơ hội nầy, đưa cán bộ và bộ đội từ BVN vào NVN điền thế, củng cố và điều khiển chặt chẽ MTDTGP. Nói cách khác, từ đây MTDTGP không còn những thành phần tuy đối kháng với chính thể NVN, nhưng chưa hoàn toàn quy phục Hà Nội. Cũng từ đây, CS Hà Nội nắm phần điều khiển 100% MTDTGPNVN.
Tuy CS thất bại về quân sự trong cuộc tổng tấn công, nhưng CS đã gây được tiếng vang trên thế giới và đặc biệt tại Hoa Kỳ, nơi đang diễn ra phong trào phản chiến, đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải rút quân khỏi Việt Nam. Phong tào phản chiến Hoa Kỳ sẽ rất dữ đội trong năm sau, 1969.
Kết luận
Lúc đầu, đảng LĐ tức đảng CSVN tìm cách chối bỏ trách nhiệm về cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi của một ký giả Tây phương vào năm 1969, bộ trưởng bộ Quốc phòng Bắc Việt Nam lúc đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chối rằng Hà Nội không tổ chức tổng tấn công Tết Mậu Thân: "Chúng tôi không dính gì tới chuyện đó. Chuyện đó do Mặt trận [Dân tộc Giải phóng] thực hiện." (Don Oberdorfer, sđd. tr. 45. Nguyên văn: "We had nothing to do with it. The [National Liberation] Front put it on.") Tuy nhiên, theo những tài liệu càng ngày càng được phát hiện rõ ràng, cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân hoàn toàn do đảng LĐ ở BVN chủ trương.
Đảng LĐ bất kể truyền thống cổ truyền về ngày Tết dân tộc, không tôn trọng những cam kết về hưu chiến, bất ngờ tổng tấn công để giành lấy thắng lợi. Đảng LĐ không thành công trên chiến trường. Miền NVN vẫn đứng vững. Đảng LĐ không tổ chức được cuộc tổng khởi nghĩa.
Dân chúng không hưởng ứng cuộc tổng khởi nghĩa của CS, bỏ vùng CS tạm chiếm, chạy về phía quân đội VNCH. Dân chúng lại ghê sợ những sáng kiến giết người dã man của cán bộ CS, nhất là việc chôn sống người. Cuộc tổng tấn công và tàn sát của CS là một thông điệp đỏ gây khủng bố và khiếp sợ cho dân chúng thành phố NVN đối với CS. Từ đây, chẳng những dân chúng nông thôn mà cả dân chúng thành phố cũng rất hãi hùng bàn tay sắt máu của CS. Đó là lý do vì sao khi ra hải ngoại, một số người có thân nhân bị CS tàn sát, không dám lên tiếng tố cáo CS, vì sợ bà con trong nước bị CS giết tiếp.
Nói chung, dầu thất bại về quân sự, CS Hà Nội đã đạt được các dự tính chính trị quan trọng qua biến cố Tết Mậu Thân, gây chấn động mạnh ở Hoa Kỳ khiến những cuộc biểu tình phản chiến càng ngày càng gay gắt.
Một điểm cần ghi nhận thêm là để xóa dấu vết tội ác trong biến cố Mậu Thân tại Huế, sau khi chiếm được miền Nam năm 1975, CS tuyên phong “liệt sĩ” cho một số người bị CS giết, đổ tội cho “Mỹ Ngụy” chứ không phải CS sát hại. Đểu đến thế là cùng. Gia đình những “liệt sĩ” nầy không dám từ chối sự phong tặng vì sợ CS tàn sát thêm lần nữa.
Gần đây, vào cuối năm 2012, ở trong nước xuất hiện bộ phim tài liệu dài 12 tập, mỗi tập dài 30 phút, nhan đề là “Mậu Thân 1968” của đạo diễn Lê Phong Lan do Trung Tân Phim Tài Liệu và Phóng Sự của Đài Truyền Hình Việt Nam, phối hợp với hãng phim Truyền Hình Bản Sắc Việt Nam sản xuất, đã trắng trợn chối bỏ sự thật, thay trắng đổi đen, nhằm xóa bỏ tội ác CS trong vụ tàn sát Tết Mậu Thân. Dư luận dân chúng Huế đã lên án gay gắt bộ phim nầy.
Dù CS luôn luôn chủ trương bóp méo lịch sử để chạy tội; dù những nấm mồ dưới lòng đất có thể đã bị tiêu hủy qua thời gian; nhưng những nấm mồ trong tim dân chúng Huế và dân chúng Nam Việt Nam vẫn còn đó. Lịch sử vẫn còn đó. Làm sao CS chạy tội được trước lịch sử! “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”
Hết
Những phần đã đăng bởi Danlambao:
(Toronto, 17-4-2016)
No comments:
Post a Comment